Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

25/04/2018

Ngày thứ hai xét xử vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh

Người Buôn Gió

Ngày thứ hai, tòa rời đến một địa điểm khác thoáng đãng hơn. Lần này việc khám xét vẫn nghiêm ngặt còn hơn trước, một lần qua máy soi và một cửa thứ hai khám xét bằng tay. Có cảnh sát nữ và cảnh sát nam để tiện việc khám xét. Một người đàn ông Việt Nam phải trình bày với chiếc đồng hồ kết nối với iPhone. Cuối cùng anh ta cũng không được cảnh sát chấp nhận cho mang đồng hồ này theo vào phiên tòa.

toa1

Trong buổi sáng ngày thứ hai, tòa thẩm vấn ba nhân chứng, những người khai đã chứng kiến trực tiếp vụ bắt cóc hôm 23/7/2017 tại Berlin

Phiên tòa không thể diễn ra theo đúng lịch, bởi người phiên dịch cho một nhân chứng Pháp đến trễ. Mọi người tụ tập ở hành lang trước cửa phòng xét xử và nói chuyện.

Có đủ các loại người mang đủ các quan điểm chính trị và cái nhìn vụ án này khác nhau đứng trò chuyện trong khoảng không gian khá hẹp. Có nhân viên sứ quán đến dự phiên toà, nhưng theo đường dân thường vào xem, mặc dù tòa án có ghế riêng và lối đi riêng dành cho cơ quan ngoại giao Việt Nam, nhưng người của đại sứ Việt Nam không muốn đến dự chính thức, họ đi với tư cách dân thường.

Berlin có hấp dẫn riêng của nó đối với giới báo chí và chính trị người Việt, ở nơi đây có một sắc thái mà không cộng đồng người Việt nào ở đâu trên thế giới có được. Chẳng hạn như hôm nay ở khoảng trống hẹp trong hành lang phòng xử này, những người có thể gọi là kẻ thù của nhau giáp mặt và nói chuyện, không có thái độ thù địch nào ở đây cả. Bởi đây là toàn án nước Đức và sâu xa hơn nữa là đa phần những người được nhà nước Việt Nam gọi là " phản động " có mặt tại đây và những người đảng viên cộng sản hay cảm tình với cộng sản đều hiểu rằng họ đang đứng ở một nơi đại diện cho văn minh và dân chủ.

Phóng viên TXT Việt Nam đứng trò chuyện cùng Lê Trung Khoa, cậu cán bộ sứ quán nhiệt tình chỉ cho tôi lối đi tìm phòng vệ sinh. Một người miền Nam đi từ thời Việt Nam Cộng Hòa đang nói chuyện với một người miền Bắc đi học thời xã hội chủ nghĩa, một người ghét chế độ cộng sản Việt Nam nói chuyện với người yêu mến chế độ cộng sản Việt Nam. Họ nói ý kiến, họ đưa ra bình luận trái chiều nhau, nhưng không gay gắt như thù nghịch.

Ngoài lề

Tôi yêu Berlin này, bởi ở đây, tôi cảm thấy sự nguy hiểm của mật vụ cộng sản giăng hàng ngày. Tôi thấy sống được những cảm giác đề phòng, luôn phải tránh bẫy, luôn phải cảnh giác. Sống giữa những kẻ thù có cảm giác khoái lạ làm tôi một phần đỡ nhớ Hà Nội, nơi mà mà sự nguy hiểm từng ngày.

Ở đây tôi có thể đến quán Thành Koch ăn bát phở một cách tự nhiên, mặc dù ông chủ là người thân của đại sứ quán và mới hôm trước vừa viết bài trên báo chửi tôi là phản động. Ăn xong bát phở, tối về tôi có thể viết nói Thành Kock tiếp tay cho bọn tư bản đỏ như nhà Toàn Liên (bảo hiểm AAA). Rồi sáng sau lại đến quán gọi Thành Kock rõ to, mặc dù nhân viên bồi bàn đứng ngay cạnh.

