Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

08/12/2017

Đinh La Thăng bị bắt : nguyên nhân và hậu quả

Nhiều tác giả

Ai cho Thăng được nói ?

Nguyễn Anh Tuấn, RFA, 08/12/2017

"Khởi tố, bắt tạm giam ông Đinh La Thăng" - không chỉ Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Vietnamnet mà hàng trăm tờ báo khác cũng đang loan tin này với cùng một tiêu đề, văn phong, và nội dung, theo một sự chỉ đạo nghiêm ngặt dễ thấy.

dlt1

Ngày 10/05/2017, ông Đinh La Thăng thôi giữ chức Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2015 - 2020 để giữ chức Phó ban Kinh tế trung ương - Ảnh minh họa

Chưa biết rồi những ngày tới đây báo chí sẽ khai thác những chi tiết nào nữa, tuy nhiên dám chắc một điều là cả 900 tờ báo sẽ chỉ một hướng tấn công ông ấy.

Những lời biện minh, giãi bày của ông Thăng, nếu có, cũng không thể nào xuất hiện trên truyền thông. Tiếng nói của ông rồi đây chỉ là một tự sự cô độc giữa bốn bức tường mà ngoài ông ra thì chỉ đến tai các điều tra viên - những người, trớ trêu thay, lại chỉ phớt lờ cười nhạt, trước khi lấy lời khai để hoàn thành một bản hồ sơ luận tội chiếu lệ cho ông.

Ông Thăng có thể có, hoặc được chỉ định, một luật sư. Cũng có thể thi thoảng được gặp vợ con, nếu những người đồng chí của ông chỉ mới cạn tàu chứ chưa ráo máng. Nhưng, ngay cả khi luật sư muốn bảo vệ ông bởi trách nhiệm nghề nghiệp, vợ con muốn nói tốt cho ông bởi tình nghĩa gia đình, thì vấn đề là tờ báo nào ở Việt Nam dám đăng những lời này ?

Kết cục không khó dự đoán. Công chúng, bao gồm cả bạn bè người thân của ông, sau một thời gian dài bị oanh tạc thông tin bởi hàng trăm tờ báo tập trung khai thác sai phạm của ông với vô số những lời lẽ đao to búa lớn, hẳn sẽ muốn đưa ông lên đoạn đầu đài ngay mà chẳng cần gì đến một phiên tòa. Lúc này, liệu ông có muốn được giữ quyền im lặng, được mời luật sư tham gia từ đầu, được giãy bày với báo chí thông qua luật sư và gia đình để rộng đường dư luận, được xét xử bởi một quan tòa độc lập - những quyền căn bản bình thường của bất kỳ công dân nào ở các nước dân chủ pháp trị ?

Bị nguyên một hệ thống trấn áp bằng truyền thông mà chẳng hề có quyền đáp lại một lời nào để tự bảo vệ mình, nhân quả dường như đến quá sớm với Đinh La Thăng khi chính ông từng một thời nằm trong nhóm chóp bu duy trì và vận hành hệ thống đó.

Đinh La Thăng đang có bi kịch của ông ấy. Nhưng nằm ngay trung tâm bi kịch đó tiềm ẩn một rủi ro chung cho tất cả chúng ta : Không phân biệt địa vị, nghề nghiệp, sang hèn, từ Ủy viên Bộ Chính trị đến anh bán hàng rong, chúng ta đều có thể là nạn nhân của một nền pháp quyền què quặt khi mà nhân quyền, dân quyền của chúng ta không được thượng tôn nghiêm ngặt như một điểm cốt lõi tạo thành cộng đồng quốc gia này.

Những ngày tới, ở vị trí nạn nhân của quyền lực, ông Thăng hẳn sẽ có cái nhìn khác về nhân quyền, dân quyền - những thứ mà lúc còn ở đỉnh cao quyền lực chắc ông đã từng cười nhạt khi nghe thấy. Nhưng có lẽ, mọi thứ đã quá muộn với ông rồi.

Liệu chúng ta có nên như ông ấy, chỉ đợi tới lúc trở thành nạn nhân mới bắt đầu nghĩ tới quyền của mình ?

Nguyễn Anh Tuấn

Nguồn : RFA, 08/12/2017 (nguyenanhtuan's blog)

***************

La Thăng cách Xi bao xa ?

