Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

14/12/2017

Cho tổ chức lễ Tin Lành : Việt Nam đang toan tính gì ?

Thiền Lâm

Cho tổ chức lễ ‘500 năm Tin Lành cải chính’ : Việt Nam đang toan tính gì ?

Chính thể độc đảng ở Việt Nam vừa tạo ra một ấn tượng đáng ngạc nhiên đối với giới Ki tô hữu khi chấp nhận cho tổ chức lễ ‘500 năm Tin Lành cải chính’ ở Hà Nội.

tinlanh1

Mục sư Franlink Graham chia sẻ Phúc Âm, sứ điệp mà ông rao giảng đặt trọng tâm sự cứu rỗi linh hồn tại buổi giảng đạo ở Hà Nội, 8/12/2017.

Theo VOA, hơn 10.000 người Việt Nam đã đến dự buổi giảng của Mục sư Franklin Graham, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của tổ chức Samaritan’s Purse, diễn ra tại một vận động trường ở Hà Nội trong buổi tối Thứ Sáu 8/12/2017. Sự kiện kéo dài hai ngày cho tới hết Thứ Bảy 9/12, là sự kiện truyền bá phúc âm Cơ Đốc Giáo "hiếm hoi" ở nước cộng sản Việt Nam, theo hãng thông tấn AP.

Mục sư Graham nói rằng buổi cầu nguyện tại Hà Nội hôm thứ Sáu là sự kiện "chưa từng diễn ra về mặt quy mô đối với Việt Nam. Ông cho biết chính quyền tại Hà nội không đặt ra bất cứ điều kiện nào’ cho sinh hoạt tôn giáo này. Mặc dù cần tới 1 năm để tổ chức sự kiện, giới hữu trách Việt Nam chỉ mới bật đèn xanh "hồi tuần trước", theo lời mục sư Graham nói với AP.

Trang mạng christianpost.com  đã trích lời Mục sư Franklin Graham ca ngợi chính phủ Việt Nam là đã bắt đầu có quan hệ ấm áp hơn với Ki-tô giáo…

tinlanh2

Việt Nam vừa tạo ra một ấn tượng đáng ngạc nhiên khi cho tổ chức lễ ‘500 năm Tin Lành cải chính’ ở Hà Nội.

Đây là lần thứ hai trong năm nay, chính quyền Việt nam được "khen" bởi giới chức tôn giáo. Lần thứ nhất xảy ra vào tháng 8/2017 khi Thiền sư Thích Nhất Hạnh bất ngờ về Việt Nam, và theo những nhà sư đi theo ông, Đại sứ quán Việt Nam ở Pháp đã giải quyết thủ tục cấp vi sa cho cả đoàn thày Nhất Hạnh chỉ trong một ngày – điều quá khó để tưởng tượng.

Chính quyền Việt Nam có "thành tâm" với tôn giáo hay đang toan tính gì ?

Hãy liên tưởng. Từ năm 2016 đến nay đã diễn ra những cuộc vận động ngày càng dứt khoát của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) cùng nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế khác đòi hỏi đưa chính quyền Việt Nam trở vào Danh sách các quốc gia cần đặc biệt quan tâm (CPC). Vào năm 2016, USCIRF đã công bố bản báo cáo mang tựa đề "Tự do Tôn giáo tại Việt Nam : Đánh giá việc đưa vào 10 năm sau khi rút tên".

11 năm trước, vào năm 2006, Việt Nam đã được người Mỹ nhấc khỏi Danh sách CPC, sau đó Việt Nam còn được chấp thuận trở thành thành viên của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO) vào năm 2007. Trong vài ba năm sau đó, nền kinh tế Việt Nam đã "chung vui" cùng chế độ bằng những chiến dịch đầu cơ kinh hoàng, mang lại vô số tiền bạc cho lớp đại gia đầu cơ và giới quan chức tham nhũng chính sách. Nhưng đồng thời từ năm 2008 đến nay, chính quyền Việt Nam lại gia tăng đàn áp tôn giáo và bắt bớ người bất đồng chính kiến. Chỉ riêng hai năm 2011 và 2012 là "cao điểm", số người bất đồng bị bắt hàng năm đã lên tới gần năm chục. Trong 10 tháng đầu năm 2017, số người bất đồng bị bắt đã lên đến con số 25.