- Chủ quán, cho bát chín nạm gầu.

- Hôm qua mày chửi tao, hôm nay lại mò đến đây ăn à ?

- Chuyện nào ra chuyện đấy nhé ông Thành, hôm qua tôi chửi phở ông không ra gì, hôm nay tôi đến ăn, thì ông hẵng hỏi câu đấy. Ông bán phở tôi ăn trả tiền, ông đừng nhập nhèm chuyện quan điểm chính trị vào đây.

- Ở được, ăn ngon lấy sức mà lên mạng chửi, đây là xứ tự do ngôn luận, sợ đéo có sức mà chửi thôi.

Chủ quán Thành Kock, một người từng nấu phở cho chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trần Đại Quang và được đại sứ Đoàn Xuân Hưng trao tặng bằng khen treo giữa quán vì có công đóng góp cho cộng đồng. Khi tôi ăn, anh ta thường ngồi cạnh để nói kháy, nói đểu tôi và tôi đáp trả lại. Người bên ngoài tưởng chúng tôi là bạn thân, kỳ thực chúng tôi là những kẻ hai bên chiến tuyến.

Berlin là vậy, bạn đừng nghĩ những người đi bên cạnh tôi, ăn uống hay làm gì đó với tôi là bạn thân tôi, có thể anh ta, ông ta, chị ta là người của mật vụ cộng sản đang theo dõi xem tôi sắp làm gì. Chỉ khi nào tôi nói với bạn rằng, đây là người cùng chí hướng với tôi, lúc đó mới là lời xác nhận của tôi.

Ngày thứ hai của phiên tòa

Phải đến 10 giờ 30 phiên tòa mới được diễn ra, nhân chứng người Pháp nói rằng hôm đó anh ta cùng con trai đi lễ nhà thờ, thấy một nhóm người xô một người đàn ông và một phụ nữ lên chiếc xe ô tô.

Tòa hỏi anh ta về những chi tiết không giống lời khai trước cảnh sát, như việc thời gian diễn ra là 25 giây hay 5 giây.

Hình như hai câu hỏi khác nhau, anh ta nghĩ tòa hỏi việc đẩy người lên xe mất bao thời gian. Còn cảnh sát hỏi anh ta nhìn toàn bộ sự việc bao thời gian. Mất mấy phút để hỏi rõ việc chênh lệch thời gian này.

Nhân chứng khá trẻ và đẹp trai, anh ta ăn mặc lịch lãm với chiếc áo vét xanh đen thẫm và chiếc khăn kẻ caro quấn cổ của hãng thời trang nổi tiếng gì đó tôi quên bẵng mất. Người Châu Âu có trách nhiệm với việc làm nhân chứng và với những việc xảy ra, ví dụ khi nhìn thấy vụ việc này, anh ta đã chụp ảnh lại chiếc xe và gọi cảnh sát Đức để báo nhìn thấy có vụ xô đẩy người vào một chiếc xe như thế. Anh ta đến phiên tòa với thái độ rất trách nhiệm.

Tòa gọi anh ta và Nguyễn Hải Long đến bàn chủ tọa để nhân chứng người Pháp chỉ chiếc xe trong ảnh, mấy tấm ảnh được bày ra, mọi người xúm vào xem, từ công tố viên, luật sư, thẩm phán, nhân chứng và bị cáo cùng phiên dịch.

Nguyễn Hải Long ở trong phòng cách ly, có kính chống đạn và lối đi thằng vào phòng từ đường hầm. Long bước ra ngoài đến bàn chủ tọa chứng kiến nhân chứng chỉ ảnh ô tô, mái tóc của anh ta có nhiều sợi bạc và nét mặt chịu đựng, ông luât sư nói nhỏ gì đó vào tai Long, nhưng Long có vẻ bất cần để ý.