Vũ Thạch, 08/12/2017

Mới nhìn, có vẻ việc ông Đinh La Thăng đang bị đánh dồn dập chẳng liên hệ gì tới Xi Jinping – Tập Cận Bình, ngoại trừ cái thủ thuật "đả hổ, diệt ruồi", tức dùng lý cớ diệt tham nhũng để trừ đối thủ, đang được hùng hổ đem ra ứng dụng tại Việt Nam.

Nhưng nhiều người lại bảo chính vì đứng xa Xi như thế mà không chỉ ông Thăng mà cả phe nhóm ông Nguyễn Tấn Dũng đang bị dồn vào chân tường và bị tỉa từng người : hết Vũ Huy Hoàng đến Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng, và còn nhiều nữa.

Tại sao vậy ?

Chẳng phải cánh ông Nguyễn Tấn Dũng chống Tàu hay ghét xâm lược, nhưng họ đã thua trong cuộc chạy đua xin Bắc Triều phong vương trước Đại hội đảng XII năm 2016. Tập Cận Bình đã chọn và phe ông Nguyễn Phú Trọng thắng.

Kể từ ngày được chọn, sức mạnh của phe ông Trọng đã xoay ngược 180 độ như một phép lạ. Người dân cả nước nói chung và người dân Hà Nội nói riêng đã biết và còn nhớ rất rõ tại sao ông có biệt danh Trọng Lú. Không phải một ngày, một tháng mà trong suốt con đường chính trị dài nửa thế kỷ, ông Trọng có vô số các phát biểu dại dột thuộc loại "Tình hình biển Đông không có gì mới", hay "Lãnh đạo phải là người Bắc có lý luận"… Người ta cũng nhớ một ông Trọng mếu máo ở cuối Đại Hội Đảng XI, không kỷ luật được đồng chí X, vì ông Nguyễn Tấn Dũng đã nắm đa số ủy viên trung ương đảng.

dlt2

Nguyễn Phú Trọng và Đinh La Thăng - Ảnh minh họa. Nguồn : internet

Cái gì đang biến Trọng Lú thành Trọng Thiên Tài ? Câu trả lời duy nhất thỏa đáng là : Tiền Trung Quốc và cố vấn Trung Quốc.

Thật vậy, chỉ có tiền Trung Quốc mới có đủ khả năng đánh bạt sức mua chuộc của phe ông Nguyễn Tấn Dũng. Nhìn cảnh đám ma mẹ ông Dũng vào tháng 12/2017, người ta đủ thấy toàn bộ đàn em ông Dũng đã đổi chủ. Bàn tay của các cố vấn Trung Quốc cũng hiện ra khá rõ khi so sánh các bước tiến hành của Đả hổ đập ruồi Trung Quốc với Lò đốt củi Việt Nam, tức theo đúng bài bản của Vương Kỳ Sơn – tay hung thần khủng khiếp nhất Trung Quốc hiện nay dưới trướng Tập Cận Bình. Nay ông Trần Quốc Vượng cũng đã được chính thức cho đóng vai trò của Vương Kỳ Sơn cho Việt Nam.

Cảnh này khá giống cơn ác mộng Cải cách điền địa Trung Quốc tiến sang thành Cải cách ruộng đất Việt Nam, với các đại cán, tiểu cán Trung Quốc điều khiển trực tiếp các cuộc đấu tố, quyết định trực tiếp các con số chỉ tiêu tiểu nông, trung nông, địa chủ cho từng địa phương… thời ông Hồ Chí Minh lãnh đạo.

Diễn biến kế tiếp sẽ là gì trong những tuần, tháng trước mặt ? Ít ai nhìn các ông Đinh La Thăng, Nguyễn Xuân Anh mà không nghĩ đến 2 bia bắn kế tiếp : Đồng chí X và đồng chí C. Gia đình 2 ông đều đang có núi tài sản cao nhất nước ở cả trong và ngoài Việt Nam, cũng như còn nắm nhiều dữ kiện bí mật của các lãnh tụ đang nắm quyền.

Tại điểm này, có thể kết luận động lực chính đằng sau các chuyển động đang rung rinh mặt đất hiện nay là : Tiền Vốn đang có từ Bắc Kinh, và Tiền Lời sắp có từ các đồng chí cũ.

