Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

01/05/2018

Những gương mặt mới trên chính trường Việt Nam

Kính Hòa

Cuối tháng Tư năm 2018, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nhà nghiên cứu chính trị và quan hệ quốc tế tại Viện Yusof Ishak, Singapore, dự báo một số gương mặt mới có khả năng vào Bộ chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam trong Hội nghị trung ương 7 sắp tới đây, đó là các ông Lương Cường, thuộc quân đội, ông Nguyễn Văn Nên, Chánh văn phòng trung ương đảng, ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án tòa án tối cao, ông Phan Đình Trạc, Trưởng ban nội chính, và ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc học viện chính trị Hồ Chí Minh.

nhansu1

Bầu bổ sung ông Phan Đình Trạc, Nguyễn Xuân Thắng vào Ban Bí thư (06/10/2017)

nhansu2

Hội nghị Ban chấp hành trung ương lần thứ nhất đã bầu 3 vị vào Ban bí thư. Trong ảnh (từ trái qua) : Thượng tướng Lương Cường, ông Nguyễn Văn Nên và ông Nguyễn Hòa Bình

Cả năm người này đều thuộc Ban Bí thư trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp giải thích những lý do mà ông dựa vào đấy để đưa ra dự báo nhân sự này :

Lê Hồng Hiệp : Cơ sở để đưa ra phán đoán này là vì trong cơ cấu của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện tại, cơ quan cao nhất đưa ra quyết định là Bộ chính trị, còn Ban Bí thư là cơ quan vận hành những công việc hàng ngày của đảng trong thời gian Bộ chính trị và Trung ương đảng không họp.

Trong thành phần Ban Bí thư này có một số người là Ủy viên Bộ chính trị, một số người thì chưa. Theo sự phân tích của tôi thì những người mà chưa phải thuộc Bộ chính trị mà nằm trong Ban Bí thư thì họ giống như là lực lượng dự bị, giống như ủy viên dự khuyết, đợi đến lúc có những thay đổi thì những người này sẽ được đôn lên, tương tự như trong Ban chấp hành trung ương cũng có những ủy viên dự khuyết. Những người chưa là ủy viên Bộ chính trị mà nằm trong Ban bí thư thì cũng có thể được coi là ủy viên Bộ chính trị dự khuyết, và khi có sự thay đổi thì họ có thể được đôn lên để trám vào Bộ chính trị, và những người này, theo tôi hiểu thì cũng là những người đã được cơ cấu từ trước. Nếu nhìn vào danh sách thì vừa rồi có hai người được bổ sung vào Ban Bí thư là ông Trạc và ông Thắng, thì dường như người ta nhắm trước cho hai ông đấy vào Bộ chính trị và đưa vào Ban Bí thư như là một bước đệm, để mà bầu cho hai ông đấy vào Bộ chính trị.

Nhìn tổng thế về qui trình thì trong tổng số 180 Ủy viên trung ương, nếu chọn ứng cử viên xứng đáng thì không có ai xứng đáng hơn những ông đấy, vì họ là thành viên Ban Bí thư, trên những ủy viên bình thường một bậc.

Kính Hòa : 5 Là một con số không nhỏ, vậy thì nếu suy đoán này đúng thì những thành phần mới này, mà ít lâu nay chúng ta thấy họ không nổi tiếng lắm, sẽ tạo ra điều gì thay đổi của sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam không ?

Lê Hồng Hiệp : Không phải là không nổi tiếng, ví dụ như ông Nên là Chánh văn phòng Trung ương đảng thì trước đó đã nắm nhiều chức như là Phó Chánh văn phòng Thủ tướng chẳng hạn, hay như ông Nguyễn Hòa Bình cũng vậy từ bên Viện Kiểm sát sang làm Chánh án Tòa án tối cao, Ông Trạc là một ngôi sao đang lên, từ Nghệ An đi lên, v.v… Nếu xét với những người trong Bộ chính trị thì những người này chưa nổi bật bằng, nhưng cũng có thể coi họ là những người được cơ cấu để bầu vào Bộ chính trị. Nhìn vào độ tuổi của họ thì họ đang ở trong độ tuổi có thể làm thêm một nhiệm kỳ sau nữa.

Rồi họ cũng có những chuyên môn phù hợp với những vị trí mà Bộ chính trị muốn cơ cấu vào, ví dụ như ông Thắng, xuất phát từ Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, thì ông có thể phù hợp với nhiệm vụ tuyên giáo chẳng hạn, thì người ta nhắm ông Thắng để thay ông Thưởng, trong trường hợp điều động ông Thưởng qua vị trí khác.

