Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

21/05/2018

"Mong muốn của chúng tôi là vượt khó, thoát nghèo" (!?)

Thiền Lâm

Hà Giang là ‘danh lam thắng cảnh’ của hiện tượng ‘cả dòng họ Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh làm quan’.

toyen1

Trụ sở hiện thời của chính quyền tỉnh Hà Giang và ‘mong muốn của chúng tôi là vượt khó, thoát nghèo’. Ảnh : VnEconomy

Hà Giang cũng là một trong những tỉnh nghèo nhất Việt Nam, nhưng lại ‘mong muốn của chúng tôi là vượt khó, thoát nghèo’ bằng giải pháp… đòi xây trụ sở chính quyền 692 tỷ đồng ! 

Con số 692 tỷ đồng, dù chưa đạt đến ‘tiêu chí ngàn tỷ’ như trào lưu thời thượng xây trụ sở chính quyền vào năm 2015, nhưng đã bị Bộ Kế hoạch và đầu tư thẳng tay bác bỏ với giải thích ‘tổng vốn đầu tư công trung hạn đã được phân bổ cho bộ, ngành địa phương, không còn nguồn bổ sung thêm cho Hà Giang xây trung tâm hành chính’.

Khác nhiều so với năm 2015, vào năm 2017 kết quả thu nhân sách chỉ là 1.173 ngàn tỷ đồng (1.283 ngàn tỷ trừ 110 ngàn tỷ), chỉ đạt 96,8% dự toán thu đầu năm 2017, nếu không tính đến 110.000 tỷ đồng thu được từ bán vốn nhà nước tại Sabeco.

Kết quả 96,8% thu ngân sách năm 2017 không những không được xem là thành tích mà còn bị coi là một thất bại, bởi đây là lần đầu tiên sau nhiều năm, thu ngân sách quốc gia không đạt so với dự toán. Cũng là năm thứ ba liên tiếp, thu ngân sách từ khối trung ương không đạt dự toán.

Đó chính là nguồn cơn sâu xa và chua chát về việc tại sao trong năm 2018, Chính phủ phải tiếp tục đè dân thu thuế và tìm cách "bán mình" tại một số tập đoàn được xem là "bò sữa" luôn mang lại lợi ích cho chính thể và cầm hơi cho đảng cầm quyền.

Và không còn cách nào khác, nền ngân sách ruỗng mục vì nạn tham nhũng và chi xài lãng phí phải tự bóp họng, nếu không muốn gây ra sự sụp đổ nhanh chóng của một chế độ cầm quyền không còn nhiều lý do để tồn tại.

‘Không còn nguồn bổ sung’ cũng là tình trạng chung dành cho nhiều tỉnh thành, đặc biệt là những tỉnh như Hà Giang, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Khánh Hòa… mà cứ đến tết nguyên đán là lại vác bao ra xin gạo của Chính phủ để ‘cứu đói cho dân’.

Vào tháng 10/2015, giới lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa đã công bố dự án xây dựng khu trung tâm hành chính tỉnh với giá trị lên đến 4.300 tỷ đồng, tức vượt hơn cả mức dự toán trước đó "chỉ" khoảng 1.000 tỷ, đồng thời trở thành dự án trụ sở hoành tráng thuộc loại kỷ lục – so với các "tỉnh bạn" cùng dắt tay nhau dưới tấm biển chỉ đường của ý thức hệ dân đói quan no – như Hà Giang, Phú Yên, Lai Châu, Nghệ An, Hải Dương…

"Tổ yến" là tượng hình của dự án trên, được gắn nhãn quảng cáo "đã được Chính phủ phê duyệt".

Không chịu kém thua, chính quyền tỉnh Hà Tĩnh cũng đã muốn lặp lại sự ô nhục "tổ yến" tương tự. Một đề án xây dựng trung tâm hành chính của tỉnh này có thể "nuốt" đến 1.500 tỷ đồng.

Nhưng chính quyền Hải Phòng còn "màu" hơn thế nhiều. Dự án trung tâm hành chính – chính trị của địa phương này – cũng được giới lãnh đạo Hải Phòng rào chắn "đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương", rộng đến 324 ha, với tổng mức đầu tư 9.894 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương cấp 6.854 tỉ đồng, ngân sách thành phố và "các nguồn vốn hợp pháp khác" khoảng 3.039 tỉ đồng.

Dự án suýt soát gần 10.000 tỷ đồng của giới quan lại Hải Phòng càng khiến người ta dễ hình dung Bộ Giao thông và vận tải đã nổi máu tham đến mức nào hồi năm 2011, khi cơ quan này cũng trưng ra một dự án xây trụ sở với giá trị tương tự. Chỉ có điều, khi đó vẫn còn vài ba gương mặt đại biểu quốc hội dám cất tiếng ta thán nên cái trụ sở mười ngàn tỷ kia mới chưa thể thoát thai được…

Trong khi đó, nhiều trăm giáo viên tiểu học ở Hà Tĩnh và sau này là Thanh Hóa, Hà Giang phải nuốt nước mắt bỏ nghề do đồng lương chết đói.

Trong suốt chiều dài "xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" với chỉ số tăng trưởng GDP lên đến 7-8% từ báo cáo thâm đen của Chính phủ, tỷ lệ thất nghiệp thực tế vẫn lên ít nhất 20% lực lượng lao động và tỷ lệ hộ nghèo có thể cũng tương đương chừng đó. Nhiều gia đình nông dân ở vùng sâu vùng xa vẫn phải ăn độn cơm với củ. Có những đứa trẻ vùng cao còn phải bắt chuột ăn trừ bữa…

Dân khốn là thế, song dự án xây trụ sở ngàn tỷ cho nền hành chính "hành dân là chính" vẫn được "trên" chấp thuận. Thậm chí không một cái liếc mắt đến lớp bần hàn, giới quan lại nơi đây còn vẽ ra dự án làm casino để thêm một lần đào sâu hố phân hóa giàu nghèo…

"Cứ cho nó ăn ngập mặt để chết nghẹn hết đi !" – một ngư dân bùn đất bê bết gằn từng tiếng.

Có hàng triệu nông dân mạt kiếp như thế, bởi đa số những tỉnh đòi xây trụ sổ ngàn tỷ lại là những "điển hình tiên tiến" cực kỳ sâu sắc của bệnh tham quan vô lại vào thời mạt trị trên mảnh đất Việt Nam đã rời rã xương khớp.

Hãy liên tưởng lại "ngai rồng" và "cung điện Nông Đức Mạnh"… với tất cả thói hư tật xấu đến tận cùng vô liêm sỉ của giới quan lại Việt. Bằng vào cuộc chạy đua xây "tổ yến" không tiền khoáng hậu, giới quan chức "ăn của dân không chừa thứ gì" đang cố thực hiện những đục khoét cuối cùng mà không chờ đến ngày "hạ cánh an toàn", cùng với chiến dịch bồi đắp con ông cháu cha vào những chức vụ hàng đầu.

Nhưng thời hoàng kim đục khoét ngân sách màu mỡ đã qua, qua hẳn. Bây giờ là năm Mười Tám. Năm Mười Tám với một ngân sách đang lao nhanh đến vực thẳm.

Thiền Lâm

Nguồn : CaliToday, 21/05/2018

Quay lại trang chủ
Read 571 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)