Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

12/04/2018

Cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam : Trump muốn tôi gửi trả 8.000 người tị nạn Việt Nam

Tatiana Sanchez

"Tôi lên tiếng phản đối, nhưng bị yêu cầu phải im lặng, và tôi thấy rằng, có một giới hạn đạo đức mà tôi không thể vượt qua, nếu muốn duy trì sự chính trực của tôi", Ted Osius viết.

Vietnam Communist Party

Cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius (trái) đến tham dự buổi khai mạc Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ 12 tại Hà Nội tháng 01/2016 (Ảnh Luong Thai Linh/Pool Photo via AP)

Cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius nói rằng ông từ chức năm ngoái sau khi chính quyền Trump yêu cầu ông tạo sức ép buộc chính phủ Việt Nam tiếp nhận hơn 8.000 người Việt Nam đang trong tình trạng bị trục xuất tại Hoa Kỳ.

Ted Osius đã viết một bài luận cho Hiệp Hội Ngoại Giao Hoa Kỳ cho hay đại đa số những người bị trục xuất - đôi lúc phạm tội nhẹ, là những người tị nạn chiến tranh, đã có cuộc sống ở Mỹ dài lâu sau khi trốn khỏi chiến tranh Việt Nam cách đây hơn 40 năm.

"Sau nhiều thập niên sống tại Mỹ, bây giờ họ bị "trả lại" một quốc gia đang bị cai trị bởi cộng sản, một nơi mà họ chưa bao giờ hòa giải được. Tôi sợ rằng nhiều người sẽ gặp vấn đề về nhân quyền, và lúc đó sẽ là lỗi của chúng ta", Ted Osius viết. 

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã từ chối bình luận hôm nay. Bộ Nội an cũng không trả lời yêu cầu bình luận. Mercury News tìm cách liên lạc với Osius hôm thứ Sáu nhưng không được. 

Ted Osius, hiện nay là Phó chủ tịch của trường Đại học Fulbright Việt Nam, một tổ chức phi lợi nhuận tư nhân ở Sài Gòn, mô tả chuyến công tác ba năm trong vai trò đại sứ Hoa Kỳ là "điểm đáng nhớ trong sự nghiệp 30 năm của tôi trong Bộ Ngoại giao và là một vinh dự của cuộc đời". 

Nhiều tháng sau khi các nhà hoạt động người Việt Nam trên khắp đất nước nêu lên mối lo ngại rằng cảnh sát di trú (ICE) đã gia tăng bắt người nhập cư không có giấy tờ đến từ Việt Nam với số lượng chưa từng thấy khiến cộng đồng người Việt bị sốc và sợ hãi. Họ ước tính hơn 100 người Việt Nam đã bị giam giữ trong cả nước chỉ trong tháng 10.

Sự gia tăng hoạt động của cảnh sát di trú ICE đã xuất hiện một phần là do các nỗ lực tích cực của chính quyền Trump nhằm trục xuất người nhập cư có hồ sơ hình sự, ngay cả trong trường hợp quốc gia của họ không theo truyền thống hợp tác với các lệnh trục xuất của Hoa Kỳ. 

Trước đây, người nhập cư trong tình huống đó được phép ở lại Hoa Kỳ, nhưng chính quyền Trump đã nhấn mạnh Campuchia và Việt Nam, phải tiếp nhận người bị trục xuất. Kết quả là những người nhập cư đã có cuộc sống rất lâu tại Hoa đang bị bắt giữ và trục xuất khỏi Hoa Kỳ.

Năm 2008, Việt Nam và Hoa Kỳ đã ký một bản ghi nhớ hồi hương nói rằng những người nhập cư Việt Nam đến Mỹ trước năm 1995 sẽ không bị trục xuất. Tuy nhiên, các nhà hoạt động cho biết một số người đang bị bắt giữ, đã đến Mỹ trước năm 1995, khiến họ tự hỏi liệu một trong số những vụ trục xuất này có bất hợp pháp hay không. Tháng 2/2018, một số tổ chức bảo vệ di dân đã đệ trình một đơn kiện chống lại chính phủ liên bang vì vi phạm thỏa thuận hồi hương với Việt Nam.

Nate Tan, thành viên của Ủy ban Hỗ trợ Tù nhân Châu Á (Asian Prisoner Support Committee) ở Oakland nói : "Nó đúng với những gì chúng tôi dự đoán về chính quyền này. Tôi không bị sốc. Thật là chán nản và không ngạc nhiên rằng chính quyền Trump đang nỗ lực để trục xuất những người tị nạn".

Trong bài luận của mình, Ted Osius nói ông sợ rằng "chính sách mạnh bạo này" có thể hủy hoại bất cứ cơ hội nào mà Trump muốn có để thực hiện các mục tiêu trong quan hệ với Việt Nam, bao gồm giảm thâm thủng mậu dịch song phương, gia tăng quan hệ quốc phòng, và đối diện với các đe dọa trong khu vực, bao gồm luôn cả Bắc Hàn. 