Vũ Thạch

Nguồn : Tiếng Dân, 08/12/2017

**********************

"Bắt Đinh La Thăng, vẫn là chuyện thanh trừng nội bộ"

Nguyễn Quang A, RFA, 08/12/2017

Ngày 8 tháng 12 năm 2017, ông Đinh La Thăng, nguyên Ủy viên Bộ chính trị Đảng cộng sản Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, nguyên Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, bị bắt tạm giam để điều tra về việc làm thất thoát tài sản tại Tổng công ty dầu khí Việt Nam.

dlt3

Ông Đinh La Thăng, cựu Ủy viên Bộ Chính trị, viên chức cao cấp nhất của Đảng cộng sản bị bắt giữ. Ảnh chụp tại một phiên họp Quốc hội, 30/10/2017. AFP

Đây là một viên chức cao cấp nhất của Đảng cộng sản và chính phủ Việt Nam bị bắt một cách công khai trong lịch sử của Đảng.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động xã hội dân sự tại Hà Nội trao đổi với Kính Hòa của Đài RFA quan điểm của ông qua sự kiện này.

Nguyễn Quang A : Người ta viện cái cớ là ông ấy là mất 800 tỉ, và chuyện liên quan đến một cái công ty gì đấy của ông Trịnh Xuân Thanh. Những thông tin như thế thì người ta đã đồn ở Hà Nội này từ trước khi Đại hội lần thứ 12 của Đảng cộng sản. Cho nên là theo tôi thì nó vẫn là tiếp tục của sự thanh trừng các bè phái. Cái chuyện tham nhũng, theo tôi thì nếu chống tham nhũng thật sự thì tất cả các ông ấy bị tù hết nếu làm nghiêm túc.

Kính Hòa : Nhưng chuyện bắt ông Thăng, từ chuyện truất phế ông ấy ra khỏi Quốc hội, rồi ông Phạm Minh Chính ký đình chỉ sinh hoạt đảng của ông Thăng, đều xảy ra trong một ngày, chuyện đó có gì đặc biệt không ?

Nguyễn Quang A : Chẳng có gì đặc biệt cả. Đây là Đảng cộng sản Việt Nam trị ông Thăng chứ không phải là tư pháp hay gì cả, bởi vì tất cả các lệnh đều từ đó mà ra. Quốc hội hay cho thôi Quốc hội đều do các ông ấy cả. Quyết định cho (ông Thăng) ứng cử Quốc hội mới có tháng Năm năm ngoái chứ đâu có gì là xa lắm.

Kính Hòa : Ông Thăng từng phụ trách Bộ Giao thông vận tải. Vừa rồi là chuyện BOT được truyền thông rộng rãi đưa tin, vậy liệu đó có phải là chuẩn bị dư luận cho việc bắt bớ này không ?

Nguyễn Quang A : Có thể hiểu như vậy cũng được. Thời ông Đinh La Thăng là thời nở rộ các BOT kiểu Cai Lậy. Nhưng tôi cũng phải nhấn mạnh là cái BOT còn nghiêm trọng hơn cái ở Cai Lậy vì nó rất là rõ ràng thì đã xảy ra hồi 20 năm trước, vào cái thời mà ông Thăng vẫn còn là kế toán trưởng hay giám đốc gì đó ở Tổng công ty Sông Đà.

Nhưng mà đúng là ông ấy dính đến chuyện rầm rộ BOT, mà BOT thì toàn bộ báo chí chính thống rồi trên mạng, đều phản đối, vậy tạo nên cái lý là bắt ông này là chính xác rồi, không có vấn đề gì cả.

Kính Hòa : Sau ông Đinh La Thăng thì ông nghĩ là có người nào nữa cao cấp hơn không ?

Nguyễn Quang A : Tôi không dám đoán. Tôi nghĩ hoàn toàn có thể, mà cũng có thể là không. Những chuyện như thế, những chuyện thanh trừng bè phái chắc chắn còn có nữa.

Nếu mà tương quan lực lượng giữa các bên nghiêng hẳn về một phía, thì tại sao không chặt đầu rắn cho nó xong.

Kính Hòa : Có nghĩa là có khả năng ông Nguyễn Tấn Dũng dính dáng đến tòa án ?

Nguyễn Quang A : Tôi nghĩ là có thể nếu cán cân lực lượng xoay chuyển như vậy.

