Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

06/02/2017

Những điều ước lúc ra Giêng (ta)

Kính Hòa

Thần tháng Giêng trong truyền thống phương Tây là một người có hai mặt, chia nhau nhìn vào năm đã qua và sắp đến. Tết nguyên đán Việt Nam không có ông thần hai mặt, nhưng những cuộc vui ngày xuân cũng lại là những giây phút hàn huyên chuyện cũ, ước đoán chuyện mới.

uoc1

Trước cửa đền thờ Bà Chúa Kho ở tỉnh Bắc Ninh hôm 2/2/2017.

Chuyện bỏ Tết

Ra giêng, không khí Tết còn phảng phất, lại sắp bắt đầu những ngày bình thường, người ta nhớ lại câu chuyện đề nghị bỏ Tết âm lịch trong những ngày trước Tết. Theo ý của một người Việt sống ở nước ngoài là ông Bùi Quang Vơm, thì cái trở ngại lớn nhất của Tết âm lịch đối với sự phát triển của xã hội hiện đại, chính là kỳ nghỉ quá dài của nó, làm cho mọi sự gián đoạn. Theo ông thì xã hội hiện đại của Việt Nam cũng phải giống những xã hội đã đi trước, và không phải lo ngại rằng bỏ Tết sẽ bỏ đi những phong tục đầm ấm ngày xuân :

Người ta đưa ra lý do văn hóa, nét đặc trưng hàng nghìn năm. Bỏ Tết cổ truyền là bỏ di sản văn hóa, là bỏ truyền thống và những giá trị ngàn năm v.v… Nhưng thực tế lịch sử đã chứng minh, các hủ tục, các thứ truyền thống hủ bại, cũng có tuổi hàng nghìn năm, nhưng sau khi bãi bỏ, hoặc thay bằng một hình thức khác, chỉ sau một thời gian, nếu cái thay đổi đó phù hợp với cuộc sống, tạo ra những tác động tích cực, không có ai tìm cách quay lại.

Xu thế hội nhập toàn diện và toàn bộ nền kinh tế Việt nam vào nền kinh tế thế giới là một đòi hỏi chính đáng, hợp nhu cầu khách quan nhưng cũng hợp với nguyện vọng và tình cảm của người dân Việt Nam. Hòa nhập vào môi trường chung, tham dự sân chơi chung, đương nhiên là Việt nam phải chấp nhận luật chơi chung, thừa nhận chuẩn mực những khái niệm và những quy ước phổ cập toàn cầu. Trong những cái phổ cập đó, có quy tắc quy ước mọi sinh hoạt theo dương lịch. Và ngày kết thúc của một năm là ngày kết thúc một chu trình sản xuất kinh doanh, là ngày tịnh kho, ngày khóa sổ kế toán, là một ngày thống nhất để đồng nhất mọi quy chiếu.

Có thể mất đi cái gì, nếu vào ngày nghỉ Tết Dương lịch, người Việt giữ nguyên những "thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ, cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh". Tất cả những gì đang có, đang làm cho ngày Tết Âm lịch, nếu chỉ di chuyển thời điểm, về trùng với ngày Tết dương lịch, gộp hai ngày tết vào làm một, thì có thể mất gì ?

Ở một góc nhìn khác, blogger Song Chi cho rằng những hủ tục, những trở ngại của những ngày Tết đối với xã hội, chẳng qua là do xã hội Việt Nam phát triển theo một kiểu lệch lạc. Bà nhớ lại những ngày Tết xa xưa :

Tôi còn nhớ chỉ cách đây mấy chục năm thôi, ở miền Nam và Sài Gòn trước đây người ta ăn Tết đâu có rình rang phô trương đến thế, đâu có chuyện đi chùa với cái tâm thức thực dụng đến thế. Tết thời ấy nhẹ nhàng văn minh hơn mới lạ. Phải chăng chính cuộc sống bây giờ, vốn coi trọng hình thức bề ngoài, coi trọng vật chất, cái danh hão, chạy theo những tiêu chuẩn giá trị bị lệch lạc trong xã hội… đã ảnh hưởng đến cả cách người Việt ăn Tết ?

Suy cho cùng, bản thân cái Tết Âm lịch chưa chắc đã có tội tình gì, những nỗi khổ vừa kể trên là do xã hội của chúng ta, do chính chúng ta gây ra, chứ chả phải do Tết Âm lịch !