Lúc xem ảnh xong, ông luât sư bên bị cáo có vẻ tức tối, ông ta hỏi chủ tọa rằng sao lại trình bày ảnh kiểu như mớm cung vậy. Phía công tố viên nói đại ý rằng xếp từ 1 đến 5 thứ tự ông nói vậy, xếp từ 5 đến 1 ông cũng sẽ nói vậy, cãi như thế là cãi vô lý. Ông luật sư không nói gì.

Nhân chứng thứ hai là một người đi xe đạp, cách 100 mét ông ta nhìn thấy vụ xô đẩy, ông ta đạp xe đi thể thao nên không mang điện thoại, thấy vụ việc ông đã mượn điện thoại để báo cảnh sát, lúc đến chỗ xảy ra vụ việc ông thấy điện thoại rơi ra, đó là điện thoại của Trịnh Xuân Thanh.

...phần các nhân chứng khai trước tòa xin xem ở thoibao.de hay BBC.

Nhân chứng đặc biệt là một người Việt Nam tên là Ph.

Trước đây Lê Trung Khoa có gọi điện cho tôi hỏi về việc có người Việt Nam gặp Khoa và nói ông ta có dính đến vụ bắt cóc, ông ta không biết việc này, chỉ vì sứ quán nhờ ông đi nhận đồ, ông ta đi, sau đọc báo mới biết.

Tôi khuyên Lê Trung Khoa bảo ông ta gặp ngay cảnh sát trình báo, như thế chứng tỏ ông ta là người bị lợi dụng và không biết gì. Lê Trung Khoa đã giới thiệu (hoặc dẫn ông ta đi thì phải) đến chỗ cơ quan cảnh sát Đức thụ lý việc này để trình báo.

Vì thế hôm nay, ông ta đến tòa với tư cách là nhân chứng, ông ta khai nhân viên an ninh sứ quán tên Trung đã nhờ ông ta đến khách sạn lấy đồ của Đỗ Minh Phương với tờ giấy giới thiệu của sứ quán Việt Nam.

...xem phần này trên BBC của nhà báo Lê Mạnh Hùng (người tham dự phiên tòa).

Bình luận

Như vậy chiều hướng như luật sư bên bị cáo đòi hỏi chuyển phiên tòa sang chính trị, mời bà Merkel đến làm rõ về yêu cầu đề nghị của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là không được chấp nhận. Ông luật sư được chỉ định do nhà nước Đức trả tiền, trong vụ án này bị hại là nhà nước Đức và bị cáo là nhóm bắt cóc do trung tướng an ninh Việt Nam Đường Minh Hưng phối hợp với cán bộ sứ quán Việt Nam tại Đức thực hiên hành vi phạm tội trên lãnh thổ Cộng hòa liên bang Đức.

Là một công dân Đức được nuôi dưỡng và học hành ở nước Đức, ông luật sư đã hết mình bảo vệ quyền lợi cho những kẻ xâm hại an ninh tổ quốc ông, nơi mà gia đình ông sinh sống từ bao đời nay.

Nhìn như thế, chúng ta mới thấy rõ sự văn minh trong ứng xử, sự công bằng của pháp luật Đức. Ông luật sư cho nhóm bắt cóc Việt Nam đã bảo vệ cho nhóm này hết lòng. Không ai có thái độ hoặc lời nói cho rằng ông đã phản bội tổ quốc ông, bởi họ hiểu rằng ông đang hết lòng trách nhiệm với công việc ông được giao. Ông ta có quyền nói ngang chừng không phải xin phép, ông ta ngồi tại chỗ chất vấn thẳng ai đó mà không cần thưa gửi xin phép chủ tọa câu nào. Ông ta phê phán nhà nước Đức đã sai khi bao che cho Trịnh Xuân Thanh, không chịu dẫn độ về theo đề nghị "chính đáng" (ý của ông) của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông ta nói bà thủ tướng Đức đã sai nọ kia.