Kính Hòa : Có phải ông Đinh La Thăng là quan chức đảng cao cấp nhất bị bắt một cách hình sự như vậy trong lịch sử của Đảng cộng sản Việt Nam trong thời gian gần đây ?

Nguyễn Quang A : 20 năm trở lại đây thì đúng đây là trường hợp đầu tiên.

Kính Hòa : Trước đó có những quan chức cao cấp bị bắt, bị thanh trừng nhưng không có dư luận rộng rãi phải không ạ ?

Nguyễn Quang A : Đúng rồi. Trước kia thì đến quan chức cao cấp như vậy, bị bắt thì không có, mà là bị vô hiệu hóa, rồi về nhà ngồi chơi xơi nước, bị quản thúc tại gia thì có, chứ bị bắt một cách công khai thì không.

Kính Hòa : Ông vừa nói đến chuyện cán cân lực lượng có thể đưa đến truy đến cấp trên của ông Thăng là ông Nguyễn Tấn Dũng, như vậy có phải chuyện này sẽ phá một dư luận làm tiền lệ nói rằng các cấp cỡ đó, cỡ tứ trụ triều đình, thì không bị đụng chạm đến ?

Nguyễn Quang A : Vấn đề là họ thỏa hiệp với nhau đến mức nào. Vì quyền lợi chung thì họ có thể thỏa hiệp, và lúc đó thì xề xòa hết cả. Nhưng nếu tương quan lực lượng áp đảo hẳn về một phía thì lúc đó có thể diễn ra.

Kính Hòa : Dù sao đi nữa thì ông Đinh La Thăng trong dư luận Việt Nam là hình ảnh của một vụ tham nhũng rất là lớn. Thì với sự bắt bớ này, ông Nguyễn Phú Trọng cũng đạt được một thành công là gầy dựng lại hình ảnh của đảng trong việc chống tham nhũng ?

Nguyễn Quang A : Tôi nghĩ rằng chắc chắn nó làm cho nhiều người tin rằng đây là một cuộc chống tham nhũng thật, mà Đảng cộng sản Việt Nam có thể làm được chuyện ấy. Cái cách tuyên truyền của người ta là như vậy.

Nhưng nếu nhìn ở khía cạnh khác thì đó là cuộc thanh trừng giữa các bên.

Ông (Trần Quốc) Vượng mấy ngày trước vừa ký một quyết định về việc khai trừ các thành viên của Đảng cộng sản Việt Nam. Ông ấy nêu hàng loạt các thứ để củng cố sự độc quyền của Đảng. Không nói đến tam quyền phân lập, không nói đến dân chủ, không nói đến xã hội dân sự. Cái việc đó chỉ củng cố sự tập trung quyền lực vào trong ban lãnh đạo của đảng hiện thời.

Càng tập trung như thế thì càng nảy ra tham nhũng. Chống tham nhũng là không thể ở một nơi không có pháp quyền, không có nền pháp trị. Bản thân các vị ấy ngồi trên pháp luật thì làm sao chống tham nhũng được. Từ khía cạnh ấy thì sự thành công cũng không có gì.

Kính Hòa : Xin cám ơn ông.

Kính Hòa thực hiện

Nguồn : RFA, 08/12/2017

*********************

Bắt và khởi tố Đinh La Thăng : ‘Chưa phải là hồi kết’

Cát Linh, RFA, 08/12/2017

Phiên họp bất thường của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khoá XIV diễn ra vào chiều tối ngày 8 tháng 12 với kết quả ông Đinh La Thăng bị thôi chức Đại biểu Quốc hội.

dlt4

Ảnh ghép Bí thư thành Ủy thành phố Hồ Chí Minh, Ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng (trái) và cựu Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng (phải). AFP

Chỉ vài giờ sau đó, những lời đồn đoán lẫn thắc mắc về số phận của ông Đinh La Thăng, Phó trưởng Ban Kinh tế trung ương, nguyên Chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam PVN trong suốt 1 thời gian dài đã được sáng tỏ.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an chiều ngày 8 tháng 12 ra quyết định khởi tố và bắt tạm giam ông Đinh La Thăng với Lý do để điều tra về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Ông Đinh La Thăng có phải là ngọn lửa cao trào thổi bùng lò chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng hay không ?

