Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

20/05/2018

Tin tức giả hay không ai có quyền kết tội một người dựa vào sự mơ hồ !

Ánh Liên

'Tin tức giả' không phải là một thuật ngữ mà nhiều người đã sử dụng cho đến khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ (với sự tham gia của đương kim Tổng thống Donald Trump) bắt đầu, và giờ tin tức giả được xem là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với dân chủ, tranh luận tự do của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

tingia1

Tin tức giả tràn lan trên mạng gây tổn hại đến giá trị tự do - nhân quyền 

Hiện nay, tin giả mạo vẫn đang hoành hoành trên mạng xã hội, và không ít người (kể cả những người muốn thúc đẩy giá trị dân chủ - nhân quyền) cũng đang mắc phải.

Trong 8 giai đoạn để loại trừ tin tức giả mạo, thì người Việt lại yếu kém ngay từ khâu kiểm chứng nguồn tin ; tức là việc xác minh rõ nguồn tin đó có thực hay không, bằng chứng (hình ảnh, video, audio có liên quan), thậm chí là cả đối chứng (giữa nguồn tin này với nguồn tin kia).

Hậu quả của tin giả mạo là giật gân, đánh vào tính hiếu kỳ/tò mò của người đọc trên mạng xã hội. Thậm chí ở những mảng như chính trị - xã hội, tính giả mạo được xếp hàng cao nhất, bởi yếu tố đảo chiều liên tục của mảng tin tức này.

Thiếu khâu kiểm chứng, và tin tức giả được lan truyền với tốc độ chóng mặt. Minh chứng rõ nhất là những video có 'yếu tố Trung Quốc' như gạo nhựa Trung Quốc gây xôn xao dư luận (nhưng thực chất đó là hạt nhựa được tái chế từ nhựa phế phẩm, và giá thành hạt nhựa đắt gấp nhiều lần gạo), hay tin tức liên quan đến chính trường Việt Nam nhưng có sự hư cấu, ví dụ người đứng đầu nhà nước Việt Nam là robot.

Mới đây nhất, câu chuyện liên quan giữa một hiệp sĩ Thành phố Hồ Chí Minh và là một nhà hoạt động tiếp tục gây bão dư luận, khi nhà hoạt động này cho rằng - 'hiệp sĩ' này từng ra tay trấn áp bà trong cuộc biểu tình 2016. Nguồn tin này sau đó được sử dụng và đăng lại ở nhiều fanpage lẫn website tin tức, nhưng vấn đề là trong khi câu chuyện chưa được làm rõ thì một bức ảnh (được photoshop) xuất hiện nhằm cho thấy người hiệp sĩ đó là công an nằm vùng.

Một sự kiện liên quan đến Thẩm phán Tòa án nhân dân Bìa Rịa - Vũng Tàu - ông Huỳnh Ngọc Thiện cũng không khá hơn, khi ông này bị tấn công bằng một bức ảnh (giả mạo) cho thấy tay ông Thiện 'sờ' ngực của một bức ảnh nữ giới khỏa thân. Sở dĩ xuất hiện bức ảnh mang tính tấn công này là vì ông đại diện ra tuyên phạt bị cáo Nguyễn Khắc Thủy (78 tuổi, trú tại Thành phố Vũng Tàu) 18 tháng tù, cho hưởng án treo vì tội dâm ô gây 'phẫn nộ dư luận'. Và bức ảnh giả này cũng thu hút hàng ngàn lượt share/like cũng như phản hồi phẫn nộ của cộng đồng mạng.

Cả hai yếu tố hình ảnh, thậm chí cả câu chuyện được đẽo gọt theo nhiều cách khác nhau nêu trên giống nhau ở chỗ : yếu tố sự thật lại không được tôn trọng và mục đích là tấn công vào danh dự/nhân phẩm của một người.

Tin tức giả có thể do ngay tình hoặc không ngay tình, tức là người đưa thông tin có thể cố tình tạo ra tin tức giả nhằm mục đích và mưa đồ xấu, nhưng cũng có thể họ vô tình nhầm lẫn, và nếu sự nhầm lẫn đó rơi vào một xu hướng (trend) đang nóng, thì lập tức nó được thổi phồng, hư cấu lên.

Do vậy, 'ông đồn mười, bà đồn một trăm' là biểu hiện sự lây lan tin đồn và bản chất nguồn tin giả, nhất là trong thời đại like/share trên mạng xã hội trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.

