Vụ việc Giáo sư Trương Nguyện Thành không đạt đủ tiêu chuẩn để được bổ nhiệm vào vị trí Hiệu trưởng trường Đại học Hoa Sen được hiệu trưởng đương nhiệm của trường này giải thích phải tuân thủ pháp luật trong việc bổ nhiệm. Tuy nhiên, việc bổ nhiệm hiệu trưởng tại Đại học Hoa Sen từng có trường hợp ngoại lệ. Thực hư câu chuyện bổ nhiệm hiệu trưởng ở trường đại học tư thục Hoa Sen như thế nào ?
Ảnh minh họa : Giáo sư Trương Nguyện Thành và Đại học Hoa Sen. Courtesy : RFA Edited.
Hụt hẫng và tiếc nuối
Đài RFA ghi nhận mặc dù Giáo sư Trương Nguyện Thành, Hiệu phó Đại học Hoa Sen, từng được mệnh danh là "Giáo sư quần đùi", đạt tín nhiệm với số phiếu 16/18 trong cuộc họp của Hội đồng quản trị bầu hiệu trưởng cho nhiệm kỳ 2017-2022, tuy nhiên ông không được công nhận bổ nhiệm cho chức vụ này, vì vướng phải Khoản 2a Điều 20 trong Luật Giáo dục Đại học, quy định "có kinh nghiệm quản lý cấp khoa, phòng của cơ sở giáo dục đại học ít nhất 5 năm".
Sau khi Giáo sư Trương Nguyện Thành công bố chính thức chia tay Đại học Hoa Sen và trở về Mỹ giảng dạy, nhiều người quan tâm đến giáo dục Việt Nam tỏ ra tiếc nuối.
Nhiều sinh viên của trường Đại học Hoa Sen được trích dẫn chia sẻ hối tiếc một vị giáo sư với những ý tưởng sáng tạo, khơi nguồn cảm hứng qua các bài giảng mới lạ và là một luồng gió mới điển hình cho tiêu chí của trường là tôn trọng sự khác biệt.
Dư luận bày tỏ sự tiếc nuối vì một nhân tài không thể tiếp tục cống hiến cho ngành giáo dục nước nhà và có thể góp phần dẫn đến hậu quả không thể thu hút sự đóng góp của nhân sĩ trí thức hải ngoại gốc Việt cho Việt Nam.
Phó Giáo sư-Tiến sĩ Lưu Tiến Hiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Hiệu trưởng Đại học Hoa Sen nói với truyền thông rằng nhà trường cảm nhận một sự hụt hẫng khi trường không thể bổ nhiệm Giáo sư Trương Nguyện Thành vào chức vụ hiệu trưởng nhiệm kỳ 2017-2022, nhưng nhà trường không thể làm khác hơn vì phải tuân thủ pháp luật.
Tuân thủ pháp luật ?
Qua tìm hiểu về trường Đại học Hoa Sen, chúng tôi được biết, bà Bùi Trân Phượng được bổ nhiệm chức vụ Hiệu trưởng Đại học Hoa Sen hồi tháng 11 năm 2006, trong khi bà tốt nghiệp tiến sĩ tại Đại học Lyon 2 vào năm 2008. Theo quy định trong Khỏan 2b Điều 20 của Luật Giáo dục Đại học thì tiêu chuẩn hiệu trưởng trường đại học phải có trình độ tiến sĩ, do đó bà Bùi Trân Phượng đã không đủ tiêu chuẩn để được bổ nhiệm vào chức vụ hiệu trưởng Đại học Hoa Sen tại thời điểm bà đã được bổ nhiệm.
Để tìm hiểu liệu có sự khác biệt nào trong việc bổ nhiệm hiệu trưởng giữa hai trường hợp của cựu Hiệu trưởng Đại học Hoa Sen, bà Bùi Trân Phượng và Giáo sư Trương Nguyện Thành, Đài RFA liên lạc với bà Nguyễn Thị Hòa, một trong những cổ đông lớn của Đại học tư thục Hoa Sen và bà đã từ chối trả lời thắc mắc của chúng tôi :
"Việc này bạn cứ liên hệ trực tiếp với trường Hoa Sen nhé. Tôi không trả lời được nhé !"
Đài Á Châu Tự Do cũng liên lạc với Tiến sĩ Lưu Tiến Hiệp liên quan vấn đề vừa nêu, nhưng :
"Không. Thưa, tôi không cho phỏng vấn. Tôi thấy điều này xong rồi. Cảm ơn chị".