Ông Trạc, ông Bình, ông Nên đều có xuất thân từ công an, thì nếu như có những vị trí ào chẳng hạn như bên Bộ Công an, hay bên nội chính chẳng hạn, các cơ quan có liên quan đến an ninh, cần một vị trí thì họ có thể đưa những người này vào.

Những người này mặc dù chưa nổi bật bằng những ủy viên Bộ chính trị, nhưng họ có thể là những người đã được cơ cấu để chuẩn bị để nắm những nhiệm vụ chủ chốt, nếu không trong nhiệm kỳ này thì là nhiệm kỳ sau.

Kính Hòa : Chúng ta giả sử như họ là thế hệ lãnh đạo sắp tới của Việt Nam, thì cái đường hướng của Việt Nam đi sẽ như thế nào ? Tiếp tục cởi mở về kinh tế, sẽ có khả năng cởi mở một chút về tư tưởng, về chính trị không ?

Lê Hồng Hiệp : Tôi nghĩ sẽ không có thay đổi nhiều vì nếu những người này được bầu vào Bộ chính trị, thì sẽ làm việc cùng những ủy viên Bộ chính trị khác, những người có thâm niên cao hơn. Những người này trẻ hơn, được sắp xếp vào sau, thì họ vẫn có vị trí thấp hơn so với những người đã có mặt trong Bộ chính trị từ trước. Nhiệm kỳ sau, những người này có thể vào Bộ chính trị, nhưng vẫn sẽ còn những ủy viên Bộ chính trị khác hiện tại, và nhiệm kỳ sau họ vẫn còn đủ tuổi, đủ điều kiện để làm tiếp, thì có lẽ là những người này trong nhiệm kỳ sau khó có thể được vào trong tứ trụ chẳng hạn, khả năng rất thấp.

Do đó ảnh hưởng của họ đến đường hướng chính sách của quốc gia cũng hạn chế thôi, không nhiều, mà tôi nghĩ là cái đường hướng sẽ được quyết định bởi những nhân vật nằm trong tứ trụ ở nhiệm kỳ sau, mà những vị trí đấy có lẽ chưa phải là cơ hội cho những người mới được bầu bổ sung, chẩn bị bầu bổ sung lần này.

Kính Hòa : Nếu như bầu bổ sung thì khả năng đó sẽ xảy ra trong kỳ Hội nghị trung ương 7 sắp tới đây ?

Lê Hồng Hiệp : Vâng, kỳ họp trung ướng đảng lần thứ bảy tới đây được coi là kỳ họp giữa nhiệm kỳ của đảng. Thì một trong những nhiệm vụ của hội nghị giữa nhiệm kỳ là chuẩn bị nhân sự, đường hướng nhân sự cho Đại hội đảng lần thứ 13 sắp tới.

Cũng giống như giữa nhiệm kỳ lần trước, thì có bầu cho ông (Nguyễn Thiện ) Nhân, và bà (Nguyễn Thị Kim) Ngân vào Bộ chính trị, thì sau đó ông Nhân và bà Ngân cũng có những thăng tiến. Thì cũng vậy, trong giữa nhiệm kỳ này những người này sẽ được bầu, thì một số trong những người này cũng có thể sẽ được thăng tiến trong tương lai.

Có thể coi vấn đề nhân sự là nội dung chủ chốt của Hội nghị trung ương 7 lần này.

Kính Hòa : Nếu chúng ta quan sát thấy quê hương của 5 người trong danh sách mình giả định này thì thấy họ xuất thân từ cả ba miền, vậy liệu điều đó có nghĩa gì không trong chuyện cơ cấu ?

Lê Hồng Hiệp : Trong hoạch định cơ cấu nhân sự của Đảng Cộng sản thì họ có lưu ý đến sự cân đối vùng miền để có sự hài hòa giữa các vùng miền với nhau, tránh sự chi phối của một vùng miền nhất định, tránh sự lép vế của vùng miền nào đấy, có thể tạo ra sự mất đoàn kết trong nội bộ. Chính vì vậy mà trong thành phần từ Ban chấp hành trung ương, tới Bộ chính trị, tới tứ trụ, họ đều có cân nhắc yếu tố vùng miền, tất nhiên không thể là tuyệt đối, có thể có vùng miền nào đấy nổi trội hơn, nhưng nhìn chung họ có cân nhắc yếu tố đấy.

Lần này thì năm người này xuất thân từ những vùng miền khác nhau, thì cũng có lẽ là phù hợp với truyền thống lâu nay của Đảng Cộng sản Việt Nam trong công tác hoạch định cán bộ, trong công tác qui hoạch nhân sự của họ, nhất là ở cấp cao.

Kính Hòa

Nguồn : RFA, 01/05/2018

Quay lại trang chủ
Read 662 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)