Vấn đề là, hậu quả gây ra bởi tin tức giả chính là sự sụp giảm uy tín, thậm chí nếu một người nào đó nằm trong hệ cộng đồng có liên quan, thì lập tức danh tiếng của cộng đồng đó cũng sẽ bị ảnh hưởng. Không đâu xa, trong cộng đồng những người muốn sự thay đổi về mặt dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam, nếu như tin tức giả không bị kiểm soát, thì vô hình chung biến cộng đồng thành nơi 'đấu tố' một cách vô cớ và truyền tải thông tin theo hướng 'lá cải'. Về trước mắt, nó có thể thu hút được sự quan tâm với lượt like/share vô tội vạ, nhưng về mặt lâu dài, nó biến nguồn tin của cộng đồng đấu tranh trở thành một nguồn vô giá trị (từ ngôn ngữ tới hành vi về sau này). 

tingia2

Một hình ảnh làm giả nhằm tấn công vào ông Nguyễn Việt Sin

Nguồn tin tức giả đó có thể do một cá thể nào đó có chủ ý tuôn ra và khiến cho tính kiểm định thông tin trong cộng đồng bị hạ thấp. Nhưng trên hết, thì bản thân những người trong cộng đồng cũng thực sự thờ ơ và chưa chú ý về mặt thông tin giả này, bởi có vẻ phần lớn cái họ cần là tin tức nóng bỏng, thời sự...

Vậy làm thế nào để ngăn chặn và đẩy lùi nạn tin tức giả ? Có lẽ trước hết bản thân mỗi nhà hoạt động hoặc quan tâm đến nhân quyền - dân chủ cần phải nhận thức lại lượng thông tin hiện nay, nó là một khối lượng rất lớn (bigdata), mà bản thân phải tỉnh táo để tiếp thu có chọn lọc. Do đó, trước hết, trong đại dương thông tin đó, mỗi người cần bình tĩnh và có trách nhiệm với like/share. Bởi công cụ hay tính năng gì càng dễ dàng, thì càng phải gia tăng tính trách nhiệm để thấy mình là một người thông minh trong sàng lọc thông tin.

Đó cũng là cách để gây dựng uy tin cá nhân/tổ chức, và không khiến cho nhiều cá thể đi từ ủng hộ sang tách, rồi đối lập với cá nhân/tổ chức. Bởi suy cho cùng, không ai có quyền kết tội một người dựa vào những bằng chứng mơ hồ, suy diễn.

Dù sao đi chăng nữa, lọc một tin tức giả cũng là phương cách 'thêm một người bạn, và bớt một kẻ thù'.

Theo nhà báo/blogger Hiệu Minh, có 8 cách sau đây có thể check được nguồn tin giả hay thật :

Một là, kiểm chứng nguồn tin. Nếu tin xuất phát từ những cá nhân/tổ chức có uy tín thì độ tin cậy cao hơn.

Hai là, hãy đọc thêm nội dung. Người đọc thường bị các tít hấp dẫn, đôi khi lướt qua đã nghĩ thế này là đủ, bỏ qua nội dung bên trong. Fake news hay dùng thủ thuật này để dắt mũi người đọc.

Ba là, kiểm tra tác giả : hãy sử dụng google hoặc thanh công cụ tìm kiếm Facebook.

Bốn là, đọc và suy ngẫm : đọc nguồn tin thì phải tự hỏi tính logic, sự thật có hay không, hoặc có gì để chứng minh điều đó. Không nên vội vàng kết luận mà bị hớ.

Năm là, kiểm tra ngày tháng : nhiều tin đã quá hạn nhưng lại bị giật tiêu đề như mới xảy ra.

Sáu là, đây có phải là đùa cợt hay không ? Người đọc dễ bị lầm giữa đùa và thật. Phải đọc kỹ mới có thể nhận ra.

Bảy là, tự nhận ra sự vô lý : tính thiếu logic của vấn đề, bao gồm cả bằng chứng có liên quan.

Tám là, tham vấn các chuyên gia.

8 yếu tố kiểm tra tin giả nêu trên là quy trình cần thiết để đảm bảo gạn lọc tin giả và sử dụng nguồn tin đúng cách. Và cũng là cách để đề cao trách nhiệm đối với việc đưa tin và chia sẻ tin tức.

Ánh Liên

Nguồn : VNTB, 20/05/2018

Quay lại trang chủ
Read 891 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)