Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

07/03/2018

Nguyễn Phú Trọng, Trần Quốc Vượng sẽ làm cho Việt Nam bảo thủ hơn hay không ?

Kính Hòa

Một nhân vật thân cận với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là ông Trần Quốc Vượng được cất nhắc giữ chức vụ Thường trực Ban bí thư trung ương của Đảng cộng sản Việt Nam.

tqv1

Ông Trần Quốc Vượng (trái) vừa nhận chức Thường trực Ban bí thư trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, được các viên chức chúc mừng trong dịp lễ quốc khánh 2017. 31/8/2017.  AFP

Liệu sự thăng tiến của ông Vượng cộng với sự tập trung quyền lực của ông Nguyễn Phú Trọng sẽ làm cho Việt Nam đi theo con đường bảo thủ hơn trong thời gian tới hay không ?

Marxist hơn hay không, và chuyện nhân quyền

Theo những thông tin không đầy đủ trên báo chí Việt Nam, ông Trần Quốc Vượng sinh năm 1953, tốt nghiệp thạc sĩ luật ở Việt Nam, và cũng như tất cả các cán bộ cao cấp của Đảng cộng sản Việt Nam, ông có bằng lý luận chính trị Marx Lenin cao cấp. Sự nghiệp của ông Vượng được thăng tiến tại Viện kiểm sát nhân dân tối cao của Đảng cộng sản Việt Nam, cơ quan tương đương với các viện công tố ở các thể chế dân chủ đa nguyên. Từ năm 2007 ông giữ chức Viện trưởng viện này cho đến năm 2011.

Sau đó ông bắt đầu giữ những chức vụ quan trọng ở Trung ương Đảng. Sau khi đắc cử vào Bộ chính trị của đảng vào đầu năm 2016, ông giữ chức vụ Trưởng ban kiểm tra trung ương, cơ quan chống tham nhũng của đảng. Với chức vụ mới nhất được chỉ định vào ngày 5/3/2018, là Thường trực Ban bí thư trung ương, ông được xem như người có thể kế tục chức vụ Tổng bí thư vào nhiệm kỳ tới.

Như vậy ông Vượng là một người nằm bên guồng máy đảng khá thuần túy, không đảm nhận những chức vụ bên ngành hành pháp của chính phủ.

Đánh giá về ông Vượng, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, người hoạt động xã hội dân sự ở Hà Nội cho biết :

"Ông Vượng thay ông Đinh Thế Huynh, mà ông Huynh lại là đặc sệt về tư tưởng, thực sự là một cảnh sát tư tưởng. Mà ông Vượng này được ông Trọng chọn thì chắc chắn phải vào cánh với ông ấy, thì đó là một điều mình có thể ái ngại, là ông ấy cũng sẽ cứng rắn như ông Trọng, cũng lại bảo thủ, cũng đủ mọi thứ".

Tuy nhiên ông Nguyễn Quang A cũng nói rằng những thông tin về ông Vượng không có nhiều để có thể đánh giá rằng ông sẽ ảnh hưởng như thế nào đến đường hướng sắp tới của guồng máy lãnh đạo Việt Nam, bảo thủ hơn, hay cải cách hơn. Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, điều chắc chắn hơn là sự thăng tiến của ông Vượng nằm trong sự cân bằng giữa các thế lực bên trong nội bộ đảng cầm quyền.

Trả lời câu hỏi với sự kiểm soát quyền lực của hai nhân vật có thể có khuynh hướng cộng sản bảo thủ, thì liệu cuộc cải cách sắp tới của Việt Nam có bị ngăn trở hay không, Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ, trả lời chúng tôi từ Na Uy :

"Những tranh cãi về Marxist hay không Marxist không còn nữa. Câu hỏi hiện nay đối với các lãnh đạo mới là liệu họ có duy trì được Đảng cộng sản hay không. Để duy trì được Đảng cộng sản, tạo được tính chính danh thì họ phải duy trì sự ổn định trong nước, đem lại sự phát triển tương đối cho người dân, tránh sự mất lòng tin. Về đối ngoại thì họ phải cân bằng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, còn những tuyên truyền về Marxist thực chất chỉ là vỏ bọc mà thôi".

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nhà nghiên cứu kinh tế trong nước cũng đồng tình với ý kiến này của ông Vũ, cho rằng những cải cách kinh tế mà chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang thực hiện sẽ không dừng lại.