Ông ta không bị hạn chế, không bị tước thẻ, không bị báo chí Đức lên án lợi dụng phiên tòa để bôi xấu nhà nước Cộng hòa liên bang Đức.

Nếu bạn nhìn thấy những chiếc bàn chủ tọa không cao hơn bàn luật sư là mấy, khi có việc như xem chứng cứ, mọi người quây lại xem bình đẳng thì sẽ thấy cảm giác đây là một cuộc họp để bàn bạc hơn là một phiên tòa như ở Việt Nam.

Khả năng bác bỏ được cáo buộc tội danh bắt cóc trong vụ án này chỉ chiếm chưa đầy 4% cho đến giờ phút này. Những chứng cứ mà công tố viên đưa ra quá nhiều và rõ ràng. Nếu phiên tòa kết luận tội danh bắt cóc khủng bố, đương nhiên trung tướng Đoàn Minh Hưng sẽ bị truy nã quốc tế vì là kẻ chủ mưu. Đây sẽ là vết ô nhục cho Bộ công an Việt Nam, có thể vì vụ án này mà cuộc họp Interphone vừa qua tại Hoa Kỳ, bộ trưởng Tô Lâm đã không dám đến dự. Đặc biệt vai trò của sứ quán Việt Nam tham gia quá nhiều và rõ ràng, thậm chí là tích cực trong vụ bắt cóc khủng bố này sẽ đem lại những hệ lụy không lường được cho Việt Nam, hiện nay phiên tòa đang diễn ra, chưa rõ những nhân viên, cán bộ sứ quán tham gia sẽ bị xử lý hoặc được quyền miễn trừ do tính chất ngoại giao…

Phiên tòa sẽ còn diễn ra 19 phiên xử nữa, chế độ cộng sản Việt Nam đang tìm mọi cách để thông tin về phiên tòa không đến với dư luận nhân dân Việt Nam. Họ dường như chọn thái độ mặc kệ phía Đức muốn xử sao, làm gì cũng đuọc kể cả cắt hẳn quan hệ ngoại giao.

Một thái độ rất Chí Phèo, một thái độ rất đặc trưng của chế độ cộng sản Việt Nam khi làm sai bị quốc tế lên án.

Suy cho cùng thì dẫu có cắt đứt quan hệ ngoại giao Việt - Đức, thì Nguyễn Phú Trọng vẫn là tổng bí thư quyền lực nhất Việt Nam. Như thế tội gì ông ta phải xuống thang với Đức để mất oai phong của mình. Ông ta chả thiệt hại gì cả, mặc kệ nước Đức muốn sao thì dân Việt chịu, ông ta không hề chi.

Nếu tính chịu trách nhiệm thì Nguyễn Phú Trong càng thoát tội, vì người ta nếu xét tội thì xét tội của Trần Đại Quang, Nguyễn Xuân Phúc trên vai trò chủ tịch nước, thủ tướng. Chứ chức vụ tổng bí thư của đảng không có giá trị pháp luật với nước văn minh, nên không thể truy tố hay kết tội Nguyễn Phú Trọng được.

Trước tình thế như vậy, sẽ khó có khả năng cải thiện quan hệ Việt Đức. Trừ khi Nguyễn Phú Trọng về hưu hay đột tử.

Người Buôn Gió

Nguồn : nguoibuongio1972, 25/04/2018

****************

Tòa Đức 'nêu tướng Hưng và nhiều người Việt Nam (BBC, 25/04/2018)

Hôm 25/4/2018, tòa án ở Berlin tiếp tục ngày thứ hai, phiên xử nghi phạm vụ 'bắt cóc Trịnh Xuân Thanh', với bị cáo là ông Long N. H., 47 tuổi, người mang quốc tịch Việt Nam và quốc tịch Czech, thường trú tại Czech trước khi bị bắt và dẫn độ về Đức, 8/2017.

