Dưới đầu đề "Biểu tình từ Mỹ sang Úc và châu Âu phản đối Donald Trump" đài RFI của Pháp ngày 21/01/2017 đã mô tả : "Hiếm khi một tổng thống Mỹ lên nhậm chức lại gặp phản đối dữ dội cả ở trong nước lẫn ngoài nước như ông Donald Trump".
Trên Facebook, ban tổ chức cuộc "Tuần hành của nữ giới" cho biết là có đến hơn 637 cuộc xuống đường hôm nay để chống những luận điệu khinh miệt phụ nữ, kỳ thị chủng tộc và bài Hồi giáo của tân tổng thống Mỹ.
Tại Washington DC, trước điện Capitol (Quốc hội) và trên đường đến tòa Bạch Ốc dài khoảng 2 dặm, có trên nữa triệu người tập trung, nên không còn chỗ cho người biểu tình đứng. Trong khi đó, trong bài diễn văn nhậm chức, Donald Trump mô tả nước Mỹ trước khi ông lên nhậm chức là một nước Mỹ đen tối : "Các chính khách giàu to nhưng việc làm ra đi, nhà máy đóng cửa. Giới cai trị tự bảo vệ mình nhưng không bảo vệ công dân đất nước"... Ông tuyên bố "chúng ta sẽ làm nước Mỹ tuyệt vời trở lại" !
Biểu tình chống tân Tổng thống Donald Trump tại Washington ngày 21/01/2017
Trong dịp "tống cựu nghinh tân" này chúng ta hãy nhìn lại nước Mỹ trong thập niên vừa qua và rồi Donald Trump sẽ đưa nước Mỹ và thế giới đi về đâu.
Vượt qua một giai đoạn khó khăn
Muốn biết những nhận xét ông Trump đưa ra về nước Mỹ trong thập niên vừa qua có đúng hay không, trước hết chúng ta thử nhìn lại trong 8 năm cầm quyền, ông Obama đã làm được những gì và những gì chưa làm được.
I. Những thành công của Obama
Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama (2009-2017)
1. Cứu vãn nền kinh tế Mỹ
Tháng 1 năm 2009 khi ông Obama lên nhận chức thì cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ đang diễn ra do sự gian lận của các công ty và ngân hàng địa ốc, đưa tới cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2010. Các nhà phân tích cho rằng đừng gọi đó là khủng hoảng tài chánh, mà phải nói đó là một "thủ thuật trộm cắp" lớn nhất trong toàn cõi hệ thống ngân hàng. Tháng 8 năm 2008 tổ chức Lehman Brothers, một tổ chức tài chính vào loại lớn và lâu đời nhất của Mỹ, bị phá sản, sau đó là một số công ty khác, trong đó có 3 nhà sản xuất xe hơi hàng đầu của Mỹ là General Motors, Ford Motor và Chrysler LLC. Khoảng 8 triệu người lao động mất việc làm, 7 triệu bị tịch biên nhà ở, thị trường địa ốc đóng băng.
Tháng 9 năm 2008, Thượng viện Hoa Kỳ phải thông qua Đạo luật Ổn định Kinh tế Khẩn cấp cho phép Bộ Tài chánh chi tới 700 tỷ USD để cứu nền tài chính của Mỹ bằng cách mua lại các khoản nợ xấu của ngân hàng, đặc biệt là các chứng khoán đảm bảo bằng bất động sản. Văn Phòng Nghiên Cứu Kinh Tế Quốc Gia (NBER) cho rằng đây là đợt suy thoái nghiêm trọng nhất ở Hoa Kỳ kể từ sau Thế chiến thứ 2. Bình quân mỗi tháng có 84 nghìn lượt người lao động Hoa Kỳ bị mất việc làm.
Khi nhận chức, ông Obama đã hợp tác với Cục Dự Trữ Liên Bang (FED-Federal Reserve) đưa ra biện pháp gọi là "nới lỏng định lượng" (quantative easing), tức tung ra thị trường một khối lượng tiền tệ lớn dưới dạng công trái, trong đó FED mua đến khoảng 2 phần 3 (gióng như in bạc). Cùng với số lượng tài chánh này, lãi suất cho vay được hạ xuống cực kỳ thấp đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp và cá nhân chi tiêu. FED cũng tung 3 chương trình mua lại trái phiếu quy mô lớn, nhằm giảm lãi suất dài hạn.
