Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

30/01/2017

Chân dung tân Tổng thống Mỹ qua bài diễn văn nhậm chức

Việt Hoàng

Vượt qua mọi dèm pha, nghi ngờ và phản đối, cuối cùng thì Donald Trump cũng đã làm lễ tuyên thệ nhậm chức và trở thành vị Tổng thống thứ 45 của Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ.

donald1

Donald đạo Trump, Tổng thống thứ 45 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ

Lễ nhậm chức của Tổng thống Trump diễn ra với tất cả nghi lễ trang trọng và hoàng tráng nhất mà người Mỹ có thể làm được. Dù yêu hay ghét nước Mỹ thì vai trò của nước Mỹ ngày càng được khẳng định và thừa nhận trên toàn thế giới. Lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ đã được cả thế giới chăm chú theo dõi và bình luận với đủ các cung bậc cảm xúc.

Có lẽ trong lịch sử nước Mỹ chưa có vị Tổng thống thống nào nhậm chức với nhiều ý kiến phản đối và bất mãn như trường hợp tân Tổng thống Donald Trump.

Việc ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ là một bất ngờ ngoài mọi sự phán đoán của dư luận. Trong bài viết này chúng tôi không bàn đến nguyên nhân vì sao ông ta có thể chiến thắng được một chính trị gia dày dạn kinh nghiệm như bà Hilary Clinton mà chúng tôi chỉ bàn đến những chính sách và kế hoạch mà ông ta hứa hẹn thực hiện qua bài diễn văn nhậm chức. Liệu những lời hứa và cam kết đó có trở thành hiện thực hay không và ông ta có thể làm được gì cho nước Mỹ ?

- Khẩu hiệu đầu tiên và đã làm hàng triệu người Mỹ hân hoan đó là "Nước Mỹ trên hết". Ý nghĩa của câu nói này có gì mới không ? Hoàn toàn không ! Khẩu hiệu này quá cũ, thậm chí là cũ rích và rõ ràng thông điệp này chỉ để mị dân. Có vị Tổng thống Mỹ nào dám nói quyền lợi của nước Mỹ là thứ yếu không ? Chắc chắn là không. Nước Mỹ hay bất cứ một quốc gia nào trên thế giới đều hành động vì chính quyền lợi của quốc gia đó, kể cả Việt Nam sau này. Từ việc Mỹ bỏ rơi đồng minh của mình là Việt Nam Cộng Hòa đến việc can thiệp quân sự vào Iraq hay Afganistan, hay bất cứ điểm nóng nào trên thế giới thì cũng đều là vì quyền lợi của nước Mỹ, và điều đó hoàn toàn đúng và đúng với bất cứ quốc gia nào được đặt vào vị trí của Mỹ.

- Lời hứa thứ hai của Trump là sẽ "tiêu diệt khủng bố ISIS" ! Từ Bush cha, Bush con đến Obama đều đã nỗ lực hết mình để chống khủng bố và lực lượng "Hồi giáo cực đoan". Nếu Obama không vụng về và vội vã triệt thoái quân đội Mỹ khỏi Trung Đông thì đã không có nhà nước ISIS và sự đổ nát ở Syria. Hứa là một chuyện còn làm được hay không lại là một chuyện khác. Với sự kỳ thị không giấu diếm đối với thế giới Hồi giáo thay vì chỉ một số nhỏ theo Hồi giáo cực đoan, có lẽ sự chống đối Trump và nước Mỹ chỉ có tăng lên thay vì giảm xuống trong những năm tới.

- Trump nói "Buổi lễ hôm nay có ý nghĩa rất đặc biệt. Vì hôm nay không phải là sự chuyển giao quyền lực từ người này sang người kia, một đảng này sang đảng khác, mà là sự chuyển giao quyền lực từ Washington sang cho nhân dân Mỹ. Ngày 20/1/2017 sẽ được nhớ như ngày nhân dân trở thành người cai trị đất nước này một lần nữa". Một câu nói mị dân không khác gì mấy ông lãnh tụ đảng cộng sản, lúc nào cũng xưng là "chính quyền của nhân dân, do dân và vì dân". Không những thế, câu nói này còn bày tỏ sự thiếu thành thực của Trump. "Nhân dân" nào sẽ nhận "sự chuyển giao quyền lực" này ?