Bị cáo Long N. H. bị cáo buộc hai tội danh, gồm tội hoạt động gián điệp cho nước ngoài trên lãnh thổ Đức, và tội hỗ trợ cho vụ bắt cóc nghiêm trọng, tức là vụ bắt cóc có thời gian thực hiện trên một tuần, luật sư Petra Schlagenhauf đại diện cho ông Trịnh Xuân Thanh tại tòa, cho BBC biết.

Trong buổi sáng thứ Tư, tòa tiến hành thẩm vấn ba nhân chứng, gồm một người Pháp, trình bày qua phiên dịch, một người Đức, và một người Thổ Nhĩ Kỳ nói tiếng Đức rất tốt.

Những người này đã trình báo với giới chức rằng họ trực tiếp chứng kiến những gì diễn ra tại vườn thú Berlin hôm 23/7/2017.

Hôm nay, họ ra khai báo trước tòa với tư cách nhân chứng.

Có mặt tại chỗ theo dõi phiên xử, nhà báo tự do Lê Mạnh Hùng cho BBC biết nhân chứng người Thổ Nhĩ Kỳ khai trước tòa rằng khi nhìn thấy những gì xảy ra, ông đã đề nghị người bạn đang đi cùng quay xe đuổi theo chiếc xe van bắt người "cho đến cổng thành Brandenburger Tor thì không theo được nữa".

Người này sau đó đã báo cho cảnh sát, và trong quá trình theo dõi lâu như vậy, nhân chứng đã "nhớ được cả biển số xe, mác xe", nhà báo Lê Mạnh Hùng nói.

Thẩm vấn nhân chứng

Trong phiên tòa sáng nay, tên của tướng Đường Minh Hưng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh Việt Nam được nhắc tới nhiều lần.

"Các nhân chứng được tòa hỏi là họ có quen biết, hay có mối quan hệ gì với bị cáo, với một người đàn ông được hiện đang bỏ trốn, hay với vị tướng Việt Nam được tòa nêu tên hay không, nhằm đảm bảo tính khách quan trong lời khai", nhà báo Lê Mạnh Hùng nói.

toa2

Bị cáo Long N. H và luật sư biện hộ trong phiên xử 25/4/2018

"Theo tôi, đó là thủ tục thẩm vấn thông thường, nhưng cũng cho thấy tính khách quan và nghiêm ngặt của tòa".

"Cả bên công tố, bên tòa án và bên bào chữa cho bị cáo Long đều thẩm vấn, kiểm tra chéo rất kỹ các nhân chứng này".

"Bản thân họ khi khai các chi tiết, thì đúng là bởi từ lúc sự việc xảy ra tới nay đã là một thời gian dài, nên họ miêu tả cũng có một chút khác nhau".

"Những điểm khác nhau như thế đều bị bà chủ tọa hỏi xoáy rất kỹ".

"Luật sư của bị cáo Long cũng đưa ra nhiều câu hỏi để thách thức độ đáng tin cậy của các nhân chứng này".

"Điều khiến tôi ngạc nhiên là sau mỗi lần nhân chứng phát biểu, bà quan tòa đều mời tất cả các nhân chứng, luật sư, công tố, lên để bà cho xem chứng cứ, tài liệu bà có trong tay".

"Các nhân chứng được cho phép nhận diện những người có trong một xấp ảnh mà bà chủ tọa đưa ra, rất nhiều, gồm ảnh những người được cho là có liên quan tới vụ này".

Được biết trong phiên tòa hôm nay có sự hiện diện của hai nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin. Đại diện của phân xã Thông tấn xã Việt Nam tại Berlin cũng có mặt.

Tuy nhiên, không rõ có ai là người đại diện cho cơ quan ngoại giao Việt Nam từ Cộng hòa Czech, hoặc đại diện từ Việt Nam tới dự hay không, nhà báo Lê Mạnh Hùng nói.

