Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

03/01/2017

Bi hài nghề làm móng tay ở Anh

David Nguyen

nail1

Nhiều tiệm làm móng tay giả tại Anh sử dụng công nhân người Việt

Nghề làm móng tay hay nghề Nails là một ngành "công nghiệp" tại UK, với khoảng 5-15 nghìn cơ sở, có tổng doanh thu ước tính khoảng 500 triệu tới 1 tỷ bảng Anh một năm. Số liệu này từ các nguồn khác nhau tuy hiện còn không truy cập được số liệu gốc nhưng theo đó hiện người Việt sở hữu 60-70% dịch vụ này.

Nghề làm móng giả này bắt nguồn từ Mỹ, lan sang Anh vào đầu những năm 2000 và nay đang lan rộng ở châu Âu.

Chính phủ Anh vừa tiến hành một chiến dịch lục soát gần 300 tiệm làm móng tay của người Việt tại khắp nước Anh để điều tra nạn "Nô lệ thời hiện đại" theo định nghĩa của hình luật lao nô 2015 và họ đã bắt gần 100 người Rơm (tên lóng của người Việt không có giấy cư trú) đang làm việc Các chủ doanh nghiệp có thể bị phạt 20.000 barng vì đã sử dụng người Rơm như vậy.

Trong năm 2016, truyền thông Anh đã không mấy thành công trong việc cung cấp thông tin, thậm chí quan liêu góp phần tạo nên sự giả cảm của toàn xã hội như trong trường hợp bỏ phiếu trưng cầu dân ý về EU, để rồi bàng hoàng khi Brexit xảy ra nhưng đã không hề có kế hoạch chuẩn bị.

Trong những thông tin cung cấp về nghề Nails tại Anh, có khía cạnh tương tự như thế. Bài viết này cung cấp thêm chiều khác của các thông tin này.

"Nô lệ thời hiện đại" ?

Đầu tiên phải khẳng định rằng nạn "Nô lệ man rợ thời hiện đại" là có tồn tại dưới sự điều hành của các băng đảng tại Anh.

Trong lĩnh vực xây dựng dân dụng, nhà hàng .v.v., người tị nạn tới Anh sau các biến động tại Trung Đông do mối quan hệ lịch sử và họ hàng với dân Anh gốc Trung Đông đã trở thành mồi ngon cho các "chủ nhân ông" này.

Nhóm thứ hai là phụ nữ, nam giới nhập cư từ các nước không phải là thành viên EU bị các băng đảng mua bán, khai thác trong dịch vụ mãi dâm hay xây dựng.

Nhóm thứ ba liên quan tới băng nhóm người Việt đã đưa người từ Việt nam trốn vào Anh để trồng cần sa. Tất cả các nhóm này đều có một điểm chung là hoạt động trong nhà hay trong các khu vực công xưởng khép kín, ít có cơ hội giao tiếp ra ngoài nên dễ bị khống chế.

Nghề Nails là một dịch vụ làm đẹp "phơi mặt ra thị trường" do tiếp xúc công khai với mọi khách hàng. Khách hàng yêu thích kiểu vẽ hay tạo dáng móng của một thợ nào đó thậm chí còn lưu giữ số điện thoại của họ để đặt hẹn cho những lần tiếp theo. Mối quan hệ kéo dài nhiều tháng, năm vì thế sẽ rất khó tin là người thợ có thể bị khống chế.

Tay nghề cao

Một số chủ tiệm nails tại London, Cambridge, Southampton ở Anh Quốc cho biết một người thợ nails lành nghề nếu là người bản xứ thường được trả £300-400 một tuần trong khi đó thợ người Việt bất kể là có giấy tờ hay không đều được trả £400-600 một tuần, thậm chí phải lo cả chỗ ăn ở miễn phí.

Trên thực tế thợ Nails hưởng 6 phần thu nhập trong khi người chủ hưởng 4 phần chưa kể còn phải trả thuế và chi phí kinh doanh.

Nhiều chủ doanh nghiệp đã lấy tên những người thân của mình để đóng thuế làm bán thời gian cho nhà nước mặc dù họ không làm móng và không thu nhập, vì thợ Việt họ sử dụng không có giấy tờ để đóng thuế.

Thu nhập của thợ Nails Việt do đó, nực cười, còn cao hơn cả lương khởi điểm trung bình của bậc tiến sĩ, tạm gọi là tinh hoa của nền giáo dục Anh, chiếm khoảng 5% toàn bộ hệ thống giáo dục.

