Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

27/04/2018

Mỹ đã phá sập Việt Nam Cộng Hòa như thế nào ? (Phần 2)

Lữ Giang

Phần 2

7. Buộc Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức

Trong cuốn "Decent Interval", Frank Snepp, trưởng nhóm phân tích viên của CIA ở Sài Gòn lúc đó, đã kể chuyện Đại sứ Graham Martin đến thuyết phục Tổng thống Thiệu từ chức, đại khái như sau :

Để thúc đẩy Tổng thống Thiệu ra đi, Đại sứ Martin đã đến gặp ông ta và nói rằng ông muốn nói chuyện với tư cách cá nhân chứ không phải thay mặt Tổng thống hay Bộ ngoại giao Hoa Kỳ và cũng không phải với tư cách Đại sứ Hoa Kỳ. Ông nói rằng tình hình quân sự cực kỳ xấu và dân chúng đổ lỗi cho ông ta. Những người cùng phe với ông ta hay phe đối nghịch với ông ta đều nói ông bất lực trong việc đưa đất nước ra khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay. Các tướng lãnh của ông ta, mặc dầu quyết tâm chiến đấu, đều cho rằng không còn hy vọng gì nữa nếu không có một cuộc đàm phán với phía bên kia. Các tướng sẽ yêu cầu ông ra đi nếu ông không chịu từ chức lúc này. Cuộc nói chuyện kéo dài một tiếng rưỡi.

fall1

Đại sứ Mỹ Graham Martin, người lèo lái Việt Nam Cộng Hòa đầu hàng

Cho đến giờ phút này Tổng thống Thiệu vẫn chưa nhận ra được Miền Nam sắp mất, ông còn hỏi Đại sứ Martin : "Nếu tôi từ chức, viện trợ Mỹ có đến không ?". Đại sứ Martin trả lời : "Tôi không dám hứa nhưng có thể có".

Khi Đại sứ Mattin từ biệt, ông Thiệu nói "ông ta sẽ làm điều mà ông ta nghĩ là có lợi nhất cho đất nước". (He would do what he though was the best for the country).

Ngày 21/4/1975, Tổng thống Thiệu xuất hiện trên hệ thống truyền thanh và truyền hình trong nước tuyên bố từ chức sau khi chửi Mỹ phản bội và trao chức Tổng thống lại cho Phó Tổng thống Trần Văn Hương.

8. Đánh lừa ông Hương và tướng Minh

Thúc đẩy được ông Thiệu từ chức rồi, các viên chức Hoa Kỳ gặp khó khăn khác là thuyết phục ông Trần Văn Hương trao quyền cho tướng Dương Văn Minh để tuyên bố đầu hàng. Frank Snepp mô tả tình trạng ông Hương lúc đó như sau : "Tổng thống mới Trần Văn Hương, 71 tuổi, bị liệt, gần như mù, thề đứng vững cho đến khi "quân đội bị tiêu diệt hay là nước mất" ! (tr. 396).

fall2

Sách "Decent Interval" của Frank Snepp

Ông Hương không hiểu gì về tình hình, tưởng cờ đã đến tay nên nhất định đòi phất. Ông đã bí mật đến gặp tướng Dương Văn Minh và yêu cầu tướng Minh làm Thủ tướng, nhưng tướng Minh từ chối. Người Mỹ lại phải ra tay.

Frank Snepp cho biết sáng 20/4/1975, Đại sứ Mattin đã đi gặp Đại sứ Mérillon của Pháp và xin tiếp một tay. Ông nói với Đại sứ Merillon rằng ông được phái bộ CIA cho biết tình hình không còn cứu vãn được. Nếu Hà Nội quyết định đánh nhanh, không giữ nổi một tháng, dù có bảo vệ tốt. Mặc dầu Hà Nội muốn chiếm Sài Gòn nguyên vẹn chứ không muốn thấy Sài Gòn đổ nát, nhưng không nên loại trừ khả năng thứ hai nếu không đi đến thương lượng. Đại sứ Mérillon đã giúp rất tận tình trong vấn đề này.

Đại sứ Merillon đã cho cả ông Hương lẫn tướng Minh biết rằng tình hình không còn cứu vãn được và phải nói chuyện với "phía bên kia" để tìm một giải pháp, nhưng bên kia chỉ nói chuyện với Dương Văn Minh nên phải trao quyền cho tướng Minh. Người Pháp hứa sẽ đứng ra làm trung gian cho cuộc thương thuyết này. Cuối cùng ông Hương cũng đồng ý trao quyền cho tướng Minh với điều kiện phải có sự quyết định của Quốc hội.

