Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

18/12/2017

Bà Suu Kyi phải đối mặt với án diệt chủng ?

Justin Rowlatt

Ông Zeid Ra'ad Al Hussein, quyết tâm đưa những kẻ gây thảm họa cho người Rohingya ra đối mặt trước pháp luật.

Ông là người đứng đầu cơ quan theo dõi về nhân quyền trên toàn thế giới của Liên Hiệp Quốc, nên ý kiến của ông có trọng lượng.

Điều này có thể dẫn tới những lãnh đạo cao nhất - ông không loại trừ khả năng lãnh đạo dân sự bà Aung San Suu Kyi và người đứng đầu quân đội Myanmar Tướng Aung Min Hlaing có thể phải đối mặt với bản án về tội diệt chủng một ngày trong tương lai.

Hồi đầu tháng 12, ông Zeid nói trước Hội đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc (UNHRC) rằng việc người Rohingya ở Myanmar bị ngược đãi một cách có hệ thống và trên diện rộng có nghĩa tội diệt chủng không thể được loại trừ.

aung1

Ông Zeid Ra'ad Al Hussein, Cao ủy Hội đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc

"Vì mức độ lớn của hoạt động quân sự, rõ ràng đây là các quyết định được đưa ra ở cấp cao", vị cao ủy UNHRC nói, khi chúng tôi gặp gỡ tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Geneva trong chương trình BBC Panorama.

Tuy vậy, diệt chủng là một từ được bàn cãi rất nhiều. Từ 'diệt chủng' nghe thật khủng khiếp - có thể coi là "mẹ của các tội ác". Rất ít người bị kết tội này.

Tội diệt chủng được hình thành sau thảm họa Diệt chủng người Do Thái (Holocaust).

Các nước thành viên của Liên Hiệp Quốc mới ra đời lúc đó đã ký một quy ước định nghĩa tội diệt chủng là những hành vi được gây ra với mục đích tiêu diệt cả một tộc người.

Chứng minh rằng hành vi diệt chủng đã diễn ra ở Myanmar không phải là việc của ông Zeid Ra'ad Al Hussein - chỉ có tòa án mới làm được việc đó. Nhưng ông đã kêu gọi một cuộc điều tra tội phạm quốc tế đối với những người gây ra cái mà ông gọi là "tấn công tàn bạo gây sốc" chống lại nhóm Hồi giáo thiểu số từ tỉnh Rakhine ở phía Bắc Myanmar.

Nhưng ông Zeid biết rằng đây là một trường hợp khó kết án : "Vì những lý do ai cũng biết, nếu bạn lên kế hoạch có hành động diệt chủng, bạn không viết vào văn bản và bạn không đưa ra chỉ dẫn".

"Khả năng có bằng chứng là thấp", ông nói. 'Nhưng tôi sẽ không ngạc nhiên trong tương lai nếu tòa án đưa ra kết luận như vậy dựa trên những gì chúng ta chứng kiến".

Cho đến đầu tháng 12, gần 650.000 người Rohingya - khoảng hai phần ba toàn bộ dân số cộng đồng này - đã rời Myanmar sau làn sóng tấn công do quân đội gây ra, bắt đầu từ cuối tháng Tám.

Hàng trăm ngôi làng bị đốt và hàng ngàn người được cho là đã bị giết hại.

Có biểu hiện đã diễn ra những tội ác kinh hoàng : thảm sát, giết người và cưỡng hiếp hàng loạt - những điều chính tôi được nghe khi tôi tới các trại tỵ nạn khi cuộc khủng hoảng này bắt đầu.

Điều khiến vị đứng đầu cơ quan nhân quyền của Liên Hợp Quốc day dứt là ông đã thúc giục bà Suu Kyi, vị lãnh đạo mặc nhiên của Myanmar, có hành động để bảo vệ người Rohingya sáu tháng trước khi bạo lực bùng nổ hồi tháng Tám.

Ông kể ông nói chuyện với bà qua điện thoại khi văn phòng của ông xuất bản một báo cáo vào tháng 2/2017, trong đó ghi lại những hành động tàn ác trong một đợt bạo lực bắt đầu hồi tháng 10/2016.