Trong phiên xử hôm qua, ngày đầu tiên tòa khai mạc, các đại diện của Đại sứ quán Việt Nam tại Đức cũng có mặt, nhưng "theo tôi biết thì không có ai từ văn phòng lãnh sự của Việt Nam tại Czech hoặc từ nơi khác tới", luật sư Petra Schalagenhauf nói với BBC.

'Bị cáo bình tĩnh, trầm lặng'

toa3

Bị cáo Long N. H bị cơ quan công tố Đức cáo buộc các tội danh hoạt động gián điệp và hỗ trợ vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh

Trong suốt quá trình tòa thẩm vấn nhân chứng, bị cáo Long 'hoàn toàn giữ im lặng', nhà báo Lê Mạnh Hùng cho biết.

"Ông ấy chỉ làm theo những gì nhân viên tòa án yêu cầu và không có ý kiến gì mỗi khi được tòa hỏi".

"Bị cáo giữ thái độ bình thường, không tỏ vẻ hốt hoảng, lo lắng gì. Ông tỏ ra rất trầm lặng".

Trước đó, ông Long được trông đợi sẽ đưa ra lời tuyên bố của mình trong ngày xét xử đầu tiên. Tuy nhiên, việc đó đã không diễn ra.

Hôm thứ Ba 24/4, luật sư Stephan Bonell biện hộ cho ông Long tuyên bố rằng việc buộc tội thân chủ ông "cần phải được đặt trong bối cảnh chính trị".

Ông chỉ trích chính phủ Đức về việc không cân nhắc các cáo buộc của Việt Nam theo đó nói ông Trịnh Xuân Thanh tham nhũng, cũng như yêu cầu của Hà Nội đòi Berlin trục xuất ông Thanh.

Điều đó khiến Việt Nam, luật sư Bonell lập luận, không còn cách nào khác ngoài việc phải tiến hành vụ bắt cóc, từ đó dẫn đến những việc rắc rối khác.

Luật sư Bonell cũng tuyên bố có thể sẽ cân nhắc việc nộp đơn yêu cầu Thủ tướng Đức Angela Merkel ra làm nhân chứng liên quan tới các vấn đề trên.

toa4

Ông Stephan Bonell là luật sư biện hộ cho ông Long trước tòa án Đức

'Nhiều người liên quan'

Trong phần nội dung cáo trạng được công bố trước tòa trong hôm qua, nhiều cái tên được nêu ra, mà cơ quan công tố Đức nói là có liên quan tới vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh.

BBC được biết những người bị nêu đích danh có ba người được xác định là thuộc cơ quan an ninh Việt Nam, gồm Trung tướng Đường Minh Hưng cùng các ông Le Anh Tu và Vu Quang Dung.

Một người nữa cũng thuộc cơ quan an ninh nhưng được hưởng quy chế ngoại giao là ông Nguyễn Đức Thoa, đại diện Cục tình báo tại Đại sứ quán Việt Nam ở Berlin, bị Đức tuyên bố là người không được hoan nghênh (persona non-grata) và bị buộc phải rời Đức sau khi xảy ra vụ bắt cóc.

Ngoài ra, có một người Việt sống tại Prague, Cộng hòa Czech, Dao Quoc Oai, được nêu tên trong cáo trạng.

Có một số người khác được nhắc tới trong hồ sơ, nhưng không xuất hiện trong nội dung cáo trạng đọc trước tòa trong ngày đầu tiên.

Trong số họ này, BBC được biết có vợ của tùy viên quân sự tại Đại sứ quán Việt Nam ở Berlin, người cũng đồng thời là nhân viên làm việc tại cơ quan đại diện ngoại giao này, và một viên chức lãnh sự.

Hai phụ nữ này được cho là đã tham gia vào các hoạt động sau khi xảy ra vụ bắt cóc nhằm "đưa cô Thi Minh P. D. [người bị bắt cùng ông Trịnh Xuân Thanh] về Việt Nam", hồ sơ vụ án nói.

