Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

05/02/2018

Trung Quốc xâm nhập khu vực sông Mekong

Kính Hòa

Giữa tháng Giêng năm 2018, sau cuộc họp lần thứ hai của tổ chức Lan Thương Mekong, Trung Quốc và 5 quốc gia dọc sông Mekong bao gồm Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam, cùng ký một tuyên bố chung về sự hợp tác Lan Thương Mekong, một sáng kiến do Trung Quốc đưa ra, nhằm hợp tác phát triển toàn bộ sáu quốc gia dọc sông Mekong.

mekong1

Tranh biếm họa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với lãnh đạo các quốc gia trong vấn đề hợp tác sông Mekong -  Tranh của Rebel Pepper

Trong khi đó trong vùng này đã có một tổ chức được thành lập từ rất lâu là Ủy ban Sông Mekong, có cùng một mục đích như Trung Quốc tuyên bố trong sáng kiến của mình. Ủy ban này bao gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, và Thái Lan.

Trung Quốc không gia nhập Ủy ban sông Mekong

Tại sao Trung Quốc không tham gia Ủy ban sông Mekong mà lại thành lập một tổ chức hợp tác mới, bộ phận báo chí của Ủy ban sông Mekong trả lời chúng tôi qua một email :

"Ủy ban Sông Mekong luôn mong muốn hai đối tác là Myanmar và Trung Quốc gia nhập như là những thành viên của Ủy ban. Chúng tôi đã thông qua nhiều phương cách để có thể làm được điều đó, như là nghiên cứu chung, gặp gỡ đối thoại… Sắp tới đây chúng tôi có một hội nghị thượng đỉnh của Ủy ban với sự tham gia của các nhà lãnh đạo những quốc gia thành viên, để tái khẳng định sự cam kết của những nhà lãnh đạo cũng như vạch hướng tương lai cho Ủy ban Sông Mekong. Chúng tôi mong muốn các vị đại diện cao cấp của Myanmar và Trung Quốc sẽ đến tham gia cùng chúng tôi.

Nhưng điều đó không do chúng tôi quyết định, cũng giống như chuyện tại sao họ không tham gia Ủy ban Sông Mekong, và Trung Quốc lại thành lập tổ chức Hợp tác Lan Thương Mekong".

Theo thông tin từ báo chí, tại cuộc họp lần thứ hai của tổ chức hợp tác Lan Thương Mekong, Ủy ban Sông Mekong không được mời tham dự. Tuy vậy ông Phạm Tuấn Phan, hiện đứng đầu Ủy ban này nói với báo chí Campuchia là Ủy ban Sông Mekong sẽ mời Myanmar và Trung Quốc tham dự hội nghị thượng đỉnh của các quốc gia thành viên vào tháng Tư tới đây tại thành phố Siam Reap, Campuchia.

Vấn đề gia nhập Ủy ban sông Mekong của Myanmar và nhất là Trung Quốc đã được nhiều nhà nghiên cứu nhấn mạnh từ lâu. Ông Nguyễn Ngọc Trân, cựu đại biểu Quốc hội Việt Nam, từng phụ trách một chương trình qui hoạch đồng bằng Sông Cửu Long viết cho chúng tôi vào tháng 11 năm 2017 rằng sự tham gia của hai nước này vào Ủy ban Sông Mekong là một sự bức thiết, vì vai trò quan trọng của họ ở thượng nguồn. Ông còn nhấn mạnh rằng cần phải đi xa hơn là 6 quốc gia dọc lưu vực Mekong phải ràng buộc với nhau bằng những qui định mang tính pháp lý.

Nhưng việc ràng buộc pháp lý lại là điều mà Trung Quốc e ngại, theo một nhà nghiên cứu Đông Nam Á là ông Paul Chambers tại Đại học Naresuan, Thái Lan. Ông nói rằng Trung Quốc đã từ chối gia nhập Ủy ban Sông Mekong, nơi có mục đích đảm bảo những vấn đề về an sinh cho dân chúng khu vực vì sợ rằng Ủy ban này sẽ có quyền bắt Trung Quốc phải tuân thủ. Thay vào đó ông Chambers cho rằng Tổ chức Hợp tác Lan Thương Mekong giống như cái túi tiền cấp phát cho các nước Đông Nam Á, để họ ủng hộ Trung Quốc xâm nhập vào Đông Nam Á.

Một nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế hiện làm việc tại Singapore là Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp cũng có quan điểm là Trung Quốc dùng sáng kiến Lan Thương Mekong của mình để phát triển ảnh hưởng tại các quốc gia ASEAN :

"Lan Thương Mekong là một sáng kiến của Trung Quốc để mở rộng ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á lục địa, các nước dọc hạ lưu sông Mekong. Đây cũng là cách để mà cạnh tranh với Nhật Bản, vì Nhật Bản cũng có một sáng kiến (cho khu vực này) gọi là GMS".