Không ngạc nhiên

Tin tức được đưa ra theo hình thức "nhỏ giọt" từng diễn biến một. Trước tiên là kết quả phiên họp bất thường của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tất cả ủy viên có mặt đồng thuận với nghị quyết cho thôi chức đại biểu quốc hội đối với ông Đinh La Thăng.

Vài giờ đồng hồ sau đó, báo chí trong nước đồng loạt đăng tải ngay quyết định của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an về việc khởi tố lệnh bắt tạm giam đối với ông Đinh La Thăng và có hiệu lực ngay lập tức.

Những sự việc này, tuy diễn ra cùng một lúc, mang tính chất rất đột ngột, nhưng với những người quan sát tình hình chính trị Việt Nam, thì họ không có nhiều ngạc nhiên.

Đưa ra đánh giá đầu tiên về sự việc này, Tiến sĩ kinh tế, nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, từ Sài Gòn nói với chúng tôi rằng "Đây là nguyên uỷ viên Bộ Chính trị đầu tiên của Việt Nam bị bắt".

Nhận định thứ hai theo ông, tuy đã từng có 1 luồng dư luận đề cập đến việc Đinh La Thăng bị bắt giam, nhưng ngay chính cá nhân ông trước đây cũng chưa thể khẳng định về hình thức kỷ luật mà Đinh La Thăng sẽ nhận lãnh. Do đó, "1 nửa ngạc nhiên, 1 nửa không" là trạng thái ông đón nhận sự việc này.

"Tôi có phần ngạc nhiên. Đây là một kịch bản lặp lại của sự việc tháng 4 năm 2017. Cuối tháng 4 trong bối cảnh lúc đó có thông tin ông Thăng không bị hề hấn gì bởi cái vụ Tập đoàn dầu khí quốc gia. Đột ngột sau đó Ủy ban Kiểm tra trung ương công bố kết quả kiểm tra đối với Đinh La Thăng về những sai phạm được coi là hết sức nghiêm trọng. Chỉ 2 tuần sau đó tại Hội nghị trung ương 5, Đinh La Thăng chính thức mất ghế Ủy viên Bộ Chính trị.

Kỳ này kịch bản lặp lại, cũng 2 tuần. Ngày 25 tháng 11 ông Nguyễn Phú Trọng chủ trì 1 cuộc họp quan trọng của Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng trung ương, đưa ra 1 thông tin công khai, là trong tháng Giêng và tháng Hai sẽ đưa ra xử 2 vụ, 1 là vụ Trịnh Xuân Thanh, 2 là vụ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia. Nhưng không đề cập đến ông Đinh La Thăng mà đề cập trực tiếp đến ông Trịnh Xuân Thanh.

Cho nên lúc đó có dư luận cho là Đinh La Thăng thoát".

Cũng "không ngạc nhiên lắm" là phản ứng của nhà báo tự do Nguyễn Vũ Bình. Theo phân tích của ông, nếu so sánh lại với sự việc của Trịnh Xuân Thanh từng làm ồn ào báo chí thời gian qua thì sẽ thấy ngay "việc gì đến sẽ đến".

"Tôi không ngạc nhiên lắm. Chỉ có chút thôi. Vì chuyện bắt ông Trịnh Xuân Thanh là nó rất là lớn, phải chịu hy sinh lợi ích bang giao quốc tế. Cho nên khi đã bắt Trịnh Xuân Thanh thì phải lôi đến tận gốc rễ của vấn đề. Mà khi đã lôi tận gốc rễ của vấn đề thì sẽ ra đến việc của ông Đinh La Thăng".

Ông Trịnh Xuân Thanh mà nhà báo Vũ Bình vừa nhắc đến là nguyên là Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty xây lắp dầu khí, trực thuộc Tập đoàn dầu khi quốc gia Việt Nam. Trong thời gian làm việc tại đó từ 2011 đến 2013 ông bị cho là đã làm lỗ và thất thoát một số tiền lên đến 3200 tỉ đồng.

Sau đó ông lại được rút về Bộ Công thương rồi lại được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch tỉnh Hậu giang. Đó là chức vụ cuối cùng của ông trước khi bỏ trốn sang Châu Âu và bị Chính phủ Việt Nam truy nã quốc tế vào tháng 9 năm 2016.