Trong khi đó, Frank Snepp cho biết tướng Timmes đã đi gặp tướng Minh và hỏi quan điểm của ông ta về tương lai, tướng Minh cười và trả lời : "Vẫn còn cơ hội cho các cuộc thương thuyết…". (There was still a chance for negotiations, tr. 458).

Frank Snepp nói rằng không ai tin đến giờ phút đó Việt Cộng còn chấp nhận đàm phán. Chúng ta biết tướng Thiệu và ông Hương không bao giờ chịu tuyên bố đầu hàng nên Mỹ phải tìm cách đưa tướng Minh ra làm hàng tướng !

Ngày 26/4/1975, lưỡng viện Quốc hội đã họp tại Thượng Viện dưới quyền chủ tọa của ông Trần Văn Lắm, Chủ tịch thượng viện, để đưa tướng Dương Văn Minh lên làm Tổng thống. Có 136 trong số 219 nghị sĩ và dân biểu đến họp. Sau khi Đại tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham mưu trưởng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, và tướng Nguyễn Khắc Bình, Tổng Giám đốc Cảnh sát quốc gia, trình bày về tình hình, Quốc hội bắt đầu thảo luận về việc trao quyền cho tướng Dương Văn Minh.

Có rất nhiều sự bất đồng về việc trao quyền, vì cho rằng sự trao quyền này là bất hợp hiến. Nhưng các nhóm vận động hậu trường dưới sự chỉ đạo của CIA đã hoạt động rất ráo riết nên cuối cùng, lúc 20 giờ 54 phút, Quốc hội đã biểu quyết chấp thuận trao quyền cho tướng Dương Văn Minh với số phiếu 147/151.


Những ngày cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa

9. Tướng Dương Văn Minh nhận chức

Chiều 28/4/1975, vào lúc 17 giờ 50, tướng Dương Văn Minh đã nhận chức Tổng thống. Lễ bàn giao được diễn ra tại Phòng Khánh tiết của Dinh Độc Lập lúc 17 giờ, có trực tiếp truyền thanh. Tướng Minh cử luật sư Vũ Văn Mẫu thuộc "thành phần thứ ba" làm Thủ tướng. Đáng lẽ ra chính phủ Vũ Văn Mẫu làm lễ ra mắt trong ngày 29/4/1975, nhưng bác sĩ Hồ Văn Minh coi bói và cho biết ngày 30/4/1975 ra mắt chính phủ mới tốt, nên cả tướng Minh lẫn luật sư Mẫu đồng ý như vậy !

Sau đó, Đô đốc Chung Tấn Cang, Tư lệnh Hải Quân, vào Dinh Hoa Lan gặp tướng Minh cho biết tình hình và hỏi tướng Minh có định ra đi không. Tướng Minh cho con gái là Dương Mai, con rễ là Đại tá Nguyễn Hồng Đài và hai cháu ngoại lên tàu di tản với Đô đốc Cang, còn ông và bà Minh ở lại.

Đại tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham mưu trưởng, đã ra đi vào chiều 28/4/1975 với Chuẩn tướng Trần Đình Thọ, Trưởng phòng 3. Sáng 29/4/1975, Trung tướng Đồng Văn Khuyên, Tham mưu trưởng Liên quân kiêm Tổng Cục trưởng tiếp vận, và Trung tướng Nguyễn Văn Minh, Tư lệnh Biệt khu Thủ đô cũng ra đi.

Được tin này, tướng Dương Văn Minh yêu cầu Trung tướng Vĩnh Lộc làm Tổng Tham mưu trưởng, nhưng Trung tướng Lộc đề nghị giao chức này cho Trung tướng Ngô Quang Trưởng. Tướng Minh từ chối với lý do tướng Trưởng bỏ chạy khỏi Vùng I đang gây hoang mang. Cuối cùng tướng Lộc nhận. Tướng Minh liền tạm thời chỉnh đốn lại Bộ Tổng Tham mưu như sau : Trung tướng Vĩnh Lộc làm Tổng Tham mưu trưởng ; Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, Phụ tá Tổng Tham mưu trưởng đặc trách hành quân ; Đại tá Hồ Ngọc Nhuận, Quyền Tham mưu trưởng Liên quân ; Thiếu tướng Lâm Văn Phát Tư lệnh Biệt khu Thủ Đô, v.v.

