Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

30/01/2018

Bi hài xét xử Trịnh Xuân Thanh

Người Buôn Gió

Trong phiên xử thứ nhất với mình, Trịnh Xuân Thanh lãnh mức án chung thân. Mặc dù Trịnh Xuân Thanh phản bác những lời khai bất nhất của các bị cáo khác đối với mình, nhưng tòa án vẫn kết tội dựa trên những lời khai đó.

txt1

Trong phiên xử thứ nhất với mình, Trịnh Xuân Thanh lãnh mức án chung thân

Theo điều 72 của luật tố tụng hình sự nhà nước cộng sản Việt Nam ghi rằng.

1. Bị can, bị cáo trình bày về những tình tiết của vụ án. 

2. Lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ, nếu phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án. 

Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội".

Căn cứ quy định trên, lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ, nếu phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án. Và không được dùng lời nhận tội của bị cán, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội nhằm bảo đảm tính khách quan của lời khai bị can, bị cáo và bảo đảm quyền bào chữa của họ.

Như vậy lời khai của các bị cáo khác không thể là chứng cứ để kết tội Trịnh Xuân Thanh, nếu như không có các chứng cứ khác phù hợp. Trong vụ án thứ nhất đối với Trịnh Xuân Thanh, không những chẳng có vật chứng nào mà ngay cả Trịnh Xuân Thanh cũng không nhận tội. Hàng loạt các yêu cầu về chứng cứ được Trịnh Xuân Thanh nêu ra, như gặp gỡ nhau vào giờ nào, điện thoại vào giờ nào... đều không được cơ quan điều tra chứng minh. Không những thế, tòa còn nhắc giám định viên, công tố viên không cần phải trả lời luật sư bào chữa cho bị cáo hoặc bị cáo.

Ở vụ án thứ nhất, tòa án đã chỉ dùng lời khai, lời nhận tội của các bị cáo khác để kết tội Trịnh Xuân Thanh, điều này trái với luật quy định.

 Ở vụ án thứ nhất Nguyễn Anh Minh và đồng bọn chủ động rút tiền chia nhau. Cơ quan an ninh đã mặc cả cho các tội phạm này nếu khai Trịnh Xuân Thanh chỉ đạo và nhận tiền thì sẽ được giảm án, không phải đối mặt với mức án tử hình. Vì vậy họ cùng nhau khai Trịnh Xuân Thanh đã chỉ đạo và nhận tiền, lời khai nhiều chỗ bất nhất, khi bị vặn họ nói rằng vì lâu rồi họ không nhớ rõ.

 Đến phiên tòa thứ hai đối với Trịnh Xuân Thanh thì sự lố bịch càng thậm tệ hơn, đến nỗi phiên tòa phải tuyên bố nghỉ bất thình lình để sắp đặt lại.

Nguyên nhân là bị cáo Thắng khác khai rằng đã đưa cho Trịnh Xuân Thanh 14 tỷ đồng Việt Nam tiền rút ra từ ngân hàng, số tiền này mệnh giá khác nhau theo chứng từ rút ra từ ngân hàng. Theo tính toán thì số tiền phải nặng đến 80 kg, như thế không thể bỏ vào thùng các tông mà bê được đến văn phòng của Thanh như lời khai ban đầu. Bị cáo khác ấp úng và trả lời là hôm đó cho vào valy kéo, vì tinh thần hoảng loạn nên lúc trước khai nhầm là cho vào thùng các tông.

 Luật sư đã yêu cầu các bị cáo khai về việc đưa tiền cho Trịnh Xuân Thanh phải được cách ly, để đảm bảp bị cáo này không nghe bị cáo kia khai việc đưa tiền thế nào. Nhưng tòa án không đồng ý và để nguyên cho bị cáo này khai, bị cáo kia nghe để lúc sau được hỏi thì khai cho khớp. Các luật sư yêu cầu người khai phải chỉ rõ loại va ly nào, và bị cáo Thắng kéo và bê tiền thế nào. Bị cáo Thắng chợt nhớ ra là không phải Thắng là người trực tiếp đưa tiền cho Thanh, mà Thắng giao va ly tiền cho lái xe của mình để lái xe của mình giao cho lái xe của Thanh. Các luật sư yêu cầu thực nghiệm xếp tiền vào trong va ly vì theo các luật sư với kích thước của đống tiền ấy thì rất khó xếp vào valy để kéo. Chưa kể lại có đoạn valy tiền đó được đưa lên máy bay, mà máy bay thì chỉ được phép đưa lên hành lý 7 kg và bỏ vừa chỗ cất hành lý trong khoang hành khách.

Công tố viên bị chất vấn, đuối lý xin hội ý với toà. Tòa lập tức tuyên bố ngừng vụ xét xử để xem lại một số thứ, né tránh việc thực nghiệm mà các luật sư yêu cầu.