Ngày 31 tháng 7 năm 2017, báo chí trong nước đưa tin ông về nước đầu thú ở Bộ Công an Việt Nam, xuất hiện trên đài truyền hình nhà nước Việt Nam nói rằng ông đã phạm sai lầm và quyết định về nước đầu thú.

Tuy nhiên báo chí tiếng Việt và tiếng Đức tại Đức cho biết ông Trịnh Xuân Thanh đã bị nhân viên an ninh Việt Nam sang Đức bắt cóc đưa về nước qua đường Cộng hòa Czech. Nước Đức sau đó nói rằng ông Thanh bị bắt cóc trên lãnh thổ Đức và yêu cầu trả lại ông Thanh cho phía Đức. Yêu cầu này không được đáp ứng và Đức đã đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam.

Cho đến nay Việt Nam vẫn không lên tiếng xác nhận hay phủ nhận việc có bắt cóc ông Thanh trên đất Đức hay không.

Cũng không khác với những nhận định trên, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, cho rằng sự việc này đối với ông là hoàn toàn nằm trong "đường đi có thể suy đoán được". Từ Hà Nội, ông nói với chúng tôi ông không hề ngạc nhiên.

"Không có gì ngạc nhiên vì bản chất của cuộc đấu đá phe phái, logic của nó phải là như vậy".

Chưa phải là hồi kết

Lý do bắt giam và khởi tố ông Đinh La Thăng được cho biết là vì có những vi phạm nghiêm trọng trong việc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) góp vốn 800 tỉ đồng vào Ngân hàng Cổ phần Đại dương (OceanBank) và mất trắng số tiền này.

Cả PVN và Oceanbank đều là những cái tên "nặng ký" trong chiến dịch chống tham nhũng do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đề xướng và làm "Tổng tư lệnh".

Thế nhưng, Đinh La Thăng liệu có phải là cội rễ cuối cùng của 1 trong những đại án tham nhũng hay không ? Câu trả lời của nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng là "chưa phải". Và ông cũng cho rằng việc bắt giam khởi tố Đinh La Thăng "chưa phải là cao trào của "Bản Giao hưởng Chống Tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng".

Ông Phạm Chí Dũng nói tiếp.

"Vấn đề Đinh La Thăng chỉ là tiền đề của 1 cuộc chiến sinh tử của ông Nguyễn Phú Trọng, của cá nhân ông Nguyễn Phú Trọng, thể diện ông Nguyễn Phú Trọng và cũng là sự nghiệp chính trị của ông Nguyễn Phú Trọng".

Tương tự với quan nhận định này là quan điểm của nhà báo Vũ Bình khi cho rằng Đinh La Thăng chưa phải là nhân tố kết thúc câu chuyện chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng.

"Theo tôi thì nó chưa kết thúc. Và nếu như logic của vấn đề phát triển, thì suy nghĩ của tôi là sẽ động đến cấp cao hơn ông Đinh La Thăng, chúng ta biết là người đã về hưu rồi. Đây là cuộc chiến có lẽ không khoan nhượng chứ không đơn thuần là đánh từ vai đánh xuống".

Thêm vào đó, nhà báo Vũ Bình không cho rằng đây là cuộc chiến chống tham nhũng. Vì theo ông, gốc rễ của tham nhũng là cơ chế, khi chưa thay đổi, giải quyết được cơ chế tất cả việc chống và đánh tham nhũng chỉ là tranh giành phe phái.

Tuy rằng theo nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, rất khó để đưa ra dự đoán về bước kế tiếp, nhưng theo quan điểm cá nhân ông, rất có thể hồi kế tiếp của việc này là con đường dẫn đến cửa nhà của "cấp cao hơn Đinh La Thăng và đã về hưu"

"Như vậy thì đường đi của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng rất có khả năng sẽ dẫn thẳng đến cửa nhà của ông Nguyễn Tấn Dũng, là cựu Thủ tướng".

Thế nhưng, ông nhấn mạnh suy nghĩ này "chỉ là 50/50". Phân tích rõ hơn, nhà báo Phạm Chí Dũng nói rằng "Việt Nam không phải là Trung Quốc, Nguyễn Phú Trọng không phải là Tập Cận Bình"

"Muốn làm việc lớn thì phải có cái đầu lớn, lá gan lớn và những cánh tay mạnh mẽ. Trong suốt gần 2 năm vừa qua, có thể nói thành tích chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng được coi là quá nhỏ bé, khiêm tốn so với Trung Quốc. Cho nên chuyện ông muốn làm 1 việc gì đó lớn phải đòi hỏi bản lĩnh ghê gớm lắm. Riêng đối với cá nhân tôi là sự nghi ngờ".

