Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

14/11/2017

Tổng thống Trump, vị thế nước Mỹ và nhân quyền ở Việt Nam

Nguyễn Tường Thụy

Vậy là Hội nghị APEC 2017 họp tại Đà Nẵng đã bế mạc không một chữ nhân quyền nào được nhắc tới. Ngoại trừ một mẩu tin Thủ tướng Canada Justin Trudeau có đề cập vấn đề nhân quyền nhưng là trong cuộc gặp riêng với Thủ tướng Việt Nam mà lại là ở Hà Nội chứ không phải Đà Nẵng, nơi đang diễn ra Hội nghị.

nq1

Thủ tướng Canada Justin Trudeau có đề cập vấn đề nhân quyền nhưng là trong cuộc gặp riêng với Thủ tướng Việt Nam

Trước thềm Hội nghị

Ngày 7/11/2017, 17 hội nhóm Xã hội Dân sự và đảng phái chính trị trong và ngoài nước đã ký tên vào một bức thư gửi các nhà lãnh đạo APEC đề nghị lưu tâm đến tình trạng nhân quyền ngày càng tồi tệ của quốc gia chủ nhà (Việt Nam), thúc đẩy Việt Nam ngưng ngay đàn áp đối với giới đấu tranh ôn hòa.

Ngày 9/11/2017, Ủy ban Bảo vệ quyền làm người Việt Nam cũng gửi Thư Ngỏ đến 21 quốc gia tham dự Hội nghị APEC ở Đà Nẵng yêu cầu gây áp lực đối với Hà Nội chấm dứt cuộc khủng bố Nhân quyền và Tự do Tôn giáo tại Việt Nam.

Những người quan tâm đến dân chủ hy vọng bà Melania, phu nhân tổng thống Mỹ sẽ có mặt ở Đà Nẵng để can thiệp cho Nguyễn Ngọc Như Quỳnh được trả tự do theo nguyện vọng của bé Nguyễn Bảo Nguyên, con gái của chị Quỳnh, hoặc ít ra cũng hy vọng có hồi âm của Đệ nhất phu nhân nước Mỹ nhưng những điều đó đã không xảy ra.

Thư của cháu Nguyễn Bảo Nguyên cũng như hai bức thư trên chỉ như như những viên đá ném xuống ao bèo.

Ngày 8/11/2017, báo Lao động đăng một bản tin : Thủ tướng Canada Justin Trudeau đăng trên mạng twitter : "Chúng tôi đang trên đường tới Hà Nội để bắt đầu một tuần bận rộn tại Việt Nam và Philippines, tập trung vào APEC, thương mại…".

Đã tưởng vị thủ tướng dễ mến này không đoái hoài gì đến số phận con người khi sang Việt Nam. May thay, có người vào tận trang twitter của ông để đọc nguyên văn bằng tiếng Anh và phát hiện ra báo Lao động khi dịch "bỏ sót" cụm từ "và thúc đẩy quyền con người" nên "nỗi oan"của Thủ tướng Canada được giải tỏa.

Cuối cùng thì hai chữ nhân quyền chỉ được nêu lên ở cuộc gặp riêng với phía Việt Nam như đã nói ở trên, chứ không phải ở APEC.

Ông Trump không mặn mà với nhân quyền ở Việt Nam

Giới quan tâm đến nhân quyền ở Việt Nam đều dễ nhận thấy, từ ngày ông Trump lên làm tổng thống Mỹ thì tình trạng nhân quyền ở Việt Nam tồi tệ hơn. Đây không phải là chuyện ngẫu nhiên. Chỉ riêng trong 10 tháng đầu năm 2017 đã có 25 người hoạt động xã hội dân sự bị bắt để khởi tố. Trong tuần lễ APEC, rất nhiều người được cho là "ngòi nổ" của các cuộc biểu tình bị canh chặn tại nhà 24/24 giờ. Đặc biệt, trong hai ngày 11 và 12/11 khi Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc ra Hà Nội để thăm chính thức Việt Nam, tình hình canh giữ căng thẳng hơn, hẳn là đề phòng biểu tình đả đảo Tập và không loại trừ đề phòng... hoan nghênh Trump. Ngoài ra, giấy triệu tập lần 1, lần 2, lần 3 tới tấp gửi đến nhiều người đang bị canh giữ tại gia.

Còn nhớ cách đây đúng 2 năm, vào tháng 11/2015, khi Tập Cận Bình sang Việt Nam tình hình canh chặn không căng thẳng như lần này nên đã nổ ra nhiều cuộc biểu tình chống Tập trong các ngày 4 và 5/11/2015 ở Hà Nội và Sài Gòn.

