Chính quyền Hà Nội một lần nữa bị cho là mạnh tay đàn áp phong trào tự do dân chủ qua bản án tù mới nhất dành cho nhà hoạt động Phan Kim Khánh. Các bản án tù như thế tác động như thế nào đối với những người dân trong nước, nhất là giới trẻ hiện nay ?
Người dân biểu tình chống tập đoàn Đài Loan Formosa ở trung tâm thành phố Hà Nội vào ngày 01 tháng 5 năm 2016. Photo : AFP
Càng bắt bớ càng dấn thân
Trong khoảng thời gian từ đầu năm 2017 đến nay, không chỉ cộng đồng cư dân mạng mà nhiều bạn trẻ trong nước chú ý đến những cái tên như Nguyễn Văn Hóa, Phan Kim Khánh, Trần Hoàng Phúc… để tìm hiểu xem họ là ai cũng như vì sao họ bị bắt.
Trần Hoàng Phúc là thành viên của nhóm Sáng kiến Lãnh đạo Đông Nam Á-YSEALI, do cựu tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama lập nên. Phan Kim Khánh là một sinh viên rất quan tâm đến hiện tình đất nước và có nhiều bài viết chống vấn nạn tham nhũng tại Việt Nam. Phan Kim Khánh cũng từng nhận được học bổng tham gia khóa đào tạo của Đại sứ Quán Hoa Kỳ, tổ chức ở Hà Nội cho thành viên cuả Chương trình Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á. Nguyễn Văn Hóa là một người tích cực đưa tin liên quan hậu quả của thảm họa môi trường biển do Fomosa gây nên. Cả ba bạn trẻ, tuổi ngoài 20 này đều bị bắt giữ và bị khởi tố vì tội "tuyên truyền chống nhà nước", theo điều 88 Bộ Luật Hình Sự Việt Nam.
Đài RFA liên lạc với một số bạn trẻ ngay sau phiên tòa xét xử anh Phan Kim Khánh vào ngày 25 tháng 10, với bản án 6 năm tù giam và 4 năm quản chế dành cho anh, chúng tôi nhận được sự ủng hộ việc làm của anh Phan Kim Khánh. Có những bạn trẻ nói rằng, qua các thanh niên như Nguyễn Văn Hóa, Phan Kim Khánh, Trần Hoàng Phúc mà họ hiểu biết rõ hơn về quyền tự do tư tưởng và tự do ngôn luận của người dân được quy định trong Hiến pháp ra sao cũng như nhận thức được thế nào là vi phạm nhân quyền của Nhà nước Việt Nam.
Bạn trẻ Đặng Nguyễn Hữu Trường, thế hệ 9X chia sẻ việc bắt giữ hay các bản án tù đày mà những người từng cất tiếng nói để góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp hơn bị gánh chịu càng thôi thúc bản thân phải dạn dĩ hơn nữa :
"Khi em lớn lên là em bắt đầu nói ra những gì mình nhận thức được. Em không có gì gọi là ái ngại hết. Thực chất chẳng ai xúi giục mà tiếng nói từ trong lòng mình ra thôi. Thấy những thứ trái ngang trước mắt thì phải nói. Và những người đã cất tiếng nói mà bị bắt thì những ai giam cầm họ là không chính nghĩa. Mình cũng phải nối tiếp những người đã bị bắt. Đó là động lực để cho mình càng phải lên tiếng. Những kẻ nắm quyền đâu thể nào bắt hết được".
Còn những người đã từng dấn thân vì dân chủ cho Việt Nam có lo ngại hay sợ sệt trước việc nhà cầm quyền Hà Nội ngày càng mạnh tay bắt bớ để dập tắt những tiếng nói đối lập ôn hòa hay không ? Bạn trẻ Khúc Thừa Sơn, ở Đà Nẵng, một cư dân mạng có các bài viết về hiện tình đất nước và đang bị chính quyền địa phương liên tục mời làm việc, không tỏ ra nao núng trước bản án tù mà những người cùng chí hướng với anh bị tuyên xử. Anh Khúc Thừa Sơn khẳng định :
"Để hối tiếc đã chọn con đường đấu tranh thì chắc chắn không có ai và họ sẽ đi tiếp. Bản thân em cũng sẽ theo đuổi con đường này dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào. Đặc biệt, em đơn cử những người đã trải qua các bản án tù và ra tù họ vẫn tiếp tục con đường đấu tranh, mà thậm chí họ còn đấu tranh dũng cảm và mạnh mẽ hơn".
Sức lan tỏa cấp số nhân
Trường hợp các tù nhân lương tâm trẻ tuổi như Nguyễn Viết Dũng, Trần Minh Nhựt, Lê Văn Sơn…rõ ràng là minh chứng cho thấy những năm tháng tù đày không khuất phục được ý chí vì lý tưởng tự do dân chủ của họ. Sau khi ra tù, họ càng đấu tranh mạnh mẽ hơn và tinh thần bất khuất đó được loan tỏa mỗi ngày một nhiều hơn.
Cựu tù nhân lương tâm, Thạc sĩ Nguyễn Tiến Trung cho rằng ngày càng có nhiều bạn trẻ tham gia vào phong trào dân chủ tại Việt Nam là lẽ đương nhiên vì :
"Thứ nhất, mạng xã hội ở Việt Nam rất phát triển như Facebook hay Youtube giúp cho giới trẻ biết đến nhiều tiếng nói đa chiều hơn, qua đó họ có được sự nhận thức lại so với những gì họ được học ở trường.
Thứ hai là do vấn đề bất công ở Việt Nam bây giờ rộng khắp. Không cần đọc báo lề trái mà đọc ngay trên báo chính thống nhà nước cũng vậy thôi, người ta thấy bất công rất nhiều, ngay trong lĩnh vực nào cũng có bất công hết. Cho nên điều đó tác động đến giới trẻ nói riêng và người dân nói chung rất là rõ. Do đó, càng lúc ngày càng đông người trẻ nhận thức và tham gia vào phong trào dân chủ hay phong trào dân sự thì tôi thấy phù hợp với quy luật là nhận thức chung của xã hội ngày càng được nâng cao".
Các nhà quan sát tình hình Việt Nam trong và ngoài nước lên tiếng các biện pháp đàn áp của nhà cầm quyền Hà Nội không mang lại kết quả dập tắt được phong trào dân chủ trong xu thế chung của thế giới. Những biện pháp đó tạo ra tác dụng ngược ; nghĩa là song song với những bản án tù nặng nề thì nhiều tiếng nói càng được hòa thanh vì tương lai tự do dân chủ cho Việt Nam ; chẳng hạn không phải một Đinh Nguyên Kha, một Nguyễn Ngọc Như Quỳnh hay một Phan Kim Khánh… mà từ họ cấp số nhân được tăng lên, bắt nguồn qua những bà mẹ của tù nhân lương tâm Nguyễn Thị Kim Liên, Nguyễn Tuyết Lan và Đỗ Thị Lập…
Hòa Ái, phóng viên RFA
Nguồn : RFA, 25/10/2017