Chính vì vậy, tuy nói rằng sau Đinh La Thăng, con đường đi tiếp theo của ông Nguyễn Phú Trọng có thể sẽ dẫn đến trước cửa nhà của ông Nguyễn Tấn Dũng, nhưng ông Phạm Chí Dũng cũng nhấn mạnh là sẽ không dễ dàng như dư luận đồn đoán.

Qua tất cả những quan sát và phân tích của những người quan tâm đến tình hình chính trị Việt Nam hiện nay, câu hỏi "Sau Trịnh XuânThanh, sau Đinh La Thăng sẽ là ai ?" vẫn còn là một câu hỏi lớn.

Cát Linh

Nguồn : RFA, 08/12/2017

********************

Tương lai nào chờ Đinh La Thăng ?

RFA, 08/12/2017

Ngày 8/12/2017 cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Phó trưởng ban Kinh tế trung ương Đinh La Thăng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị với cáo buộc tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng khi ông còn là Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

dlt5

Ông Đinh La Thăng khi còn làm Chủ tịch HĐTV PVN năm 2010 - AFP

Tội gì ?

Một nhà quan sát chính trị Việt Nam nói với Đài Á Châu Tự Do rằng tương lai án phạt mà ông Đinh La Thăng phải chịu phụ thuộc vào hai điểm trong quyết định truy tố ông Thăng là tội cố ý làm trái quy định nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng và điều tra về tham nhũng.

Từ Hà Nội, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà quan sát chính trị thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) ở Singapore nhận định.

Hà Hoàng Hợp : Nếu chỉ dính đến tội cố ý làm trái thì không bị xử tù quá 20 năm theo luật hình sự Việt Nam vào năm 2009. Còn theo luật hình sự năm 2015 sẽ có hiệu lực vào ngày 1/1/2018 thì cái bộ luật ấy không còn tội cố ý làm trái. Nhưng bắt vào thời điểm bây giờ là ngày 8/12, thì dù có điều tra bao lâu đi chăng nữa thì họ vẫn phải xử theo tội này (làm trái quy định) vì luật vẫn có hiệu lực. Thế nhưng trong thông báo tạm giam có hai cụm từ họ giấu đi ở đằng sau là tham ô và nhận hối lộ thì cả hai tội này có khung án cao nhất là tử hình.

Theo Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, trong thông báo khởi tố bắt tạm giam ông Thăng, tội danh được nhấn mạnh chính là tội làm trái quy định nhà nước.

Theo quyết định được thông báo hôm 8/12, ngoài tội cố ý làm trái, ông Đinh La Thăng còn bị điều tra trong vụ án tham nhũng ở Tổng công ty xây lắp dầu khí (PVC) gây thiệt hại gần 3,300 tỷ đồng. Đây là một trong số những vụ án tham nhũng được nói đến nhiều nhất trong năm 2017 liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị PVC, nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang.

Tội danh của ông Thăng được nêu ra trong kết luận bao gồm gây thất thoát 800 tỷ đồng khi góp vốn vào ngân hàng Đại Dương, một trong 12 vụ đại án được xét xử trong năm qua, và chịu trách nhiệm là người đứng đầu khi để xảy ra những sai sót tại PVC.

Trước khi ông Thăng bị bắt, Thường vụ Quốc hội Việt Nam đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết đình chỉ tư cách đại biểu Quốc hội đối với ông Thăng, có nghĩa là tước bỏ quyền miễn trừ truy tố đối với ông.

Cùng lúc với bị việc bị bắt giam và truy tố, ông Thăng cũng bị đình chỉ sinh hoạt đảng.

Ông Thăng là trường hợp ủy viên trung ương đảng, nguyên ủy viên Bộ Chính trị đầu tiên bị bắt giam và truy tố về tội kinh tế. Theo Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, các trường hợp ủy viên trung ương và Bộ Chính trị trước đó bị kỷ luật không giống như trường hợp của ông Thăng và chủ yếu liên quan đến các vụ án an ninh chính trị và tư tưởng.

