Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

17/05/2018

Vì sao công an ‘buông’ hai cuộc gặp của nhân quyền Việt Nam với quốc tế ?

Thiền Lâm

Hiếm có lúc nào mà diễn ra hai cuộc gặp liên tiếp của giới bất đồng chính kiến và tôn giáo ly khai ở Việt Nam với giới ngoại giao quốc tế một cách đủ mặt và trọn vẹn nội dung như mới đây.

buong1

Cuộc gặp của phái đoàn ngoại giao Châu Âu với Hội đồng liên tôn tại chùa Giác Hoa vào ngày 16/5/2018. Ảnh : Tin Mừng Cho Người Nghèo

Trong hai ngày 15 và 16 tháng Năm năm 2018, một phái đoàn ngoại giao của các đại sứ quán Châu Âu là Phái đoàn Liên minh Châu Âu, các đại sứ quán Mỹ, Đức, Thụy Điển, Anh, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Hà Lan đã có liên tiếp hai cuộc gặp ở Sài Gòn với đại diện một số tổ chức xã hội dân sự và với Hội đồng liên tôn (một tổ chức gồm 5 tôn giáo ly khai). Cả hai cuộc gặp này đều thành công, hiện diện tương đối đầy đủ những khách mời Việt Nam, đặc biệt có mặt cả 4 đồng chủ tịch của Hội đồng liên tôn tại chùa Giác Hoa.

Vào thời gian trước, cũng ở những cuộc gặp tại chùa Giác Hoa của Hội đồng liên tôn với phía Mỹ và các tổ chức nhân quyền, tự do tôn giáo quốc tế, khá nhiều thành viên của Hội đồng liên tôn đã bị ‘ngăn chặn từ xa’, nghĩa là bị công an các cấp làm hàng rào chặn ngay tại nhà không cho ra khỏi cửa, do đó đã không thể đến dự cuộc họp với đoàn quốc tế.

Trong thực tế, biện pháp ngăn chặn tại nhà của công an, kéo dài từ khoảng hai ngày trước thời điểm gặp gỡ với quốc tế, là khá hiệu quả, vì ‘con mồi’ sẽ không thể di chuyển khỏi nhà vào bất kỳ thời gian nào.

Nhưng vì sao lần này công an lại ‘buông’ cho những đại diện xã hội dân sự và đại diện tôn giáo ly khai đến gặp ngoại giao đoàn Châu Âu ?

Lý do đầu tiên là chắc chắn : mặc dù vẫn dàn quân canh trước nhà một số người, nhưng động tác này của công an chỉ để ‘hù’, nhưng khi ‘con mồi’ quyết đoán ra khỏi nhà đến nơi gặp gỡ, công an không ngăn chặn thô bạo như trước mà chỉ đi theo và đứng bên ngoài nơi gặp gỡ. Trước đây, thỉnh thoảng tình huống ‘buông’ như thế cũng đã xảy ra với một số nhà bất đồng chính kiến.

Một lý do khác thuộc về khách quan : hai cuộc gặp của ngoại giao đoàn Châu Âu vào hai ngày 15 và 16 tháng Năm lại diễn ra ngay trước cuộc Đối thoại nhân quyền Việt – Mỹ tại Washington vào hai ngày 16 và 17 tháng Năm. Rất có thể những cuộc gặp của ngoại giao đoàn Châu Âu với các tổ chức nhân quyền và tôn giáo ở Sài Gòn là một phép thử để đánh giá rõ hơn về hứa hẹn của nhà cầm quyền Việt Nam về ‘tự do tôn giáo’ lẫn cam kết về tôn trọng nhân quyền trước người Mỹ và Liên minh Châu Âu.

Nhưng nguyên do thứ ba mới là cốt yếu : Việt Nam đang quá cần EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Châu Âu).

Khác hẳn với bầu không khí le lói hy vọng của chính quyền Việt Nam vào cuối năm 2017, giờ đây EVFTA lại phụ thuộc một phần không nhỏ vào… Trịnh Xuân Thanh.

Phiên tòa xử nghi can Nguyễn Hải Long liên quan đến vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’ đang diễn ở Berlin đang rất bất lợi cho chính thể Việt Nam và EVFTA, khi người Đức ngày càng kiên quyết tìm ra thủ phạm bắt cóc để áp dụng những biện pháp chế tài mạnh mẽ đối với Việt Nam, còn nhiều nước Tây Âu và cả Đông Âu lại nhìn vào Đức để ‘tái cơ cấu’ mối quan hệ ngoại giao và kinh tế với Việt Nam.

Vào tháng Năm năm 2018, đã xuất hiện một dấu hiệu nhỏ cho thấy Hà Nội dường như đã chịu xuống thang đôi chút trước thái độ cứng rắn của Berlin : từ nhà tù, Trịnh Xuân Thanh rút đơn kháng cáo đối với bản án chung thân, và con trai của Thanh cũng rút đơn đòi lại tài sản của Thanh mà đang bị chính quyền ‘câu lưu’.

Trong khi đó, đang có những xác nhận về việc công an Việt Nam đã trả lại hộ chiếu (bị tịch thu trái phép trước đó) và quyền xuất cảnh (bị cấm trái phép trước đó) cho một số nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền.

Sau 17 tháng tổ chức chiến dịch bắt bớ, tống giam và xử án nặng đối với rất nhiều người hoạt động nhân quyền, từ đầu tháng Mười Một năm 2017 đến nay, chính quyền Việt Nam có vẻ đã hạn chế bắt người bất đồng nhằm ‘vận động EVFTA’.

Kịch bản "vào trước, bắt sau" hầu như đang tái hiện. Vào năm 2006, chính thể Việt Nam đã nhún mình giảm đàn áp giới nhân quyền và bất đồng chính kiến để tiếp đón Tổng thống Mỹ George Bush tại Hà Nội, và sang năm 2007 Việt Nam được Mỹ nhấc khỏi CPC (Danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo), tức được giảm cấm vận kinh tế, đồng thời Việt Nam còn được Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) chấp thuận cho trở thành thành viên thứ 150. Nhưng chỉ một năm sau đó, từ năm 2008 trở đi, công an Việt Nam liên tiếp gia tăng tống giam người bất đồng như một kiểu "bắt bù".

Vào những ngày này, lại xuất hiện dấu hiệu cho thấy Việt Nam đang ráo riết vận động EVFTA ở cấp Ủy ban Châu Âu, để cơ quan này trình dự thảo hiệp định cho Cộng đồng Châu Âu và từ đó trình lên cấp cuối cùng là Nghị viện Châu Âu.

Có thể đã manh nha một cam kết nào đó của chính thể độc đảng ở Việt Nam với EU, hoặc với Đức.

Một chi tiết nhỏ nhưng đáng chú ý là trong cuộc gặp với Hội đồng liên tôn vào ngày 16/5/2018 tại chùa Giác Hoa, người đại diện của cơ quan ngoại giao Đức cho biết "kể từ nay quý vị sẽ an toàn hơn", và nếu có vấn đề gì thì cho họ biết ngay.

Thiền Lâm

Nguồn : CaliToday, 17/05/2018

Quay lại trang chủ
Read 637 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)