Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

26/12/2017

Vấn đề chiến tuyến trong đấu tranh

Nguyễn Vũ Bình

Trong một số bài viết trước đây, tôi có đề cập tới vấn đề chiến tuyến trong đấu tranh của phong trào dân chủ. Tuy nhiên, đó chỉ là sự đề cập mở rộng chủ đề của đề tài chính. Thời gian gần đây, có rất nhiều sự việc, sự kiện gây mâu thuẫn, chia rẽ trong phong trào dân chủ. Loại trừ những kẻ có chủ đích đẩy sự việc tới mâu thuẫn, hoặc làm trầm trọng thêm mâu thuẫn thì một nguyên nhân quan trọng là chúng ta chưa xác định được, chưa ý thức được vấn đề chiến tuyến trong đấu tranh dân chủ hiện nay.

chientuyen1

Chiến tuyến xác định ranh giới giữa phong trào dân chủ

chientuyen2

và đối tượng đấu tranh của phong trào dân chủ

Trong cuộc đấu tranh này, có một số vấn đề về nhận thức tương đối phức tạp. Những vấn đề mới nghe qua thì đúng, hợp lý nhưng đi sâu phân tích, đặt trong bối cảnh của cuộc đấu tranh và nhất là soi chiếu trên phương diện chiến tuyến của cuộc đấu tranh, nó không còn đúng và hợp lý nữa. Đây chính là những "điểm mờ về nhận thức" mà thế lực cầm quyền lợi dụng và thường xuyên tấn công gây chia rẽ và mâu thuẫn trong phong trào dân chủ. Chính vì vậy, việc phân tích rốt ráo vấn đề chiến tuyến trong đấu tranh dân chủ là việc làm cần thiết và ý nghĩa.

1. Chiến tuyến xác định ranh giới giữa phong trào dân chủ và đối tượng đấu tranh của phong trào dân chủ

Cuộc đấu tranh cho tự do - dân chủ ở Việt Nam là một cuộc đấu tranh vô cùng phức tạp, gian khó. Cốt lõi của cuộc đấu tranh chính là vấn đề nhận thức. Tại sao chúng ta lại nói, cốt lõi của cuộc đấu tranh là vấn đề nhận thức ? bởi vì quy luật về quá trình tự sụp đổ của các chế độ cộng sản do sự cạn kiệt nguồn lưc và sức nặng của chính nó đang diễn ra cùng lúc với nhận thức của người dân đang ngày một nâng cao. Nhận thức của người dân đang dội ngược lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và mấu chốt đẩy nhanh tiến trình sụp đổ đó chính là sự thay đổi nhận thức của những người đang trong guồng máy và hệ thống vận hành. Điều mà thế lực cầm quyền đang hàng ngày hàng giờ lo sợ chính là quá trình tự diễn biến của đội ngũ vận hành hệ thống. Để ngăn cản quá trình này diễn ra, thế lực cầm quyền có nhiều biện pháp, mà một trong số những biện pháp được dùng là tạo ra sự hỗn loạn trong nhận thức, xóa nhòa ranh giới của cuộc đấu tranh cùng lúc gây mâu thuẫn, chia rẽ trong phong trào dân chủ.

Đối tượng đấu tranh của phong trào dân chủ được xác định về mặt nhận thức, đó là phương thức tổ chức xã hội sai lầm, cụ thể là thể chế độc tài toàn trị cộng sản. Đồng thời, chúng ta cũng đấu tranh với chủ trương đường lối phát triển đất nước sai lầm về mọi mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Chúng ta đấu tranh với chính sách sai lầm, trục lợi, những hoạt động triển khai thực hiện đường lối chính sách đã đưa ra ; cuối cùng chúng ta đấu tranh với những sự tha hóa, tiêu cực, tham nhũng của toàn bộ hệ thống.

