Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

20/03/2018

Kiểm soát tư tưởng bằng AI : Việt Nam sẽ sớm theo chân Trung Quốc ?

Ánh Liên

Ngày 1/5 tới đây, hơn 9 triệu người Trung Quốc sẽ không thể mua vé máy bay, xe lửa vì bị chấm điểm xấu.

Hệ thống chấm điểm này sẽ liệt kê những hành vi gây hại với cộng đồng như tung tin giả, gây rối, hút thuốc, không chịu đóng bảo hiểm và đưa nó trở thành điểm xấu, từ đó tước bỏ dần quyền lợi của những chủ thể sở hữu điểm nêu trên. Bằng cách này, Trung Quốc đang muốn tiến hành cải cách và phát triển quốc gia theo hướng : siết chặt kỷ luật cá nhân.

kiem1

Trung Quốc đang muốn tiến hành cải cách và phát triển quốc gia theo hướng : siết chặt kỷ luật cá nhân.

Siết chặt kỷ luật và đưa con người vào tính tự giác bằng việc dựa vào phương pháp kỹ thuật số thông minh nhân tạo (AI) đang gây ra nhiều tranh cãi. Xuất phát từ việc, Bắc Kinh có thể biến đất nước này trở thành một trang trại mới, nơi phân loại giai tầng xã hội bằng công nghệ, và ‘nô lệ’, ‘địa chủ’ sẽ được khai sinh dưới một lớp bọc mới. Ngoài ra, từ ‘hành vi ứng xử’ thông thường nêu trên, Trung Quốc có thể thiết lập các hành vi ứng xử riêng biệt nhằm bảo vệ chế độ như ‘lỗi tư tưởng’ nhằm kiểm soát hoàn toàn tư tưởng trong nước. Nói cách khác, Trung Quốc đang thiết lập một hệ thống sản xuất con người xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc, và ở nghĩa ‘phản biện’ thì tái hiện một thế giới mà nhà văn George Orwell đã đặc tả qua tác phẩm kinh điển - 1984. Nơi mà chủ nghĩa cá nhân và tư duy độc lập được xem là một loại tội (tội nhận thức), và thiết chế xã hội là chuyên chế.

kiem2

Trung Quốc đang thiết lập một hệ thống sản xuất con người xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc - Ảnh minh họa

Việt Nam lo hay không ?

Trung Quốc luôn là hình mẫu mà Việt Nam theo đuổi, từ Đổi mới cho đến chiến dịch Đốt lò là những mô hình du nhập từ người anh em phương Bắc. Và lần, đánh giá tín nhiệm xã hội cũng sẽ là một mô hình kiểm soát mà Việt nam sẽ có khả năng làm được. Bởi Hà Nội đang tiến hành một giai đoạn kiềm chế xã hội và kiểm soát tư tưởng mới trong bối cảnh internet đang hiện diện mọi ngõ ngách tại Việt Nam.

Trong một thông tin được đưa lên các báo chính thống vào cuối năm 2017, huyện Đông Anh - quê nhà của TBT Nguyễn Phú Trọng sẽ là thành phố thông minh với giá trị đầu tư lên đến 4 tỷ USD, với mục tiêu hướng tới mô hình đô thị hiện đại nhất Đông Nam Á. Trong tổng quan, Việt Nam cũng đề ra mục tiêu đến năm 2020, sẽ phát triển ít nhất 3 đô thị thông minh kiểu như vậy. Riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh - thành phố phía nam cũng đang gấp rút triển khai đề án đô thị thông minh trong 10 năm tới, trong đó điểm lưu ý nhất là xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin viễn thông, và xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung (bigdata) cho mọi đối tượng. 

Bigdata gì ? Theo SAS , đó là khối lượng dữ liệu lớn (và vẫn giãn nở hằng ngày), cực kỳ phức tạp. Nhưng nếu trích xuất thành công, nó sẽ giúp rất nhiều cho quản lý dữ liệu ngân hàng, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, và quan trọng nhất là trong hệ thống chính quyền - cơ quan chính phủ có thể khai tách và áp dụng phân tích bigdata để xây dựng Chính phủ điện tử, làm giảm ách tắc giao thông, và ngăn ngừa tội phạm. Lợi thế của chính phủ cũng đối diện với các vấn đề liên quan đến sự minh bạch và riêng tư. Tổ chức nhân quyền HRW từng lên tiếng chỉ trích chính phủ Trung Quốc  trong việc sử dụng Bigdata để xâm phạm quyền con người thông qua việc thu thập dữ liệu về hành vi của công dân và báo cáo các hoạt động bất thường cho chính quyền.

Rõ ràng, có dấu hiệu cho thấy Chính phủ Việt Nam đang tiến hành những đô thị thông minh gắn liền với trích xuất Bigdata, cũng như xây dựng một bức tường lửa bao quanh người dân và kiểm soát chất lượng người dân, trong đó có cả công nghệ nhận diện khuôn mặt qua AI, tiến tới thiết lập hệ thống điểm tín dụng cá nhân như Trung Quốc áp dụng.

Điều này đồng nghĩa, Việt Nam có thể sẽ nắm bắt tư tưởng của Trung Quốc trong kiểm soát lại tư tưởng người dân và buộc họ phải tuân thủ tư tưởng nếu không muốn trở thành những công dân loại 2 của quốc gia. Hay nói gọn hơn, là hình thành một hệ thống xây dựng những ‘bông hoa đẹp nhất của vườn hoa xã hội chủ nghĩa’. Một hệ thống mà ‘phê và tự phê’ được số hóa, ‘đấu tố’ được số hóa, và ‘tính giai cấp lẫn tầng lớp’ tinh hoa được nhấn mạnh.

Đây không phải là một sự lo xa, ít nhất Việt Nam đang có cơ sở hạ tầng CNTT tốt, và số lượng người dùng internet phát triển vũ bão. Và trên hết, học tập Trung Quốc đang được đẩy mạnh với sự gia tăng tần suất ngày một lớn.

Ánh Liên

Nguồn : VNTB, 20/03/2018

Quay lại trang chủ
Read 838 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)