Một người khác cũng được nhắc tới trong hồ sơ vụ án là một trong hai người đi cùng chuyến bay đưa cô Thi Minh P. D. về Việt Nam. Chuyến bay diễn ra ngay vào tối Chủ Nhật 23/7/2017, là ngày diễn ra vụ bắt cóc, qua ngả Bắc Kinh. Người này đã bị Đức tuyên bố là người không được hoan nghênh trong tháng 9/2017.

Một người nữa, bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin, được xác định là đã tới lấy hành lý của cô Thi Minh P. D. tại khách sạn, sau khi xảy ra vụ bắt cóc.

Ngoài ra, còn có một số người Việt khác nữa chưa được xác định danh tính, bị cho là đã tham gia vào vụ bắt cóc.

Phiên tòa theo kế hoạch sẽ diễn ra trong 21 ngày không liên tục, từ 24/4 đến cuối tháng 8/2018.

******************

Vali nạn nhân nữ vụ bắt cóc Berlin 'bị lục tung' (BBC, 25/04/2018)

"Các vali trong phòng trống rỗng, giống như có người nào đó từng vào lục lọi, lấy đi hết", một nhân chứng người Việt khai trước tòa trong chiều ngày thứ hai phiên xử bị cáo Long N. H., nghi phạm vụ 'bắt cóc Trịnh Xuân Thanh'.

Nhân chứng Lê K. P. nói ông là người đã được nhân viên Sứ quán Việt Nam tại Berlin nhờ tới khách sạn lấy đồ cho một phụ nữ "bị gãy tay" vào đúng ngày mà cơ quan công tố Đức nói xảy ra vụ bắt cóc ông Thanh và một phụ nữ đi cùng.

Chiều ngày thứ hai phiên xử bị cáo Long N. H., 25/4/2018, tòa tiếp tục nghe lời khai của ba nhân chứng nữa, trong đó người Việt nêu trên.

"Việc một nhân chứng người Việt xuất hiện tại tòa chiều hôm nay quả là một sự kiện hy hữu và là một bất ngờ lớn", nhà báo tự do Lê Mạnh Hùng, người theo dõi phiên tòa từ đầu ngày thứ hai, nói với BBC.

Bất ngờ hơn nữa là những lời khai của người này trước tòa.

Nếu như cả năm nhân chứng đã lần lượt khai trong ngày, gồm một người Pháp, một người Đức và một người Thổ Nhĩ Kỳ trong phiên xử buổi sáng, và hai sinh viên người Đức trong phiên buổi chiều, đều mô tả về những gì họ chứng kiến tại hiện trường xảy ra vụ bắt cóc, thì lời khai của nhân chứng người Việt lại đề cập tới một câu chuyện xảy ra vào địa điểm, thời gian hoàn toàn khác.

"Tôi đã giúp nhân viên Sứ quán"

Kỹ sư Lê K. P. khai trước tòa rằng vào hôm Chủ Nhật 23/4/2017, ông nhận điện thoại từ một nhân viên của Đại sứ quán Việt Nam ở Berlin có tên là Le D. T., nhờ giúp đỡ.

Khi tới gặp ông này tại Sứ quán Việt Nam, nhân chứng được đề nghị tới khách sạn lấy giúp đồ đạc, vali của "một cô bị thương, bị gãy tay, không tự đến lấy được", nhân chứng trình bày trước tòa.

Nhân chứng nói bên cạnh chìa khóa từ để vào phòng khách sạn, ông còn được nhân viên này trao cho giấy ủy nhiệm đã làm sẵn, gồm một bản tiếng Đức và một bản tiếng Việt, trên đó "có chữ ký của một nữ lãnh đạo Sứ quán", rồi chở đến khách sạn.