Đối tượng đấu tranh của phong trào dân chủ về khía cạnh con người và lực lượng đương nhiên là đảng cộng sản, tổ chức áp đặt, thực hiện và duy trì chế độ độc tài toàn trị cộng sản. Tiếp sau đó là hệ thống nhà nước, chính phủ vừa là hiện thân của chế độ, vừa thực hiện chủ trương đường lối để duy trì tình trạng độc quyền của đảng cộng sản ; thấp hơn một chút là những lưc lương thực hiện các chính sách và các hoạt động triển khai đường lối chính sách… cuối cùng là những tập thể và cá nhân tha hóa, tiêu cực tham nhũng và trục lợi. Tóm lại, chúng ta đấu tranh với thế lực cầm quyền, bao gồm cả khía cạnh nhận thức và lực lượng.

Đối tượng đấu tranh trực tiếp, trực diện của phong trào dân chủ chính là bộ máy tuyên truyền và bộ máy đàn áp của chế độ. Bộ máy tuyên truyền đang hàng ngày, hàng giờ tô hồng chế độ, lừa bịp người dân, vu khống cho người đấu tranh. Bộ máy đàn áp, ngoài việc đàn áp người dân trong các chính sách ăn cướp của mình (như cướp đất), còn đàn áp người đấu tranh và phong trào dân chủ. Đây là hai lực lượng đại diện trực tiếp của thế lực cầm quyền.

Một lực lượng không kém phần nguy hiểm mà phong trào dân chủ cần cảnh giác và đấu tranh, đó là lực lương dư luận viên, dư luận viên trá hình và dân chủ cuội. Đây chính là lực lượng gây hỗn loạn trong nhận thức và gây mâu thuẫn chia rẽ trong phong trào dân chủ. Ngoài dư luận viên là đối tượng tương đối dễ xác định thì lực lượng dư luận viên trá hình và dân chủ cuội lại rất khó điểm mặt, chỉ tên. Dân chủ cuội gây hại cho phong trào dân chủ trên nhiều phương diện, trong đó có vấn đề nhận thức, quan điểm. Chúng ta cần đặc biệt lưu tâm đến khía cạnh này.

2. Xác định chiến tuyến để bảo vệ người đấu tranh và phong trào dân chủ

Theo lo-gic thông thường, chúng ta đều biết rằng, trong bất kỳ cuộc đấu tranh nào, ngoài việc nhận diện đối phương, chúng ta cũng cần phải nhận diện đồng đội, người cùng chí hướng và chiến tuyến với mình. Nhận diện được đồng đội thì mới có sự giao lưu, trao đổi và tạo ra mối liên hệ để cùng nhau hành động. Sức mạnh của phong trào chính là sức mạnh từ những mối liên hệ, liên kết và sức mạnh tổng hòa của số đông. Việc xác định chiến tuyến, hay nhận diện những người thuộc phong trào dân chủ cũng dựa trên hai tiêu chí căn bản, đó là lực lượng và nhận thức (quan điểm).