Chúng tôi nêu vấn đề với Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hưng và được ông chia sẻ :
"Điều tôi thấy hồi cô Phượng làm hiệu trưởng là tiếp tục vai trò hiệu trưởng mà cô đã có rồi, khi trường này chưa phải là trường đại học. Trước đó là một trường cao đẳng thì cho phép một người không cần có bằng tiến sĩ cũng có thể làm hiệu trưởng. Sau này khi trường Hoa Sen thành trường đại học và lúc đó cô Phượng tiếp tục làm hiệu trưởng, đã qua trót lọt được mà không ai đưa ra thành vấn đề cả. Tôi không biết có gì khuất tất hay không, nhưng chắc cũng có vấn đề gì đó cho nên cô Phượng mới nhanh chóng sang Pháp trình luận án tiến sĩ về sử học, để phòng khi có việc gì xảy ra thì cô ấy không bị ảnh hưởng gì. Tôi muốn nói là ở Việt Nam, pháp luật không rõ ràng, tôi không thể nói nó là minh bạch được. Cho nên câu hỏi của RFA đặt ra thì tôi không nắm được chi tiết bên trong để trả lời cho rõ, nhưng tôi nghĩ câu hỏi cũng có lý của nó".
Hướng giải quyết
Trước xôn xao về vụ việc của Giáo sư Trương Nguyện Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, thuộc Bộ Giáo dục và đào tạo, bà Nguyễn Kim Phụng, vào ngày 9 tháng 5, nói với truyền thông rằng Giáo sư Trương Nguyện Thành vẫn còn cơ hội để trở thành Hiệu trưởng Đại học Hoa Sen, nếu Luật Giáo dục Đại học được Quốc hội thông qua vào tháng 11 năm nay, với những điều khoản được sửa đổi phù hợp. Bà Nguyễn Kim Phụng đưa ra trường hợp Đại học Hoa Sen có thể bổ nhiệm Giáo sư Trương Nguyện Thành với chức danh Hiệu phó và với lộ trình sửa Luật Giáo dục Đại học, nếu được Quốc hội thông qua thì Giáo sư Trương Nguyện Thành có thể đợi một năm để được bổ nhiệm vào chức vụ hiệu trưởng, sau khi Luật Giáo dục Đại học sửa đổi bổ sung và có hiệu lực trong năm 2019.
Trong khi đó, Giáo sư Trương Nguyện Thành, qua cuộc phỏng vấn với Báo Lao Động Online, vào ngày 9 tháng 5, nói rằng trường hợp của ông có thể xem như là một "ca" để nghiên cứu cho những quy định trong Luật giáo dục được thay đổi phù hợp với thực tiễn. Và, trong cuộc phỏng vấn với Báo Thanh Niên Online, Giáo sư Trương nguyện Thành nhấn mạnh với tâm huyết phát triển đại học thì phương diện quản trị là quan trọng, mà muốn thay đổi quản trị, chỉ có hiệu trưởng mới có quyền quyết định, còn hiệu phó không thể làm được.
Giáo sư Trương Nguyện Thành khẳng định không nên đặc cách cho ông, khi trả lời câu hỏi của báo giới về trường hợp cơ quan quản lý đặc cách cho ông làm hiệu trưởng vì ông tự thấy mình không phải là người đặc biệt và không muốn được đối xử đặc biệt. Giáo sư Trương Nguyện Thành nói thêm ông sẽ chờ cơ hội khác ở nơi ông cảm thấy có thể làm hiệu quả trong hoài bão đóng góp cho giáo dục đại học Việt Nam.
Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng cho rằng các quy định trong Luật Giáo dục cần được xem xét sửa đổi liên quan về tiêu chuẩn hiện hành của hiệu trưởng đại học. Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng nêu ý kiến của ông :
"Tại vì tôi nghĩ rằng khi một người làm hiệu trưởng một trường đại học thì quan trọng là tầm nhìn, tư duy và kiến thức của người hiệu trưởng để thực thi và tôn trọng những điều mà đại học cần thiết về tự do học thuật, về thái độ cư xử đối với sinh viên, về thái độ cư xử khi bổ nhiệm các giáo sư… Còn về vấn đề kinh nghiệm quản lý, tôi thấy nếu có thì càng tốt nhưng không phải là điều thiết yếu. Trong trường hợp nguời hiệu trưởng đến từ các nước phát triển và người hiệu trưởng đó có tinh thần vô tư và vì việc chung thì có thể dựa vào tinh thần này để kiểm tra, kiểm soát và làm cho những người trợ lý của mình làm việc một cách minh bạch, rõ ràng. Cho nên, tôi nghĩ điều đặt ra trong quy chế không nên cứng nhắc mà phải linh động".
Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng và một vài chuyên gia giáo dục mà Đài RFA tiếp xúc đề nghị Bộ Giáo dục và đào tạo và Quốc hội Việt Nam cần lưu ý cũng như cân nhắc kỹ lưỡng qua trường hợp bổ nhiệm hiệu trưởng ở Đại học Hoa Sen để ngành giáo dục không phải tiếc nuối một nhân tài như Giáo sư Trương Nguyện Thành, đồng thời những ai muốn đóng góp cho sự phát triển đại học tại Việt Nam cũng không gặp khó khăn hay bị gián đoạn bởi những quy cũ cứng nhắc và lạc hậu.
Hòa Ái
Nguồn : RFA, 14/05/2018