Trong khi Mỹ có vẻ bỏ rơi nhân quyền ở Việt Nam thì từ giữa năm 2016, Liên mình Châu Âu (EU) lại quan tâm nhiều hơn. Dấu hiệu dễ nhận ra hơn cả là các nước EU đặt vấn đề dứt khoát nhân quyền phải gắn với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU. Phải chăng Mỹ "chuyển giao" thiên chức này cho EU hay EU tự giác nhận lấy trách nhiệm ấy hay chỉ là ngẫu nhiên. Dù sao thì giới dân chủ ở Việt Nam vẫn muốn cả thế giới ủng hộ họ.

Quyền trông cậy hoàn toàn hợp lý

Tình hình nhân quyền ở Việt Nam rõ ràng phụ thuộc rất nhiều vào sự quan tâm của các cường quốc dân chủ, trước hết là Hoa Kỳ. Cái mà được coi là cải thiện nhân quyền ở Việt Nam chẳng qua là bất đắc dĩ. Trước đây, mỗi khi thương thuyết về một vấn đề nào đó thường có những tù nhân lương tâm được trả tự do trước thời hạn hoặc sau đó, việc đàn áp, bắt bớ có giảm đi phần nào mà người ta gọi là "đổi chác". Việc 4 người được trả tự do trước thời hạn nhưng lại phải tị nạn bên Mỹ, Đặng Xuân Diệu sang Pháp hay Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Phương Uyên v.v… được trả tự do trước thời hạn hay giảm án tù là nằm trong những chương trình "đổi chác" như thế. Nhưng từ khi ông Trump làm tổng thống Mỹ, xu hướng bắt bớ, đàn áp ở Việt Nam gia tăng , thậm chí như thể đàn áp, bắt bớ "bù" vào thời gian do còn nể nang Mỹ mà có phần nhẹ tay hơn.

Trước tình hình này, giới dân chủ tỏ ra thất vọng hay trách cứ. Thế nhưng họ lại vấp phải sự phản bác của những người, tiếc rằng được coi là ủng hộ dân chủ, nhân quyền cho rằng giới dân chủ không có quyền đòi hỏi, trông chờ ở Mỹ, phải dựa vào sức mình là chính. Thậm chí còn nói họ (giới đấu tranh dân chủ) khoác trách nhiệm cho Mỹ.

Tôi cho rằng, những người này chỉ nghe, hiểu lõm bõm rồi phán như thể đúng rồi, không đặt mình vào vị trí những người đấu tranh nhưng muốn thể hiện sự hiểu biết của mình.

Không ai tự cho mình quyền đòi hỏi. Nhưng những người đấu tranh ở Việt Nam có quyền trông chờ vào các quốc gia dân chủ không ? Tôi cho là có, và điều đó rất bình thường.

Xây dựng một nền dân chủ ở Việt Nam cần rất nhiều yếu tố, động lực. Sứ mạng ấy không thể chỉ đặt lên vai những người hoạt động dân chủ, vốn đã ít ỏi mà cánh cửa nhà tù luôn luôn rình rập sát lưng họ. Ngoài những người hoạt động dân chủ, cần phải có sự thức tỉnh của toàn dân, của lực lượng tiến bộ trong đảng, trong các cơ quan nhà nước, trong lực lượng quân đội, công an và sự hỗ trợ của quốc tế.

Người hoạt động dân chủ không đòi hỏi ai nhưng họ có quyền kêu gọi, đề nghị, hy vọng, miễn là không nằm đắp chăn để trông chờ. Một cá nhân, một gia đình, một lực lượng xã hội hay một quốc gia không ai có thể nói tôi không cần ai cả.

Thế nào là quyền lợi của nước Mỹ ?

Vị thế của nước Mỹ có được như hiện nay không chỉ là nước Mỹ giàu có. Giá trị của Mỹ còn ở vai trò của nước Mỹ trong việc đảm bảo trật tự thế giới, trong việc chăm sóc, bảo vệ nhân quyền ở các quốc gia… đặc biệt là những nước mà nền dân chủ còn sơ khai. Nếu chỉ giỏi đi buôn thôi thì không làm nên giá trị (như đang có) của nước Mỹ.

Các phát biểu của ông Trump cho thấy thông điệp của ông là ông hành động vì quyền lợi của Nước Mỹ. Điều đó đúng. Nhưng chẳng lẽ những người tiền nhiệm của ông không vì quyền lợi của nước Mỹ ?

Vấn đề đặt ra là hiểu như thế nào là quyền lợi của nước Mỹ ?

Nước Mỹ giàu và mạnh. Tiềm năng đó ngoài phục vụ cho chính bản thân nước Mỹ còn được dùng vào việc đảm bảo trât tự thế giới, giúp đỡ các nước khác phát triển… để thế giới nhìn vào phải nể nang.