Trong khi đó, vào lúc 11 giờ 30, ông Vũ Văn Mẫu đến Đài phát thanh Sài Gòn đọc công hàm của Tổng thống Dương Văm Minh yêu cầu các nhân viên Cơ quan Tùy viên Quốc phòng (DAO-Defense Attaché Office) thuộc Tòa Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn rút khỏi Việt Nam trong vòng 24 tiếng đồng hồ kể từ ngày 29/4/1975. Nguyên văn công hàm đó như sau :

"Thưa ông Đại sứ,

"Tôi trân trọng yêu cầu ông Đại sứ vui lòng ra chỉ thị cho các nhân viên của Cơ quan Tùy viên Quốc phòng DAO rời khỏi Việt Nam trong 24 giờ đồng hồ kể từ ngày 29/4/1975 để vấn đề Hòa Bình Việt Nam sớm được giải quyết".

Đại sứ Martin liền thông báo cho Tổng thống Minh rằng ông "đã chỉ thị như ngài yêu cầu". Ông yêu cầu Tổng thống Minh ra lệnh cho quân đội Việt Nam Cộng Hòa dành mọi sự dễ dàng cho việc di chuyển các nhân viên DAO. Sau này người ta mới biết Tổng thống Minh đã gởi công hàm nói trên theo lời yêu cầu của Đại sứ Martin, còn Ngoại trưởng Kissinger nói rằng lời yêu cầu như vậy là để cho Mỹ có cái "danh chính ngôn thuận" ra đi.

10. Đêm đầu tiên và cuối cùng tại Dinh Độc Lập

Đêm 29/4/1975, tướng Minh vào ngủ trong Dinh Độc Lập để tránh pháo kích. Ông Vũ Ánh, Chánh sự vụ Sở Thời sự Hệ thống Truyền thanh quốc gia, lúc đó đang ở Đài phát thanh Sài Gòn, cho biết khoảng 4 giờ sáng, Tổng thống Minh đã gọi ông và hỏi có tin tức gì mới liên quan đến Tòa Đại sứ Hoa Kỳ trên những bản tin viễn ấn hay không. Ông Ánh trả lời rằng ngoại trừ một bản tin rất ngắn của hãng thông tấn UPI cho biết mọi liên lạc giữa Tòa Đại sứ Mỹ và chính phủ Vũ Văn Mẫu bị cắt đứt, không có tin tức nào khác.

Dân biểu Lý Quý Chung, người luôn đi cạnh tướng Minh, cho biết sau khi nhận chức, tướng Minh đã cho đi tìm Đại sứ Pháp Merillon để hỏi xem việc liên lạc với "phía bên kia" như thế nào, nhưng Đại sứ Merillon đã biến mất.

Lúc đó, tướng Minh chỉ còn hy vọng Thượng tọa Thích Trí Quang, người hứa sẽ đưa người "phía bên kia" đến thương lượng để thành lập chính phủ liên hiệp. Tướng Nguyễn Hữu Có kể lại, lúc 4 giờ 35 sáng ngày 30/4/1975, tướng Minh đã gọi cho Thích Trí Quang thì Thích Trí Quang trả lời :

"Thưa Tổng thống, cũng như Tổng thống là tôi vẫn chờ đến giờ nầy và theo tôi nghĩ có lẽ với tình thế hiện tại, trong sứ mạng của tôi, người đứng trung gian bắc nhịp cầu của thế cờ chính trị, có thể nói là chấm dứt. Với trọng trách là Tổng thống, hơn nữa là một Đại tướng, tôi nghĩ công việc phải nhờ vào tài quân sự của Đại tướng, chứ giải pháp chính trị của tôi coi như chấm dứt, và từ giờ phút này nếu có chuyện gì xẩy đến thì mọi trách nhiệm đều do Tổng thống, à quên Đại tướng quyết định với giải pháp quân sự, mà trong lãnh vực này Đại tướng rất rành và giỏi hơn tôi. Xin chào Tổng thống...".

Tướng Minh chỉ trả lời gọn một câu "Thầy giết tôi rồi !" và cúp máy điện thoại.

