Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

25/02/2018

Đông Nam Á đang chạy đua vũ trang ?

Felix Heiduk

Trong khi các quốc gia ở nhiều nơi trên thế giới đang giảm chi tiêu cho quân sự, nhiều quốc gia ở Đông Nam Á đang đi theo chiều hướng ngược lại. Tổng mức chi cho quốc phòng của các nước ASEAN tăng gấp đôi trong 15 năm qua, với các nước như Indonesia và Thái Lan có ​​mức tăng chi quân sự 10% mỗi năm.

GN27589C

Việc gia tăng chi cho quân sự gắn chặt với việc tăng cường mua sắm vũ khí. Một số nước Ðông Nam Á đang chi nhiều tiền cho vũ khí và mua các tàu khu trục nhỏ, xe tăng, máy bay trực thăng, máy bay tiêm kích và tàu ngầm. Nhập khẩu vũ khí của Việt Nam đã tăng gần 7 lần trong thập kỷ qua, biến Hà Nội từ quốc gia mua vũ khí lớn thứ 43 thế giới lên top 10.

Nhiều cơ quan truyền thông và nhà quan sát đã nhìn nhận việc thay đổi trên như là một cuộc chạy đua vũ trang ở Đông Nam Á. Cuộc chạy đua vũ trang này do nhiều yếu tố, trong đó có sự không chắc chắn về an ninh khu vực do tăng cường quân sự của Trung Quốc, lo lắng về việc Mỹ rút khỏi khu vực và sự tồn tại của nhiều điểm nóng khác nhau giữa các nước ASEAN.

vukhi2

Cuộc chạy đua vũ trang này do nhiều yếu tố, trong đó có sự không chắc chắn về an ninh khu vực do tăng cường quân sự của Trung Quốc

Việc tăng chi phí quân sự của ASEAN tỷ lệ thuận với tổng GDP của khu vực và tỷ lệ chi phí quân sự/GDP không thay đổi trong thập kỷ qua. Chi phí quân sự của những nước chi nhiều như Indonesia không tăng nhiều trong khi Singapore giảm nhẹ trong giai đoạn này.

Vậy các nước Đông Nam Á mua những loại vũ khí gì ? Rất nhiều tiền đang được tiêu xài để hiện đại hoá những hệ thống đã tồn tại nhiều năm. Hãy xem lực lượng Hải quân Indonesia, nhiều nhà quan sát nhận thấy 1/3 tàu chiến không còn thích hợp. Gần đây, việc Philippines mua một tá chiến đấu cơ từ Hàn Quốc không mang lại ấn tượng gì nếu người ta biết rằng máy bay chiến đấu cuối cùng của không quân nước này đã "về hưu" từ năm 2005.

Dễ nhận thấy là việc chạy đua vũ trang ở Đông Nam Á không phải do mâu thuẫn giữa các quốc gia trong khu vực. Trong khi bất đồng trong nội bộ ASEAN đôi khi bùng phát, không có sự đối kháng kéo dài giữa hai hoặc nhiều quốc gia trong khu vực. Các quốc gia này cũng không nâng cấp quân sự để phản ứng đối với việc mua sắm vũ khí của các nước khác trong khối.

Tuy nhiên, trong khi sự gia tăng chi tiêu quân sự ở Đông Nam Á vẫn còn dưới ngưỡng của một cuộc chạy đua vũ trang, thì việc chi tiêu này lại vượt quá mức cần thiết để duy trì hiện trạng của khu vực.

Các quốc gia ven biển ở Biển Đông đã cam kết chi tiêu quân sự nhiều hơn để nâng cao năng lực hải quân, bao gồm hải không quân, hệ thống chống tàu ngầm và giám sát hàng hải.

Đối với một quốc gia như Việt Nam, việc mua sáu tàu ngầm Nga gần đây không đồng nghĩa với việc giành được ưu thế quân sự so với các cường quốc khu vực khác. Tuy nhiên, việc mua bán này cho phép Hà Nội bắt đầu theo đuổi các chiến lược Chống tiếp cận không cho phép để bảo vệ hải phận của mình. Vì vậy, trong một số lĩnh vực, việc tái vũ trang diễn ra thực sự có tính cạnh tranh và thay đổi cân bằng quân sự khu vực.

Những thay đổi quan trọng về sở hữu vũ khí ở Đông Nam Á phù hợp với hai xu hướng lớn hơn.

Nhiều quân đội của khu vực đang trải qua tái định hướng chiến lược từ việc tập trung vào chống nổi dậy và ổn định trong nước đến quốc phòng bên ngoài, thể hiện sức mạnh quân sự và chiến tranh thông thường. Xu hướng này liên quan đến bất ổn ngày càng tăng ở Đông Nam Á do sự hung hăng của Trung Quốc cũng như tác động có thể có đối với an ninh khu vực do sự cạnh tranh địa chính trị Mỹ-Trung Quốc.

Đông Nam Á cũng bị phá hoại bởi quá trình quân sự hoá các cuộc xung đột khu vực (như ở Biển Đông), cùng với nhận thức rằng sự yếu kém quân sự là bất lợi cho an ninh quốc gia. Các yếu tố nội bộ cũng xuất hiện ở đây : Thái Lan đã tăng mạnh chi tiêu quốc phòng sau những cuộc đảo chính quân sự năm 2006 và 2014, và Myanmar lấy sự xuất hiện của nhiều nhóm nổi dậy vũ trang trong nước để hợp pháp hoá các khoản tăng chi tiêu quốc phòng gần đây.

Trong khi nhiều nghiên cứu đưa ra nghi ngờ về sự tồn tại của một mối quan hệ nhân quả giữa tăng chi tiêu cho quốc phòng và sự bùng nổ xung đột quân sự, việc nâng cấp quốc phòng diễn ra ở Đông Nam Á chắc chắn góp phần làm sự căng thẳng trong khu vực gia tăng.

Các xu hướng mới trong chi tiêu cho vũ khí đang làm tăng sự nghi ngờ về ý định và tham vọng của các quốc gia láng giềng.Sự không tin tưởng này tăng lên do thiếu cơ chế giám sát và kiểm soát vũ khí hiệu quả. Không có thỏa thuận khu vực về kiểm soát vũ khí, và nhiều quốc gia trong khu vực đã nhiều lần phá vỡ các thỏa thuận quốc tế như Đăng kiểm các vũ khí thông thường của Liên Hợp quốc hoặc Hiệp định về Thương mại Vũ khí. Và việc tăng cường các hệ thống vũ khí sẵn có làm cho khả năng xung đột quân sự trở nên trầm trọng hơn. Rất nhiều loại vũ khí mới có sức mạnh huỷ diệt và nguy hiểm hơn.

Nếu các xu hướng hiện tại trong chi tiêu quốc phòng ở Đông Nam Á tiếp tục, khả năng quân sự của khu vực này thay đổi, có thể có tác động tiêu cực kéo dài đối với an ninh và ổn định khu vực trong tương lai gần.

Felix Heiduk

Nguyên tác : Is Southeast Asia really in an arms race ?, eastasiaforum, 21/02/2018

Vũ Quốc Ngữ dịch

Nguồn : VNTB, 25/02/2018

Felix Heiduk, là nghiên cứu viên cao cấp tao Phòng Châu Á của Viện Nghiên cứu Đức về An ninh và Quan hệ Quốc tế có trụ sở tại Berlin

Quay lại trang chủ
Read 1059 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)