Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

01/05/2018

‘Kiểm tra tài sản quan chức’ : ông Trọng ‘học tập’ Trung Quốc như thế nào ?

Thiền Lâm

Mùa hè năm 2018, nội bộ đảng cộng sản và chính trường Việt Nam chuẩn bị bước áo một cơn xáo trộn mới : ‘kiểm tra tài sản quan chức’.

taisan1

Nguyễn Phú Trọng (trái) gặp Vương Kỳ Sơn (phải) trong một lần ‘học tập kinh nghiệm Trung Quốc’. Ảnh : VOV

Vậy ông Trọng sẽ làm thế nào để khui được núi tài sản khổng lồ của giới quan chức tham nhũng và các đối thủ chính trị của ông ta ?

Hệ quy chiếu đầu tiên mà ông Trọng đã có thể căn cứ vào đó để tung ra chủ trương ‘kiểm tra tài sản quan chức’ là ‘kinh nghiệm Trung Quốc’. Những chuyến làm việc vùa công khai vừa không công bố của ông Trọng và Ủy ban Kiểm trar trung ương Việt Nam ở Bắc Kinh từ năm 2015 đến năm 2017 đã gắn kết chặt chẽ lịch trình làm việc với Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương Trung Quốc của Vương Kỳ Sơn.

‘Kiểm tra tài sản cán bộ’ là "cuộc cách mạng long trời lở đất" mà ông Tập Cận Bình và Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương (CCDI) đã tung ra từ năm 2012 đến nay.

Năm 2013, tờ New York Times trích dẫn truyền thông nhà nước Trung Quốc, đưa tin rằng một khẩu hiệu mới đã trở nên phổ biến trong giới quan chức chính phủ : "Ăn lặng lẽ, đi nhẹ nhàng, chơi bí mật".

Kinh nghiệm Trung Quốc mà các đoàn Việt Nam có thể đã "học tập" từ các chuyến đi Bắc Kinh của ông Trọng là sau khi các báo cáo kê khai của cá nhân được nộp đầy đủ, các cơ quan giám sát kỷ luật sẽ lựa chọn các báo cáo một cách ngẫu nhiên và kiểm tra thật kỹ lưỡng các báo cáo này. Bất cứ ai bị phát hiện khai báo không trung thực sẽ bị khóa tài khoản.

Trong năm 2015, hơn 3900 quan chức Trung Quốc bị loại khỏi danh sách đề nghị thăng chức và 124 người bị giáng cấp. Năm 2016, 10% tổng số báo cáo kê khai được kiểm tra, giảm 5% so với năm trước đó.

Sau vụ Bạc Hy Lai, ông Tập Cận Bình và nhân vật được xem là "số 2", ông Vương Kỳ Sơn của CCDI – đã "làm" tiếp Bộ Công An của ông Chu Vĩnh Khang. Tiếp đến là quân đội Trung Quốc. Để thăng tiến, các sĩ quan quân đội cấp thấp thường hối lộ các sĩ quan cấp cao hơn với quà tặng và tiền hoặc hàng hóa xa xỉ. Năm 2014, các nhà chức trách bắt giữ ông Từ Tài Hậu, một tướng đã nghỉ hưu từng là ủy viên bộ chính trị và là phó chủ tịch Quân Ủy Trung Ương Trung Quốc. Trong ngôi nhà của ông này, họ phát hiện ra vô số vàng, tiền mặt, trang sức và những bức họa có giá trị – những món quà tặng mà đảng buộc tội là từ các sĩ quan cấp thấp, những người tìm cách tiến thân trên dây chuyền chỉ huy.

Các cuộc điều tra được CCDI dẫn dắt. Ủy ban cử các tổ điều tra tới kiểm tra tất cả các bộ và cơ quan và mọi doanh nghiệp lớn thuộc sở hữu nhà nước. Các tổ điều tra này có quyền lực không hạn chế để điều tra, bắt giữ và thẩm vấn hầu hết tất cả mọi người, nhưng chủ yếu là các quan chức chính phủ, phần lớn trong số họ là đảng viên. Một khi tổ điều tra tin rằng họ đã thu thập đủ bằng chứng về hành vi sai trái, thì CCDI sẽ khai trừ những người thuộc diện tình nghi ra khỏi đảng rồi sau đó giao họ cho hệ thống pháp lý để truy tố.

