Việt Nam đã sao chép mô hình kiểm duyệt báo chí và Internet của Bắc Kinh như thế nào ?
Ngày 25/4/2018, Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) có trụ sở ở Pháp đã công bố báo cáo về tự do báo chí và tự do Internet, trong đó có một nhận định mang tính khẳng định rất quan trọng : mô hình kiểm duyệt báo chí và Internet của Bắc Kinh được các nước Châu Á, điển hình là Việt Nam và Campuchia, sao chép.
Dự luật An ninh mạng của Việt Nam đã bị phát hiện giống Luật An ninh mạng của Trung Quốc một cách đáng kinh ngạc.
Nhiều khả năng kết luận trên của RSF dựa vào một luồng thông tin từ giới đấu tranh dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam, được cập nhận và phân tích thường xuyên qua từng năm và trong nhiều năm qua, đánh giá về thực trạng nhà cầm quyền Việt Nam đã vi phạm trầm trọng cùng những cách thức vi phạm quyền tự do báo chí và tự do Internet, đặc biệt là sự vi phạm này đã bất chấp những nội dung trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà chính quyền Việt Nam đã ký kết từ năm 1982.
Vào tháng Mười Một năm 2017, ngay sau khi báo chí nhà nước đánh động và mạng xã hội lập tức phản bác quyết liệt về Điều 34 của Dự thảo Luật An ninh mạng Việt Nam – do Bộ Công an chủ trì soạn thảo – đòi các nhà mạng nước ngoài như Google, Facebook, Viber, Skype, Gmail, Uber… phải đặt máy chủ ở Việt Nam, trang Luật Khoa có bài của luật gia Trịnh Hữu Long đã có một phát hiện vừa lý thú vừa chua chát : Dự luật An ninh mạng của Việt Nam, không biết do vô tình hay cố ý, giống Luật An ninh mạng của Trung Quốc một cách đáng kinh ngạc.
Trên cơ sở so sánh dự thảo lần thứ 4 của Luật An ninh mạng đang được trình Quốc hội Việt Nam và bản dịch tiếng Anh của Luật An ninh mạng Trung Quốc, tác giả Trịnh Hữu Long đã tìm ra những hình ảnh "sinh đôi" giữa Việt Nam và Trung Quốc, chẳng hạn giữa :
Điều 22 của Dự luật An ninh mạng của Việt Nam và Điều 12 của luật Trung Quốc khi nhắm trực diện đến thông tin nguy hiểm cho chế độ ;
Điều 47 của dự luật An ninh mạng của Việt Nam và Điều 24 của Luật An ninh mạng Trung Quốc khi ép người dùng Internet phải cung cấp thông tin cá nhân thực ;
Điều 48 dự luật An ninh mạng của Việt Nam và Điều 37 của Luật An ninh mạng Trung Quốc về đặt máy chủ trong nước và truyền dữ liệu ra nước ngoài ;
Điều 45 dự luật An ninh mạng của Việt Nam và Điều 28 của Luật An ninh mạng Trung Quốc khi ép người dùng và doanh nghiệp thành chỉ điểm…
Nhưng không chỉ dự luật An ninh mạng của Việt Nam mới mang hình ảnh "sinh đôi" với luật cùng chủ đề của Trung Quốc, mà còn cả dự luật về Hội.
Vào tháng 10/2016, một số nghiên cứu và phân tích từ xã hội dân sự đã cho thấy Nghị định số 45 của Chính phủ Việt Nam về quản lý hội đoàn có nhiều vết tích được cho là lấy từ nguồn gốc những văn bản pháp quy về cùng đối tượng quản lý ở Trung Quốc. Sau đó, một bàn tay bí mật nào đó ở Việt Nam đã cố tình sao chép các quy định của Trung Quốc vào dự thảo mới nhất của luật về Hội để trình cho Quốc hội..
Khi đó, nhiều người nghĩ ngay bàn tay bí mật trên chính là Bộ Công an, cơ quan chưa bao giờ có một chút thiện chí với những quyền căn bản của người dân.
Nhiều thông tin cho biết bộ này, mặc dù không có vai trò chủ trì soạn thảo Dự luật về Hội như Bộ Nội vụ, nhưng lại là tổng đạo diễn đối với những kịch bản phân loại các tổ chức xã hội dân sự độc lập vào loại "đối kháng" hay "đối lập ôn hòa", cùng những bổ sung vào luật mang màu sắc đặc trưng của áp chế độc trị.
Dự luật về Hội cũng bởi thế tựa như một loại quả táo tẩm thuốc độc. Dự luật này được tung ra với nhiều điều khoản không chỉ quá thiên về hoạt động quản lý nhà nước mà còn để lộ quá rõ ràng ý đồ "siết" đối với xã hội dân sự, trong đó có những quy định "Không được nhận tài trợ, liên kết với tổ chức nước ngoài", "Người nước ngoài ở Việt Nam không được lập hội", "Lãnh đạo hội phải được nhà nước phê chuẩn". Điều 4 dự thảo này còn quy định mọi hội đoàn phải "được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký thành lập, công nhận điều lệ và người đứng đầu".
Thậm chí quy định về việc không cho người nước ngoài được lập hội lại khá giống với quy định tương tự ở Trung Quốc và gần giống với nước Nga thời Putin.
Trong một cuộc tọa đàm về Dự luật về Hội tại Liên hiệp các tổ chức khoa học kỹ thuật ở Hà Nội, luật sư Trần Vũ Hải đã phải gọi dự luật được sửa đổi đến lần thứ 8 đó là "luật phản động".
Trở lại với báo cáo được công bố và tháng Tư năm 2018, trong đó RSF đã xếp Việt Nam thứ 175 trên tổng số 180 nước. Thứ hạng của Việt Nam cứ tồi tệ hơn sau mỗi năm và không hề được cải thiện.
RSF cáo buộc chính quyền Việt Nam đang dùng bạo lực để đối lại với các blogger và nhà báo độc lập, trong khi báo chí nhà nước phải chịu sự chỉ đạo của Đảng Cộng Sản. Trong năm 2017, Việt Nam đã gia tăng việc sử dụng công an thường phục để sách nhiễu các blogger. Việt Nam cũng gia tăng việc sử dụng các điều luật 88, 79 và 258 trong Bộ luật Hình sự để kết tội các nhà báo độc lập và các blogger.
Thiền Lâm
Nguồn : CaliToday, 28/04/2018