Phong trào dân chủ có nhiều người tham gia ở từng cấp độ, mức độ khác nhau, do nhận thức và bản lĩnh, cũng như điều kiện hoàn cảnh cụ thể của từng người. Chúng ta biết, có nhiều người là những người phản tỉnh, có nhận thức khác, ngược với những quan điểm của đảng cộng sản tuyên truyền hiện nay. Có nhiều người, có bất đồng với những quan điểm của chế độ ở nhiều mức độ khác nhau. Đó gọi là những người bất đồng chính kiến. Có những người có những hành động mạnh mẽ để thể hiện quan điểm, họ đã rời khỏi những vị trí công tác trong hệ thống đảng, nhà nước để phản đối và cất lên những tiếng nói của mình, họ chính là những nhà ly khai. Lại có những người đã có những hành động phản kháng lại những chủ trương, đường lối, và những hoạt động cụ thể của nhà cầm quyền. Ví dụ những người phản đối đường lưỡi bò, phản đối quan hệ lệ thuộc của Việt Nam vào Trung Quốc thông qua các cuộc xuống đường, biểu tình và những lễ tưởng niệm. Hoặc có những người phản đối việc chặt hạ cây xanh, xả thải làm ô nhiễm môi trường biển miền trung Việt Nam. Những người phản kháng cũng là thành phần quan trọng của phong trào dân chủ.. Tiếp sau đó, là những người hoạt động nhân quyền, đấu tranh cho nhân quyền, quyền con người ở nước ta. Cuối cùng, đó là những người đấu tranh cho dân chủ, những người ý thức hoàn toàn về việc cần đấu tranh để thay đổi chế độ độc tài toàn trị bằng một chế độ dân chủ pháp quyền cho đất nước. Như vậy, về cơ bản, phong trào dân chủ bao gồm những thành phần sau : những người phản tỉnh, những người bất đồng chính kiến, những người ly khai, những người phản kháng, những người hoạt động và đấu tranh nhân quyền, cuối cùng là những người đấu tranh dân chủ.

Khi đã nhận diện được những thành phần thuộc về lực lượng, phe và chiến tuyến của mình, chúng ta cần có ý thức để bảo vệ nhau. Việc bảo vệ lẫn nhau giữa những người trong phong trào dân chủ cũng có hai phương diện, bảo vệ ở ngoài đời và bảo vệ quan điểm của nhau cũng như quan điểm chung. Chúng ta đã chứng kiến việc những người trong phong trào dân chủ bảo vệ nhau ở ngoài đời. Đó là việc trong khi biểu tình, có cá nhân hoặc nhóm nhỏ bị bao vây, vây bắt, tất cả những người biểu tình đã quây lại để bảo vệ họ thoát khỏi cảnh sát. Khi người đấu tranh bị đánh, cũng có những người lao vào bảo vệ… khi bị bắt về đồn công an, anh chị em tổ chức đi đòi người. Có nhiều những ví dụ sinh động về việc những người đấu tranh bảo vệ lẫn nhau ở ngoài đời chúng ta có thể kể ra được. Ngoài ra, chúng ta cũng cần biết, việc giúp đỡ những cá nhân, những nhóm nhỏ và phong trào dân chủ trong nước về mọi mặt của đồng bào hải ngoại, của các tổ chức đấu tranh hải ngoại là một phương diện quan trọng trong việc hỗ trợ, giúp đỡ và bảo vê lẫn nhau của phong trào dân chủ. Phong trào dân chủ nói chung, và phong trào dân chủ trong nước nói riêng có được bước phát triển như ngày hôm nay, ngoài tinh thần hy sinh, sự đấu tranh của những người dấn thân thì sự giúp đỡ và hỗ trợ vô tư của đồng bào hải ngoại, của các tổ chức đấu tranh trải dài qua thời gian là không thể đo đếm và có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Vấn đề bảo vệ quan điểm, nhận thức trên không gian mạng của phong trào dân chủ không được sôi động và hiệu quả bằng việc bảo vệ nhau trước sự tấn công và đàn áp ở ngoài đời. Chúng ta còn né tránh những vấn đề gai góc, chưa có sự tập trung trong việc bảo vệ các quan điểm đúng đắn, bảo vệ những người đưa ra các quan điểm đúng đắn. Một thiếu sót là đôi khi chúng ta ngại sự va chạm, động chạm. Có thể có nhiều lý giải cho việc này. Thứ nhất, chúng ta chưa có văn hóa tranh luận, nên rất nhiều người sợ và ngại bảo vệ quan điểm của nhau, cho nhau. Thứ hai, nhiều người chưa thấu suốt được các vấn đề, không đủ khả năng để trao đổi, tranh luận hoặc bảo vệ đồng đội. Thứ ba, lực lượng dân chủ cuội, dư luận viên trá hình chủ động làm rối loạn nhận thức, tình hình trong khi trao đổi, tranh luận.

