Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

27/12/2017

Đánh tham nhũng để xây dựng độc tài

Người Buôn Gió

Các luật sư của Trịnh Xuân Thanh chỉ có chục ngày để nghiên cứu hồ sơ bào chữa cho Trịnh Xuân Thanh. Với một vụ án kinh tế nghiêm trọng, chồng chéo nhiều hồ sơ, diễn ra trong một thời dài cách đây đã lâu, đặc biệt là bị cáo bị khép vào khung hình phạt tử hình.

Vậy mà các luật sư chỉ tiếp cận hồ sơ vụ án có chục ngày.

txt1

Với một vụ án kinh tế nghiêm trọng, chồng chéo nhiều hồ sơ, diễn ra trong một thời dài cách đây đã lâu, Trịnh Xuân Thanh có thể bị khép vào khung hình phạt tử hình.

Trước đây các vụ án nghiêm trọng, luật sư được quyền sao chụp hồ sơ đem về nhà nghiên cứu. Nhưng sau này thời Nguyễn Phú Trọng, với lý do đảm bảo bí mật, người ta chỉ cho phép các luật sư đến tòa án hay viện kiểm sát, gặp người phụ trách và được đưa cho hồ sơ vụ án, ngồi một góc nào đó đọc, không được chụp ảnh hay photo.

Tuy nhiên thì việc quyết định thế nào là nghiêm trọng hay liên quan đến an ninh quốc gia tuỳ thuộc vào người giữ hồ sơ vụ án. Có những vụ án người ta cho luật sư được phép chụp một hai trang trong hồ sơ, để gọi là có tạo điều kiện cho luật sư.

Trong vụ án Trịnh Xuân Thanh, người ta thấy kịch bản được vạch ra để nhấn mạnh Nguyễn Phú Trọng là một ông vua. Từ lúc chỉ đạo biển xe đến thanh tra việc luân chuyển rồi đến việc tuyên bố sẽ bắt được Trịnh Xuân Thanh, tiếp đến định ngày xử. Tất cả chi tiết đều đưa về hình ảnh một ông vua toàn quyền sinh sát và định đoạt mọi thứ.

Thượng tướng Lê Quý Vương trả lời báo chí đã từng nói, vụ Trịnh Xuân Thanh hồ sơ nhiều, phải nghiên cứu có khi đến hàng năm trời, để khách quan phải xem xét hết các tài liệu.

Với tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thì không cần biết đến thời gian, trình tự pháp luật, công ước quốc tế... ông ta bảo xử, bảo bắt, và ông ta ấn định ngày xử. Cả một hệ thống pháp luật của nhà nước pháp quyền chấp hành lệnh của ông tổng bí thư một đảng từ Viện Kiểm Sát, Công An, Tòa Án và báo chí nhất nhất làm theo.

Vụ án được cho là Trịnh Xuân Thanh tham nhũng 14 tỷ VND được báo chí khích động người dân sôi sục lòng căm phẫn, ai cũng đồng tình việc xử các quan chức tham nhũng.

Nhưng không mấy ai thấy bất bình về việc một ông tổng bí thư chà đạp lên nhà nước pháp quyền. Không ai thấy một tên độc tài đang lợi dụng sự căm phẫn nào đó của người dân để xây dựng quyền lực của mình trên sự căm phẫn đó. Nghệ thuật xây dựng quyền lực độc tài nào cũng bắt đầu được khơi dậy từ sự sục sôi nào đó của người dân.

Người dân được thỏa mãn sự bức xúc nào đó mà họ không tỉnh táo để nhận ra rằng, mình đang đánh đổi một thỏa mãn nhỏ để rồi mất đi cái lớn lao hơn, đó là xã hội dân chủ, nhà nước pháp quyền. Lẽ ra để chống tham nhũng một cách khoa học tiến bộ và công tâm, Nguyễn Phú Trọng vừa loại trừ những quan chức tham nhũng đồng thời song song cải cách hệ thống chính trị dân chủ, tự do báo chí để triệt để việc tham nhũng. Đó mới là một người công tâm vì dân, vì nước.