Nước Mỹ đầy đủ nhân quyền. Nếu Mỹ giúp các nước khác cải thiện được nhân quyền, làm cho nhân quyền trở thành giá trị phổ quát trên thế giới, để nhân dân các nước khác cũng được sống bình đẳng, bác ái như nhân dân Mỹ thì thế giới phải chịu ơn.

Chiến tranh Thế giới thứ 2 không đe dọa đến Mỹ, nhưng Nước Mỹ đã tham chiến, hy sinh 325 nghìn quân nhân góp phần quyết định tiêu diệt chủ nghĩa phát xít, chấm dứt chiến tranh.

Nước Mỹ đi đầu trong nhiệm vụ chống khủng bố. Không ai khác, chính Nước Mỹ tấn công vào tổ chức khủng bố al-Qaeda, tiêu diệt Osama bin Laden tại sào huyệt của nó.

Nước Mỹ có mặt ở nhiều điểm nóng của thế giới nhưng Nước Mỹ không có tham vọng lãnh thổ đối với bất cứ quốc gia nào.

v.v…

Có thể nêu thêm nhiều ví dụ. Những việc làm đó đã tạo nên vị thế của Nước Mỹ, khẳng định vai trò của Nước Mỹ.

Cái sự hơn nhau là ở chỗ đó. Thiên hạ nể Mỹ là ở chỗ đó cho nên Mỹ "nói có kẻ nghe, đe có kẻ sợ".

Đó là chuyện Mỹ và quốc tế. Còn chuyện cá nhân và xã hội thì sao ?

Trong cuộc sống thường nhật người ta cư xử với nhau theo đạo lý. Không ai có quyền yêu cầu người đầy đủ, thừa thãi phải chia của cho người nghèo nhưng nếu không cư xử đúng đạo lý, anh ta sẽ bị chê trách. Tục ngữ Việt Nam chẳng có câu "Lá lành đùm lá rách", "cháy nhà hàng xóm bình chân như vại" đó sao.

Sự giàu có của một người chưa làm nên uy tín của họ. Nhưng nếu họ bỏ ra một phần của cải vì người khác thì mới tạo ra vai trò của họ, người khác phải nể trọng. Người khỏe mạnh không vì ai thì họ chỉ là người có sức khỏe. Nhưng nếu biết bênh vực kẻ yếu thì họ là hiệp sĩ, trong con mắt của người khác, họ được nể trọng. Còn nếu không làm gì cho ai thì cũng bình thường như những người khác mà thôi.

Nếu chị em Hai Bà Trưng mà "quen thói nữ nhi thường tình" (chữ của Trần Hưng Đạo), chỉ biết chăm lo cho gia đình mình mà không dựng cờ khởi nghĩa chống lại quân Đông Hán thì làm gì Hai Bà được nhớ đến ngày nay để ông Trump biết mà nêu danh ở diễn đàn APEC ?

Đưa ra vài ví dụ trên để giải thích vì sao ở Việt Nam trước đây và hiện nay vẫn có những người dấn thân, chấp nhận tù đày vì tương lai của đất nước, của dân tộc. Nếu họ chỉ làm việc và sống như những người an phận thì ai biết đến họ, làm sao họ có vị thế, vai trò trong xã hội.

Phong trào dân chủ ở Việt Nam đang trong giai đoạn khó khăn nhất từ trước đến nay. Không có một ai sức yếu bị đe dọa trước bạo lực lại không cần người khác tiếp sức. Mong chờ vào sự hỗ trợ, tiếp sức từ lực lượng khác là một điều chính đáng. Nếu Mỹ bỏ rơi nhân quyền ở Việt Nam thì theo sự phát triển tất yếu của thời đại, Việt Nam vẫn sẽ có dân chủ, có điều muộn hơn, gian nan vất vả hơn và hy sinh nhiều hơn mà thôi.

Chưa có một tổng thống Mỹ nào lại không vì nước Mỹ. Có điều, hiểu như thế nào là vì nước Mỹ của ông Trump có thể khác những người tiền nhiệm.

Dù sao, tôi vẫn yêu nước Mỹ. Chính sách của ông Trump có thể làm tăng trưởng kinh tế cho Mỹ nhưng cũng có thể làm mờ đi phần nào vị thế của Nước Mỹ. Tuy nhiên, Trung Quốc muốn thay thế Mỹ chỉ là một giấc mơ hão huyền. Với cương vị của mình, ông Trump có ảnh hưởng rất lớn đến vai trò của nước Mỹ trong nhiệm kỳ của ông nhưng tôi biết phân biệt một tổng thống Mỹ và nước Mỹ. Hai khái niệm này không đồng nhất.

13/11/2017

Nguyễn Tường Thụy

Nguồn : RFA, 14/11/2017 (nguyentuongthuy's blog)

Quay lại trang chủ
Read 782 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)