Một vấn đề quan trọng, đó là phong trào dân chủ cần chủ động bảo vệ người dân, đấu tranh cho quyền lợi của người dân. Đây vừa là mệnh lệnh từ lương tâm, vừa là nguyên tắc đấu tranh, tranh thủ sự ủng hộ của người dân. Chỉ khi nào chúng ta có ý thức bảo vệ lẫn nhau, thì mối liên hệ trong phong trào dân chủ mới mạnh và bền chặt, người có cảm tình với phong trào dân chủ được khích lệ. Chỉ khi nào chúng ta đứng về phía người dân, bảo vệ quyền lợi của người dân thì chúng ta mới có hi vọng đại diện cho người dân trong cuộc đấu tranh vô cùng cam go, khắc nghiệt này.

3. Vạch rõ ý đồ xóa nhòa ranh giới, chiến tuyến để gây mâu thuẫn, chia rẽ trong nội bộ phong trào dân chủ

Trong chiến lược đối phó của nhà cầm quyền và an ninh Việt Nam với phong trào dân chủ, việc cài cắm người vào phong trào dân chủ là một chiến lược ưu tiên. Với những mục tiêu quan trọng của chiến lược, thu thập thông tin để nắm bắt tình hình của các cá nhân, hội nhóm và của cả phong trào, từ đó lên kế hoạch đối phó. Mục tiêu thứ hai, đó là gây mâu thuẫn, chia rẽ trong nội bộ phong trào dân chủ. Trong mục tiêu thứ hai này, một chiến lược quan trọng đó là gây mâu thuẫn chia rẽ thông qua việc gây nhiễu loạn thông tin, gây hỗn loạn trong nhận thức và quan điểm. Người ta đã thực hiện việc này bằng cách nào ? Người ta sẽ sử dụng một sự kiện, một sự việc có sẵn hoặc chủ động tạo ra một sự kiện. Sự kiện này có đặc trưng nằm trong ranh giới giữa sự đúng, sai tùy theo cách hiểu của mỗi người. Sau đó, họ tạo ra các cuộc tranh luận, từ các cuộc tranh luận sẽ dẫn tới tranh cãi và sau cùng là mâu thuẫn, chia rẽ. Chúng ta biết rằng, môi trường của chế độ độc tài toàn trị là vô cùng phức tạp, người dân phần lớn bị hệ thống giáo dục tuyên truyền và nhồi sọ, nên việc nhận thức về thực tại xã hội, lý giải các sự việc là vô cùng khác nhau. Trong khi xã hội chưa hề có sự phản biện, có nghĩa là chưa có văn hóa tranh luận. Chính vì vậy mà khi đưa ra những sự kiện, hoặc đề tài nào phức tạp, bình thường đã không có sự thống nhất về nhận thức và quan điểm, vậy mà những kẻ chủ mưu còn chủ động lựa chọn, thực hiện bài bản, từng bước để tạo ra sự tranh cãi thì làm sao mà không chửi nhau, hủy kết bạn và block nhau ?

Ngoài việc gây mâu thuẫn, chia rẽ trong nội bộ phong trào dân chủ,thế lực cầm quyền còn nhắm vào hai mục đích. Một là, gây hoang mang trong chính nội bộ những người đấu tranh vì không kết luận được đâu là đúng là sai, là hay là dở. Không biết được điều gì cần nói và điều gì không cần viết ? Hai là, những người có cảm tình với phong trào dân chủ, ủng hộ phong trào dân chủ cũng hoang mang, cả về nhận thức và cách ứng xử trong nội bộ phong trào dân chủ.

Trong quá trình thực hiện chiến lược gây mâu thuẫn chia rẽ nội bộ phong trào dân chủ, bằng việc gây hỗn loạn về nhận thức và quan điểm, an ninh Việt Nam đã chỉ đạo dư luận viên trá hình và dân chủ cuội sử dụng hai chiến thuật song song.