Vào năm 2007, để vào được WTO, Việt Nam đã "điều chỉnh" một số nội dung liên quan đến tín ngưỡng và tôn giáo. Nhưng sau khi đã được thỏa mãn trong bàn tiệc WTO, Luật Tín ngưỡng Tôn giáo được Việt Nam ban hành trong thời gian gần đây đã trở lại lốt cũ, quá nặng về cơ chế "xin – cho" và không thiếu hàm ý đe dọa sẽ thẳng tay trấn áp các tổ chức tôn giáo không chịu xin phép "đảng và nhà nước".

Cho tới nay, những tôn giáo bị chính quyền đàn áp mạnh nhất vẫn là Phật giáo Hòa Hảo thuần túy ở An Giang, Công giáo (đặc biệt ở khu vực Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình), Tin Lành (chủ yếu ở Tây Nguyên và Tây Bắc).

Cho tới nay, không chỉ giới chức Hoa Kỳ, mà rõ ràng cả nhiều nước Tây Âu, và cả Đông Âu, đã đánh giá tình hình nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam ngày càng tồi tệ, số người bị bắt bớ, đánh đập và sách nhiễu ngày càng tăng. Nhiều dư luận cho rằng chính sách dỡ bỏ CPC của Hoa Kỳ đối với Việt Nam vào năm 2006 là sai lầm.

AP dẫn nguồn từ tổ chức Human Rights Watch cho biết hơn 100 người Việt Nam đang bị giam cầm vì những sinh hoạt tôn giáo hay chính trị ôn hòa.

Vào tháng Chín năm 2017, chính quyền Việt Nam còn bổ nhiệm viên đại tá Vũ Chiến Thắng, Cục trưởng An ninh Tây Bắc, thuộc Tổng cục An ninh của Bộ Công an, làm Trưởng ban Tôn giáo chính phủ.

Ông Vũ Chiến Thắng lại là người có kinh nghiệm và thâm niên là Cục trưởng An ninh Tây Bắc, chủ yếu là các đối sách trấn áp Công giáo và Tin Lành.

Với nguồn gốc Nghệ An, Trưởng ban Tôn giáo chính phủ Vũ Chiến Thắng dĩ nhiên có nhiều kinh nghiệm để đối phó với phong trào Công giáo phản đối Formosa nơi đây. Sẽ chẳng có gì ngạc nhiên nếu trong thời gian tới Ban Tôn giáo chính phủ tăng cường tham mưu cho đảng những đối sách và biện pháp "chuyên biệt" và quyết liệt nhắm vào Công giáo Vinh và giáo dân Hà Tĩnh, càng khiến giới nhân quyền quốc tế nổi giận và đẩy nhanh hơn chính quyền Việt Nam vào lại Danh sách CPC.

Một mâu thuẫn lớn nảy nòi trong lòng chế độ cầm quyền là trong khi "hoan hỉ" đón Thiền sư Thích Nhất Hạnh về Việt Nam, vào năm 2016 nhà cầm quyền lại xóa trắng chùa Liên Trì ở Sài Gòn – một địa chỉ truyền thống thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất.

Và trong khi chấp nhận cho tổ chức lễ ‘500 năm Tin Lành cải chính’ của Mục sư Franklin Graham ở Hà Nội, vào tháng 11/2017, chính quyền trung ương và chính quyền Điện Biên đã tìm cách đẩy đuổi nhiều giáo dân Tin Lành ở vùng này, khiến nổi bật một bằng chứng không thể chối cãi được về tình trạng đàn áp tôn giáo ở Việt Nam.

Với nhiều bằng chứng về đàn áp tôn giáo như thế, liệu chính quyền Việt Nam có tìm cách thoát được tương lai "tái hòa nhập CPC" bằng vài tiểu xảo mơn trớn Thiền sư Thích Nhất Hạnh và Mục sư Franklin Graham ?

Thiền Lâm

Nguồn : Cali Today, 14/12/2017

*********************

Mục sư Franklin Graham : "Tự do tôn giáo tại Việt Nam đang được cải thiện" (RFA, 13/12/2017)

Mục sư Franklin Graham, một nhà truyền giáo Hoa Kỳ nổi tiếng thế giới được Chính phủ Việt Nam cho phép tổ chức buổi truyền giảng Phúc âm trong hai ngày 8 và 9 tháng 12, tại Hà Nội với sự tham dự của hơn 10 ngàn người. Sự kiện này được Mục sư Franklin Graham cho là "chưa từng có" cùng với lời khẳng định tự do tôn giáo tại Việt Nam đang dần được cải thiện.

tinlanh3

Quang cảnh buổi truyền giáo của Mục sư Franklin Graham tại Hà Nội, ngày 08/12/17 -  AP

Giới lãnh đạo tinh thần Thiên Chúa giáo Việt Nam chia sẻ gì qua sự kiện vừa nêu ?