Ngoài chuyện cải cách kinh tế, khi được hỏi liệu sắp tới đây với khả năng ông Trần Quốc Vượng tiếp bước ông Nguyễn Phú Trọng, những biện pháp cứng rắn về tư tưởng, về kiểm duyệt, đàn áp nhân quyền sẽ tiếp tục hay không, ông Nguyễn Huy Vũ trả lời :

"Cái này không chỉ tùy thuộc vào chính quyền, mà tùy thuộc rất lớn vào vào người dân Việt, bằng cách lên tiếng thông qua mạng xã hội, nó sẽ dẫn tới những thay đổi. Ngoài ra còn tùy thuộc vào chính quyền Hoa Kỳ, cách tiếp cận của chính quyền Hoa Kỳ sẽ dẫn đến cách phản ứng của chính quyền trong nước".

Tiến sĩ Nguyễn Quang A cũng đồng ý rằng vai trò của dân chúng sẽ là quan trọng nhất.

Chống tham nhũng

Theo các nhà quan sát trong và ngoài nước, từ khi Việt Nam bắt đầu cải cách kinh tế vào năm 1986 đến nay, quyền lực tại Việt Nam dần dần ngã qua tay những người điều hành bộ máy chính phủ chứ không phải những người làm công tác đảng. Đó là các ông Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải, Nguyễn Tấn Dũng, là các thủ tướng chính phủ.

Sự thay đổi bắt đầu khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thành lập Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng vào đầu năm 2013, lấy lại nhiệm vụ này của cơ quan thanh tra chính phủ trực thuộc Thủ tướng.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A bình luận về chuyện này :

"Nếu họ tách bạch ra như thế, là bên hành pháp không làm chuyện chống tham nhũng, mà chuyển sang bên đảng, là bên ít có cơ hội tham nhũng hơn, thì cái hiệu chỉnh như vậy có vẻ là hợp lý hơn. Nhưng đến lúc người ta muốn nhất thể hóa, ông Tổng bí thư lại trở thành ông Chủ tịch, thâu tóm hết mọi quyền lực thì nó lại càng dễ tham nhũng hơn".

Chuyện nhất thể hóa là chuyện hợp nhất hai hệ thống đảng và chính phủ làm một, để tránh sự chồng lấn lên nhau về nhiệm vụ cũng như lãng phí. Chuyện này được đề cập nhiều tại Việt Nam trong thời gian hai năm trở lại đây.

Hiện nay ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, ngoài vị trí người đứng đầu đảng, ông còn là Chủ tịch quân ủy trung ương của quân đội Việt Nam, cũng như tham gia trực tiếp vào việc điều hành bộ máy đảng của Bộ công an.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng việc đó tạo điều kiện cho ông Trọng đẩy mạnh công tác chống tham nhũng :

"Tôi nghĩ rằng việc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có điều kiện tập trung quyền lực để có thể thúc đẩy như vậy, có thể đem lại các chuyển biến mà người dân mong đợi trong cuộc chống tham nhũng hiện nay".

Tuy nhiên Ông Nguyễn Quang A lại cho rằng việc tập trung quyền lực về bên đảng như hiện nay có thể chỉ là một sự điều chỉnh nhỏ, chứ còn về lâu về dài, quyền lực vẫn sẽ ngã về phía những người nắm guồng máy chính phủ, nơi có nhiều quyết định về kinh tế. Ngoài ra ông đánh giá rằng tham nhũng tại Việt Nam là sản phẩm của một thể chế chứ không phụ thuộc nhiều vào một cá nhân.

Một nhà quan sát trong nước nói với chúng tôi với điều kiện ẩn danh rằng người có năng lực nhất hiện nay trong Bộ chính trị của Đảng cộng sản là ông Phạm Minh Chính, người hiện đang giữ chức vụ Trưởng Ban tổ chức trung ương nhiều quyền lực, từng thực hiện thành công việc ghép hai bộ phận đảng và chính quyền tại tỉnh Quảng Ninh. Nhà quan sát này cũng cho rằng vào năm 2021, khi Đảng cộng sản Việt Nam thay đổi thế hệ lãnh đạo thì lúc đó ông Trần Quốc Vượng đã quá tuổi và ông Phạm Minh Chính có khả năng sẽ là người đứng đầu đảng hơn.

Kính Hòa

Nguồn : RFA, 07/03/2018

Quay lại trang chủ
Read 726 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)