Chuyện không hay ngày Tết

VIETNAM-LUNAR-NEW-YEAR

Người dân chen chúc nhau trong đền Bà Chúa Kho ở phía Bắc tỉnh Bắc Ninh hôm 2/2/2017. AFP photo

Cái điều do chính chúng ta mà blogger Song Chi nêu lên được Đức Nam viết trên trang Blog của tờ Thời báo Kinh Tế Sài Gòn, qua những chuyện không hay mà tác giả quan sát khắp nơi trong những ngày Tết vừa qua, từ chuyện không chịu xếp hàng đến đánh đập trẻ em, từ chuyện xả rác cho đến ồn ào nơi công cộng. Tác giả kết luận :

Tất cả mọi điều ngay bây giờ, ở đây, đầu tiên từ con người và cuối cùng cũng vẫn là đi tới con người. Mỗi người chúng ta không tự thay đổi thì cái chuỗi ứng xử vô minh kia không bao giờ dừng lại mà mỗi ngày còn được khuếch đại hơn lên.

Có khi nào bạn để ý ánh mắt của người nước ngoài khi thấy người Việt hành xử tệ, để cảm nhận họ lạ lùng cái văn hóa ấy ra sao, rằng chúng ta đang khác với một phần thế giới văn minh như thế nào ?

Có lẽ cũng vì những chuyện không hay như vậy mà blogger Viết Từ Sài Gòn có một cảm giác bất an cho tương lai của dân tộc Việt Nam, cộng với những lo ngại thường xuyên từ một nguy cơ xâm lăng từ phương Bắc, mặc dù tác giả nói rằng trong thời buổi hiện nay, sự biến mất của một dân tộc không phải là do những cuộc xâm lăng quân sự, những cuộc chiến tranh, tác giả viết trong bài Đất nước nhìn từ tháng Giêng :

Người Việt Nam vốn dĩ đã thiếu màu sắc trên căn cước văn hóa sẽ nhanh chóng bị mờ nhạt và mất dấu căn cước. Một khi mất dấu căn cước văn hóa, điều đó cũng đồng nghĩa với diệt vong ! Tháng Giêng, đầu năm, tự dưng thấy chạnh buồn vì thêm một năm mới mà mọi tháng kế tiếp sẽ là những ẩn số chứa đầy mối họa.

Chuyện tấu hài ngày Tết

Tết năm nay cũng đánh dấu một truyền thống sân khấu truyền hình của Việt Nam đi vào ngõ cụt. Đó là chương trình tấu hài sớ táo quân. Trang Dân Luận tổng hợp những chỉ trích của giới blogger về chương trình này. Nguyễn Anh Tuấn viết trên mạng xã hội :

Chương trình Gặp Nhau Cuối Năm có vẻ càng lúc càng đi xuống, hoặc ít nhất là sự đón nhận của khán giả đang ngày một ít nồng nhiệt hơn. Vì sao vậy ? Có lẽ vì giờ đây người dân không còn tin hoặc dễ dàng chấp nhận các vấn nạn xã hội liên quan tới đời sống thiết thân của họ, từ ô nhiễm môi trường tới thực phẩm bẩn, từ thất nghiệp với tắc đường, từ tham nhũng lãng phí đến con ông cháu cha được xí xoá bởi cái cười tất niên giản đơn như vậy nữa. Nhất là khi các vấn nạn đó qua từng năm có vẻ đang ngày càng trầm trọng hơn.

Phạm Hà chế giễu :

Người ta cần những nụ cười, thứ mà các anh không thể làm được. Thay vào đó là các trò mèo, các bài nhạc chế nửa nạc nửa mỡ ; vấn đề gì cũng đụng một tí, úp úp mở mở như mèo giấu mứt để rồi chốt hạ bằng bằng mấy câu vuốt đuôi của Ngọc hoàng.

Thôi các anh trả cho chúng tôi hơn một tiếng ngồi ngáp vặt đây. Chúng tôi ngồi xem hài mà mặt nghiêm trang như cán bộ thôn dự cuộc họp tiêm chủng mở rộng, các anh biết không ?

Luật sư Lê Luân nói rằng chương trình này nên chấm dứt, vì nó chỉ mang tính mị dân :

Họ diễn kịch, vui vẻ hối lộ cho nhau trước mặt người xem. Họ móc ngoéo với nhau, họ cùng nhau dối trá và làm trò trước mặt mọi người. Họ coi thường tất thảy. Họ cho người dân xem những cái xấu xa một cách công khai và làm trò cười khoái trá để coi nó là thứ không cần họ bàn đến trong cuộc sống nữa.