Theo chị N chủ nhiều cửa hàng Nails tại London "sự khác biệt này xuất phát từ chỗ, tốc độ làm móng của thợ châu Âu hay thợ Anh thường chỉ bằng ½ thậm chí ¼ so với thợ Việt, hiệu quả thẩm mỹ cũng thấp hơn, nên vào những giờ cao điểm đông khách, doanh nghiệp mất thu nhập nếu dùng thợ bản địa".

Thực tiễn của thị trường khiến nhiều chủ doanh nghiệp người Việt muốn thuê người Việt bất chấp rủi ro thuê thợ người Việt không giấy tờ, mặc dù trên thực tế ý thức lao động của thợ người Việt rất kém và họ có thể bỏ đi bất cứ lúc nào nếu không hài lòng.

Nhiều doanh nghiệp đã thử đào tạo người bản xứ nhưng hầu hết thất bại do không đáp ứng được tay nghề. Trong khi đó, nghề Nails được xem là một nghề giản đơn nên luật pháp sở tại không cho phép nhập khẩu lao động từ châu Á.

Thợ được tuyển chọn hoàn toàn không qua một tiếp xúc trực tiếp như chợ lao động để qua đó các yếu điểm về thể chất hay hoàn cảnh có thể bị nhận biết và ép buộc dẫn tới thân phận "nô lệ".

Quá trình tuyển chọn giữa chủ và thợ thường diễn ra trên mạng tìm việc, sau khi đã thống nhất về lương và điều kiện sinh hoạt thì mới gặp gỡ để thử tay nghề và công việc bắt đầu.

Lao động trái phép

nail2

Nhiều chủ tiệm làm móng tay cho biết công nhân người Việt làm móng nhanh và đẹp hơn

Thực tiễn trên cho thấy ngoài hành vi vi phạm sử dụng công nhân không được phép lao động, rất khó có cơ sở để khép những doanh nghiệp này vào các hành vi cưỡng bức hay ngược đãi lao động để thủ lợi, ngay cả đối chiếu theo luật hiện hành của Anh.

Tuy nhiên vấn đề trở thành nghiêm trọng khi một số các thợ Nails bị bắt trong các đợt kiểm tra khác nhau, đã khai tuổi vị thành niên. Đã có các đối tượng khai bị hãm hiếp, bị nô lệ và gây được sự chú ý với những ưu đãi của pháp luật sở tại. Vì những lý do khác nhau mà chính quyền sở tại tin vào các cáo buộc này.

Ví dụ khá khôi hài là ngay trong 14 trường hợp khai rằng họ là trẻ vị thành niên và bị bắt làm nô lệ trong đợt kiểm tra vừa qua, thông tin tự điều tra của người viết cho thấy ít nhất 5/14 nghi phạm đã ở độ tuổi 22-30.

Do những tốn kém để xác định chính xác tuổi của một người dựa vào X-ray răng nên đa số trường hợp chính quyền sử dụng lời khai cho việc xác định tuổi. Lỗ hổng này đang được khai thác từ nhiều phía.

Trước khi Ba Lan trở thành thành viên EU, đã có hàng chục ngàn người Ba Lan vào Anh sinh sống bất hợp pháp để đợi tư cách thành viên. Những người Rơm Việt, không biết thực sự là bao nhiêu, có thể đợi được điều gì trước tình hình hiện nay ?

Trong giai đoạn hiện tại, do thị trường có cầu thì ắt sẽ có cung. Nếu chính phủ Anh chỉ chặn bắt trong các chiến dịch kiểu nhát một như trên, các dòng lao công nước ngoài sẽ chỉ suy giảm theo nhịp điệu chiến dịch rồi đâu lại vào đó. Nên chăng, chính quyền của tân thủ tướng Anh, bà Theresa May, cần tìm kiếm một chính sách hợp lý để ngành dịch vụ này có thể phát triển bền vững ?

David Hoàng

Nguồn : BBC UK, 03/01/2017

*************************

Người Việt Nam và nạn 'nô lệ hiện đại' tại Anh Quốc (BBC, 30/12/2016)

nail3

Bas du formulaire

Gần 100 người, chủ yếu là người Việt bị bắt tại các tiệm làm móng tay ở Anh

Chiến dịch truy quét mới nhất chống sử dụng lao động phi pháp ở Anh được Thứ trưởng chuyên trách Nhập cư, ông Robert Goodwill ca ngợi là nỗ lực nhằm giải quyết những "tội ác man rợ của chế độ nô lệ hiện đại".

Chính phủ Anh nói chiến dịch Magnify trong đợt kiểm tra từ 27/11 đến 3/12/2016, đã bắt 97 người, đa số là công dân Việt Nam, ngoài ra là dân nhập cư không giấy tờ từ Mông Cổ, Ghana, Trung Quốc, Nigeria, Pakistan và Ấn Độ.

