Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

14/03/2018

Bắt Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa : Nguyễn Phú Trọng muốn ‘thay máu’ Bộ Công an ?

Thiền Lâm

Vụ khởi tố và tống giam Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa – người vừa được "thôi chức" Cục trưởng Cục Phòng chống tội phạm công nghệ cao của Bộ Công an – vào tháng Ba năm 2018, xảy ra chỉ cách vụ bắt Thượng tá tình báo công an Phan Văn Anh Vũ (tức đại gia Vũ "Nhôm") có hai tháng.

bca1

Thiếu tướng công an Nguyễn Thanh Hóa dù giả điên cũng không thoát được tội. Ảnh : Thanh Niên

Hai vụ liên tiếp bắt sĩ quan cao cấp của Bộ Công an vào những tháng đầu năm 2018 cho thấy đòn "chống tham nhũng" của Tổng bí thư Trọng đang giáng thẳng vào cơ quan bộ vẫn được xem là "bất khả xâm phạm" này.

Đòn đánh mang tính quyết liệt hiếm có của đảng cầm quyền vào Bộ Công an vào đầu năm 2018 mang một nét gì đó của dĩ vãng 5 năm trước ở Trung Quốc. Vào những năm 2013 và 2014, sau khi đã xử gọn Bạc Hy Lai là Bí thư tỉnh Trùng Khánh và là ủy viên bộ chính trị, Tập Cận Bình đã tiến tới hành động "thay máu" Bộ Công an Trung Quốc, với nhân vật tiếp theo Bạc Hy Lai cũng là một ủy viên bộ chính trị – Bộ trưởng công an Chu Vĩnh Khang. Chu Vĩnh Khang đã bị bắt, để sau đó Tập Cận Bình chính thức trở thành "bộ trưởng thứ nhất Bộ Công an".

Từ cuối năm 2017, đã lan tỏa tin tức về khả năng ông Nguyễn Phú Trọng đang tính đến khả năng "cải tổ" Bộ Công an Việt Nam. Theo đó, một đề án về sắp xếp lại bộ này đã được chuẩn bị, nhiều tổng cục vốn tồn tại như một cấp trung gian sẽ bị hủy bỏ vai trò của chúng, kéo theo ghế và bổng lộc của nhiều quan chức công an sẽ không còn nữa.

Sau tết nguyên đán năm 2018, thông tin về đề án trên càng hiện ra rõ hơn cùng lộ trình cụ thể là đề án này có thể được hoàn tất trước Hội nghị trung ương 7 (có thể diễn ra vào tháng Năm năm 2018), để hội nghị này sẽ "chốt" kế hoạch sắp xếp lại Bộ Công an và kế hoạch nhân sự đi kèm, kể cả những nhân sự cao cấp nhất của Bộ Công an.

Cũng xuất hiện ngày càng dày hơn những đồn đoán và tin tức chưa kiểm chứng về một vài lãnh đạo cao cấp của Bộ Công an sẽ phải "ra đi".

Trong khi đó, cứ sau mỗi tháng lại hiện thêm những dấu hiệu cho thấy Nguyễn Phú Trọng đã nắm quyền lực một cách thực chất trong việc chỉ đạo Bộ Công an, khác hẳn với vai trò mờ nhạt của ông Trọng vào năm 2016 và ngay cả khi ông ta phải "tự tham gia" Thường vụ đảng ủy công an trung ương vào tháng Mười năm đó.

Việc Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa bị bắt ngay sau chỉ đạo của Tổng bí thư Trọng và cùng trong ngày 11/3/2018 đã cho thấy đây là lần thứ hai liên tiếp, ông Trọng thành công với phương châm "việc cần làm ngay", tức Bộ Công an phải triển khai chỉ đạo của ông Trọng ngay lập tức.

Lần thành công đầu tiên về "việc cần làm ngay" của Tổng bí thư Trọng là sự kiện bắt cựu ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng vào ngày 8/12/2017 : sáng họp đảng để chỉ đạo bắt, chiều họp quốc hội bãi miễn tư cách đại biểu, và đến chiều muộn thì chính thức thông báo "đã bắt Đinh La Thăng" cho báo chí (nhưng có thể ông Thăng đã bị bắt từ những ngày trước).

Vụ bắt Đinh La Thăng không chỉ là một bằng chứng cho thấy tiền lệ "ủy viên bộ chính trị không thể bị tống giam" đã bị xóa bỏ, mà còn là lần đầu tiên chứng tỏ hiệu ứng quyền lực thực sự của Nguyễn Phú Trọng đối với Bộ Công an – điều mà những đời tổng bí thư gần đây như Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh đã không với tới được.

Bộ Công an – một tổ chức quyền lực hoặc siêu quyền lực – nhưng đang có tướng công an bị bắt và được công khai cho dư luận theo cách "vạch áo cho người xem lưng", rất có thể sẽ bị Tổng bí thư Trọng tiến hành "thay máu" trong thời gian tới.

Đang trên đỉnh thượng phong quyền lực, ông Trọng có những điều kiện để tạo ra một số thay đổi không quá nhỏ, thậm chí là thay đổi mang tính xáo trộn hoặc cả một cơn địa chấn trong Bộ Công an.

Dấu hỏi còn lại là ông Trọng sẽ thay đổi đến mức độ nào và như thế nào.

Nếu căn cứ vào "bài’ của Tập Cận Bình để sau đó họ Tập trở thành "bộ trưởng thứ nhất Bộ Công an", đó sẽ là một xáo trộn rất lớn đối với Bộ Công an Việt Nam trong năm 2018 và có thể còn kéo sang năm 2019.

Cho dù có thể không quan tâm đến tương lai "bộ trưởng thứ nhất Bộ Công an" do vấn đề tuổi tác và sức khỏe, ông Nguyễn Phú Trọng vẫn có nhu cầu siết lại kỷ cương của môt ngành mà từ nhiều năm qua đã gây tai tiếng quá lớn trong dư luận xã hội, nhất là cảnh kiêu binh của giới công an địa phương dẫn đến hàng trăm người dân phải "tự chết" trong đồn công an.

Có lẽ từ nay trở đi, những người dân bị công an chèn ép và hành hung cần làm đơn thư khiếu tố thẳng cho ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Ủy ban Kiểm tra trung ương, thay vì gửi cho Thanh tra Bộ Công an.

Thiền Lâm

Nguồn : CaliToday, 14/03/2018

Quay lại trang chủ
Read 743 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)