Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Hội đồng Lý luận trung ương, tác giả Nghị quyết số 26-NQ/TW về "Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ" đã muốn vung tay quá trán, hay biết khó khăn mà vẫn liều khi ấn định đến năm 2020, năm áp chót của khóa đảng XII, sẽ "kiên quyết xóa bỏ tệ chạy chức, chạy quyền ; ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong cán bộ, đảng viên".
Hội nghị tổng kết thực hiện của nghị quyết trung ương - Ảnh minh họa
Liệu canh bạc may rủi này có giúp ông Trọng và Ban chấp hành trung ương khóa XII bảo vệ được chỗ đứng trong lịch sử đảng là những người đầu tiên thành công trong các lĩnh vực khó khăn này, hay tên tuổi họ sẽ bị nhấn xuống bùn đen khi khóa đảng XIII bắt đầu nhiệm kỳ mới (2021-2026) ?
Tuy còn sớm để đo lòng dạ cán bộ đảng viên khi Nghị quyết trung ương 7, khóa XII được thi hành, nhưng nếu căn cứ vào thất bại của các khóa đảng trước, kể cả khóa XI và XII do ông Trọng lãnh đạo, thì khả năng thành công của ông không nhiều vì thời gian chỉ còn hơn 2 năm.
Chuyện dài dài thêm
Cũng nên biết các tệ nạn "chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội vv…" , và tình trạng "suy thoái tư tưởng và đạo đức, lối sống" của cán bộ, đảng viên đã thoải mái sống chung với đảng và được nói đến từ khóa đảng VII thời Tổng bí thư Đỗ Mười chứ có mới mẻ gì đâu.
Thế mà sau gần 30 năm, từ khóa đảng VII đến giữa khóa XII, các cán bộ, đảng viên chuyên nghiệp "chạy" đã chạy nhanh hơn và số người suy thoái cũng đã sinh sôi nẩy nở năm sau nhiều hơn năm trước.
Đến bây giờ (nửa cuối tháng 5 năm 2018), dù khóa đảng XII và ông Nguyễn Phú Trọng đã đi được nửa nhiệm kỳ 5 năm, nhưng vấn đề xây dựng và chỉnh đốn đảng, được đặt ra từ Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 02/02/1999 của Trung ương 6 (lần 2), khóa đảng VIII (thời Tổng bí thư Lê Khả Phiêu) "Về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay", vẫn cứ trăm hoa đua nở khắp nơi thoải mái.
Vì vậy mà ông Trọng, sau khi thay thế Tổng bí thư Nông Đức Mạnh của 2 khóa đảng IX và X, đã phải bổ sung thêm 2 nghị quyết mới với nhiều chi tiết mới, cụ thể và cấp bách hơn về tình trạng suy thoái và xuống cấp của cán bộ, đảng viên.
Đó là :
- Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 16/01/2012, Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành trung ương Đảng (khóa XI) Về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay.
- Nghị quyết số 04/NQ-TW ngày 30/10/2016, Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành trung ương Đảng (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng ; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ.
Mục tiêu Nghị quyết 7
Từ hai nghị quyết này, ông Trọng chủ trương đổi mới cả hệ thống chính trị bằng những con người mới và tư duy mới trong nhiệm vụ lãnh đạo và công tác phục vụ trong cán bộ đảng, viên chức nhà nước, quân đội và công an.
Tham vọng thì nhiều, nhưng Hội nghị trung ương 7 lại khoán trắng đặc quyền về cán bộ cho đảng thì có mới mẻ gì hơn xưa ?
Nghị quyết viết : "Thực hiện nghiêm, nhất quán nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị".
Như vậy là dân chỉ có quyền "ngồi chơi xơi nước". Mọi việc đã có đảng làm cho người của đảng thì quyền làm chủ đất nước của dân và bổn phận làm đấy tớ cho dân của cán bộ, đảng viên có lằn ranh nào ngăn cách không ?
Đó là lý do buộc Nghị quyết phải vẽ ra cái hình trên giấy về điều gọi là "Phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ".
Trung ương 7 viết : "Thể chế hóa, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định của Bộ chính trị, Ban bí thư về công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ".
Các chữ "giám sát, phản biện xã hội" nghe qua tưởng quan trọng lắm, nhưng thực chất chỉ là hình thức dân chủ giả tạo để trang trí cho đảng. Từ xưa đến nay cái "cơ chế dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" đã bị đảng coi như không có.
