Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

12/05/2018

Những số phận 'phản động' và những cánh báo chí 'vô tri'

Ánh Liên

Câu chuyện về khu đô thị mới Thủ Thiêm với những sai phạm liên quan đến các quan chức lãnh đạo của Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục được mổ sẻ ở nhiều khía cạnh, trong đó có cả sự im lặng của báo chí chính thống trong một thời gian dài...

bao1

Thân phận người dân oan Việt Nam bị thế lực xấu mặc định là 'phản động ; nhận tiền nước ngoài để biểu tình'.

Báo chí vô tri

Báo chí Việt Nam vẫn trong vòng kim cô định hướng (bởi Ban Tuyên giáo trung ương), và do đó nó phân chủ đề viết thành mục : nhạy cảm ; không nhạy cảm. Đối với Thủ Thiêm, nó lại rơi vào mục nhạy cảm chỉ bởi liên quan đến 'thành phố' (tức những cán bộ cao cấp nhất của Thành phố Hồ Chí Minh) và bởi quan điểm áp đặt vô cớ - 'dân oan biểu tình, khiếu kiện là nhận tiền nước ngoài'. 

Người viết không phản ánh sự 'im lặng' của cánh báo chí chính thống qua sự trách cứ nặng nề, bởi nhận thức được đằng sau bài viết của nhà báo quốc doanh là cả gia đình, sự nghiệp của họ. Đắn đo, suy nghĩ, và lựa chọn là quyền của mỗi người, có những người tiếp tục dấn thân viết vấn đề 'nhạy cảm' dù rằng bài biết sẽ bị nhận cảnh báo cho đến không được duyệt, và giờ đây một trong số họ đang cảm thấy... hèn.

Facebooker Dat Dang, từng là nhà báo của báo Sài Gòn Tiếp Thị, giờ công tác tại báo Thể Thao & Văn hóa đã thừa nhận mình là một 'thằng hèn', lý do, vì từng có thời điểm ông đã hoàn tất một phóng sự truyền hình 'để lý giải' vì sao khi đại diện chính quyền (UBND Quận 2) lại thua kiện người dân, vì sao UBND Quận 2 lại để mặc người dân và chẳng buồn thi hành án'. Để rồi, sau đó phóng sự đã bị 'cắt gọt đủ đường, để rồi không thể lên sóng'. Nhà báo này nhớ lại cảnh tượng máy xúc giải tỏa trắng nhà dân, nhớ lại hình ảnh tập sách vở của các em nhỏ bị các thành viên ban giải tỏa, vất thẳng ra đường ; nhớ lại cả ông Hoàng Quân - người đương chức Chủ tịch lúc ấy chất vấn chính ông bằng câu nói : 'ND sao lại nói những vấn đề này'. 

Nhà báo này sau đó đã tiếp tục giữ phóng sự cho riêng mình 'vì ích kỷ cá nhân, vì hèn'.

Vì sao lại có hiện tượng nhà báo 'ích kỷ, hèn' trước sự kiện đến thế ?

Nhà báo Mai Quốc Ấn trong một chia sẻ ngày 10/05 trên trang Facebook cá nhân cũng đề cập lại vấn đề im lặng trong cánh báo chí về sự kiện Thủ Thiêm, đó là trong suốt 20 năm trời, các báo 'đã chất dầy im lặng trước bất công xảy ra trên mảnh đất máu này', mặc dù, những vụ 'tụ tập phản đối' của người dân nghèo Thủ Thiêm vẫn diễn ra như tiếng vọng yếu ớt và đầy bất lực trong màn đen tối của sự kiềm kẹp từ giới chức lãnh đạo thành phố.

Tất nhiên, cũng giống như Facbooker Dat Dang, ông Mai Quốc Ấn cũng được cấp trên nhắn nhủ : 'Thôi, không viết về Thủ Thiêm, đụng đến thành phố'. Và theo ông, 'không đụng đến thành phố' lại là một lá bùa hộ mệnh an toàn chính trị cho rất nhiều người từng ngồi trên chiếc ghế tổng/phó tổng biên tập các tòa soạn,.

Qua câu chuyện của hai nhà báo, có thể thấy rằng, phản ánh nỗi oan của dân chúng Thủ Thiêm không phải là một lựa chọn ưu tiên, bởi 'để những người có quyền/chuyên môn trong cánh giới báo chí nghề nghiệp phải lựa chọn để 'hy sinh' sự nghiệp của mình'. Trong bối cảnh, có rất nhiều nhà báo có lương tri đã bị bắn gục bởi những tội danh khác nhau khi họ nhảy vào phản ánh sự thật thuộc chuyên mục 'Chính trị xã hội', và từ đó vô hình chung trở thành một hệ cấm ngầm.

Không 'hệ cấm ngầm' sao được khi mà lực giữa hai phía chênh nhau quá lớn, một bên là cánh ban bệ thành phố với bộ máy cưỡng chế, một bên là lương dân yếu ớt chỉ có tiếng kêu gào. Thậm chí, lực thành phố mạnh đến nỗi, vào năm 2015 - khi Thanh tra Chính phủ phát hiện sai phạm động trời, thì Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh đã ký ngay văn bản mật dừng thanh tra theo nguyện vọng của Thành phố Hồ Chí Minh, và 'mật' đã giúp ông Tất Thanh Cang dễ dàng 'xử lý công việc' hơn với tập đoàn Đại Quang Minh.

