Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

04/04/2018

Nhà nước ! 'Cảnh giác' nhưng đừng 'bẻ cong quy luật' !

Ánh Liên

Báo Quân đội Nhân dân trong bài viết ngày 1/4/2018 đã phác họa một cảnh tượng đầy mơ hồ : Cảnh giác với chiêu trò cổ vũ cho sự ra đời, hoạt động của tổ chức xã hội dân sự độc lập.

xhds1

Xã hội dân sự độc lập cũng là nằm trong khối xã hội dân sự với tính chất - vị trí và vai trò được quy định như pháp luật cho phép mà thôi. Ảnh : minh họa

Nội dung bài viết quy nạp xã hội dân sự độc lập là đến từ các thế lực thù địch ; quy chụp thiếu cơ sở về một luận điểm của một ít người để đả phá xã hội dân sự độc lập – "chỉ có xã hội dân sự độc lập mới bảo đảm được dân chủ và quyền con người" ?

Bài viết cũng không quên nhắc lại về câu chuyện Ba Lan với tổ chức ‘công đoàn đoàn kết’ cũng như sự sụp đổ của Liên Xô do xã hội dân sự độc lập được gán như nguyên nhân chính.

Bài viết cũng đánh tráo khái niệm khi gán giữa tổ chức bạo động vũ trang – FULRO trở thành một thành tố của xã hội dân sự độc lập.

Và bằng những thủ thuật như vậy, bài viết đã kết luận : sử dụng các tổ chức xã hội dân sự độc lập là thủ đoạn chính trị của các thế lực thù địch, nhằm "cài cấy" người của chúng chi phối hoạt động của nhân dân. Thậm chí còn đi xa hơn, tác giả bài viết còn nâng cao luận điểm chính trị rằng, ‘chúng [xã hội dân sự độc lập] "rèn luyện" lực lượng chống phá chế độ’.

Bài viết này có lẽ là phần kế tiếp, sau khi Công văn từ Ban tuyên giáo trung ương gửi Bộ giáo dục đòi hỏi phải loại bỏ những tác phẩm của thành viên Ban vận động Văn đoàn độc lập ra khỏi đề án sách giáo khoa ngữ văn mới.

Bối cảnh bài viết cũng ra đời khi lãnh đạo Việt nam liên tục công du ra nước ngoài để tìm kiếm các tín hiệu hỗ trợ về mặt kinh tế lẫn quân sự. Và trong số lần tìm kiếm đó, bản thân nhân quyền cũng được thường xuyên đề cập đến.

Trở lại câu chuyện ‘cảnh giác’, đến nay cần phải thừa nhận, Nhà nước đã bớt ‘đấu tố’ hơn đối với các xã hội dân sự độc lập về mặt truyền thông. Tuy nhiên, mức độ ‘hành xác’ các thành viên trong các tổ chức xã hội dân sự độc lập không phải vì thế mà giảm. Từ câu chuyện ngăn chặn các thành viên tham gia hoạt động mít-tinh, biểu tình ; cho đến câu chuyện gây áp lực khi tham gia hội thảo về nhân quyền….

Câu chuyện ‘cảnh giác’ vẫn cứ lập lại đều đều khi mà quan điểm giữa Nhà nước Việt nam và các tổ chức xã hội dân sự độc lập vẫn chưa gặp nhau. Đó là giữa một sự thành lập, hoạt động trên cơ sở đề ra của Hiến pháp về quyền lập hội ; trên nền tảng của một khối tồn tại như một quy luật cần thiết của thị trường là "xã hội dân sự" với một nguyên tắc là tất cả các tổ chức xã hội nghề nghiệp đều thuộc sự quản lý, lãnh đạo của Đảng.

Tuy nhiên, thực tế cuộc sống sẽ tự điều chỉnh những gì nó được coi là phù hợp. Kể cả hiện tượng năm 2014, khi hàng loạt các hội đoàn dân sự độc lập ra đời trong sự phản ứng dữ dội của báo chí nhà nước, và cho đến nay, chỉ có một vài hội đoàn còn hoạt động về mặt thực chất. Đặc điểm này ngoài sự góp phần của áp lực nhà nước thì phải thừa nhận, hoạt động của các hội đoàn vẫn chưa thực sự lan tỏa về mặt hiệu quả, định hướng lẫn sự chuyên nghiệp. Qua đó để thấy rằng, bản thân các tổ chức xã hội dân sự độc lập còn tồn tại được, hoặc cao hơn là sự trưởng thành, nó vừa là nỗ lực hoàn thiện, vừa là một sự chấp nhận của thực tiễn đời sống.