GMS là tên viết tắt theo tiếng Anh, Great Mekong Subregion, có nghĩa là Tiểu vùng Mekong mở rộng. Chương trình này được Nhật Bản với sự trợ giúp của Ngân hàng phát triển Châu Á, bắt đầu những dự án cơ sở hạ tầng đầu tiên trong khu vực từ năm 1992.

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó Giám đốc Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu ở Đại học Cần thơ cũng nghi ngờ thiện chí của Bắc Kinh, ông nói với chúng tôi sau Tuyên bố Phnom Penh về khung làm việc của Tổ chức Lan Thương Mekong :

"Hình như là cái cách của chính phủ sáu nước dọc Sông Mekong có vẻ như là thuận theo sáng kiến của Trung Quốc. Chúng tôi cũng đang theo dõi xem là thực tế các sáng kiến đó có đem lại lợi ích gì cho người dân hay không, hay là nó nằm trong một chiến lược lớn hơn của Trung Quốc".

Hai tổ chức sẽ tồn tại song song ?

Vậy trong tương lai sẽ có hai tổ chức tồn tại song song là Ủy ban sông Mekong với bốn quốc gia thành viên bình đẳng, và Tổ chức hợp tác Lan Thương Mekong với Trung Quốc đứng đầu trong tư cách đồng chủ tịch thường trực ?

Ông Lê Anh Tuấn trả lời câu hỏi này :

"Vai trò của Ủy ban Sông Mekong sẽ trở nên lu mờ hơn, bởi vì thực sự bây giờ nguồn tài chính hỗ trợ cho Ủy ban Sông Mekong hoạt động ngày càng thu hẹp hơn. Trong khi đó Trung Quốc có nguồn tiền mạnh hơn, họ tung ra làm những hoạt động bao trùm, làm cho vai trò của Ủy ban Sông Mekong không còn như ngày xưa nữa".

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp thì cho rằng hai tổ chức này có thể tồn tại song song, làm thành các kênh liên lạc giữa những nước thành viên của mỗi tổ chức.

Ủy ban sông Mekong thì hoan nghênh những sáng kiến của tổ chức hợp tác Lan Thương Mekong, và đồng thời tiếp tục kêu gọi Trung Quốc và Myanmar tham gia Ủy ban sông Mekong.

Sự xâm nhập của Trung Quốc trên lục địa Đông Nam Á

Trở lại ý kiến cho rằng Tổ chức hợp tác Lan Thương Mekong là một công cụ để Trung Quốc xâm nhập xuống Đông Nam Á lục địa, mới đây trên trang web mang tên Những mối đe dọa toàn cầu tiềm ẩn, chuyên phân tích những nguy cơ được cho là không được báo chí và dư luận nhắc đến nhiều, tác giả Jeremy Luedi cho rằng sự xâm nhập của Trung Quốc dọc theo sông Mekong mang một mối đe dọa tiềm ẩn, có thể so sánh với những xung đột ở Biển Đông.

Nhưng ông Lê Hồng Hiệp không hoàn toàn đồng ý như thế :

"Một bên là liên quan đến các tranh chấp lãnh thổ, có thể gây bùng phát các xung đột, rồi có sự can dự của các cường quốc bên ngoài. Vấn đề ở Sông Mekong chủ yếu là vấn đề tài nguyên nước, giữa các quốc gia với nhau, cũng có thể gây căng thẳng nhưng khả năng gây xung đột ít hơn nhiều, và hầu như không có sự can dự của các cường quốc bên ngoài".

Một nhà quan sát người Việt khác từ Hawaii, Hoa Kỳ, Tiến sĩ Vũ Hồng Lâm, có phần đồng ý với ông Luedi, ông cho chúng tôi biết sự so sánh của ông về áp lực của Trung Quốc tại Biển Đông và Sông Mekong, trong đó Biển Đông nặng nề hơn, nhưng áp lực của Trung Quốc dọc theo Sông Mekong cũng là rất lớn.

Kết thúc bài phân tích của mình vào tháng Bảy năm 2017, ông Luedi đưa ra một minh chứng cho nổ lực của Trung Quốc xâm nhập vùng Đông Nam Á lục địa, đó là Bắc Kinh đã thực hiện một bộ phim tốn kém hàng thứ hai tại Trung Quốc trong năm 2016, đó là bộ phim Chiến dịch Mekong với số vốn thực hiện là 173 triệu đô la Mỹ. Bộ phim này mô tả những binh sĩ đặc nhiệm của Trung Quốc xâm nhập vào vùng rừng núi Đông Nam Á dọc theo sông Mekong để tiêu diệt bọn buôn lậu ma túy, bọn cướp có vũ trang, để bảo vệ cho công dân Trung Quốc xuống vùng này làm ăn và sinh sống.

Kính Hòa

Nguồn : RFA, 05/02/2018

Quay lại trang chủ
Read 833 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)