11. Thay vì ra mắt chính phủ lại tuyên bố đầu hàng

Lúc 8 giờ 30 ngày 30/4/1975, tướng Minh đến Phủ Thủ Tướng ở số 7 đường Thống Nhất để họp với chính phủ Vũ Văn Mẫu và xem xét tình hình.

Giáo sư Bùi Tường Huân, Phó Thủ tướng kiêm Tổng trưởng quốc phòng của Chính phủ Vũ Văn Mẫu, đã kể với tôi rằng sáng 30/4/1975, khi tân Nội Các họp tại Dinh Thủ Tướng để chuẩn bị đến Dinh Độc Lập làm lễ ra mắt thì tướng Dương Văn Minh có bảo ông và Trung tướng Nguyễn Hữu Có, Phụ tá Tổng trưởng quốc phòng, liên lạc với Bộ Tổng tham mưu xem tình hình quân sự như thế nào.

Tướng Có gọi điện thoại đến Văn phòng Tổng tham mưu trưởng nhưng không ai trả lời. Một lúc sau, có một người nhấc điện thoại lên. Tướng Có hỏi anh ta là ai. Anh ta trả lời anh là một Trung sĩ làm việc trong Bộ Tổng tham mưu, đi ngang nghe điện thoại reo dữ quá, anh đến nhắc lên xem có chuyện gì không, vì trong Văn phòng Tổng tham mưu không còn ai cả. Tướng Có nhờ anh ta ra xem xung quanh có sĩ quan nào cao cấp còn đứng đó không. Anh ta đi một vòng thì thấy có cựu Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh. Anh liền báo tin cho tướng Có biết.

Dương Văn Minh nghe được, liền bảo gọi cựu Chuẩn tướng Hạnh đến nói chuyện với ông. Khi nói chuyện với tướng Hạnh, Dương Văn Minh mới biết tướng Vĩnh Lộc, Tổng tham mưu trưởng đã đi lúc 5 giờ 30 sáng rồi. Tướng Lâm Văn Phát, Tư lệnh Biệt khu Thủ Đô cũng đã biến mất. Tướng Hạnh cho biết không còn liên lạc được với đơn vị nào cả.

Khoảng 9 giờ 30, khi tướng Hạnh báo cáo tình hình không còn gì để hy vọng nữa, Dương Văn Minh bàn với nội các rồi quyết định đầu hàng. Ông yêu cầu Đài phát thanh Sài Gòn cử người sang số 7 đường Thống Nhất để thu thanh một lời hiệu triệu rất quan trọng. Ông Vũ Ánh đã cử phóng viên Lê Phú Bổn và kỹ thuật viên Hồ Ổn đi làm công tác này.

Lời kêu gọi do Thủ tướng Vũ Văn Mẫu soạn thảo, nhưng khi tướng Minh đọc, vì quá xúc động, bị vấp nhiều chỗ phải thu đi thu lại đến 3 lần. Lúc 10 giờ 15, cuốn băng này đã được phát trên đài phát thanh Sài Gòn, nguyên văn như sau :

"Đường lối chủ trương của chúng tôi là hòa giải và hòa hợp dân tộc để cứu sinh mạng đồng bào. Tôi tin tưởng sâu xa vào sự hòa giải của người Việt Nam để khỏi thiệt hại xương máu của người Việt Nam. Vì lẽ đó, tôi yêu cầu tất cả anh em chiến sĩ Việt Nam Cộng hòa hãy bình tĩnh, không nổ súng và ở đâu ở đó. Chúng tôi cũng yêu cầu anh em chiến sĩ Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam ngưng nổ súng. Chúng tôi ở đây chờ gặp Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam để cùng nhau thảo luận lễ bàn giao chính quyền trong một trật tự, tránh đổ máu vô ích của đồng bào".

Tướng Minh cũng bảo tướng Hạnh lấy tư cách Phụ tá Tổng tham mưu trưởng đọc nhật lệnh ra lệnh cho tất cả các đơn vị còn lại buông súng. Nhật lệnh của tướng Hạnh như sau :

"Tổng thống đã quyết định bàn giao chính quyền. Yêu cầu các đơn vị buông súng, trực tiếp tiếp xúc với lực lượng của Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời đối diện để trao lãnh thổ. Cố gắng tránh đổ máu".

Sau đó tướng Minh và nội các trở về Dinh Độc Lập để đợi "phía bên kia" vào và bàn giao.