Chấp nhận của thực tiễn đời sống hiện đại, đồng nghĩa bản thân những tổ chức xã hội dân sự độc lập đáp ứng các tiêu chí về nhân quyền trên cơ sở của sự ôn hòa. Và thực tế đã cho thấy, các tổ chức xã hội dân sự độc lập còn tồn tại được không rơi vào khuynh hướng như cổ vũ hoạt động ra đời của một đảng phái ; gây mâu thuẫn sắc tộc ; kêu gọi lật đổ - xóa bỏ chế độ nhà nước. Lý do đơn giản, vì bản thân xã hội dân sự độc lập cũng chỉ là một tổ chức xã hội dân sự mà thôi.

Ví như Hội Cựu tù nhân lương tâm ra đời để thông tin và chăm sóc các cựu tù nhân lương tâm ; Ban vận động Văn đoàn độc lập ra đời để anh chị em nghệ sĩ tập hợp lại sáng tác thi ca ; Hội nhà báo độc lập Việt Nam cũng là để mọi người tự do bày tỏ quan điểm của mình theo công ước mà Việt nam đã ký kết. Nghĩa là tất cả những hoạt động này hoàn toàn nằm trong các quyền tự do căn bản mà Pháp luật nhà nước Việt nam quy định. Chỉ vậy thôi, mà Nhà nước không những ‘cảnh giác’, mà còn áp đặt cho các tổ chức này là ‘thế lực thù địch’, sao mà nghe nó chuyên chính vô sản quá đà đến thế !

Thứ nữa, quan điểm áp đặt ‘chỉ có xã hội dân sự độc lập mới bảo đảm được dân chủ và quyền con người’ thực ra chỉ có ở một số cá nhân, hàm nghĩa - nó không được thừa nhận một cách rộng rãi bởi các hội đoàn dân sự độc lập. Bởi đây là một quan điểm gây hiềm khích, chia rẽ giữa các tổ chức NGO thuộc sự quản lý nhà nước và khối NGO độc lập. Bất cứ tổ chức xã hội dân sự nào ra đời đều đặc tính riêng của nó, nhưng mục đích chung nhất là ‘phụ’ Nhà nước làm trong những công việc mà tiềm lực (hoặc năng lực) nhà nước chưa làm tốt được ; cũng như giám sát chính sách/chủ trương nhà nước sao cho không làm tổn thương xã hội hoặc đi ngược lại các các văn kiện, công ước về quyền con người mà Nhà nước đã giao kết với quốc tế. Vậy nên, đừng lấy cụm từ ‘độc lập’ ra để gây chia rẻ và gán ghép nó như một tổ chức chính trị, bởi đó là cách áp đặt hèn hạ, thô bỉ.

Cuối cùng, tiền thân của xã hội dân sự độc lập hay xã hội dân sự là quá trình nảy nở xã hội dân sự từ trước đó, ngay trong thời kỳ thuộc Pháp với những hội đoàn thiện nguyện, rồi kể cả trong thời kỳ miền Bắc xây dựng xã hội chủ nghĩa và cho đến nay. Các tổ chức xã hội dân sự Việt nam hiện nay không hoạt động về mặt đối kháng chính trị, hay thành lập tổ chức vũ trang để chống lại nhà nước, kêu gọi bạo động, mà ngược lại chính các tổ chức xã hội dân sự (trong đó có cả hội/nhóm xã hội dân sự độc lập) đã thúc đẩy một tiến trình hòa bình bằng những lần biểu tình trong sự ôn hòa (mặc cho sự kích động từ phía quần chúng tự phát), đòi hỏi những quyền dân sinh và dân chủ để nhà nước nắm lấy và thực hiện tốt hơn phương châm nhà nước của dân - do dân và vì dân. Điều quan trọng là các xã hội dân sự độc lập xuất hiện nhiều hơn khi lần đầu tiên Hiến pháp 2013 có hẳn 1 chương về quyền con người – cho phép một địa vị pháp lý, cổ vũ cho sự ra đời của Luật về Hội. Và xã hội dân sự độc lập đã đi trên cơ sở nền tảng về quyền, theo đúng chủ trương – chính sách Pháp luật, vậy hà có sao tác giả bài báo lại dẫn dụ xã hội dân sự độc lập đi ra từ một tổ chức bạo động – vũ trang có màu sắc tôn giáo là FULRO ? Đây có phải là cách thức bẻ cong ngòi bút để đạt được một mưa đồ nào đó chăng ?

Còn quá nhiều thứ để bàn cãi về xã hội dân sự độc lập, nhưng đó phải là làm sao để các tổ chức này góp phần cùng Nhà nước để thúc đẩy xã hội đi lên, chứ không phải vì chữ ‘độc lập’ mà ‘bức cung, nhục hình’ cho các tổ chức này chết dần, chết mòn chỉ vì nỗi sợ vô cớ và phi khoa học về một ‘thế lực thù địch’ qua hình hài xã hội dân sự độc lập.

Ánh Liên

Nguồn : VNTB, 04/04/2018

Quay lại trang chủ
Read 804 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)