Bước cuối cùng

Việc truy tố và bắt giam ông Đinh La Thăng vào lúc này có thể không phải là quá ngạc nhiên đối với những người theo dõi tình hình chính trị Việt Nam thời gian qua.

Vào tháng 5 năm nay, tại Hội nghị trung ương 5, trên 90% ủy viên trung ương đã bỏ phiếu thi hành kỷ luật ông Đinh La Thăng bằng hình thức cảnh cáo và cho thôi giữ chức ủy viên Bộ Chính trị khóa 12.

Vào thời gian vụ án PVC được đưa ra cùng với việc Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn sang Đức và sau đau đó bị bắt về Việt Nam hồi tháng 8 năm nay, đã có nhiều đồn đoán về khả năng ông Thăng, nguyên là cấp trên của ông Thanh ở dầu khí sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Blogger Osin Huy đức, người đã có nhiều bài viết về Đinh La Thăng trên facebook cá nhân được nhiều người theo dõi hồi tháng 9 viết rằng : "Nếu các cơ quan pháp luật muốn làm tới nơi thì quy mô của vụ án không chỉ xảy ra ở PVC mà là ở PVN, vấn đề không phải là Thuận hay Thanh mà là Thăng"

Vũ Đức Thuận nguyên là Tổng Giám Đốc PVC, người cùng bị khởi tố với Trịnh Xuân Thanh và 3 lãnh đạo chủ chốt khác của công ty vì tội tham nhũng hồi tháng 9 năm ngoái. Tính cho đến lúc này đã có tới hơn 20 lãnh đạo thuộc ngành dầu khí bị khởi tố vì liên quan đến các cáo buộc về tham nhũng.

Cùng ngày khi ông Thăng bị bắt, Cơ quan An ninh Điều tra, bộ Công an cũng đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Quốc Khánh, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên, nguyên bí thư đảng ủy PVN về tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý gây hậu quả nghiêm trọng.

Khoảng 2 tuần trước khi ông Thăng bị bắt, tại Hà Nội, Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng đã họp và xác định sẽ sớm giải quyết vụ án ở PVC trong thời gian tới, mà cụ là xét xử Trịnh Xuân Thanh vào tháng 1 năm 2018.

Điều đáng chú ý là sau khi bị kỷ luật cảnh cáo và mất chức, ông Thăng được điều về làm Phó trưởng ban kinh tế trung ương làm dư luận thắc mắc tại sao ông Thăng vẫn chưa bị điều tra khởi tố. Tại sao đến lúc này cơ quan công an mới khởi tố và bắt tạm giam ông Thăng ?

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nhận định : Người ta làm lâu thế là vì có nhiều nguyên nhân, vì họ phải cân nhắc các mối quan hệ bên trong nội bộ, chủ yếu là họ tìm đủ các bằng chứng để dẫn đến vụ bắt bớ này. Điều này nói lên rằng hệ thống tư pháp Việt Nam đã cân nhắc một cách khá thận trọng mọi thứ thế nhưng cũng cần phải nói là hệ thống tư pháp của Việt nam cũng như tất cả các hệ khác đều nằm dưới sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng cộng sản Việt Nam.

Theo tiến sĩ Hà Hoàng Hợp chính vì lý do đảng lãnh đạo tuyệt đối mà thông báo kỷ luật của ông Thăng không nhấn mạnh về vấn đề tham nhũng mà chỉ tập trung vào tội cố ý làm trái. Ông cũng nhận định có nhiều khả năng sau Thăng sẽ còn một số những lãnh đạo cao cấp khác có thể bị bắt.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo chống tham nhũng trung ương là người đã phát động chiến dịch chống tham nhũng rầm rộ từ hồi giữa năm ngoái. Ông cũng nói đến sự mất lòng tin của người dân vào đảng vì vấn đề tham nhũng. Tuy nhiên theo Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp việc bắt một quan chức cấp cao trong đảng như ông Thăng trong một vụ án tham nhũng không có nghĩa đảng sẽ lấy lại được niềm tin vì niềm tin đã mất thì có lấy lại cũng rất khó và phải lấy lại bằng cách khác.

Nguồn : RFA, 08/12/2017

Quay lại trang chủ
Read 1115 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)