Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

16/03/2018

Việt Nam là một trong 5 quốc gia có số lượng thông báo vi phạm tự do tôn giáo cao nhất

Ahmed Shaheed

Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đang họp khóa thứ 37 tại Điện Quốc Liên ở Genève từ ngày 26 tháng 2 đến ngày 23 tháng 3. Hàng trăm đại biểu các chính phủ quốc gia thành viên và tổ chức Phi Chính phủ khắp năm Châu về tham dự để theo dõi, thảo luận, báo cáo tình hình nhân quyền trên thế giới.

lhq1

Hình minh họa. Người Việt theo Công giáo tại nhà thờ Thái Hà thắp nến cầu nguyện trong một vụ tranh chấp đất đai với chính quyền địa phương ở Hà Nội hôm 25/4/2009. AFP

Vấn đề Tự do tôn giáo, tín ngưỡng được đặc biệt quan tâm tại khóa họp. Đầu tuần này, Tiến sĩ Ahmed Shaheed, Báo cáo viên Đặc biệt Liên Hiệp Quốc về Tự do Tôn giáo đã công bố tại hội trường bản Phúc trình Thường niên nhan đề "Quan hệ giữa Nhà nước và Tôn giáo cùng tác động của quan hệ này cho Tự do Tôn giáo hay Tín ngưỡng".

Hôm thứ ba, mồng 6 tháng 3, Đại sứ Liên Âu tại Liên Hiệp Quốc chủ toạ buổi ra mắt tổ chức "Diễn Đàn học hỏi Tự do Tôn giáo hay Tín ngưỡng – The Freedom of Religion or Belief Learning Platform", là sáng kiến của Mạng lưới Bắc Âu về Tự do Tôn giáo với 44 tổ chức thành viên, trong số này có "Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam" và "Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế". Mục tiêu của tổ chức nhằm cung cấp các tài liệu thông tin, video… giúp cho mọi cá nhân hay tổ chức có đủ tư liệu toàn diện để lấy quyết định hoạt động, suy nghĩ và thăng tiến tự do tôn giáo hay tín ngưỡng cho mọi người. Báo cáo viên Đặc biệt Liên Hiệp Quốc về Tự do Tôn giáo ca ngợi sáng kiến này là một "bước tiến khổng lồ" trong việc giáo dục nhân quyền và tự do tôn giáo.

Xin mời quý thính giả theo dõi cuộc phỏng vấn Báo cáo viên Đặc biệt Liên Hiệp Quốc về Tự do Tôn giáo, Tiến sĩ Ahmed Shaheed, để hiểu thêm tình hình tự do tôn giáo trên thế giới và tại Việt Nam.

********************

Ỷ Lan : Thưa Tiến sĩ Ahmed Shaheed, Phúc trình thường niên của Tiến sĩ trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đặt trọng tâm vào quan hệ giữa Nhà nước và Tôn giáo cùng tác động của quan hệ này cho sự bảo vệ tự do tôn giáo.

Xin Tiến sĩ có thể giải thích rộng hơn vấn đề này ?

Ahmed Shaheed : Có ba mẫu Nhà nước và Tôn giáo phát triển nhiều thế kỷ qua. Mẫu thứ nhất, là mối quan tâm chính để gìn giữ hoà bình tôn giáo. Mẫu lịch sử này cho thấy, dù vị Hoàng tử hay Người cầm quyền theo một đức tin nào, thì toàn thể quốc gia ấy quy phục theo cùng niềm tin. Mục tiêu của mẫu mực này nhằm bảo đảm nền hoà bình cho thần dân.

Một mẫu khác hiện hữu chừng 100 năm qua, là "mẫu bảo vệ" cho giới thiểu số. Tiêu điểm nhằm lo liệu bảo vệ các nhóm tôn giáo thiểu số, điều này có nghĩa là không công nhận nhân dân có quyền thay đổi tôn giáo. Ngày nay thì chúng ta có mẫu nhân quyền phổ quát, sự khác biệt với các mẫu kia, là từ điểm xuất phát, quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng là quyền của mỗi cá nhân. Tự do tôn giáo là quyền sở hữu của mọi cá nhân, bất chấp tới niềm tin, bất chấp việc người này muốn thay đổi hay không niềm tin của mình. Vì vậy, khi các quốc gia sử dụng luật pháp để giữ vững hoà bình giữa các cộng đồng, họ không biết rằng đã làm tổn hại tự do, và vi phạm quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng của người dân.

Ỷ Lan : Việt Nam vừa thông qua Luật Tín ngưỡng và Tôn giáo có hiệu lực kể từ tháng giêng vừa qua. Nhà cầm quyền nói Luật này bảo vệ tự do tôn giáo, nhưng tôn giáo nói đây ám chỉ các cộng đồng tôn giáo đã đăng ký hay được Nhà nước thừa nhận.

Theo Tiến sĩ thì Nhà nước có quyền giới hạn sự thừa hưởng tự do tôn giáo hay tín ngưỡng cho các tôn giáo được Nhà nước công nhận hay không ?

Ahmed Shaheed : Các quốc gia phải hiểu rằng nhân quyền không thể bắt đầu với sự thừa nhận của Nhà nước. Như tôi đã nói trong Phúc trình của tôi, sự thừa nhận của Nhà nước không thể là bước khởi đầu cho tự do tôn giáo hay tín ngưỡng.