- Bảo vệ các quan điểm đúng một cách lý thuyết, chung chung không gắn với thực tế ở Việt Nam và nhất là không gắn với cuộc đấu tranh mà phong trào dân chủ đang theo đuổi. Có rất nhiều quan điểm cho vấn đề này, ví dụ : phê phán và lên án tất cả những cái sai, bất kể là sai như thế nào, bất kể là ai sai. Cộng sản sai cũng phê phán, dân chủ sai cũng phê phán. Chống độc tài nói chung chứ không chỉ chống độc tài cộng sản, cần bạch hóa tất cả để chứng tỏ người đấu tranh và phong trào là minh bạch, trong sáng. Những vấn đề này, mới nghe qua thì có vẻ hợp lý, nhưng trong môi trường của Việt Nam, và gắn với cuộc đấu tranh với đối tượng độc tài toàn trị là vô cùng tai hại và nguy hiểm.

- Không cần có chiến tuyến, không cần bảo vệ nhau giữa những người cùng trong phong trào, thậm chí cùng hội nhóm. Chỉ có đúng và sai (lý thuyết) chứ không cần gắn với môi trường và cuộc đấu tranh nào.

Với hai chiến thuật tinh vi và thâm độc này, an ninh Việt nam đã không ít lần gây sóng gió và gây mâu thuẫn, chia rẽ trầm trọng trong phong trào dân chủ. Có một điều cần nhấn mạnh, không chỉ môt số kẻ dư luận viên trá hình, dân chủ cuội mà còn không ít những người đấu tranh dân chủ thực sự, do nhận thức chưa tới, nhưng lại có cá tính mạnh tham gia vào các cuộc tranh luận, tranh cãi để bảo vệ quan điểm của mình vô tình gây ra tình trạng chia rẽ, mâu thuẫn. Mặt khác, chúng ta không thể biết được ai, kẻ nào là dư luận viên trá hình, dân chủ cuội đã và đang thực hiện việc gây mâu thuẫn, chia rẽ này. Nhưng chúng ta biết một điều, những mâu thuẫn và chia rẽ trầm trọng về mặt nhận thức, quan điểm chắc chắn có bàn tay an ninh đạo diễn.

4. Một số vấn đề cần quán triệt

Trước âm mưu và thủ đoạn của thế lực cầm quyền, những người đấu tranh dân chủ, phong trào dân chủ cần làm gì để hóa giải hay hạn chế hậu quả của chiến lược thâm độc này ? Chúng ta cần quán triệt một số vấn đề về nhận thức và tư tưởng sau.

a. Ý thức về vấn đề chiến tuyến

Đây là vấn đề quan trọng nhất để hóa giải chiến lược gây mâu thuẫn, chia rẽ nói chung cũng như trong lĩnh vực nhận thức, quan điểm nói riêng. Khi người đấu tranh có ý thức về vấn đề chiến tuyến, ý thức được môi trường và cuộc đấu tranh mà chúng ta đang tham gia, thì tự khắc sẽ có những ứng xử và hành động phù hợp. Chúng ta sẽ không làm phức tạp thêm tình hình cũng như không rơi vào bẫy gây mâu thuẫn, chia rẽ của thế lực cầm quyền. Ý thức được chiến tuyến, có nghĩa là chúng ta ý thức được chúng ta là anh em, có cùng mục đích, lý tưởng đấu tranh cho một xã hội tự do - dân chủ. Ý thức về chiến tuyến sẽ có những tác động tới các khía cạnh tâm lý sau.

- Trao đổi, tranh luận quan điểm, nhận thức trên tinh thần tương kính. Đây là yêu cầu, cũng là tiền đề để xây dựng văn hóa tranh luận mà chúng ta chưa có. Khi tranh luận có sự tương kính, có văn hóa thì rất hiếm khi xảy ra mâu thuẫn, chia rẽ. Nếu xác định chúng ta cùng một chiến tuyến, là anh em thì trước sau gì cũng sẽ có sự tương kính, đạt được sự tương kính.