"Tôi là Franklin Graham, hiện đang ở Hà Nội, Việt Nam để truyền giảng về Chúa Giê-su đến với dân chúng miền Bắc. Tôi lấy làm vui mừng Chính phủ Việt Nam cho phép chúng tôi tổ chức buổi truyền giảng này và chúng tôi trông đợi vào sự chuyển động của Thượng Đế".

Buổi truyền giảng "chưa có tiền lệ"

Đây là chia sẻ của Mục sự Franklin Graham, đăng tải trong một video clip trên tài khoản Facebook cá nhân vào ngày 7 tháng 12 khi ông vừa đến Việt Nam.

Mục sư Franklin Graham hiện là Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Hiệp hội Truyền bá Phúc âm Billy Graham và là một trong những nhà tuyền giáo nổi tiếng nhất tại Hoa Kỳ. Việt Nam là một trong số 7 quốc gia mà Mục sư Franklin Graham chia sẻ Phúc âm trong năm 2017.

Nói với Hiệp hội Báo chí (The Associated Press) vào ngày 9 tháng 12, Mục sư Franklin Graham cho biết buổi truyền giảng của ông mất một năm để chuẩn bị và được Chính phủ Việt Nam cấp phép một tuần trước khi sự kiện diễn ra cũng như không đòi hỏi bất cứ điều kiện nào. Mục sư Franklin Graham nhấn mạnh đây là buổi truyền giảng chưa có tiền lệ về số người người tham dự đối với Hiệp hội Truyền bá Phúc âm Billy Graham lẫn Chính quyền Hà Nội. Trên trang Facebook cá nhân, Mục sư Franklin Graham chia sẻ nhiều hình ảnh của buổi truyền giảng tại Cung thể thao Quần ngựa và các buổi gặp gỡ giữa ông với giới chức lãnh đạo Việt Nam, như Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh, Chủ tịch thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung.

Mục sư Franklin Graham nói rằng tự do tôn giáo tại Việt Nam đang dần được cải thiện trong vòng 20 năm và ông hy vọng qua sự kiện truyền giảng này, Chính quyền Hà Nội sẽ có cái nhìn khác về cộng đồng Thiên Chúa giáo.

Mục sư Nhựt Nguyễn, thuộc Hội thánh Tin Lành Việt Nam ở Hoa Kỳ cho biết ông theo dõi thông tin về buổi truyền giảng lần đầu tiên của Mục sư Franklin Graham tại Việt Nam rất sát sao và Hội thánh Tin Lành Việt Nam trong quốc nội cũng như ở hải ngoại cầu nguyện cho buổi truyền giảng này. Mục sư Nhựt Nguyễn nói với RFA :

"Về phương diện tích cực thì tôi thấy rằng có một sự chuyển động mà Đức Chúa Trời đang làm trên dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, tôi nhận thấy Chính quyền Hà Nội cũng thấy có một sự chuyển động nào đó ở giữa vòng cộng đồng đức tin tại Việt Nam, nhất là tại miền Bắc, những ngườu đã sống rất lâu trong chế độ Cộng sản vô thần. Ngày hôm nay chính những người đó mở lòng ra đối với Tin Lành".

Vẫn không có tự do tôn giáo

Trong khi đó, Mục sư Nguyễn Hoàng Hoa, cũng thuộc Hội thánh Tin lành Việt Nam, từ trong nước lên tiếng không lấy làm phấn khởi mặc dù Chính phủ cho phép một buổi truyền giảng hiếm hoi như thế. Mục sư Nguyễn Hoàng Hoa cho rằng ghi nhận lạc quan của Mục sư Franklin Graham về tình hình tôn giáo tại Việt Nam là do nhà truyền giáo đến từ Mỹ chỉ nhìn thấy bề nổi mà không nắm bắt được hiện tình thực tế. Mục sư Nguyễn Hoàng Hoa và một số mục sư thuộc các hệ phái Tin lành khác nhau ở Việt Nam mà Đài RFA tiếp xúc thừa nhận chỉ những hội thánh tin lành nào được chính quyền công nhận thì mới cấp phép cho sinh hoạt, còn những hội thánh không được cấp phép thì gặp rất nhiều khó khăn trong việc thừa phượng và truyền giảng.