Trước hết mọi quốc gia phải công nhận, rằng bất cứ ai đều được hưởng quyền tư do tôn giáo. Sự thừa nhận của Nhà nước chỉ là quy trình giúp việc bảo vệ quyền này, chứ không là ngược lại.

Trong các quốc gia mà luật pháp thừa nhận tôn giáo nào đó, rồi siết cổ thái quá tôn giáo khác, rõ ràng như thế là vi phạm quyền bình đẳng của mọi người. Tự do tôn giáo hay tín ngưỡng thực sự, là khi quốc gia cung cấp sự bảo đảm không kỳ thị, bằng sự đối xử bình đẳng với mọi người, đồng thời bảo đảm tự do, để mọi người có đủ không gian phát biểu ý kiến và niềm tin họ theo.

Các quốc gia phải hoàn tất cán cân thăng bằng giữa bình đẳng và tự do, chứ không là nhảy từ thái cực này tới thái cực kia. Công tác chỉ hoàn thành khi tự do và bình đẳng được bảo đảm.

Ỷ Lan : Trong bản Phúc trình, Tiến sĩ nói rằng "Tôn trọng tự do tôn giáo gắn liền chặt chẽ với mức độ khoan dung và sự tôn trọng tính đa dạng trong xã hội", Tiến sĩ cũng nói "Các nhân quyền khác như tự do biểu đạt hay tự do lập hội không thể nẩy nở khi tự do tôn giáo bị vi phạm".

Việt Nam là quốc gia độc đảng, chẳng bao giờ chấp nhận tính đa dạng trong xã hội. Trong hoàn cảnh như vậy, theo Tiến sĩ, tự do tôn giáo hay tín ngưỡng có thể được tôn trọng hay không ?

Ahmed Shaheed : Như chị biết, Tự do tôn giáo hay tín ngưỡng là một quyền mở rộng, vì vậy tôn trọng tự do tôn giáo hay tín ngưỡng đặt nền tảng cho sự tôn trọng nhân quyền, tự nó đã mang tính đa nguyên và dân chủ. Đồng thời sẽ không có tự do tôn giáo hay tín ngưỡng, nếu nhân quyền và các tự do dân chủ bị khước từ.

Nói cách khác, nếu có những hạn chế về tự do biểu đạt, tự do hội họp và lập hội, vi phạm quyền riêng tư cá nhân, lạm dụng quyền phụ nữ và thiếu vắng sự bình đẳng, tất nhiên tự do tôn giáo hay tín ngưỡng sẽ không bao giờ được tôn trọng. Có một số điều kiện mà các quốc gia phải bảo đảm để bảo vệ thực sự cho tự do tôn giáo hay tín ngưỡng.

Thứ nhất, quốc gia phải duy trì một "khoảng cách xa" với tôn giáo trên lĩnh vưc pháp luật và chính sách công cộng – không nên ban hành các sắc luật căn cứ trên các giáo điều tôn giáo, cũng như không sử dụng luật pháp để xâm lấn vào nội bộ tôn giáo.

Thứ hai, quốc gia phải phát triển pháp quyền, như vậy nhân quyền và tự do tôn giáo sẽ được khung pháp lý bảo vệ.

Thứ ba, dù theo đúng pháp luật hiện hữu, nhưng phải được bao gồm theo sự cam kết chính trị, tính đa nguyên chính trị, sự đa dạng, tôn trọng tính sai khác của con người.

Đây là sự hằn sâu những giá trị, chính sách và thực tiễn, và phải tuân thủ các giá trị nhân quyền phổ quát, nếu không, sẽ chẳng bao giờ có tự do tôn giáo thực hữu.

Ỷ Lan : Tiến sĩ đánh giá như thế nào về tình trạng tự do tôn giáo tại Việt Nam ?

Ahmed Shaheed : Nếu chị nhìn vào cơ sở dữ liệu trong công tác của Báo cáo viên Đăc biệt về Tự do tôn giáo suốt thập niên qua, chị sẽ thấy Việt Nam là một trong 5 quốc gia có số lượng thông báo vi phạm tự do tôn giáo cao nhất. Sự kiện Việt Nam thu hút mối quan tâm lớn của các Báo cáo viên Đặc biệt Liên Hiệp Quốc về Tự do tôn giáo, cho thấy mối quan tâm nghiêm trọng tại quốc gia này.

Trong bản Phúc trình của tôi, tôi nêu ra những quốc gia có thái độ tiêu cực đối với tôn giáo hay với một số tôn giáo nào đó, nên đã giới hạn các tự do dân sự - thì Việt Nam rơi vào phạm trù này. Cũng vậy, các nghiên cứu toàn cầu đều đặt Việt Nam vào danh sách 10 quốc gia trên thế giới có thái độ vô cùng tiêu cực đối với tự do tôn giáo hay tín ngưỡng trong lĩnh vực công cộng hay tư nhân.

Ỷ Lan : Xin cám ơn Tiến sĩ Ahmed Shaheed.

Nguồn : RFA, 16/03/2018

Quay lại trang chủ
Read 683 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)