Ông Trump đã tỏ ra "coi thường" tất cả các chính trị gia của Mỹ có mặt hôm đó và suốt cả chiều dài lịch sử nước Mỹ. Cho dù có những lúc sai lầm, vấp váp nhưng sỡ dĩ nước Mỹ trở nên hùng mạnh và vĩ đại như ngày hôm nay là nhờ viễn kiến và tài năng của những chính trị gia chuyên nghiệp, những người đã lãnh đạo và lèo lái đất nước Mỹ hơn 200 năm qua. Làm chính trị và hoạt động chính trị cũng là một nghành nghề đòi hỏi chuyên môn cao. Không thể có chuyện "chuyển giao" như ông phát biểu. Khác gì bảo với các bác sĩ phẫu thuật rằng nếu mấy ông làm việc không tốt thì hãy "chuyển giao" sự mổ xẻ đó cho mấy bác nông dân !

Hơn nữa, trong nội các mới của ông Trump không hề có bóng dáng một "nhân dân" nào mà chủ yếu là các nhà tài phiệt. Một giai cấp hoàn toàn khác biệt với đa số "nhân dân" Mỹ, nhóm người này sinh ra và lớn lên trong nhung lụa và (thường thì) chỉ biết mình, lo cho mình là chính. Ông Trump cũng có nhắc đến người nghèo nhưng để gần gũi họ và thấu hiểu họ thì chắc chắn là không.

- Ông Trump cũng nêu cao khẩu hiệu "Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại", thế nhưng nước Mỹ của Trump là nước Mỹ nào ? Nước Mỹ mà ông Trump muốn nói đến đó, có lẽ là nước Mỹ của người da trắng, nước Mỹ của sự giàu có và thành công ? Nước Mỹ này đã tồn tại trong những thập niên 1950-1960 của thế kỷ trước. Nước Mỹ bây giờ là nước Mỹ của nhiều sắc dân với nguồn gốc xuất thân khác nhau như Châu Mỹ Latinh, Châu Á, Châu Phi, Bắc Phi và của nhiều nền văn hóa khác nhau như Hồi giáo… Thái độ "thù địch" của ông đối với người láng giềng Mexico là thế nào ?

Ông Trump hứa làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại nhưng nước Mỹ đã bao giờ không vĩ đại đâu ? Nói thế hóa ra nước Mỹ xưa nay không vĩ đại ? Hơn nữa điều gì làm nên sự vĩ đại của nước Mỹ ? Sự giàu có ? Vũ khí tối tân ? Đúng là như vậy nhưng tất cả những thứ đó có được là nhờ tinh thần dân chủ và tự do của nước Mỹ. Nước Mỹ được khai sinh bởi tinh thần tự do và dân chủ nên chỉ hai trăm năm sau họ đã trở thành cường quốc số một trên thế giới. Sự vĩ đại mà nước Mỹ có được đó là các giá trị nền tảng mà những người lập quốc đã xác quyết, theo đuổi và bàn giao lại cho các thế hệ tiếp theo : Tự do, Dân chủ, Bình đẳng, Bác ái, Tôn trọng con người… Trong bài diễn văn nhậm chức, ông Trump đã không đả động gì đến nhân quyền.

- Ông Trump cũng lớn tiếng chỉ trích đồng minh và cho rằng Mỹ không có nghĩa vụ bảo kê cho bất cứ quốc gia nào ? Tất nhiên là ông đúng khi yêu cầu các nước đồng minh đóng góp thêm ngân sách cho quốc phòng, nhưng việc nước Mỹ gánh vác trách nhiệm "đầu tàu" không chỉ là bổn phận mà còn là quyền lợi của chính nước Mỹ. Nước Mỹ không làm từ thiện không công. Một thế giới hòa bình và yên ổn là điều kiện để kinh tế Mỹ phát triển và người dân Mỹ được sống trong hòa bình.

- Cuối cùng ông Trump nhắc đi nhắc lại là ông sẽ đem các nhà máy xí nghiệp, tức là công ăn việc làm về cho người Mỹ, điều này có thể thực hiện được không ? Thật sự cho dù Việt Nam xuất siêu vào Mỹ hơn 30 tỉ USD mỗi năm nhưng người Việt Nam  không "ăn cắp" công việc của người Mỹ (kể cả Trung Quốc). Người Việt Nam  đang làm những công việc nặng nhọc, hàm lượng trí tuệ thấp, lao động chân tay… Tóm lại là những công việc mà người Mỹ không hề muốn làm. Nếu có quốc gia nào đó "ăn cắp" công việc của người Mỹ thì đó là các đồng minh thân cận của Mỹ như Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan… Các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ cho các nước này và rồi sau đó mới đến Trung Quốc và Việt Nam . Sự chuyển giao này cũng có lợi cho các công ty Mỹ theo dòng chảy của tiến trình Toàn cầu hóa.