Ngoài ra, số tiền này còn được dùng để tân trang hay xây dựng hạ tầng cơ sở, thu hút nhân công, làm nạn thất nghiệp giảm xuống. Nhờ vậy, tháng 10/2009, tỷ lệ thất nghiệp Mỹ lên tới 10,3% nay đã sụt xuống còn 4,7%, một mức thấp chưa từng thấy. Tính từ năm 2009 đến nay, số người thất nghiệp có công ăn việc làm đã lên trên 16 triệu người.
Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump liên tục tuyên bố sẽ đưa ngành sản xuất của Mỹ tuyệt vời trở lại. Nhưng trên thực tế, ngành sản xuất ở Mỹ đã phát triển mạnh dưới thời Obama.
Dĩ nhiên là các biện pháp nói trên đã đưa số nợ của Hoa Kỳ lên cao. Khi ông Obama lên cầm quyền, số nợ của Hoa Kỳ khoảng 1.600 tỉ USD, nay đã lên đến 19.160 tỉ USD, trong đó nợ nước ngoài 6.290 tỉ USD. Trung Quốc vẫn là chủ nợ lớn nhất của Mỹ với 1.240 tỉ USD, tiếp theo là Nhật Bản 1.140 tỉ USD. Nếu số nợ vượt quá tổng sản lượng quốc nội (GDP) sẽ gây ra tình trạng lạm phát. GDP của Mỹ hiện nay khoảng 18.678 tỉ USD. Như vậy lạm phát đang bắt dầu. FED đang tăng lãi suất để làm giảm bớt khối tiền tệ trên thị trường.
2. Cải tổ hệ thống y tế
Cải tổ y tế là vấn đề khó nhất ở Hoa Kỳ vì nó đụng chạm đến quyền lợi của giới kinh doanh y tế Hoa Kỳ. Các tổng thống trước đã không thành công trong nỗ lực này. Nhưng năm 2010 ông Obama đã ban hành luật "Patient Protection and Affordable Care Act" (PPACA-Luật bảo vệ bệnh nhân và chăm sóc sức khỏe hợp với khả năng chi trả), thường được gọi là Obamacare, để giúp mọi người dân Hoa Kỳ đều có bảo hiểm sức khỏe. Trước đó, số người không có bảo hiểm y tế tại Hoa Kỳ lên đến 40%. Mặc dầu Obamacare chưa đạt tới mức "y tế xã hội chủ nghĩa" (universal heathcare) như ở Pháp hay Cannada, nhưng nó cũng giúp giải quyết được nhiều khó khăn cho những người cần săn sóc y tế. Hiện nay, có trên 20 triệu người đã mua Obamacare.
Tuy nhiên, luật này cũng tạo ra nhiều thủ tục rắc rối, gây thêm tốn kém cho chính phủ và làm giảm phúc lợi của một số ngành kinh doanh y tế như các hãng sản xuất thuốc tây, các hãng bảo hiểm y tế, các hãng cung cấp dụng cụ y tế…, nên Donald Trump và Đảng Cộng Hòa muốn hủy bỏ hay sửa lại để bảo vệ quyền lợi của giới đại tư bản y tế. Nhưng vấn đề không dễ vì những người bị thiệt hại sẽ đấu tranh đến cùng.
II. Những chuyện chưa hoàn thành
Công việc mà Obama gặp nhiều khó khăn nhất là thực hiện các chiến lược của nước Mỹ từ thời Tổng thống George W. Bush để lại nhằm phá vỡ khối Hồi giáo, chặn đứng sự phát triển của Liên bang Nga và Trung Quốc.
1. Kế hoạch một Trung Đông Mới
Như chúng tôi đã nói nhiều lần, ngày 17/08/2006 Tổng thống Bush tuyên bố rằng "một Trung Đông Mới (New Middle East) sẽ xuất hiện trong đó nền dân chủ sẽ chứng tỏ là một sức mạnh không thể kháng cự lại, sẽ lan rộng và diệt trừ khủng bố và chế độ chuyên chế" (would spread and eradicate terrorism and despotism).