Nhưng không, với những gì nhiều năm y học hỏi về tư tưởng, lý luận đã không khiến y trở nên tiến bộ và văn minh. Trái lại y học được sự tinh vi và thâm hiểm hơn những thủ thuật cai trị là kích động tâm lý đám đông, lợi dụng nắm lấy nó và tạo ra quyền lực cho mình. Một phương pháp cổ điển nhưng dưới hình thức tinh vi và phù hợp với dân trí ngày nay.

Tiếc rằng nhiều người mang tiếng có học lại không nhận ra điều này, họ hùa theo quan điểm chống tham nhũng bằng mọi giá của Nguyễn Phú Trọng, y hệt những kẻ dân đen đồng tình với việc trộm chó đánh chết không cần pháp luật.

Đơn cử như việc bắt cóc Trịnh Xuân Thanh từ nước Đức về, nhiều người khen ngợi tổng bí thư chỉ đạo thế là đúng, tham nhũng phải xử bằng mọi giá, bắt được về như thế là đảng ta quá tài giỏi... và bọn chính phủ Đức là bọn bao che cho bọn tham nhũng, bọn chính phủ Đức đã bị thất bại bởi chiến công tài tình của chúng ta...

Chỉ có một số người thấy sự vô pháp của chế độ độc tài Việt Nam, nếu như Việt Nam chà đạp lên luật pháp quốc tế trắng trợn như vậy, thì liệu có thể tin gì được Việt Nam sẽ giữ những cam kết và giao ước quốc tế. Bởi thế chính phủ Đức đã phải bỏ quan hệ chiến lược đối tác với Việt Nam.

Cả đám đông gào lên, tham nhũng phải xử lý, phải xử bằng mọi giá là đúng rồi.

Rồi cũng chính cái đám đông ấy lại xuôi tai khi nghe về trường hợp này, trường hợp kia thì nên xem xét vì sự ổn định, vì đánh chuột không để vỡ bình... như trường hợp bí thư Trương Quang Nghĩa nói về chủ tịch Huỳnh Đức Thơ.

Nếu nói cân nhắc vì ổn định, vì sợ vỡ bình... tức là vừa xem xét vấn đề thi hành luật vừa cân nhắc việc lợi hại, tức biết khôn mà tính hơn thiệt như thế… thì thử hỏi đi bắt cóc Trịnh Xuân Thanh về để xử tham ô 14 tỷ VND, đổi lấy mất đối tác chiến lược với nước Đức và tai tiếng với nhiều nước khác, thì có khôn ngoan không, có cân nhắc không ?

Rõ ràng là không có cân nhắc gì.

Ở đây chỉ có khác phe, cần tiêu diệt để thể hiện sức mạnh uy quyền thì giá nào cũng chơi hết, cái gì cũng đổi được vì những kẻ trả giá đó là đất nước và nhân dân.

Cái gì thuộc phe mình thì giữ bằng mọi giá để thể hiện sức mạnh uy quyền, thiệt hại đến đâu, phá hoại đến đâu cũng mặc. Tất cả chỉ vì mục đích xây dựng quyền lực độc tài, độc tôn, trở thành một ông vua quyền lực vô biên như thời kỳ phong kiến.

Bây giờ ép tiến độ xử Trịnh Xuân Thanh, đưa người ta vào khung tử hình mà chỉ để luật sư của họ có mấy ngày tiếp cận hồ sơ bào chữa có phải muốn cho thiên hạ biết rằng, Nguyễn Phú Trọng ta đây không cần luật, ta là vua, và đã là vua thì bắt ai chết tất người ấy phải chết.

Đánh tham nhũng đương nhiên là đúng, nhưng đánh tham nhũng với ý đồ xây dựng một nền dân chủ hay ý đồ xây dựng một cá nhân độc tài là câu chuyện cần phải xem xét kỹ.

Quay lại trang chủ
Read 993 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)