Việc Mỹ bị thâm thủng mậu dịch lớn với Trung Quốc không phải vì Toàn cầu hóa và tự do thương mại mà vì ba lý do. Thứ nhất Trung Quốc luôn cạnh tranh không lành mạnh trong kinh tế để làm sao xuất khẩu được càng nhiều hàng hóa càng tốt, bằng cách làm yếu đồng Nhân dân tệ. Thứ hai kinh tế thế giới vẫn chưa phục hồi sau cuộc khủng hoảng bắt đầu từ năm 2008 nên giao thương, xuất khẩu của các nước khó khăn hơn vì cạnh tranh gay gắt. Thứ ba và điều này mới thật sự quan trọng với Mỹ đó là nền kinh tế Mỹ đã tiến hóa và phát triển thêm một bậc thang mới mà chúng ta vẫn nghe nói đến đó là "Cuộc cách mạng công nghiệp thứ 4". Đây là cuộc cách mạng của khoa học, trí tuệ, phát minh và sáng kiến. Sự thực là nền kinh tế Mỹ đã hồi phục, tỉ lệ thất nghiệp thấp nhưng sự chênh lệnh giàu nghèo lại gia tăng. Một số tầng lớp dân Mỹ bị nghèo đi và có cảm giác bị bỏ rơi.

Để giải quyết tình trạng bất bình đẳng này cho Việt Nam  trong tương lai thì chúng tôi đã trình bày và phân tích trong Dự Án Chính Trị- Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai :

"...Trong một thế giới thay đổi dồn dập như hiện nay, quốc gia nào cũng phải chịu những xáo trộn không ngừng. Ngành này tiến lên trong khi ngành kia suy thoái, khu vực này bành trướng trong khi khu vực khác trì trệ. Những chênh lệch xã hội liên tiếp xuất hiện và các chính sách dù hoàn chỉnh đến đâu cũng không thể nào thỏa mãn được tất cả mọi người. Cho nên quốc gia nào, dân tộc nào cũng liên tục phải hòa giải với nhau vì các mối xung đột quyền lợi và căng thẳng luôn luôn xảy ra. Hòa giải đã trở thành triết lý điều hành quốc gia... ".

Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên xác quyết rằng "Hòa Giải Dân Tộc" sẽ là một "triết lý cầm quyền và điều hành quốc gia" của chúng tôi trong tương lai, nếu chúng tôi được người dân Việt Nam  lựa chọn.

Ông Trump có một điểm sáng và vì thế nhiều người Mỹ (trong đó có nhiều người gốc Việt) đã bỏ phiếu cho ông đó là chủ trương lập lại trật tự kinh tế toàn cầu mà nổi bật là giữa Mỹ và Trung Quốc. Chúng ta đều biết Mỹ luôn bị thâm thủng mậu dịch với Trung Quốc (năm 2015 vào khoảng 365 tỉ USD). Mỹ cũng bị thâm thủng mậu dịch với các đồng minh chủ chốt như Nhật, Đức (mỗi nước khoảng 70 tỉ USD). Trung Quốc đã kiếm lợi lớn trong giao thương với Mỹ và cùng sự tăng trưởng kinh tế đó, Trung Quốc cũng muốn phân chia lại thế giới, tức là cạnh tranh ngôi vị bá chủ thế giới của Mỹ. Trong 8 năm cầm quyền của mình, Obama, người theo đuổi "chủ nghĩa thực tiễn", đã làm cho sự bất bình đẳng giữa Mỹ và Trung Quốc tăng lên không ngừng. Chủ trương cô lập Trung Quốc bằng chính sách "bảo hộ mậu dịch" của ông Trump và nếu cần thì sẽ phát động chiến tranh thương mại với Trung Quốc… đã đánh trúng lòng tự tôn và kiêu hãnh của người Mỹ.

Nước Mỹ là một đất nước vĩ đại, dân tộc Mỹ là dân tộc vĩ đại, ngay từ lúc mới sinh ra, người Mỹ đã biết đến một thể chế chính trị duy nhất đó là dân chủ. Chính tinh thần dân chủ và tự do sẽ giúp cho người Mỹ sửa chữa mọi sai lầm và tiến về phía trước.

Việt Hoàng

(30/01/2017)  

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Việt Hoàng
Read 2010 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)