Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

23/04/2018

Trục xuất người Việt tại Mỹ : Rắc rối pháp lý và ngoại giao

Thanh Phương

Trả lời hãng tin Reuters này 12/04/2018, cựu đại sứ Mỹ tại Hà Nội Ted Osius tố cáo Hoa Kỳ muốn trục xuất về nước hàng ngàn người Việt, mặc dù trên nguyên tắc đa số những người này được bảo vệ, không thể bị trục xuất, chiếu theo một hiệp định song phương giữa hai nước. Ông Osius khẳng định là một số nhỏ những người theo lẻ được hiệp định đó bảo vệ đã bị đưa về Việt Nam.

trucxuat0

Phạm Chí Cường, một người Việt lai Mỹ 47 tuổi, bị trục xuất về Việt Nam. Ảnh chụp tại Sài Gòn ngày 20/04/2018. Reuters

Những lời tố cáo trên của cựu đại sứ Mỹ khiến vấn đề trục xuất người Việt tại Mỹ bổng trở thành một đề tài nóng, vào lúc chính quyền Donald Trump thi hành chính sách ngày càng cứng rắn hơn với người nhập cư.

Theo lời nhà báo Hà Ngọc Cư ở Texas, không chỉ riêng đối với cộng đồng người Việt, vấn đề trục xuất về quốc gia nguyên quán những người phạm tội tại Hoa Kỳ đang gặp rất nhiều rắc rối về pháp lý, vì không có quy định cụ thể, rõ ràng là phạm những tội hình sự gì thì có thể bị trục xuất.

Một quan chức Mỹ được Reuters trích dẫn ngày 12/04 cho biết, tính đến tháng 12 năm ngoái, có 8.600 người Việt ở Mỹ nằm trong diện bị trục xuất, đa số là do phạm tội hình sự.

Theo các số liệu của cơ quan hải quan và xuất nhập cảnh, trong khoảng thời gian từ tháng 10/2016 đến 2017, 71 người Việt đã bị trục xuất, cao gấp đôi so với một năm trước đó. Nhịp độ trục xuất hiện đang tăng nhanh : từ tháng 1 đến giữa tháng 4 năm nay, chưa gì đã có 76 người bị Mỹ trả về Việt Nam.

Nhưng theo lời cựu đại sứ Ted Osius, phần lớn những người Việt trong diện bị trục xuất đã đến Hoa Kỳ trước năm 1995, tức là trước khi Hà Nội và Washhington tái lập bang giao. Một hiệp định song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ ký vào năm 2008 có quy định rằng những công dân Việt Nam nào đến Mỹ trước ngày 12/07/1995, tức là trước ngày hai nước chính thức bình thường hóa bang giao, thì không thể bị trục xuất về Việt Nam.

Nhà báo Hà Ngọc Cư ở Texas cũng cho rằng, trong số hơn 8.000 người nói trên, không phải ai cũng có thể bị trục xuất về Việt Nam.

Theo hãng tin Reuters, vào tháng 9 năm ngoái, cựu đại sứ Osius đã viết thư cho ông Rex Tillerson, lúc đó còn là Ngoại trưởng, kêu gọi ông xét lại chính sách đối với người Việt ở Mỹ. Đến tháng 11, sau khi đại sứ Osius từ chức để phản đối việc chính quyền Trump trục xuất người Việt về nước, ông Tillerson đã gởi bức trả lời rằng "không thể tiếp tục giữ nguyên trạng trên vấn đề trục xuất" và Việt Nam cần phải nhận thêm nhiều người bị trả về.

Theo nhà báo Hà Ngọc Cư, muốn như thế thì Hoa Kỳ và Việt Nam phải đàm phán lại hiệp định, nhưng điều đó không phải là đơn giản.

Theo hãng tin Công giáo Catholic News Agency CAN, chính sách trục xuất người Việt về Việt Nam đã bị giới bảo vệ người nhập cư tại Hoa Kỳ chỉ trích kịch liệt. CNA trích lời ông Greg Walgenbach, giám đốc Hòa bình, Công lý và Đời sống, giáo phận Orange County, cho rằng, " vì quá vội vã muốn thể hiện chính sách cứng rắn về nhập cư, chính phủ Mỹ đã không quan tâm đến khía cạnh nhân đạo và nhân phẩm của những người có liên quan".

Trong bản tin đề ngày 21/04/2018, hãng tin AFP đã mô tả cuộc sống khó khăn của những người tị nạn Việt Nam bị Mỹ trục xuất về nước, qua trường hợp của một người vừa bị trục xuất về Việt Nam. Ông này chỉ cho biết họ là Nguyễn, chứ không dám nêu tên đầy đủ, đã vượt biên khi chỉ mới 9 tuổi và sau 40 năm sống tại Mỹ, nay bị trục xuất về một đất nước là ông chẳng biết gì nhiều.

Ông Nguyễn đã bị kết án tù về tội lừa đảo và sau khi mãn hạn tù vào năm ngoái, ông đã nhận được lệnh trục xuất. Tháng 12 vừa qua, ông bị đưa về Việt Nam, để lại những người con nay đã trưởng thành, và người vợ thứ hai ở Boston. Trên cùng chuyến bay về Sài Gòn, ngoài ông Nguyễn còn có khoảng 30 người Việt Nam khác cũng bị Mỹ trục xuất. Theo AFP, kể từ khi ông Nguyễn bị đưa về Việt Nam, ngay cả đời sống của mẹ ông, năm nay 80 tuổi, cũng bị xáo trộn, vì rất nhiều lần công an thường phục đến nhà bà.

Những người khác thì đang lâm vào thế kẹt, như trường hợp của Vu Ha ( Vũ Hà ? ). Người đàn ông 37 tuổi này sau khi mãn hạn tù ở Hoa Kỳ cũng đã nhận lệnh trục xuất, nhưng Việt Nam vẫn chưa đồng ý nhận về. Từ năm 9 tuổi, ông chưa hề đặt chân lên Việt Nam và cho biết rất lo sợ về việc trở về nước, nơi mà "công dân không có quyền tự do ngôn luận".

Theo AFP, những người bị trục xuất hiện không có phương cách nào để kháng án, nhưng họ vẫn hy vọng sẽ có thể trở lại Mỹ sau khi ông Donald Trump kết thúc nhiệm kỳ tổng thống. Trước mắt, ông Nguyễn dự tính tập lái xe gắn máy, phương tiện di chuyển trong cuộc sống mới của ông ở Việt Nam. Vừa về Việt Nam thăm ông Nguyễn, vợ ông vừa khóc vừa nói : " Ông ấy đã rời Việt Nam khi còn là trẻ con. Bây giờ ông ấy chẳng biết phải làm gì".

Thanh Phương

Nguồn : RFI, 23/04/2018

Quay lại trang chủ
Read 653 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)