Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

22/12/2017

Chuyện 'tước quốc tịch' cư dân gốc Việt ở Campuchia

Thùy Linh

Tin tức chính quyền Campuchia sẽ 'tước quốc tịch' của 70 nghìn người gốc Việt đã gây ra nhiều hoang mang cho Việt kiều sinh sống tại vương quốc làng giềng.

cam1

Ông Trần Văn Long (bìa phải) và gia đình bên căn nhà thuyền trên hồ Tonle Sap ở tỉnh Kampong Chhnang

Phóng viên Thùy Linh của BBC Việt Ngữ sau đó đã có một chuyến đi năm trong tháng 12/2017 ngày đến đất nước Chùa Vàng, để tìm hiểu về chính sách gây nhiều tranh cãi này :

Thu hồi giấy tờ cũ kết hợp cấp giấy tờ mới

Ông Trần Văn Long, một người dân sinh sống ở tỉnh Kampong Chhnang, cho phóng viên BBC biết, hôm 4/12 ông đã giao nộp quyển Sổ Cư Trú mà gia đình ông đăng ký cách đây 20 năm và nhận lại một biên bản ghi nhận.

Tuy nhiên Thẻ Ngoại kiều, Giấy chứng nhận Ngoại kiều và biên bản đóng phí ngoại kiều ông Long và gia đình có được sau khi làm thủ tục đăng ký ngoại kiều năm 2016 thì không bị thu hồi.

Thực ra, vào cuối tháng 8/2014, chính phủ Campuchia đã tiến hành một cuộc tổng khảo sát điều tra dân số người gốc Việt ở nước sở tại. Và ngay sang năm 2015, Campuchia tiến hành chương trình đăng ký ngoại kiều cho nhiều người gốc Việt, và ông Long và gia đình ông là một trong số đó.

Ông Long cho phóng viên chúng tôi thấy biên lai đóng phí ngoại kiều 250.000 riel vào tháng 8/2015 và sau đó vào 2016 và 2017, ông và vợ được cấp Giấy Chứng nhận Ngoại kiều và một Thẻ Ngoại kiều, được coi như là thẻ căn cước với ảnh thẻ và thông tin cá nhân.

Nhưng khi đó, chính phủ Campuchia không thu hồi giấy tờ cũ, mà theo Chủ tịch Tổng hội Người Campuchia gốc Việt Nam Châu Văn Chi, mục đích của Nghị định 129 ban hành năm 2017 là để tiến hành công tác này.

Cũng theo ông Chi, người gốc Việt trên 18 tuổi làm thủ tục đăng ký ngoại kiều sẽ phải đóng phí 250,000 riel hai năm một lần để gia hạn Giấy chứng nhận và Thẻ Ngoại kiều.

Sau ba lần, tức đến năm thứ 7 thì sẽ có thể bắt đầu đăng ký nhập tịch Campuchia nếu có nguyện vọng.

Có nghĩa là trên lý thuyết, trong trường hợp của ông Long, nếu đã đóng phí lần một vào 2016, ông sẽ đóng lần hai vào năm 2018 tới đây và tiếp tục đóng vào 2020. Đến năm 2021 thì ông có thể đăng ký nhập tịch Campuchia. Theo phát hiện của BBC thì đây là thông tin mà nhiều người dân gốc Việt đều không biết rõ.

Thêm vào đó, khoản phí 250.000 riel, tương đương 1,4 triệu Việt NamD là quá khả năng chi trả của phần lớn người gốc Việt đang sống gần như ở "tầng đáy xã hội" ở Biển Hồ.

Tổng hội sẽ 'nỗ lực để giúp đỡ tất cả bà con'

Ông Châu Văn Chi, cho BBC biết rằng Tổng hội đã vận động các nhà doanh nghiệp và nhà hảo tâm giúp đỡ cho 10.000 người dân ở 25 tỉnh thành và đang tiếp tục vận động để hỗ trợ khoản phí này.

Khi chúng tôi kiểm tra lại với ông Long thì ông cho biết ông không phải trả khoản phí này mà "quan chức Campuchia trả cho" dù ông không biết tiền đến từ đâu.

Trước đó, ông Trần Nhân Tuấn, một người dân ở tỉnh Kampong Chhnang đã thay mặt người dân viết đơn gửi lên các bộ ban ngành và các tổ chức quốc tế để xin hỗ trợ bà con với khoản phí này.

Nhưng ông Chi cho biết ông "không hiểu lá đơn của ông Tuấn và không biết rõ, nhưng tổng hội sẽ tiếp tục vận động để hỗ trợ cho tất cả bà con".

Một số người dân khác thì bức xúc cho rằng họ đã sống ở Campuchia hàng chục năm qua, đã đóng quá nhiều phí, nhiều lần cho nhiều loại giấy tờ khác nhau hàng chục năm qua, bây giờ tất cả các loại giấy tờ cũ trở nên mất hiệu lực và họ phải làm lại từ đầu kèm theo một khoảng phí "chua chát".

Luật sư Lyma Nguyễn, một trong những người soạn thảo bản Báo cáo về Tình trạng pháp lý của người gốc Việt ở Cambodia năm 2012 thì cho biết, phải xét theo trường hợp của từng cá nhân, tùy vào thời điểm họ sinh ra để áp dụng loại luật nhập cư phù hợp.

Trong báo cáo này, có chỉ ra một trường hợp người Việt sinh năm 1954 ở Campuchia, mà các tác giả cho rằng người này đáng lẽ phải là công dân Campuchia theo Bộ luật Quốc gia dưới chế độ Bảo hộ Pháp năm 1934.

Nhiều giấy tờ mà người dân cung cấp cho phóng viên chúng tôi cũng đã bạc màu, nhoè chữ hoặc thất lạc. Cho dù các pháp lệnh nhập cư cũ còn được tôn trọng và áp dụng, cũng rất khó có thể có được thông tin đầy đủ cho tất cả 70,000 người với tình trạng giấy tờ khác nhau.

Ông Chi nói những giấy tờ này "không phải là không hợp lệ nhưng hiện giờ chính phủ Campuchia cho là bất thường" nên phải làm lại. Còn những người đã có giấy tờ mới mà có "giấu hiệu bất thường" cũng sẽ phải làm lại.

Người gốc Việt chỉ muốn 'có được giấy tờ hợp pháp'

cam2

Người dân chỉ muốn có giấy tờ hợp pháp những họ cũng không muốn đóng thêm các khoản phí và đăng ký giấy tờ mới nếu không đem lại kết quả.

Nhiều người gốc Việt sinh sống ở vùng Biển Hồ chia sẻ họ chỉ muốn ổn định về mặt giấy tờ để sống hợp pháp và có thể được hưởng các chế độ an sinh xã hội như những công dân Campuchia.

Với những người dân còn sống lênh đênh trên mặt nước Biển Hồ, việc được cấp giấy tờ hợp pháp còn có nghĩa họ có thể mua đất, vay ngân hàng và cải thiện cuộc sống.

Tất cả đều không muốn đóng thêm các khoản phí và đăng ký giấy tờ mới nếu không đem lại kết quả.

Vì vậy, mối bận tâm lo lắng hiện tại của nhiều người gốc Việt là liệu Tổng hội có thể đủ khả năng hỗ trợ hết cho tất cả 70,000 người dân, trong vòng 7 năm hay không ?

Và quan trọng nhất là liệu sau 7 năm, chính phủ Campuchia có thực sự hợp pháp hoá, và công nhận quốc tịch Campuchia cho họ hay không ?

Thùy Linh

Nguồn : BBC, 22/12/2017

Quay lại trang chủ
Read 725 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)