Kế hoạch này gồm 3 điểm chính là (1) thanh toán các lãnh tụ Hồi giáo có chủ trương hình thành một chính quyền mạnh có thể lãnh đạo khối Hồi Giáo, (2) chia 5 nước trung tâm ở Trung Đông ra thành 14 nước để không còn sức mạnh, và (3) áp dụng chiến lược chiến tranh ủy nhiệm (proxy war) để hai khối Hồi giáo Sunni và Shia thường xuyên đối đầu nhau làm cho khối Hồi giáo Trung Đông bể ra từng mãnh.
Ông Bush đã thanh toán Saddam Hussein, Obama thanh toán được Mubarak và Gaddafi, nhưng khi thanh toán Assad thì bị Nga chặn đứng. Việc chia 14 nước trung tâm thành 14 nước cũng chưa hoàn thành. Công việc tiếp theo là công việc của Donald Trump. Nhưng nay nếu Donald Trump chỉ lo bình định Iraq để cho ExxonMobil quay trở lại khai thác dầu lửa thì kế hoạch này sẽ bị hỏng. Vả lại, mặc dầu Exxon có vệ binh và cơ quan tình báo riêng, nhưng al-Qeada và ISIS thường dùng du kích chiến nên cũng khó làm ăn được.
2. Kế hoạch bao vây Nga
Để bao vây Nga cả về quân sự lẫn kinh tế, năm 2014 Hoa Kỳ đã tạo ra vụ Ukraine rồi áp dụng biện pháp cấm vận để bao vây Nga, nhưng nhiều nước Âu Châu không đồng ý vì quyền lợi của họ bị thiệt hại. Cả Tổng thống Pháp lẫn Thủ tướng Đức đã đến Washington thông báo cho Tổng thống Obama biết họ không muốn sử dụng quân sự để đương đầu với Nga. Kế hoạch trở thành dang dở. Nay nếu Donald Trump bỏ cấm vận cho Nga để ExxonMobil có thể đến khai thác dầu mỏ ở Nga và chuyển qua bán tại Âu Châu, kế hoạch này sẽ tan vỡ.
3. Xoay trục về Châu Á
Nhiều người vẫn lầm tưởng rằng Mỹ "xoay trục" về Châu Á là để đánh Trung Quốc, nhưng trong thực tế "xoay trục" về Châu Á chỉ có nghĩa là tập hợp các nước trong vùng lại, đặc biệt là Nhật, Đài Loan, Philippines và Việt Nam thành một lực lượng khu vực để đối đầu với Trung Quốc. Nhưng các nước trong vùng có quá nhiều quan hệ kinh tế với Trung quốc nên không ai làm theo Mỹ. Nay Donald Trunp lại định dùng lá bài Đài Loan để thương lượng, yêu cầu Trung Quốc cho ExxonMobil khai thác mỏ dầu khí ở trước Quảng Nam, kế hoạch "xoay trục" coi như bỏ đi !
Chuyện Donald Trump sắp làm ?
Dư luận đang bàn tán khá nhiều về bài diễn văn nhậm chức của Donald Trump. Trên Twitter ông ta khoe rằng bài diễn văn do ông tự soạn, nhưng sau đó Tòa Bạch Ốc cho biết hai cố vấn viết diễn văn cho Donald Trump là Stephen Miller và Steve Bannon, ông ta chỉ sửa lại một vài chỗ cho hợp ý mình, vì thế khi đọc ông đã phải chăm chăm nhìn vào máy nhắc (teleprompter) thay vì nhìn quan khách tham dự.
Laura Kuenssberg của BBC nói : Trời bắt đầu đổ mưa khi Trump hứa sẽ ‘chuyển giao quyền lực từ Washington DC cho người dân’ (It's just started to rain as Trump promises to 'transfer power from Washington DC to the people')
Còn chuyên gia phân tích Edward Luce của tạp chí Financial Times khá nặng lời với bài phát biểu của Trump : "Bài phát biểu này tối hơn cả một mỏ than. Yên nghỉ nhé chủ nghĩa cộng hòa của Reagan" (This speech is darker than a coal mine. RIP Reagan Republicanism)
Wall Street Journal gọi diễn văn của ông Trump là một trong những phát biểu nhậm chức u ám nhất mọi thời đại, trong đó ông tiếp tục phác họa hình ảnh một nước Mỹ đang đi xuống trong khi mình là người bảo vệ những "người đàn ông và phụ nữ bị lãng quên".