"Tôi kêu gọi bà ấy làm chấm dứt các hoạt động quân sự này", ông Zeid kể với tôi. "Tôi kêu gọi tình cảm của bà ấy... làm những gì bà có thể để chấm dứt tình trạng này, và tôi rất lấy làm tiếc là điều đó dường như đã không xảy ra".

aung2

Tướng Min Aung Hlaing, người đứng đầu lực lượng quân đội Myanmar

Quyền lực của bà Suu Kyi đối với quân đội là có hạn, nhưng ông Zeid Ra'ad Al Hussein tin rằng đáng lẽ ra bà phải làm nhiều hơn để cố dừng chiến dịch của quân đội.

Ông chỉ trích bà đã không dùng từ "Rohingya". "Tước bỏ tên của [cộng đồng] họ là làm mất nhân tính, đến mức bạn bắt đầu tin rằng chuyện gì cũng có thể xảy ra", ông nói, dùng ngôn ngữ mạnh đối với một quan chức cao cấp Liên Hiệp Quốc.

Ông cho rằng quân đội Myanmar bạo dạn lên khi cộng đồng quốc tế không có hành động nào sau khi họ gây bạo lực hồi 2016. "Tôi tin rằng lúc đó họ kết luận là họ có thể tiếp tục [gây bạo lực] mà không phải sợ gì", ông nói.

"Điều mà chúng ta cảm nhận được là bạo lực họ gây ra được suy tính và lên kế hoạch kỹ", ông nói với tôi.

aung3

Người tị nạn Rohingya 'sống trong điều kiện khắc nghiệt'

Chính phủ Myanmar nói hành động quân sự là đáp trả các vụ tấn công khủng bố hồi tháng Tám khiến 12 nhân viên an ninh bị thiệt mạng.

Nhưng BBC Panarama đã thu được bằng chứng cho thấy công việc chuẩn bị cho các đợt tấn công người Rohingya đã bắt đầu trước thời điểm đó từ lâu.

Chúng tôi thấy Myanmar đã huấn luyện và cấp vũ trang cho người Phật giáo địa phương từ trước đó. Chỉ vài tuần sau khi xảy ra bạo lực, chính phủ đưa ra lời kêu gọi : "Bất kỳ người Rakhine nào muốn bảo vệ bang của mình sẽ có cơ hội gia nhập lực lượng cảnh sát vũ trang địa phương".

"Đây là quyết định được đưa ra để gây ra tội ác chống lại những người dân thường", ông Matthew Smith, giám đốc tổ chức nhân quyền Fortify Rights, tổ chức điều tra tình hình dẫn tới tình trạng bạo lực năm nay, nói.

Đây cũng là quan điểm của người tỵ nạn trong các trại tỵ nạn lớn ở Myanmar, những người chứng kiến dân Rakhine tình nguyện tham gia lực lượng cảnh sát đã tấn công hàng xóm và đốt nhà của họ.

BBC liên hệ với bà Aung San Suu Kyi và người đứng đầu quân đội để lấy phản ứng của họ. Nhưng cả hai người đều không có phản hồi.

Đã gần sáu tháng kể từ khi các vụ tấn công diễn ra và ông Zeid Ra'ad Al Hussein lo ngại rằng hệ lụy của bạo lực còn chưa chấm dứt. Ông sợ rằng đây "chỉ là giai đoạn khởi đầu của điều tồi tệ hơn nhiều".

Ông lo rằng các nhóm jihadi có thể sẽ hình thành trong các trại tỵ nạn khổng lồ ở Bangladesh và gây các cuộc tấn công vào Myanmar, có lẽ nhắm vào các đền thờ Phật giáo. Kết quả có thể là cái mà ông gọi là "đối đầu mang tính xưng tội" - giữa những người Phật giáo và Hồi giáo.

Đây là một viễn cảnh thật đáng sợ, như vị cao ủy chỉ ra, nhưng là một viễn cảnh mà Myanmar không tính đến một cách nghiêm túc.

"Tôi muốn nói là hậu quả có thể vô cùng to lớn", ông nói. "Việc họ đáp lại những quan ngại nghiêm trọng của cộng đồng quốc tế một cách thiếu nghiêm túc là thật đáng báo động".

Nguồn : BBC, 19/12/2017

Quay lại trang chủ
Read 806 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)