- Xác định là anh em cùng chiến tuyến, chúng ta còn có sự nhường nhịn, hạn chế được tính hiếu thắng trong tranh luận của mỗi người. Khi đã có sự nhường nhịn lẫn nhau, các cuộc tranh luận sẽ không thể đi tới sự chia rẽ và mâu thuẫn mà đối phương mong đợi.

- Ứng xử cao nhất trong tinh thần anh em cùng chiến tuyến, đó là việc bảo vê lẫn nhau trước sự tấn công của đối phương về nhận thức và quan điểm. Nếu không hoặc chưa xác định là anh em, có khi chúng ta cũng ngại tham gia vào các cuộc tranh luận rất lung tung hiện nay. Nhưng khi xác định là anh em, chúng ta sẵn sàng bảo vệ những người đồng đội của mình, tất nhiên là bằng những lập luận và nhận thức đúng.

b. Trang bị nhận thức đúng về những vấn đề phức tạp, dễ gây tranh cãi

Như phần trên có đề cập, khi muốn gây sự hỗn loạn trong nhận thức, quan điểm thì thế lực cầm quyền luôn nhắm tới những "điểm mờ" trong nhận thức. Đó là những vấn đề mới nghe qua thì đúng, hợp lý trên khía cạnh lý thuyết, không đặt trong bối cảnh cụ thể nào. Hoặc đánh đồng bối cảnh của Việt nam với các nước khác, khi mà những nước đó đã có những quyền tự do cơ bản cũng như tự do dân sự. Trong khi người dân Việt Nam chưa hề có các quyền con người và đang đấu tranh để có được các quyền đó, bằng cách tác động để thay đổi chế độ độc tài toàn trị hiện hành. Về cơ bản, an ninh Việt Nam chỉ đạo đội quân nằm vùng tấn công vào các vấn đề sau đây, để làm rối loạn nhận thức và gây chia rẽ trong phong trào dân chủ.

Thứ nhất, đánh đồng quan điểm làm chính trị và đấu tranh dân chủ. Đây là lập luận rất thâm độc tung ra nhằm vào những người chưa hiểu rõ được, chưa phân biệt được hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Làm chính trị là việc đấu tranh nghị trường bằng các tổ chức chính trị, đảng phái nhằm giành quyền lãnh đạo, quản lý đất nước và bảo vệ lợi ích nhóm. Làm chính trị chỉ có khi người dân, nhân dân ở các quốc gia đã có các quyền con người và các quyền tự do dân sự. Trong khi đó, đấu tranh dân chủ là việc tham gia đấu tranh để thay đổi chế độ xã hội hiện hành, xây dựng thể chế dân chủ. Từ thể chế dân chủ, người dân mới có các quyền cơ bản và quyền dân sự của mình. Chúng ta chưa có các quyền cơ bản và quyền dân sự, chưa có các đảng phái, tổ chức chính trị đại diện cho mình thì làm sao lại gọi chúng ta là làm chính trị được, chúng ta lấy gì để làm chính trị ?

Sử dụng việc đánh đồng hai vấn đề khác nhau đó, bọn bồi bút và tay sai thường tấn công vào các luận điểm như :

- Những chức sắc, tu sĩ tôn giáo không nên tham gia làm chính trị, tôn giáo không nên làm chính trị. Chúng ta sẽ trả lời rằng, đúng là các tôn giáo, chức sắc và tu sĩ không nên làm chính trị, tức là không nên lập ra các đảng phái để mưu cầu cho cá nhân và lợi ích nhóm (trên thực tế không ai làm vậy cả). Nhưng tôn giáo, các chức sắc và tu sĩ cần phải lên tiếng chống lại cái sai, cái xấu, cái bất công và cái ác của xã hội, của nhà cầm quyền. Không một tôn giáo, không một giáo lý của tôn giáo nào cấm điều này và hầu như đều khuyến khích và tôn vinh những người chống lại cái sai, cái xấu và cái ác.