Các nhân viên phụ trách nhập cư đã kiểm tra nhiều các tiệm làm móng trên khắp nước Anh, một thứ doanh nghiệp khá phổ biến với người Việt ở nước này.

Nhưng cảnh sát Anh cũng nhắm vào ngành xây dựng, điều dưỡng, dịch vụ vệ sinh, hàng ăn, nghề lái taxi và các điểm rửa xe trong năm 2016 vốn thường là nơi tuyển lao động nhập cư thiếu giấy tờ làm việc hợp lệ.

Trên trang Facebook của BBC tiếng Việt đã có nhiều bình luận về tin này.

Rất nhiều ý kiến chia sẻ quan ngại về tình trạng người Việt rơi vào hoàn cảnh khốn khó.

"Thương thay kiếp tha phương cầu thực, vì đâu nên nông nỗi này !".

"Đâu ai bắt mình cư ngụ & làm ăn bất hợp pháp. Nhất là coi thường luật pháp của nước người ta".

"Vì miếng cơm manh áo thôi. Cầu cho người Việt ta ở hải ngoại được bình an…".

"Đi làm kiếm cơm cũng không được".

Không phải là chuyện 'kiếm ăn'

nail4

Nhiều người không nhìn nhận việc khai thác lao động trái phép là hiện tượng 'nô lệ hiện đại' (Hình minh họa)

Nhưng có vẻ như một số ý kiến vẫn là coi đây chỉ là chuyện người Việt đi kiếm ăn xứ người gặp hoàn cảnh khó khăn chứ không nhìn nhận việc khai thác lao động trái phép là hiện tượng 'nô lệ hiện đại'.

Vì hành vi khai thác nô lệ hiện đại diễn ra kể cả khi nạn nhân đồng ý chọn hoàn cảnh đó, theo định nghĩa tại Anh Quốc.

BBC Tiếng Việt giới thiệu một số đoạn trong Luật Anh năm 2015 để cho thấy vì sao chính quyền quyết tâm chống nhập cư lậu và khai thác nhân công từ nguồn này như một hình thức nô lệ hiện đại :

Luật về Nạn Nô lệ Hiện đại (Modern Slavery Act 2015) đăng trên trang của chính phủ nêu ra hai định nghĩa 'bắt người khác làm nô lệ' (slavery) và 'khai thác, hưởng dụng khổ sai' (servitude).

Về mặt ngôn từ, slavery không khác servitude bao nhiêu nhưng Luật năm 2015 đưa ra cả hai nhằm bao quát rộng nhất các hình thức khai thác nhân công và dịch vụ hiện có trên thị trường lao động ngầm tại Anh.

Luật ngay trong Điều 1 cũng gộp cả ba vấn đề 'Nô lệ, khai thác khổ sai, lao động cưỡng bức hoặc lao động bắt buộc' : slavery, servitude and forced or compulsory labour.

Khoản 1, Điều 1 xác định đối tượng vi phạm :

"(1) Một người sẽ bị coi là phạm tội nếu :

(a) là người giữ một người khác trong tình trạng nô lệ, khai thác khổ sai và trong tình huống mà người cầm giữ biết hoặc nên biệt rằng người kia bị giữ làm nô lệ hoặc bị khai thác khổ sai, hoặc

(b) là người yêu cầu một người khác thực hiện công việc cưỡng bức hoặc bắt buộc theo cách mà người gây ra biết hoặc cần phải biết rằng người kia bị yêu cầu phải thực hiện công việc cưỡng bức hoặc bắt buộc.

...Vẫn trong Điều 1 có phần nhắc tới các tiêu chuẩn của Luật Nhân quyền để hỗ trợ cho định nghĩa thế nào là khai thác nô lệ hiện đại.

Ngoài ra, khác với cách hiểu thông thường ở một số nơi khi người ta nhờ vả, dùng thân nhân, trẻ em vào công việc làm ăn, Luật chống nô lệ hiện đại tại Anh ghi rõ cách dùng lao động như vậy cũng là phạm pháp.

nail5

Một chiến dịch chống nô lệ hiện đại tại Anh

Định nghĩa về nạn nhân nói đó là :

"Bất cứ ai, vì hoàn cảnh cá nhân - như là người còn vị thành niên, người có quan hệ gia đình, người bị bệnh tật, bị bệnh tâm thần - mà trở thành người dễ bị tổn thương hơn người khác".

Những công việc nạn nhân làm có thể gồm :

"Bất cứ việc gì, dịch vụ gì (work or services) do người đó cung cấp, gồm cả việc hoặc dịch vụ cung cấp trong các hoàn cảnh bị cho là bóc lột (exploitation) ghi trong các Điều 3 (3) đến (6)…".