Từ Sài Gòn, Linh mục An-tôn Lê Ngọc Thanh, thuộc Dòng Chúa Cứu Thế chia sẻ Hội thánh Công giáo cũng gặp tình trạng tương tự, đặc biệt ở những vùng chưa thể thành lập giáo xứ hay xây dựng nhà thờ :

"Với những vùng truyền giáo, tức là những nơi chưa có giáo xứ vì chỉ có một ít giáo dân nên chưa thể thành lập giáo xứ, thì luôn luôn gặp khó khăn. Linh mục làm lễ ngoài nhà thờ, tại nhà dân thì luôn bị gây khó khăn. Do vậy, sự cải thiện về tự do tôn giáo ở Việt Nam gần như không đáng kể. Ngay Luật Tín ngưỡng Tôn giáo chuẩn bị có hiệu lực vào ngày 01/01/2018 sắp tới cũng nhằm chỉ trên quan điểm, đó là quản lý tôn giáo chứ không phải giúp công dân thực hiện quyền tự do tôn giáo của mình".

Ngay sau buổi truyền giảng của Mục sư Franklin Graham tại Hà Nội, vào sáng ngày 10 tháng 12, Ngày Quốc tế Nhân quyền, Linh Mục An-tôn Lê Ngọc Thanh cùng các linh mục trong Dòng Chúa Cứu Thế bị công an và cảnh sát giao thông chặn xe, kéo về đồng Công an phường 6 quận 3 thành phố Hồ Chí Minh khi họ đang trên đường đến dự lễ bổn mạng Giáo xứ Thọ Hòa, ở Đồng Nai.

Trước đó, hồi hạ tuần tháng 4 năm nay, Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) công bố bản báo cáo thường niên, trong đó đánh giá tình hình tự do tôn giáo Việt Nam "tiếp tục có tiến bộ về các điều kiện tự do tôn giáo, nhưng các vi phạm tự do tôn giáo nghiêm trọng vẫn tiếp diễn". USCIRF một lần nữa kết luận rằng Việt Nam đáng bị đưa trở lại vào danh sách các quốc gia đáng được quan tâm (CPC), theo Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế (IRFA).

Trả lời câu hỏi của Đài Á Châu Tự Do liệu rằng qua sự kiện Chính phủ Hà Nội cho phép tổ chức buổi truyền giáo quy mô của Mục sư Franklin Graham vừa rồi, thì đó có phải là chỉ dấu cho thấy việc thực hành tín ngưỡng của cộng đồng Thiên Chúa giáo nói riêng cũng như của các tôn giáo nói chung ở Việt Nam trong thời gian tới được cởi mở và thông thoáng hay không, Mục sư Nguyễn Hoàng Hoa cho biết :

"Về phía chúng tôi là những nhà lãnh đạo tôn giáo, những người sinh hoạt tôn giáo thuần túy thì rất mong muốn được sự tự do trong việc bày tỏ niềm tin vào rao giảng tin mừng về Thiên Chúa. Lúc nào cũng ao ước như vậy, nhưng không biết là có được như vậy hay không trong những năm tới ?"

Trong khi RFA nhận được một số kiến của giới lãnh đạo tôn giáo tại Việt Nam đưa ra lập luận, cho rằng có thể Chính quyền Hà Nội đang nỗ lực chứng minh với thế giới Việt Nam có tự do tôn giáo qua sự kiện truyền giảng của Mục sư Franklin Graham, nhằm phản bác đề nghị đưa Việt Nam trở lại danh sách các quốc gia cần được quan tâm (CPC) thì chúng tôi nhận được thông báo của giáo dân Giáo xứ Đông Kiều, Giáo phận Vinh cho biết công an xã Diễn Mỹ vào sáng ngày 13 tháng 12 không cho làm hang đá chuẩn bị đón Noel. Một giáo dân tường thuật :

"Họ đọc biên bản cấm. Họ nói trong vòng 24 giờ nếu không giải tỏa thì chính quyền sẽ tháo gỡ".

Tin mới nhất từ Giáo xứ Đông Kiều báo về Đài RFA là một nhóm côn đồ vào lúc 8 giờ tối cùng ngày đến phá các cổng chào, chém một người bị thương và một người khác bị thương do nhóm này nổ súng.

Hòa Ái, phóng viên RFA

Quay lại trang chủ
Read 935 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)