Ted Osius viết : "Tôi lên tiếng phản đối, nhưng bị yêu cầu phải im lặng, và tôi thấy rằng, có một giới hạn đạo đức mà tôi không thể vượt qua, nếu muốn duy trì sự chính trực của tôi. Tôi thấy rằng tôi có thể phục vụ đất nước tôi tốt hơn nếu làm việc bên ngoài chính quyền, bằng cách giúp xây dựng một đại học mới và tân tiến tại Việt Nam". 

Phi Nguyên, giám đốc giải quyết tranh chấp của Americans Advance Justice ở Atlanta, cho biết bà rất vui khi cựu ngoại giao đã lên tiếng.

Bà nói nhiều người nhập cư Việt Nam có lệnh phải trục xuất đã đến Hoa Kỳ sau cuộc chiến tranh Việt Nam và không còn giữ mối liên hệ với quê hương của họ nữa.

"Họ là những người đến đây như những người tị nạn và không thực sự công nhận Việt Nam tồn tại hôm nay như là đất nước của họ nữa", bà nói. 

Tatiana Sanchez

Nguyên tác : Former ambassador to Vietnam : Trump wanted me to send back refugee", The Mercury News, 6/4/2018. 

Mai V. Phạm biên dịch

Nguồn : thongluan2016.blogspot.fr

**********************

Cựu đại sứ Osius : Mỹ trục xuất người Việt về nước dù họ được bảo vệ (RFA, 12/04/2018)

Trả lời hãng tin Reuters tại Sài Gòn hôm nay, 12/04/2018, cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius tố cáo Hoa Kỳ muốn trục xuất về nước hàng ngàn người Việt, mặc dù trên nguyên tắc đa số những người này được bảo vệ, không thể bị trục xuất, chiếu theo một hiệp định song phương giữa hai nước. Ông Osius khẳng định là một số nhỏ những người theo lẻ được hiệp định đó bảo vệ đã bị đưa về Việt Nam.

ted2

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius (lúc còn tại chức), phát biểu trong cuộc họp báo tại Đại hội Fulbright Sài Gòn tháng 1/2018. Reuters/Kham

Theo lời cựu đại sứ Mỹ, nhiều người trong diện bị trục xuất là những người từng ủng hộ chế độ Việt Nam Cộng Hòa và Hà Nội nay có thể xem họ là những phần tử gây mất ổn định. Những người này đã sang tị nạn tại Hoa Kỳ sau khi kết thúc chiến tranh Việt Nam.

Reuters trích lời một quan chức Mỹ cho biết, tính đến tháng 12 năm ngoái, có 8.600 người Việt ở Mỹ nằm trong diện bị trục xuất và 7.821 người phạm tội hình sự. Cũng theo Reuters, chính quyền Trump xem Việt Nam và 8 quốc gia khác là thuộc loại "cứng đầu", vì không muốn nhận lại các công dân của họ bị Mỹ trục xuất. Tuy nhiên, những người Việt nói trên là trường hợp cá biệt, vì họ có giấy tờ cư trú hợp pháp ở Hoa Kỳ, nhưng chưa phải là công dân Mỹ.

Theo lời cựu đại sứ Ted Osius, phần lớn những người Việt trong diện bị trục xuất đã đến Hoa Kỳ trước năm 1995, tức là trước khi Hà Nội và Washhington tái lập bang giao. Một hiệp định song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ ký vào năm 2008 có quy định rằng những công dân Việt Nam nào đến Mỹ trước ngày 12/07/1995 thì không thể bị trục xuất về Việt Nam.

Ông Osius nhìn nhận là một số người Việt ở Mỹ đã phạm tội ác nghiêm trọng, nhưng theo ông, hiệp định 2008 có ghi rõ là những trường hợp của các tội phạm đến Hoa Kỳ trong thời gian từ 1975 đến 1995 phải được xử lý riêng.

Hãng Reuters cho biết là Nhà Trắng đã từ chối bình luận về vấn đề này, còn một phát ngôn viên của Bộ ngoại giao Mỹ thì tuyên bố là chính phủ Hoa Kỳ và chính phủ Việt Nam đang "tiếp tục thảo luận về quan điểm của họ liên quan đến những người đã từ Việt Nam sang Mỹ". Về phía Việt Nam, một quan chức cao cấp, xin được dấu tên, xác nhận với Reuters rằng Hà Nội đang "thảo luận" với Washignton về vấn đề này. Quan chức này cho rằng phần lớn những người đã sang định cư ở Hoa Kỳ do hậu quả của chiến tranh, nhưng còn những người đến Mỹ sau đó, không phải do hậu quả chiến tranh, lại là thuộc diện khác.

Reuters cho biết thêm là vào tháng 9 năm ngoái, cựu đại sứ Osius đã viết thư cho ông Rex Tillerson, lúc đó còn là Ngoại trưởng, kêu gọi ông xét lại chính sách đối với người Việt ở Mỹ. Đến tháng 11, sau khi đại sứ Osius từ chức, ông Tillerson đã gởi bức trả lời rằng "không thể tiếp tục giữ nguyên trạng trên vấn đề trục xuất" và Việt Nam cần phải nhận thêm nhiều người bị trả về.