- Làm chính trị là thủ đoạn, là bẩn thỉu và mọi người không nên tham gia, dây vào làm gì. Đối với guồng máy và hệ thống của chế độ cộng sản, nếu quan niệm việc đấu đá, tranh giành của quan chức và những kẻ trong guồng máy là làm chính trị, đó đúng là những việc làm hèn hạ, bẩn thỉu. Những người đấu tranh dân chủ không phải là làm chính trị, họ đấu tranh để chống lại cái sai, cái xấu và cái ác, đồng thời đòi hỏi các quyền con người của họ và nhân dân, hai vấn đề hoàn toàn khác nhau.

- Làm chính trị phải bài bản, phải là những người có trình độ, được đào tạo… không có trình độ thì làm chính trị làm gì ? vẫn là lập luận đánh đồng quen thuộc. Đúng là làm chính trị phải có trình độ, nhưng người dân lên tiếng về những bất công, về những quyền con người bị tước đoạt, người dân bị cướp, bị đàn áp lên tiếng đâu có phải là làm chính trị. Việc đấu tranh cần sự góp sức của tất cả mọi người, ai tham gia được nhiều, được ít đều hoan nghênh. Chỉ khi toàn dân đứng lên đấu tranh thì mới đạt kết quả sau cùng, và đó hoàn toàn không phải làm chính trị. Về vấn đề này, xin tham khảo thêm bài viết của tôi, Cần phân biệt giữa đấu tranh dân chủ và hoạt động (làm) chính trị  (1).

Thứ hai, lên án, phê phán cái sai, bất kể là sai cái gì, bất kể là ai sai. Độc tài sai cũng lên án, dân chủ sai cũng phê phán. Đây chính là điều mới nghe qua thì rất hợp lý, nhưng nó lại là sự đánh đồng và ngụy biện nguy hiểm. Trước hết, đánh đồng dân chủ và độc tài đều có cái sai và ngầm ý là sai như nhau nên phải cùng lên án và phê phán như nhau. Đối với chế độ độc tài, quản lý sinh mạng con người, tiền bạc và nhiều vấn đề quốc gia. Nó không chỉ có sai, mà còn có xấu và ác khi đưa ra chính sách cướp đất khiến hàng triệu người bị oan khuất, án oan khiến hàng triệu người tù đày và khổ cực, chính sách đầu tư tham lam và sai lầm khiến toàn bộ bốn tỉnh miền trung biển chết, cá chết… đó là những cái ác và những cái xấu, không thể nói đơn giản đó là cái sai chung chung và so sánh với cái sai (nào đó) của phong trào dân chủ. Những người đấu tranh dân chủ, chỉ cất lên tiếng nói của mình, không quản lý sinh mạng của ai, không quản lý tài sản nào thì cái sai (nếu có) chỉ là cái sai trong sinh hoạt, tại sao lại đánh đồng hai chủ thể khác nhau vào cùng một nội dung ?

Phong trào dân chủ đang trong cuộc đấu tranh với một đối thủ có cả một bộ máy và hệ thống đàn áp, tuyên truyền, cộng thêm sự gian manh, xảo quyệt mà chúng ta lại có quan điểm lên án, phê phán những cái sai của phong trào dân chủ, bất kể đó là sai gì, sai như thế nào thì chúng ta chắc chắn sập bẫy của cộng sản. Những người đấu tranh là những người cùng một chiến tuyến, cùng một chiến hào trong khi con người không ai có thể nói giỏi, nói hay không có lỗi lầm, không sai phạm. Tuy nhiên, lỗi lầm sai phạm của những người đấu tranh (nếu có) chỉ là những lỗi lầm trong sinh hoạt vì họ không phải là độc tài. Như vậy, trên nguyên tắc, những người cùng chiến tuyến cần phải bảo vệ nhau và những cái sai cũng không phải là điều gì đó gây tai họa. Tất nhiên, nói như vây không có nghĩa là chúng ta bao che, xí xóa cho những điều sai trái gây hại tới nhau và tới phong trào. Nhưng nếu xác định cùng chiến tuyến, chúng ta cần có cách ứng xử tế nhị, khéo léo, từ thấp tới cao. Khi đã sử dụng hết các cách, nếu những người có sai lầm không nhận thức và thay đổi được, chúng ta cũng buộc phải phê phán và lên án. Đăc biệt chú ý, chỉ phê phán và lên án những cái sai trực tiếp của đối tượng.