Táo quân, nên xoá bỏ khỏi đời sống văn hoá, nghệ thuật thì tốt hơn. Để người dân và xã hội không bị ru ngủ bởi những màn kịch năm nào cũng giống nhau và mang nặng tính tuyên truyền chính trị, dùng đạo đức và giáo điều để mị dân.

Dân bao giờ thôi xem quốc gia như là một sân chầu của một triều đình với các lời xàm tấu lặp đi lặp lại năm này qua năm khác mà với những thảm trạng ấy, họ chẳng hề hấn gì mà rồi cứ qua quýt với nhau để tiếp tục chuyện điều hành quốc gia mà hậu quả chỉ có nhân dân lãnh đủ ?

Những điều ước

uoc3

Những mâm cúng được bày bán tại chùa Bà Chúa Kho ở Bắc Ninh hôm 2/2/2017. AFP photo

Đó là những chuyện trong năm cũ. Năm mới con gà trống cũng gợi cảm hứng cho mọi người một tương lai tươi sáng như tiếng chào bình minh. Blogger Đoan Trang viết rằng cô hy vọng tầng lớp tinh hoa của xã hội Việt Nam sẽ dũng cảm cất vang tiếng gáy. Nhà báo Nguyễn Thông nghe tiếng gà gáy ngày xuân mà nghĩ rằng xã hội thường thưa vắng gà trống, thiếu những con gà mà "một tiếng toàn dân bừng tỉnh mộng".

Cô giáo về hưu Vũ Thị Phương Anh viết :

Đầu năm con gà, chỉ có một mong ước nhỏ : Người Việt chúng ta có thể bớt cảm tính theo kiểu khi yêu trái ấu cũng tròn mà khi ghét thì trái bồ hòn cũng méo ; sử dụng lý trí nhiều hơn trong phán đoán mọi việc (kể cả về chính trị) ; và hành xử trong cuộc sống một cách bình tĩnh, khoan hòa và độ lượng hơn một chút, có được không ?

Ao ước của blogger Ngụy Hữu Tâm cũng không né trách chuyện chính trị, điều ngày càng được người dân Việt Nam đề cặp một cách thẳng thắn :

Ước nguyện lớn nhất và duy nhất của tôi là nước ta sớm thực hiện được thể chế nhà nước pháp quyền thực sự, chứ không chỉ là lời nói sáo rỗng, mị dân. Bởi lẽ nhà nước pháp quyền thì thể chế phải là tam quyền phân lập, chứ không thể theo thể chế độc tài toàn trị với điều 4 của Hiến pháp để Đảng Cộng sản là cơ quan quyền lực duy nhất ngồi xổm lên luật pháp. Khi điều đó được thực thi thì nhiều điều như trong mơ sẽ được thực hiện ngay tức thì.

Riêng nhạc sĩ Tuấn Khanh vẫn chưa hết cảm xúc về câu chuyện bài hát nổi tiếng Ly rượu mừng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương được nhà nước Việt Nam "cho phép" hát trên sân khấu Việt Nam, mặc dù những người kiểm duyệt văn hóa chưa bao giờ làm được điều không thể làm là cấm hát bài hát ấy :

Bài hát Ly Rượu Mừng vang bên tai tôi, khiến gợi nhớ biết bao điều. Nhớ những tác phẩm văn học miền Nam bị đem ra đấu tố như những tội đồ. Nhớ những nhạc sĩ miền Nam im lặng nhìn nhau, nói nhỏ về những tác phẩm của mình đang bị xé bỏ. Nhớ những thế hệ Việt Nam bị kết tội vì nhân thân, đã không được vào đại học, đã vào trại tù cải tạo… Hôm nay, mọi thứ như đang tốt dần lên. Có người nói với tôi rằng Ly Rượu Mừng được xóa án là một niềm vui của đổi mới. Nhưng tôi thì thấy đó là một trong những lần chùi rửa vội vàng của bộ máy kiểm duyệt, nhằm che bớt đi sự thù hằn và đen tối trên gương mặt, để có thể bước vào thế kỷ văn minh.

Tuấn Khanh lấy cảm hứng từ Giấc mơ một ngày mai sáng trời tự do trong bài hát và viết rằng điều đó làm lại dậy lên trong lòng người nhạc sĩ một điều ước là ông mong rằng tổ tiên sẽ dẫn lối dân tộc này, và ngày ấy, ngày tự do ấy ắt phải đến.

Kính Hòa, phóng viên RFA

Nguồn : RFA tiếng Việt, 06/02/2017

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Kính Hòa
Read 722 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)