12. Những diễn biến sau cùng

Lúc 11 giờ 30, chiếc xe tăng T-54 đầu tiên của Cộng quân tiến trên đại lộ Thống Nhứt đi về phía Dinh Độc Lập, ủi sập một cánh cổng đã mở, sau khi bắn hai phát đại bác long trời lở đất. Tiếng chân chạy ồn ào trong đại sảnh, có tiếng đạn lên nòng, một khẩu lệnh vang lên : "Mọi người đi ra khỏi phòng ngay !". Dương Văn Minh là người bước ra đầu tiên, Thiếu tá tùy viên Hoa Hải Đường đi bên cạnh, phía sau là Vũ Văn Mẫu, Nguyễn Văn Huyền... Nhiều bộ đội ở đầu kia đại sảnh hét to : "Mọi người giơ hai tay lên !". Dương Văn Minh, Vũ Văn Mẫu và đoàn tùy tùng nhất loạt tuân lệnh.

fall3

Nội các Dương Văn Minh trong ngày 30/4 - Từ trái qua phải : ông Vũ Văn Mẫu, ông Dương Văn Minh, ông Nguyễn Văn Huyền (Ảnh tư liệu).

Khi mọi người chưa kịp làm gì tiếp thì Trung tá Bùi Tùng, Chính ủy Lữ đoàn Xe tăng 203 tới. Ông Minh thấy ông Tùng người to cao thì lễ phép chào và nói : "Thưa ông, chúng tôi đợi các ông vào lâu rồi để bàn giao chính quyền". Trung tá Tùng nói : "Các ông là người bại trận. Các ông không còn gì để bàn giao mà chỉ có đầu hàng vô điều kiện".

Ông Tùng buộc Tổng thống Dương Văn Minh và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu đến Đài phát thanh Sài Gòn tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Bản tuyên bố đầu hàng do Chính trị viên Bùi Tùng thảo, ông Minh đọc và đài phát thanh phát đi vào lúc 13 giờ 30 :

"Tôi, Đại tướng Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn, kêu gọi Quân Lực Việt Nam Cộng Hhòa hạ vũ khí đầu hàng không điều kiện quân Giải Phóng Miền Nam Việt Nam. Tôi tuyên bố chính quyền Sài Gòn từ trung ương đến địa phương phải giải tán hoàn toàn. Từ trung ương đến địa phương trao lại cho Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời Miền Nam Việt Nam".

Thủ tướng Vũ Văn Mẫu phát biểu tiếp theo :

"Trong tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc, tôi, Giáo sư Vũ Văn Mẫu, Thủ tướng, kêu gọi tất cả các tầng lớp đồng bào hãy vui vẻ chào mừng ngày hòa bình của dân tộc, và trở lại sinh hoạt bình thường. Chuyên viên của các cơ quan hành chính quay trở về vị trí cũ dưới sự hướng dẫn của chính quyền cách mạng".

Rồi đến lời của Chính ủy Bùi Tùng :

"Chúng tôi đại diện lực lượng quân Giải phóng miền Nam Việt Nam long trọng tuyên bố Thành phố Sài Gòn đã được giải phóng hoàn toàn, chấp nhận sự đầu hàng không điều kiện của ông Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn".

Sau đó, bộ đội đưa tướng Dương Văn Minh và ông Vũ Văn Mẫu về lại Dinh Độc Lập. Tối 2/5/1975, Chính Phủ Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam tổ chức buổi trả tự do cho nhóm Dương Văn Minh tại Dinh Độc Lập.

Tính lại, Dương Văn Minh đã làm Tổng thống chỉ trong 36 tiếng đồng hồ : Nhận chức vào chiều 28 tại Dinh Độc Lập đến trưa 30/4/1975 tuyên bố đầu hàng !

13. Cuộc chiến vẫn còn…

Ngày 23/4/1975, trong bài diễn văn đọc tại Đại học Tulane ở New Orleans, Luisiana, Tổng thống Gerald R. Ford tuyên bố : "Đối với Hoa Kỳ cuộc chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt" (The Vietnam War to be over for the United States). Thính giả vỗ tay hoan nghênh.

Trong cuộc họp báo ngay sau đó, ông lại nói : "Đối với tôi xem ra nó đã chấm dứt, chúng ta phải nhìn về phía trước" (It seems to me that it's over, we ought to look ahead).