Thứ ba, cần bạch hóa tất cả để chứng tỏ phong trào dân chủ, những người đấu tranh trong sáng, trong sạch. Liên quan tới vấn đề này, có một số việc người trong phong trào tham gia làm từ thiện, cứu trợ người dân vùng thiên tai, lũ lụt. Đây là vấn đề tế nhị và phức tạp. Một số người kêu gọi bạch hóa, có các bảng kê khai thu chi như các tổ chức từ thiện bình thường của người dân hoặc nhà nước. Về việc này, trước hết cần tuyệt đối nhấn mạnh, những người trong phong trào dân chủ nếu như bị tố giác có chứng cứ ăn chặn, xà xẻo vào tiền từ thiện thì chúng ta cũng lên án và tuyệt đối không bênh vực. Nhưng còn quan điểm cần bạch hóa như các tổ chức từ thiện bình thường khác thì cần xem xét lại. Lý do là, những người trong phong trào dân chủ, người đấu tranh có làm từ thiện, cứu trợ lũ lụt thì cũng là những người dân có cảm tình, và đồng bào hải ngoại có cảm tình với phong trào dân chủ và cá nhân người đó. Họ gửi tiền từ thiện thông qua cá nhân trong phong trào dân chủ đôi khi họ không muốn lộ diện. Mặt khác, có người không chỉ gửi tiền từ thiện mà còn gửi kèm cho những người đấu tranh, tù nhân lương tâm vv… và điều này cũng khó có thể công khai hoàn toàn. Như vậy, trong vấn đề này, chúng ta chỉ kêu gọi những người gửi tiền kiểm tra, giám sát tiền gửi của mình là phù hợp hơn cả.

Thứ tư, có những người đặt vấn đề chống độc tài nói chung, chứ không chỉ chống độc tài cộng sản. Điều này nghe qua thì rất đúng, hào sảng. Nhưng vấn đề là, đối với Việt Nam hiện nay, chỉ có độc tài cộng sản, chứ làm gì còn độc tài nào khác ? Khi đặt vấn đề như vậy, vô hình chung, đã làm mất sự tập trung vào mục tiêu chính, quan trọng. Hoặc có thể, người ta nhầm lẫn giữa độc tài và sự độc đoán, gia trưởng trong phạm vi một hội, nhóm nào đó. Độc tài gắn liền với thể chế, và thể chế chỉ có một, nên chỉ có độc tài toàn trị cộng sản. Chúng ta tuyệt đối không nên nhầm lẫn để mất tập trung vào mục tiêu chính.

Có thể còn có những nội dung khác, mà sự nhận thức và phân định không dễ dàng. Nhưng dù nội dung nào, nếu người đấu tranh xác định và giữ vững ý thức về vấn đề chiến tuyến, sẽ giảm bớt và hạn chế được rất nhiều những sự chia rẽ và mâu thuẫn trong nội bộ phong trào dân chủ. Đồng thời làm thất bại âm mưu của thế lực cầm quyền hiện nay.

Hà Nội, ngày 25/12/2017

Nguyễn Vũ Bình

Nguồn : RFA, 25/12/2017

(1) http://www.rfavietnam.com/node/3652

Quay lại trang chủ
Read 1084 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)