Điều đáng nói là Luật này của Anh Quốc bác bỏ chuyện ai đó đã đồng ý từ trước, chấp nhận hoàn cảnh lao động hoặc cung cấp dịch vụ bị cho là bóc lột, khai thác nô lệ :

"Sự đồng ý của cá nhân, dù là thành viên hay trẻ em, cho bất cứ hành vi nào được xếp vào dạng cầm giữ làm nô lệ, khai thác khổ sai, hoặc bắt người đó thực hiện công việc cưỡng bức hoặc bắt buộc, đều không xóa bỏ được xác định rằng chính người đó đang bị cầm giữ như nô lệ hoặc bị buộc phải thực hiện lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc".

Xin nhắc rằng yếu tố 'lao động bắt buộc' (compulsory labour) cũng đủ để cấu thành tội phạm về nô lệ hiện đại, chứ không cần phải đánh đập, hành hạ, bỏ đói... như kiểu nô lệ thời cổ xưa.

Hiển nhiên, các đường dây buôn người vào châu Âu và Anh là nguồn cung cấp nhân công cho các cơ sở sử dụng lao động dạng nộ lệ hiện đại.

Vì thế, Luật 2015 trong Điều 2 nhắc ngay đến tội buôn người (human trafficking) mà đối tượng vi phạm là bất cứ ai tổ chức, hỗ trợ cho việc đi lại của một người khác (thành niên hoặc vị thành niên)với mục tiêu để người đó bị bóc lột, khai thác".

Sự đồng ý của nạn nhân cho chuyến đi không có ý nghĩa miễn trừ cho người gây án và các công tác trợ giúp, vận chuyển, cho quá cảnh, cất giấu, kiểm tra nạn nhân buôn người, điều bị coi là phạm pháp.

Modern Slavery Act 2015 còn nêu ra một loạt hành vi như khai thác tình dục, cưỡng bức lao động vị thành niên, lừa đảo, đe dọa, tịch thu tài sản cá nhân của nạn nhân...và đặc biệt nhấn mạnh đến việc bảo vệ người vị thành niên và trẻ em.

Luật cũng cho phép các cơ quan công quyền Anh, từ Cục Di trú thuộc Bộ Nội vụ đến Cảnh sát, Biên phòng và tòa án các thẩm quyền rõ rệt nhằm diệt trừ nạn buôn người và khai thác lao động dạng nô lệ hiện đại.

Thủ tướng Theresa May cam kết hồi tháng 6/2016 ngay sau khi lên nắm quyền điều hành chính phủ rằng Anh Quốc sẽ chấm dứt "vấn đề nghiêm trọng về quyền con người trong thời đại chúng ta", khi nói đến nạn nô lệ hiện đại.

Bà May rất tự hào về việc Anh thông qua luật chống nô lệ hiện đại năm 2015 khi bà còn làm Bộ trưởng Nội vụ và nói đã có 289 trường hợp khai thác nô lệ hiện đại bị truy tố chỉ trong năm đó.

Thị trường lao động 'ngoài luồng'

Dù các tổ chức nhân quyền, báo chí khen ngợi những nỗ lực của chính phủ Anh chống nạn buôn người và bóc lột lao động kiểu nô lệ, một thực tế dễ thấy là nhiều ngành nghề tại Anh như dịch vụ nhỏ, xây dựng, đánh cá, vận tải... phụ thuộc vào các nguồn lao động không đều hoặc có tay nghề đặc thù.

Như Jess Sharman từng viết trên trang thenbs.com về công tác tuyển người theo vụ mùa của ngành xây dựng, chiến dịch truy bắt lao động trái phép (illegal hires) của Bộ Nội vụ Anh không nên là giải pháp duy nhất.

Tác giả này đồng ý rằng lao động trái phép về lâu dài chỉ khiến giá nhân công giảm xuống, gây thiệt hại cho người lao động hợp pháp tại Anh, nhưng hiện tượng thiếu nhân công có tay nghề là có thật và cần chính phủ có biện pháp giúp các doanh nghiệp.

Bài báo nêu ra một số giải pháp như tăng cường dạy nghề tại Anh, thông thoáng các thủ tục tuyển ngắn hạn, giống như ngành thời trang được thuê người mẫu nhanh chóng, hoặc cho các công ty tuyển cả di dân có tay nghề (targeted immigration) theo mô hình Úc.

 

Được biết trước mắt những biện pháp này chưa xảy ra và ngành xây dựng Anh cũng như các tiệm móng tay mà nhiều chủ là người Việt phải trả tiền phạt 20 nghìn bảng Anh cho một nhân công họ thuê trái phép, căn cứ vào Luật chống nô lệ hiện đại và Luật Di trú.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: David Nguyen
Read 836 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)