Nhưng đối với người Việt đấu tranh, cuộc chiến tranh đó vẫn còn và cũng như trước 30/4/1975, đa số vẫn bám vào Hoa Kỳ với sự tin tưởng rằng Hoa Kỳ sẽ giúp họ loại bỏ chế độ cộng sản và xây dựng tự do dân chủ trên quê hương.

Tuy nhiên, những dòng lịch sử đã được chúng tôi tóm lược trên cho thấy trước 30/4/1974, Việt Nam Cộng Hòa có chính phủ, có lãnh thổ, có quân đội trên 1.200.000 người được trang bị đầy đủ và huấn luyện kỹ càng, có quyết tâm loại bỏ chế độ cộng sản, thế nhưng vì quyền lợi của nước Mỹ, Hoa Kỳ đã đem Miền Nam bán cho Trung Quốc và dùng những thủ đoạn rất tinh vi để làm Miền Nam biến mất đúng thời hạ rồi nói mất Miền Nam là do sự bất tài (incompetence) của các nhà lãnh đạo Miền Nam.

Ngày nay, số người Việt tỵ nạn trên thế giới được ước lượng khoảng 3,7 triệu, trong đó có khoảng 1.642.000 người đang ở Hoa Kỳ. Đây là một cơ cấu đấu tranh chính trị không có lãnh đạo, không có tổ chức, không có chiến lược và chiến thuật…, nhưng ai cũng có thể tự xưng là lãnh tụ và sẵn sàng chụp nón cối lên bất cứ ai có dấu hiệu tranh giành vị thế hay quyền lợi của họ, hay có những chính kiến bất đồng với họ. Võ khí đấu tranh chính vẫn là tuyên ngôn, tuyên cáo hay thỉnh nguyện thư, và nhiều khi còn dùng cả nón cối để "chống cộng" !

Một khó khăn quan trọng khác là sự khác biệt về chủ trương và đường lối giữa Hoa Kỳ và người Việt đấu tranh : Trong khi đa số người Việt hải ngoại quyết tâm duy trì chủ trương BỐN KHÔNG, thì Hoa Kỳ lại chủ trương BỐN CÓ.

Hôm 25/7/2013, Tổng thống Obama và Chủ tịch Trương Tấn Sang đã tuyên bố xác lập quan hệ đối tác toàn diện giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Nhiều dấu hiệu cho thấy Hoa Kỳ muốn biến Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thành một tiền đồn ngăn chặn Trung Quốc tràn xuống Đông Nam Á giống như đã biến Việt Nam Cộng Hòa ngày xưa. Liệu rồi người Việt đấu tranh ở hải ngoại còn có thể nhờ Hoa Kỳ lật đổ chế độ cộng sản Việt Nam hay không, hay lại sẽ bị biến thành công cụ cho từng giai đoạn ?

Thủ tướng Anh W. Churchil (1940-1945) đã nói : "Kẻ bi quan nhìn thấy những khó khăn trong từng cơ hội, còn người lạc quan lại nhìn thấy những cơ hội trong mỗi khó khăn".

Trong Hệ Từ Hạ truyện, Khổng Tử có viết : "Dịch cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cửu", có nghĩa là cùng cực thì sẽ biến hóa, biến hóa thì sẽ thông, khi đã thông thì sẽ lâu bền.

Nhưng các nhà nghiên cứu về di dân của Hoa Kỳ cho biết thế hệ di dân thứ nhất ít có khả năng thay đổi khi đến Mỹ. Đa số vẫn còn suy nghĩ và hành động như khi còn ở trên quê hương của họ. Nói cách khác, họ rất khó BIẾN. Các chính khách Mỹ thường vuốt đuôi họ để kiếm phiếu chứ không quan tâm đến mục tiêu của họ. Thế hệ thứ hai trở đi sẽ đi vào dòng chính và gần như không còn quan tâm đến nơi họ phát xuất.

Mặc dầu vậy, để kết thúc bài này, chúng tôi xin mượn lời sau đây của Tổng thống John F. Kennedy để nhắc nhở người Việt đấu tranh : 

"Thay đổi là luật của cuộc sống. Và những kẻ chỉ nhìn vào quá khứ chắc chắn sẽ mất tương lai".

(Change is the law of life. And those who look only to the past are certain to miss the future).

Ngày 27/4/2018

Lữ Giang

Quay lại trang chủ
Read 1023 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)