**********************

Cựu đại sứ Ted Osius nói về ‘người Việt nhập cư bị trục xuất’ (BBC, 12/04/2018)

Hoa Kỳ có kế hoạch trục xuất hàng ngàn người Việt trở về Việt Nam, bất chấp việc những người này được bảo hộ theo một thỏa thuận song phương đã ký giữa hai nước, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam nói với Reuters.

ted3

Ông Ted Osius làm đại sứ tại Việt Nam trong thời gian 2014-2017

Ông Ted Osius nói một số ít những người này đã bị gửi trả về trong thời gian qua.

Ông cựu đại sứ trong cuộc phỏng vấn đăng hôm 12/4 với Reuters nói rằng nhiều người trong số những người này ra đi trong làn sóng tị nạn sau chiến tranh, và do đó sẽ bị Hà Nội coi là các thành phần gây bất ổn cho xã hội.

"Những người này không thực sự có một đất nước để trở về", ông nói với Reuters.

Ông cựu đại sứ cũng xác nhận việc chính quyền ông Trump bắt đầu chương trình trục xuất này từ hồi tháng Tư năm ngoái.

Một phát ngôn viên Lực lượng Nhập cảnh và Hải quan Hoa Kỳ (ICE-Immigration and Customs Enforcement) được Reuters dẫn lời cho biết tính đến cuối tháng 12 năm ngoái, đã có 8.600 người mang quốc tịch Việt Nam tại Hoa Kỳ bị xếp vào đối tượng bị trục xuất, trong đó "7.821 người có tiền án, tiền sự".

Những người này hầu hết có quyền cư trú hợp pháp tại Hoa Kỳ, nhưng không phải là công dân Mỹ.

Ông Osius nói hầu hết những người đối diện nguy cơ bị trục xuất đã tới Mỹ trước năm 1995, là năm hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao sau chiến tranh.

ted4

Khoản 2, Điều 2 trong Biên bản Ghi nhớ năm 2008 ghi người Việt đến Hoa Kỳ trước 12/7/1995 không nằm trong diện bị trục xuất

Theo Biên bản ghi nhớ được hai nước ký hồi 2008, Hà Nội chỉ chính thức đồng ý tiếp nhận các cá nhân gốc Việt đến Hoa Kỳ sau năm 1995 - là năm hai nước bình thường hóa quan hệ.

Một số người nhập cư có liên quan tới các tội hình sự nghiêm trọng, ông Osius cho biết nhưng cựu đại sứ cũng nói "theo biên bản ghi nhớ ký hồi 2008 thì các trường hợp từ 1975 đến 1995 sẽ không bị đụng đến".

Ông cũng nói thêm rằng chính quyền ông Trump đã đe dọa sẽ rút đặc quyền của các quan chức Việt Nam khi sang Mỹ, và kết nối vấn đề trục xuất người với thương mại giữa hai quốc gia.

Ông Osius nói chính sách mới này của chính quyền Donald Trump đã góp phần khiến ông quyết định từ chức đại sứ tháng 10 năm ngoái.

Người không có tiền án tiền sự cũng có thể bị trục xuất ?

Phát ngôn viên ICE, Brendan Raedy không nêu lý do vì sao những người không có tiền án tiền sự cũng trở thành mục tiêu, nhưng nói người nhập cư vào Mỹ nếu không có địa vị pháp lý hợp pháp cũng sẽ là đối tượng bị trục xuất.

Tòa Bạch Ốc từ chối bình luận.

Katina Adams, phát ngôn viên Sở Đông Á của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói chính phủ hai bên đang "tiếp tục thảo luận về quan điểm của mỗi bên đối với các công dân Việt Nam đã rời Việt Nam sang Mỹ".

Theo số liệu của ICE, đã có 71 người Việt bị trục xuất về Việt Nam trong năm ngoái.

Con số này hồi 2016 là 35, và trong 2015 là 32 trường hợp.

Tính từ 1998 đến 2016, đã có khoảng 624 người bị đưa về Việt Nam, theo thông tin chính thức của Bộ Nội An Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, không rõ thời điểm mà những người này trước đó tới Mỹ là khi nào, trước hay sau ngày hai bên ký Biên bản ghi nhớ.

Hồi tháng Hai, tòa án liên bang tại Los Angeles thụ lý vụ kiện theo đó thách thức việc trục xuất các công dân Việt Nam.

Đơn kiện của một số người Mỹ gốc Việt và đại diện của các tổ chức Đấu tranh Công lý cho Người Mỹ gốc Á (AAAJ- Asian Americans Advancing Justice) nói ICE và Bộ Nội an vi phạm Biên bản ghi nhớ khi hồi năm ngóau ICE đã "đột ngột" trục xuất người nhập cư Việt Nam tới Mỹ từ trước 1995".

 

Quay lại trang chủ
Read 582 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)