Nhân chứng nói khi đó ông đã "không đọc kỹ lắm" nội dung hai bản giấy ủy nhiệm, và không nhận ra rằng có sự khác biệt nào giữa hai bản hay không.

toa5

Sứ quán Việt Nam tại Berlin - Ảnh minh họa

Khi tới nơi, nhân chứng trình bày với nhân viên khách sạn ; giấy ủy nhiệm và giấy tờ tùy thân của ông được khách sạn photocopy lại. Ông được cho biết chiếc chìa khóa từ vào phòng đã không còn làm việc nữa, và ông được nhân viên khách sạn trao một chìa khóa mới.

Khi lên tới phòng, nhân chứng nói ông "thấy trong phòng rất bừa bãi, các vali đều trống rỗng, giống như đã có người từng vào lục lọi, lấy đi hết".

Tuy nhiên, ông vẫn thu dọn những thứ còn sót lại, đem xuống và được nhân viên Sứ quán đi cùng "chở thẳng ra sân bay" để đưa đồ cho chủ nhân các vali.

"Trên đường đi, vị nhân viên Sứ quán đó gọi điện thoại rất bận rộn", nhân chứng nói.

Lúc tới nơi, thì người phụ nữ đó đã lên máy bay, "không đưa đồ cho cô ấy được nữa".

Không được đưa tới cơ sở y tế để sơ cứu ?

Nếu những gì nhân chứng khai được xác định là chính xác, thì trong số các chi tiết đáng chú ý có việc dường như người phụ nữ được nhắc tới trong cuộc trao đổi giữa ông với nhân viên Sứ quán đã rời khỏi Đức trong tình trạng không được sơ cứu dù bị thương tới mức "gãy tay".

Nhân chứng nói ông đã được đề nghị "tìm hộ thuốc nào đó để cầm máu, chữa tạm thời" cho người phụ nữ này.

Ông nói ông đã mất rất nhiều thời gian trong sân bay để đi hỏi các nhân viên ở đó để tìm hiệu thuốc hoặc trạm y tế gần nhất "để kiếm thuốc cho cô ấy".

Cả hai việc mà nhân chứng nhận làm giúp, là lấy đồ đạc từ khách sạn và tìm thuốc cầm máu, "cuối cùng đều không cần thiết, không sử dụng" theo như yêu cầu, do "cô ấy đã bay rồi".

Sau đó, hai người cùng rời sân bay, rồi nhân chứng chia tay nhân viên Sứ quán và đi về nhà.

Ngày hôm sau, ông lên Sứ quán để trả lại chiếc chìa khóa từ không dùng đến.

Nhân chứng khá tự tin về khả năng tiếng Đức của mình và từ chối dùng phiên dịch của tòa, nhà báo Lê Mạnh Hùng cho biết.

Tuy nhiên, trong quá trình trình bày, "chúng tôi thấy tiếng Đức của ông ấy còn rất yếu, cho nên đôi lúc tòa phải nhờ phiên dịch để làm rõ nội dung nhân chứng muốn khai".

"Tòa cũng hỏi ông ấy rất nhiều về mối quan hệ của ông với nhân viên Sứ quán, chẳng hạn như đó là mối quan hệ thế nào, lần cuối cùng gặp nhau ra sao, bản chất đó là mối quan hệ riêng tư hay liên quan đến công việc...".

"Tòa cũng làm phép thử bằng cách đưa tờ giấy ủy nhiệm bằng tiếng Việt do Đại sứ quán đưa và yêu cầu ông ấy thử dịch sang tiếng Đức, sau đó so sánh bản dịch miệng của nhân chứng với bản gốc tiếng Đức, và nói nội dung hai bản rất khác nhau".

Kỹ sư Lê là một gương mặt tham gia khá nhiều hoạt động xã hội trong cộng đồng người Việt tại Đức, cho nên việc ông quen biết các nhân viên Sứ quán không phải là điều lạ, ông Lê Mạnh Hùng bình luận.

Quay lại trang chủ
Read 681 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)