Nỗ lực giảm tình trạng nạo phá thai
Một "Quỹ hỗ trợ nữ sinh mang bầu" vừa được Hội Sinh viên Nhân quyền Việt Nam cùng một số tổ chức xã hội dân sự độc lập khác và quý thân hữu thành lập trong tháng 11 năm 2017, với mục đích hỗ trợ cho các bà bầu sinh viên để hạn chế thực trạng phá thai hay phải uống thuốc phá thai tại Việt Nam. "Quỹ hỗ trợ nữ sinh mang bầu" này có thể được xem như là một quỹ hỗ trợ hiếm hoi dành cho nữ sinh viên mang thai ngoài ý muốn được công bố chính thức.
Các ngôi mộ chôn xác thai nhi tại một nghĩa trang ở Nha Trang. Hình chụp ngày 28/02/2008. AP
Việt Nam được xếp vào danh sách quốc gia dẫn đầu Châu Á về tỷ lệ phá thai và đứng hàng thứ 5 trên thế giới, theo báo cáo được công bố trong Hội nghị Phụ sản và Phụ khoa Pháp-Việt Nam, tổ chức ở Hà Nội năm 2014.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết tỷ lệ phá thai trong năm 2016, tại Việt Nam được thống kê ở mức đáng báo động, gần 20% ở nữ thanh thiếu niên.
Cô Ngọc Kim, đại diện của Hội Sinh viên Nhân quyền Việt Nam cho RFA biết điều kiện và thủ tục để nhận được sự giúp đỡ từ "Quỹ hỗ trợ nữ sinh mang bầu" rất đơn giản. Các nữ sinh viên mang thai ngoài ý muốn có thể liên lạc qua email của Hội để được tư vấn một cách tận tường :
"Các bạn sinh viên mang thai ngoài ý muốn nếu muốn nhận được sự giúp đỡ của Hội thì đầu tiên các bạn cần liên lạc với Hội thông qua thông tin liên lạc mà Hội đã thông báo. Các bạn chụp hình giấy tờ chứng minh các bạn mang thai và thẻ sinh viên gửi đến Hội. Các bạn không nên e ngại vì những thông tin này, chúng tôi sẽ giữ bí mật cho các bạn. Từ đó, Hội sẽ xem xét và chủ động liên lạc với các bạn để hỗ trợ cho các bạn về vật chất lẫn tinh thần, như một phần nào đó giúp các bạn có thể yên tâm học tập, đặc biệt đảm bảo cho thai nhi được ra đời".
Đại diện của Hội Sinh viên Nhân quyền Việt Nam cho biết thêm Hội sẽ giúp cho một phần chi phí về tài chính, đường, sữa và chỗ ở cho những nữ sinh mang bầu, đồng thời sẽ đề nghị các trường đại học tạo điều kiện thuận lợi về thời gian đến trường khi họ mang thai.
Báo mạng Suckhoedoisong.vn, hồi tháng Hai năm 2017 đăng tải thông tin một nghiên cứu của Viện Sức khỏe sinh sản và gia đình cho thấy hàng năm ở Việt Nam có khỏang 300 ngàn nữ giới từ 12 đến 19 tuổi phá thai, 20-30% ca phá thai là phụ nữ chưa kết hôn và 60-70% là sinh viên.
Qua nghiên cứu của Viện Sức khỏe sinh sản và gia đình, Viện trưởng là Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoài Đức cảnh báo rằng con số nạo phá thai trên thực tế còn cao hơn rất nhiều vì không thể thống kê những trường hợp thực hiện chui.
Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoài Đức giải thích rất nhiều cô gái do xấu hổ hay bất đồng với cha mẹ nên giấu việc mang thai và thường tìm đến các cơ sở y tế kém chất lượng hoặc thầy lang để phá thai, dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, thậm chí có thể gây tử vong và vô sinh.
Giáo sư-Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phương, Phó Chủ tịch Hội Phụ sản Việt Nam cho biết số liệu thống kê trong năm 2016 ước tính cứ 4 ca phá thai thì có 1 ca phá thai không an toàn, chiếm 13% nguyên nhân tử vong mẹ.
Những đón nhận từ sinh viên
Trước thông tin về "Quỹ hỗ trợ nữ sinh mang bầu" vừa được các tổ chức xã hội dân sự độc lập thành lập, nhằm giúp đỡ cho những nữ sinh viên mang thai ngoài ý muốn, Đài RFA liên lạc với một số bạn trẻ sinh viên để tìm hiểu xem những quỹ hỗ trợ như thế này có thể tiếp cận cũng như phần nào đóng góp ích lợi cho cộng đồng sinh viên hay không. Một sinh viên trường Trung cấp Kế toán, tại Sài Gòn chia sẻ mặc dù các bạn sinh viên những năm qua ngày càng cập nhật kiến thức về giới tính và tình dục trên internet để tự trang bị cho bản thân sự hiểu biết nhiều hơn ; tuy nhiên tình trạng nữ sinh viên mang thai ngoài ý muốn cũng không phải là ít. Nhưng, theo quan điểm cá nhân thì bạn nữ sinh viên trường Trung cấp Kế toán này cho rằng những nữ sinh lỡ mang bầu có thể sẽ không cởi mở để đón nhận sự giúp đỡ từ các tổ chức xã hội :
"Mình nói quan điểm cá nhân của mình là việc có thai ngoài ý muốn cũng thuộc vào những điều mà người ta muốn giấu, không muốn chia sẻ cho nhiều người biết để nhận sự giúp đỡ. Ví dụ là cá nhân mình thì mình không muốn. Còn các bạn khác thì không rõ vì mỗi người mỗi ý".
Trong khi đó, một vài nữ sinh viên có con ngoài ý muốn, mà chúng tôi tiếp xúc thổ lộ là họ rất cần những sự giúp đỡ như vậy trong thời gian họ chưa dám thông báo cho gia đình biết sự thật họ có con. Một bà mẹ trẻ đơn thân, ở Bình Dương nói với RFA :
"Theo em nghĩ thì rất là tốt khi có một tổ chức giúp cho các bà mẹ cơ nhỡ. Trong lúc họ muốn gục ngã thì có người nâng đỡ họ lên nên dĩ nhiên họ sẽ có động lực nhiều hơn. Chính bản thân em cũng vậy. Nhiều bạn khác cũng rất vất vả khi họ lỡ mang bầu, họ sẽ an tâm hơn trong những lúc bế tắc không đủ điều kiện nuôi con nếu như có tổ chức thiện nguyện giúp đỡ thì họ sẽ mừng vì hàng tháng con mình được giúp đỡ. Dần dần họ tự thân cố gắng và không vướng vào những hướng suy nghĩ như từ bỏ con hay tự tử…".
Hội Sinh viên Nhân quyền Việt Nam cũng cho biết bên cạnh "Quỹ hỗ trợ nữ sinh mang bầu", Hội cùng một số tổ chức xã hội dân sự độc lập trong nước mong muốn sẽ có được cơ hội hợp tác với các chuyên gia trong những hoạt động hỗ trợ kiến thức cho nữ sinh viên mang bầu cũng như phổ biến kiến thức cho sinh viên về các biện pháp phòng tránh thai, phòng tránh các bệnh lây qua đường tình dục như HIV/AIDS.