Ngay đến Tổ chức Mặt trận Tổ quốc, nơi quy tụ hàng trăm Tổ chức chính trị-xã hội do đảng thành lập, hay được đảng cho phép hoạt động có làm nên cơm cháo gì giúp dân gì đâu. Tổ chức lãng phí tiền bạc của dân này là cơ quan ngoại vi làm việc cho đảng. Công tác nổi bật nhất của tổ chức này là chọn ứng cử viên vào Quốc hội và các Hội đồng nhân dân cho đảng để cho dân bỏ phiếu, qua các cuộc gọi là "hiệp thương". Vì vậy, với phương thức "đảng cử dân bầu" này, rất hiếm hoi có ứng cử viên tự do nào được ra ứng cử và đắc cử, nếu không lọt qua cửa ải "hiệp thương" của Mặt trận. Cũng chính vì vậy đã xảy ra nạn chạy tiền để đắc cử vào chức vụ Đại biểu quốc hội.
Lại Mác-Lênin và Hồ Chí Minh
Ngoài ít điều nêu trên, Nghị quyết "Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ" còn ràng buộc công tác chọn lọc cán bộ phải tập trung vào tuyệt đối trung thành với Đảng, Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Một số điểm quan trọng viết trong Nghị quyết :
- "Quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh ; quán triệt và thực hiện nghiêm Cương lĩnh, Điều lệ, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là về công tác cán bộ, xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ. Kiên quyết đấu tranh với những quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc ; mở rộng các hình thức tuyên truyền, nhân rộng những điển hình tiên tiến, những cách làm sáng tạo, hiệu quả".
- "Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và thế hệ trẻ, trong đó chú trọng nội dung xây dựng Đảng về đạo đức, truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc ; kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa đào tạo với rèn luyện trong thực tiễn và đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thực hiện nghiêm túc chế độ học tập, bồi dưỡng lý luận chính trị và cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, nhất là cán bộ trẻ được đào tạo ở nước ngoài".
- "Đối với cán bộ lãnh đạo, chỉ huy quân đội, công an : Tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân ; có ý thức tổ chức kỷ luật nghiêm, sức chiến đấu cao ; có số lượng và cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại ; từ 20 - 30% đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế".
Sợ diễn biến, chuyển hóa
Cũng đáng chú ý là trong Nghị quyết 7, Đảng đã nói đi nói lại nhiều lần phải đặc biệt quan tâm đến vấn đề tư tưởng chính trị của cán bộ, đảng viên. Điều này cho thấy Đảng quan tâm đến công tác đề phòng tình trạng "tự diễn biến" và "tự chuyển hóa" trong đội ngũ cán bộ, nhất là số 600 cấp lãnh đạo chiến lược, từ khóa đảng XIII trở về sau.
Đảng chỉ thị phải :
- "Tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ : Nắm chắc lịch sử chính trị và tập trung vào vấn đề chính trị hiện nay. Hoàn thiện quy định để xử lý, sử dụng những trường hợp có vấn đề về chính trị. Không xem xét quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử khi chưa có kết luận về tiêu chuẩn chính trị".
- "Rà soát kỹ, bổ sung đầy đủ thông tin, đánh giá chính xác, nắm chắc vấn đề chính trị của cán bộ".
Từ đó, Nghị quyết viết : "Thời gian tới cũng là giai đoạn chuyển giao thế hệ từ lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, được rèn luyện, trưởng thành trong chiến tranh, chủ yếu được đào tạo ở trong nước và tại các nước xã hội chủ nghĩa, sang lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, trưởng thành trong hòa bình và được đào tạo từ nhiều nguồn, nhiều nước có thể chế chính trị khác nhau.
Tình hình đó tác động mạnh mẽ, toàn diện, sâu sắc đến công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ".
Ngoài ra, có điểm mới trong Nghị quyết 7 là Đảng cộng sản Việt Nam đồng ý thu nhận cả nhân tài "người ngoài đảng" dù ở trong nước hay ở nước ngoài.
Nghị quyết viết : "Quy định khung cơ chế, chính sách ưu đãi để phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài có trọng tâm, trọng điểm, nhất là các ngành, lĩnh vực mũi nhọn phục vụ cho phát triển nhanh, bền vững. Xây dựng Chiến lược quốc gia về thu hút và trọng dụng nhân tài theo hướng không phân biệt đảng viên hay người ngoài Đảng, người Việt Nam ở trong nước hay ở nước ngoài".
Đây là tư duy mới, có thể sẽ được hoan nghênh theo hướng "hòa hợp hòa giải dân tộc". Tuy nhiên, nếu những ứng cử viên hay người được chọn làm cán bộ cho đảng cũng phải tuyệt đối trung thành với Đảng, Chủ nghĩa Mác-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh thì lá bài "người ngoài đảng ở trong nước hay ở nước ngoài"có nghĩa gì không ?
Hay Nghị quyết 7 là tín hiệu phải tìm mọi cách và bằng mọi giá để giữ đảng khỏi tan trước cơn hồng thủy suy thoái tư tưởng và tự diễn biến, tự chuyển hóa của cán bộ, đảng viên ?
Phạm Trần
(24/05/2018)