Những số phận phản động

Câu chuyện gán ghép những người 'dân oan' ; những người khiếu nại - biểu tình đất đai Thủ Thiêm là phản động không phải là mới. Tại Hà Nội - có hàng trăm người dân oan vẫn ngày ngày khiếu kiện - tố cáo với băng rôn, biểu ngữ... những người bị cho là 'phản động', mặc dù họ đang thực thi quyền của mình theo quy định của pháp luật. 

Nhà văn Khải Đơn, người mới đây chia sẻ, khi cô mới vào nghề và được một nhà báo trong nghề dẫn đến Thủ Thiêm để thảo luận đề tài, thì sau đó, một số đàn anh khác trong tòa soạn đã sẵn giọng : 'Viết làm gì. Ở đó dân nhận tiền phản động rồi đi biểu tình thôi.'

Lý lẽ đó sẽ giúp cho những cánh nhà báo lâu năm trở nên an toàn, và những cánh nhà báo trẻ bị dập tắt nhiệt huyết. 

Khi cô đề xuất đề tài về Dòng Mến Thánh Giá ở Thủ Thiêm, cô lại nhận được cảnh báo : Em phải cẩn thận với mấy chuyện tôn giáo. Bọn phản động tài trợ, cho mấy cái nhà thờ biểu tình.'

bao2

Và cụm từ cảnh báo 'phản động' hướng tới 'những masoeur nữ ngồi tọa kháng không cho phá dỡ nhà thờ', những người cố giữ lấy cái khu thực hành tôn giáo gần 2 thế kỷ, để tránh biến nơi đây trở thành những tòa cao ốc vô hồn. 

Trấn áp, tự thiêu, dùng máy xúc giật sập nhà... đó là những thảm cảnh tại Thủ Thiêm, nhưng thảm cảnh lớn nhất, là họ bị gán vào những con ma xó mà họ không hề có, đó là : phản động, là nhận tiền nước ngoài, là biểu tình lấy tiền...

Câu chuyện của nhà báo - nhà văn Khải Đơn là một chứng thực mạnh mẽ nhất của việc, người dân oan mất đất, nhóm người yếu thế xã hội đã bị cô lập ra sao trong cái thời đại mà quyền lực bao trùm trong tay một số 'lãnh chúa', Khi họ bị dán mác 'phản động', điều người dân có thể trông chờ vào nhất là cánh báo chí lại lánh xa họ... Câu chuyện dân oan Thủ Thiêm cứ thế mà kéo dài ngày này ra ngày khác. Thậm chí ngay thời điểm này, hãy thử lên một số trang 'vệ binh đỏ' - nơi hàm xưng 'phản động' là xu hướng, sẽ tháy không ít bài vở gán ghép đầy thô bỉ về những người dân oan mất đất là 'phản động', thậm chí còn nâng cao hơn là 'diễn biến hòa bình' bằng việc 'nhận tiền nước ngoài để biểu tình'.

Mọi áp đặt 'phản động' chỉ là cách suy diễn và áp đặt đều hèn mọn, thô bỉ, kệch kỡm và vô nhân tính. Nó bất chấp luật pháp, lương tri của một con người, để thỏa mãn gán ghép những tội trạng mà người nhận chưa hề có. Vậy mà nó vẫn tiếp tục diễn ra, bởi xã hội hiện nay đỏ-đen lẫn lộn, đặc quánh vẫn ngày đêm siết lấy thân phận nghèo và những người dám lên tiếng vì lương tâm, và cũng bởi lương tri và cái nhìn thời cuộc một cách trong suốt lại là những ánh đèn nến trong đêm.

Kết

Báo chí lên tiếng nhiều hơn vì có một sự bật đèn xanh trong bối cảnh đốt lò, nhiều người bảo đây là cơ hội ngàn năm để đòi lại công quyền cho người dân. Nhưng người viết vẫn có những trăn trở rất riêng, rằng : sau khi ánh lửa đốt lò bị tắt, thì cánh báo chí lại có tiếp tục lên tiếng ; người dân sẽ có quyền trở lại nơi mà họ bị buộc phải dời đi một cách trái pháp luật ? ; và liệu sau khi mở cửa báo chí đợt này, cánh báo chí có tiếp tục phải buộc im lặng tại một sự vụ khác...

Hay đúng hơn, báo chí Việt Nam liệu có đang trưởng thành hơn, hay những động thái vừa qua chỉ càng cho thấy tính 'công cụ' của báo chí trong phục vụ hoạt động chính trị ? Và đến bao giờ, cánh chính giới của nền báo chí Việt Nam mới thực sự viết vì nghề nghiệp, phản ảnh vì lương tâm đối với những 'thân phận phản động' ? 

Ánh Liên

Nguồn : VNTB, 12/05/2018

Quay lại trang chủ
Read 859 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)