Sự bi hài lên đến đỉnh điểm khi chính Trịnh Xuân Thanh cất lời bày tỏ về chủ trương chống tham nhũng của đảng cộng sản Việt Nam ngay giữa phiên toà, Thanh tuyên bố ủng hộ chủ trương chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhưng anh ta cho rằng những gì đang thực hiện là méo mó, không đúng sự thật và để oan sai.

Nếu xét theo góc độ khoa học của pháp luật thì với những lời khai, chứng cứ để kết tội Trịnh Xuân Thanh tham nhũng là không có cơ sở, các lời khai bất nhất của các bị cáo khác cho thấy cáo trạng đối với Trịnh Xuân Thanh hoàn toàn là sắp đặt vội vàng của cơ quan điều tra, do sức ép của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đòi đưa phiên xử ra sớm, nên cơ quan điều tra không thể sắp đặt chặt chẽ các chi tiết ăn khớp giữa các lời khai, không kịp nguỵ tạo vật chứng, đến nỗi tòa ê chề phải tuyên bố tạm dừng vài hôm để cơ quan điều tra dàn dựng lại hậu trường.

 Nhưng xét theo tâm lý, tình cảm của đám đông bị kích động với quan điểm cứ quan chức nào có tiền là tham nhũng và tư duy quyền lực của cá nhân tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ghét ai, muốn bắt và giết ai là người đó có tội. Thì việc tòa xử Trịnh Xuân Thanh một chiều, không cần đến lý lẽ, bằng chứng là điều được dư luận chấp nhận và tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ủng hộ. Vì thế tính chính xác, cẩn trọng và công bằng của pháp luật không có trong những phiên tòa như thế này.

 Cũng vì những mục đích như thế nên việc bắt cóc Trịnh Xuân Thanh từ nước Đức đưa về, gây nên thảm hoạ về ngoại giao và uy tín của Việt Nam trên phương diện quốc tế không những chẳng bị dân chúng phàn nàn, trái lại còn nhiều người hồ hởi cho rằng bắt như thế là chiến công lớn của mật vụ Việt Nam. Trạng thái tình cảm như thế cũng sẽ diễn ra trong những phiên tòa thế này, nếu tòa càng xử bất chấp pháp luật cứ kết án bị cáo càng cao càng được dư luận ủng hộ, tán đồng bấy nhiêu. Thậm chí nếu lôi được cả vợ con, bố mẹ của bị cáo vô can mà ra tòa buộc tội được thì dư luận càng thích thú và hứng khởi.

 Người ta lý giải rằng - Không nên thương xót bọn quan chức cộng sản tham nhũng.

Ở đây có hai dạng, một dạng không thương xót quan chức cộng sản. Quan điểm của những người này nhất quán và rõ ràng hơn 40 năm nay, trước sau như một nên không có gì phải bàn về quan điểm của họ.

Một dạng là không thương xót quan chức tham nhũng. Dạng thứ hai này là dạng sùng bái quyền lực của phe nào mạnh trong đảng, bởi thế nên họ ủng hộ việc xét xử bất cứ cá nhân quan chức nào mà phe mạnh trong đảng đưa ra. Cho dù nhân tố đưa ra trước kia thuộc phe mạnh và chính họ đã từng cổ vũ, nay yếu thế thành nạn nhân thì họ quay ngược lại ra sức hò hét trợ giúp cho phe mạnh khác tiêu diệt. Họ cổ vũ cho quyền lực chứ không hề cổ vũ cho việc công bằng, nghiêm minh của pháp luật. Bởi nếu họ ủng hộ pháp luật công bằng thì chính họ lại đang chống lại họ. Dạng thứ hai này chính là dạng của tư tưởng coi nghị quyết của đảng chính là pháp luật. Đây là dạng đang chiếm phần đông trong xã hội Việt Nam, những kẻ chóp bu trong lãnh đạo cộng sản nỗ lực lợi dụng truyền thông tác động qua những kẻ này, để tạo quyền lực.

Vụ xử Trịnh Xuân Thanh đã hài hước bởi những sắp đặt vội vàng, trơ trẽn của chế độ. Nhưng sau những cái hài hước đó là một nỗi đau lớn cho đất nước. Đó là bi kịch của một đất nước mà đa số người dân, quan chức tán đồng và ủng hộ việc không cần sự công bằng, khách quan trong các phiên toà. Có nghĩa người dân của chế độ xã hội chủ nghĩa chẳng những không có những tư duy văn minh, trái lại họ còn ủng hộ một chế độ còn độc đoán hơn chế độ xã hội chủ nghĩa, đó là chủ nghĩa phong kiến vua chúa kết hợp với chủ nghĩa xã hội.

Người Buôn Gió

Nguồn : nguoibuongio1972, 29/01/2018

Quay lại trang chủ
Read 1015 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)