Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

20/10/2017

Tư tưởng Tập Cận Bình

Trương Nhân Tuấn

Qua bài diễn văn "quan trọng" của Tập Cận Bình trong Đại hội 19 đảng cộng sản Trung Quốc hôm 18/10, thấy là không có hề vụ "giảm Đặng tăng Mao đề cao ý Tập" như báo chí Việt Nam đã viết mấy hôm trước. Đoạn phát biểu về "tư tưởng xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung Quốc trong thời đại mới" cho ta thấy điều này.

tutuong0

Tập Cận Bình phát biểu trước Đại hội 19 đảng cộng sản Trung Quốc ngày 18/10/2017

Thế nào là "tư tưởng xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung Quốc trong thời đại mới" ?

Nếu ta xem xem đây là "tư tưởng" của Tập Cận Bình thì tư tưởng này phản ảnh sự liên tục và kế thừa các chủ nghĩa, các tư tưởng và những nguyên tắc… nền tảng mà trên đó đã xây dựng nên quốc gia Cộng hòa nhân nhân Trung Quốc từ 1949 đến nay.

Bài tóm tắt diễn văn của họ Tập trên Tân Hoa Xã ta thấy tư tưởng đó là sự tiếp nối và phát triển của : 1/ chủ nghĩa Mác Lênin, 2/ tư tưởng Mao Trạch Đông, 3/ lý thuyết Đặng Tiểu Bình, 4/ tư tưởng quan trọng về "Ba đại diện" của Giang Trạch Dân và 5/ "nguyên tắc phát triển khoa học" của Hồ Cẩm Đào.

Tức là không hề có việc "giảm Đặng tăng Mao" chi cả.

Tư tưởng của Tập Cận Bình, (trên danh nghĩa là sự kế thừa chủ nghĩa Mác Lênin và các tư tưởng, lý thuyết của các lãnh đạo tiền bối), Theo Tân hoa Xã là đặt trên "14 nguyên tắc nền tảng" (nhưng không công bố chi tiết).

Trên báo chí Việt Nam cũng thấy nhiều người ngộ nhận, cho rằng Tập Cận Bình là tác giả của lý thuyết "xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung Quốc".

"Xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung Quốc" khởi nguồn là "lý thuyết" của Đặng Tiểu Bình. Sang thời Tập Cận Bình nó được đưa lên hàng "tư tưởng".

Mà tính từ thời của Đặng, thực tế "lý thuyết xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung Quốc" đã hất chân chủ nghĩa Mác Lênin và tư tưởng Mao Trạch Đông.

Bởi vì "xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung Quốc" cho thấy đã thành công, trên lý thuyết lẫn thực tế.

Cái "màu sắc Trung Quốc" là cái cụ thể, thấy được, chỉ định ra được. Trong khi "xã hội chủ nghĩa" của Mác Lênin là "trừu tượng", nếu không nói là sự thất bại thể hiện qua sự sụp đổ của Liên Xô các các nước trong khối xã hội chủ nghĩa cũ.

Những thành quả đạt được của xã hội Trung Quốc từ thời Đặng Tiểu Bình đến hôm nay đều được xem là (thuộc về) "xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung Quốc". Ta có thể lý luận như vậy cho đến những năm 2030, 2050… nếu đảng cộng sản Trung Quốc vẫn còn trị vì ở lục địa.

Cái hay của các lãnh đạo Trung Quốc cận đại và hiện đại là mỗi thời đều có một nhân vật kiệt xuất, đề ra được một tư tưởng, một nguyên tắc "kinh bang tế thế" không tách rời hay phủ nhận quá khứ, phù hợp với thời đại, một mặt để phát triển đất nước, mặt khác để giữ độc quyền lãnh đạo cho đảng cộng sảnTrung Quốc.

Trong khi Việt Nam thì không hề được như vậy. Đến nay (hiến pháp 2013) vẫn "nhơi lại", lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng.

Vấn đề là đảng cộng sảnTrung Quốc đề xuất ra cái gì mới thì lãnh đạo cộng sản Việt Nam ôm về áp dụng cho mình.

Trung Quốc đề xuất "Xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung Quốc, kinh tế thị trường bản sắc Trung Quốc" thì Việt Nam có "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa".

Trung Quốc đề xuất "xây dựng quốc gia pháp trị xã hội chủ nghĩa" thì Việt Nam có "nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa".

Vấn đề là Trung Quốc thành công bao nhiêu thì Việt Nam thất bại bấy nhiêu.

Về kinh tế, không cần phải bàn thêm.

Về "nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa", do ông Đổ Mười đề xuất, được sự cố vấn pháp luật của Pháp và Đức (qua các hiệp ước đến nay còn hiệu lực).

Tức là nhà nước Việt Nam được xây dựng trên mô hình "Etat de Droit" của Pháp (và Đức) (chớ không phải "the Rule of Law" của Anh hay Mỹ).

Nhưng thực chất (về pháp chế) của nhà nước này, qua vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh hay các vụ án tham nhũng gần đây, ta thấy có sự hiện hữu song hành (trong quốc gia) hai tiêu chuẩn về luật (double standard). Một là "luật của đảng" và hai "luật của quốc gia".

Bên Trung Quốc Tập Cận Bình áp dụng "quốc gia pháp trị", mặc dầu có cái đuôi "xã hội chủ nghĩa", nhưng làm cái gì họ cũng dựa vào pháp luật mà làm. Vì vậy họ xử hàng triệu đảng viên tham nhũng, lạm quyền. Trong đó có hàng ngàn vụ phải đưa người qua nước ngoài "bắt cóc" đem phạm nhân về xử.

Xã hội Trung Quốc cũng được "công bằng" hơn, dân chúng khá giả hơn, các vụ án được phân xử "nghiêm minh", theo luật lệ.

VN đã bắt chước Trung Quốc về mọi mặt nhưng thất bại trên mọi phương diện. Xã hội Việt Nam "bầy hầy" như nồi cháo heo.

Trung Quốc luôn có tư tưởng chính trị nền tảng, có sự liên tục giữa các thời kỳ, luôn có một kế hoạch phát triển quốc gia….

Cái chết của Việt Nam là bắt chước Trung Quốc một cách vô thức, không suy nghĩ (như một con khỉ).

Lại càng chết là đại bộ phận trí thức Việt Nam vẫn không biết điều đó.

Thấy họ "ê a" giải thích cái gọi là "pháp quyền" của Đổ Mười sao cho khác cái "quốc gia pháp trị" của Trung Quốc (và các nước có nguồn gốc chữ viết Hoa văn như Đài loan, Nhật, Nam Hàn) thấy thật là phiền.

Trương Nhân Tuấn

Nguồn : fb.nhantuan.truong, 19/10/2017

Quay lại trang chủ
Read 892 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)