Các sử gia và nhà phân tích đánh giá bài phát biểu của Trump u ám và giận dữ một cách khác thường so với những người tiền nhiệm nhưng lại không khác nhiều với quan điểm xưa nay cũng như cách ông đã chinh phục cử tri để bước vào Tòa Bạch Ốc.
Trên New York Times, Kevin Baker nhận định bài phát biểu của Trump đã mở ra một kỷ nguyên của nước Mỹ không còn thân thiện. Tổng thống mới tuyên bố rằng ông sẽ đặt "nước Mỹ trên hết" bằng cách kêu gọi mọi người "mua của người Mỹ và thuê người Mỹ".
Theo BBC, dù hứa hẹn sẽ phác thảo một số đổi mới trước đó, song trong bài diễn văn này, ông Trump dường như không đưa ra một ý tưởng chính sách cụ thể nào hơn là những đề xuất xây tường dọc biên giới Mỹ-Mexico.
Tuần hành của nữ giới chống tân Tổng thống Donald Trump ngày 22/01/2019 tại Washington DC
Gần như Donald Trump chẳng có ý niệm gì về chính trị, kinh tế, quốc phòng và bang giao quốc tế của nước Mỹ. Vì chỉ là một nhà kinh doanh khách sạn, sòng bài và sân golf, Donald Trump chỉ có tầm nhìn vi mô (microvision) chứ không có tầm nhìn vĩ mô (macrovision) nên ông không hiểu được tại sao năm 1971 chính phủ Nixon phải yêu cầu Liên Hiệp Quốc ban hành nghị quyết số số 2758 đưa Trung Quốc vào LHQ thay thế Đài Loan và năm 1972 đem Miền Nam bán cho Trung Quốc. Ông không biết thị trường Trung Quốc lớn như thế nào và lý do Mỹ phải "hợp tác kinh doanh" với Trung Quốc để cứu vãn nền kinh tế Mỹ.
Một thí dụ cụ thể, khi iphone mới ra đời, bán ở Mỹ đợt đầu chỉ có 68 triệu cái, trong khi bán tại Trung Quốc đến 78 triệu cái. Năm 2015, Wal Mart nhờ "hợp tác kinh doanh" với Trung Quốc, đã có một số doanh thu lên đến 488 tỉ USD, trong khi ExxonMobil khai thác dầu tại 50 quốc gia cũng chỉ có số doanh thu 269 tỉ USD. Năm 2016, Mỹ xuất khẩu qua Liên Hiệp Âu Châu 247 tỉ USD và Trung Quốc 104 tỉ USD, chưa kể một khối lượng hàng khổng lồ của Mỹ sản xuất và bán tại Trung Quốc. Nếu bây giờ Mỹ đóng cửa rút cầu theo kiểu của Trump, hàng Mỹ bán đi đâu ?
Một người ở trong nước đã viết : "Theo như tôi thấy thì trước đây, những gì ông ấy nói chưa chắc là những gì ông ấy sẽ làm, thậm chí có khi những phát biểu của ông không đồng nhất với nhau".
Trên The Gardian, chuyên gia Peter Stone nói thẳng ra rằng chủ trương của Trump là rút khỏi Hiệp Ước Paris về bảo vệ môi trường và "making coal great again" (làm cho than vĩ đại trở lại). Khai thác dầu mỏ và than đá là công tác ưu tiên mà Trump phải thực hiện dưới sự điều khiển của Tillerson. Các thứ khác chỉ là phụ diễn.
Trump mỗi ngày lên Twitter mua vui cho thiên hạ
Công việc thứ hai của Trump là mỗi ngày lên Twitter mua vui cho thiên hạ. Chúng ta nhớ lại, khi dân biểu John Lewis nói ông là một tổng thống không chính danh, sáng hôm 14/01/2017 ông lên Twitter chơi lại liền : "All talk, talk, talk - No action or result - Sad !" (Toàn nói, nói, nói - không hành động hay kết quả gì. Đáng buồn). Câu đó đang trở thành một câu châm biếm để đùa với nhau mỗi khi có cãi nhau ở các quán cà phê.
Đừng hỏi Trump sẽ đưa Hoa Kỳ và thế giới đi về đâu. Tập đoàn tài phiệt nào đưa Trump lên làm tổng thống họ phải lo chuyện đó, không thì tập đoàn của họ cũng sẽ đi đời nhà ma.
Ngày 25/01/2017
Lữ Giang