Trong tuyên bố vào nửa đầu năm 2017, CCDI khẳng định biết rõ chỗ ẩn náu của khoảng 1/3 đối tượng trong tổng số gần 1000 đối tượng (bị truy nã vì cáo buộc các tội danh tham nhũng) đang lẩn trốn, sống lưu vong ở nước ngoài.

Thậm chí, CCDI còn có quyền lực vượt cả ngành công an. Nếu luật pháp Trung Quốc chỉ cho phép cảnh sát bắt giữ nghi can trong bảy ngày mà không chính thức buộc tội người đó, trừ phi cảnh sát có được sự cho phép rõ ràng từ các nhà chức trách pháp lý để gia hạn thời gian giam giữ, thì CCDI bắt giữ nghi can trong thời gian dài hơn mà không tìm kiếm bất kỳ sự phê chuẩn nào và không đưa ra bất kỳ lời buộc tội chính thức nào, cho thấy một "tiêu chuẩn riêng biệt" dành cho cơ quan đặc biệt này.

"Học tập" Trung Quốc như thế nào ?

Có những điểm tương đồng rất đáng lưu ý giữa Trung Quốc và Việt Nam trong kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản quan chức – hành động tương tự như :

- Chủ thể của chiến dịch kiểm tra tài sản quan chức ở Trung Quốc là CCDI, còn ở Việt Nam là Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương.

- Đối tượng quan chức bị kiểm tra tài sản ở Trung Quốc là các cán bộ do Bộ Chính Trị, Ban Bí Thư quản lý. Ở Việt Nam cũng tương tự. Theo đó, các quan chức Việt Nam nằm trong diện bị kiểm tra tài sản sẽ bao gồm các ủy viên bộ chính trị, ủy viên ban bí thư, ủy viên trung ương, ủy viên thường vụ của các tỉnh/thành ủy. Con số này vào khoảng 1000 người.

- Hoạt động kiểm tra tài sản được tiến hành khi cơ quan tổ chức có thẩm quyền yêu cầu cần phải kiểm tra, giám sát tài sản của cán bộ ; khi có kiến nghị, phản ánh, đơn thư tố cáo có việc kê khai tài sản không trung thực ; và khi có dấu hiệu vi phạm quy định của nhà nước về kê khai tài sản.

- Một điểm tương đồng nữa giữa Trung Quốc và Việt Nam là sau khi "làm" xong, cơ quan kiểm tra trung ương "sẽ có thông cáo và công khai đầy đủ đến các cơ quan báo chí và nhân dân".

Sau khi có quy định của Bộ Chính Trị, Ban Bí Thư, Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương Việt Nam hứa hẹn sẽ có văn bản hướng dẫn việc xây dựng kế hoạch, việc thực hiện yêu cầu của cơ quan tổ chức có thẩm quyền, việc xử lý đơn thư kiến nghị phản ánh như thế nào ; cũng sẽ có một hướng dẫn cụ thể, trên cơ sở đó hàng năm xây dựng kế hoạch để tiến hành kiểm tra, giám sát bao nhiêu cuộc và như nào…

Đúng một năm trước, Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành chủ trương ‘kiểm tra tài sản cán bộ’ đối với khoảng 1000 quan chức cao cấp. Tuy nhiên, chủ trương này nhanh chóng rơi vào khoảng lặng bởi nhiều lực cản.

Nhưng lần này, nhiều dấu hiệu cho thấy ông Trọng muốn ‘làm thật’.

Hẳn là vào những ngày này, nhiều quan chức trong đảng đang bấn loạn trong tâm trạng làm sao để tẩu tán tài sản và sau đó là tẩu thoát cá nhân.

Thiền Lâm

Nguồn : CaliToday, 01/05/2018

Quay lại trang chủ
Read 651 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)