Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

24/05/2018

Quốc khố giàu mạnh : đến người bán trà đá cũng không từ !

Cát Linh

Tại buổi thảo luận tổ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIV, sáng 22/5, đại biểu Nguyễn Mạnh Tiến (Tây Ninh), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại đề cập đến những nguyên nhân làm cho nhà nước không thu được thuế, gây nên hụt thu cho quốc khố.

tra1

'Người bán trà đá tại Việt Nam là có tỉ suất lợi nhuận cao nhất trên thế giới' - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Mạnh Tiến nói - Courtesy of internet

Một ví dụ được vị đại biểu này nêu ra là "dù siêu lợi nhuận nhưng người bán trà đá tại Việt Nam lại không đóng đồng nào cho ngân sách".

Câu chuyện thu thuế và cách thức thu thuế của Việt Nam hiện đang có "vấn đề" hay chính người buôn bán nhỏ ở Việt Nam đang gây khó khăn cho quốc khố ?

Người bán trà đá : Họ là ai ?

Báo Lao Động trong nước trích dẫn nguyên văn phát biểu tại nghị trường của Đại biểu Nguyễn Mạnh Tiến khi đề cập vấn đề ngân sách sách nhà nước và cách thức thu thuế :

"Người bán trà đá tại Việt Nam là có tỉ suất lợi nhuận cao nhất trên thế giới, 5.000-7.000% nhưng lại không đóng đồng nào cho ngân sách, họ chỉ đóng tiền tượng trưng nào đó cho địa phương, thậm chí chỉ là vài người kiểu quản lý thị trường gì đó thôi. Trong khi đó trên thế giới, tất cả những người phát sinh thu nhập đều đóng thuế cho nhà nước trực tiếp luôn".

Rất rõ ràng, nếu dựa theo Luật thuế thu nhập cá nhân do Quốc hội ban hành Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi và hiện đang có hiệu lực, thì phát biểu của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Mạnh Tiến không sai với nội dung luật định. Không những đúng với Hiến pháp Việt Nam mà còn đối với tất cả quốc gia khác trên thế giới.

Chủ thể mà ông Tiến nhắc đến trong phát biểu trên nằm trong Điều 2 và Điều 3 của Chương 1 Luật thuế thu nhập cá nhân. Theo đó, người bán trà đá là đối tượng nộp thuế và có thu nhập chịu thuế từ hoạt động kinh doanh, sản xuất, dịch vụ.

Trong ngữ cảnh này, ngành nghề họ đang làm là kinh doanh và hàng hoá chính là trà đá, một mặt hàng rất phổ biến và rất bình dân ở Việt Nam. Hoạt động kinh doanh này có đặc điểm là không có chứng từ, hoá đơn mua bán. Sự trao đổi diễn ra đơn giản giữa những tờ bạc có mệnh giá không cao mà người lao động hay gọi là "tiền lẻ" và những ly nước gồm trà, đá và nước lạnh.

Đây cũng chính là cơ sở để ông Lê Văn Triết, nguyên ủy viên trung ương Đảng - Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, người xây dựng nền tảng đầu tiên cho chiến lược đàm phán Việt Nam gia nhập WTO, đưa ra bình luận về việc đánh thuế thu nhập và giá trị gia tăng vào thu nhập của đối tượng này :

"Tôi thấy việc đưa ra thuế thu nhập và giá trị gia tăng không phù hợp với sức đóng góp của người dân cũng như những người sản xuất ra của cải vật chất trong nước. Không hợp lắm với sức đóng góp của người dân.

Vì năng xuất lao động cũng như thu nhập của người dân, trừ trường hợp buôn bán đất đai không nói, nếu là những người dân làm ăn bình thường thì thu nhập khiêm tốn lắm. Cho nên nếu tăng thì theo tôi nó không phù hợp với thực tế của tình hình, mà nó cũng không phù hợp với túi của người dân có thể đóng góp vào xã hội, đất nước".

Thu nhập của họ như thế nào ? Có thật sự một vốn 7 lời như Đại biểu Nguyễn Mạnh Tiến đề cập hay không ?

Một phụ nữ bán nước ven đường ở ngoại thành Sài Gòn cho chúng tôi biết sự thật về lợi nhuận của việc bán một ly trà đá.

"Mấy ổng nói thu thuế đúng rồi vì mấy ổng thấy bán được. Một bịch bự nước đá bi 2.000 đồng, bán gần 10 ly. Một ly nước đá bỏ miếng đá, miếng trà vô bán 2.000 đồng".

Người đàn ông đẩy xe bán hàng rong trên đường phố Sài Gòn cho biết ông từ Hà Nội vào lập nghiệp. Những món ăn đường phố bình dân ông đang bán cũng đã phải chịu thuế.

"Bán trà đá thì lời vì chỉ có nước không, chè (trà), với đá. Bán 3 ngàn, có khi 5 ngàn cũng có".

Hạn chế quản lý gây thất thu thuế

Về đối tượng đóng thuế mà Đại biểu Nguyễn Mạnh Tiến lấy làm dẫn chứng, Tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng đó là dạng chủ thể chịu trách nhiệm về thuế khoán.

"Các hộ gia đình của Việt Nam như bán trà đá, bán cháo thì phải nộp thuế trên cơ sở là thuế khoán. Nghĩa là có một cán bộ thuế đến xem xét, tính toán số doanh thu của người đó rồi thương lượng, khoán một khoản thuế. Các khoản thuế đó thường là thấp hơn nếu anh có một cửa hàng đăng ký theo Luật Doanh nghiệp".

Theo những gì Tiến sĩ Lê Đăng Doanh được biết, chính những cá nhân hoặc hộ gia đình này phản ảnh rằng họ phải nộp những khoản thu ngoài pháp luật cho ông A, bà B ở phường, quận. Những khoản đó không phải là nhỏ. Và đương nhiên, theo pháp luật, đó không thể gọi là thuế.

Điều đáng quan tâm ở đây, cũng theo Tiến sĩ Doanh, đó là đã có một thoả thuận giữa những hộ/cá nhân này với cán bộ thu thuế.

"Lỗi đó không phải của họ mà của cán bộ thu thuế. Người ta nói là họ đã có 1 khoản chi để các cán bộ thu thuế hài lòng và chỉ thu 1 khoản thu khoán thấp ở mức độ nào đó thôi".

Đây cũng chính là chi tiết Đại biểu Nguyễn Mạnh Tiến nhắc đến tại nghị trường, đó là trong thời gian qua, việc đưa cán bộ đi thu thuế của người nộp thuế nên dễ xảy ra sự "thoả hiệp đôi bên cùng có lợi".

Đừng ‘ngắt ngọn ăn ngay’

Hình thức thuế khoán, hay như vấn đề Đại biểu Nguyễn Mạnh Tiến đặt ra về thu nhập siêu lợi nhuận của người bán trà đá mà không đóng đồng nào cho ngân sách, có phải là vấn đề làm cho ngân sách nhà nước hụt thu hay không ?

Câu trả lời của Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, ông Lê Văn Triết đó là không phải chúng ta tìm cách truy cứu trách nhiệm đóng thuế của người bán trà đá mà là chính sách thuế như thế nào để tạo điều kiện và thu hút người dân làm kinh tế.

"Cái thu nhập của nhà nước, của quốc khố yếu, không bù đủ chi thì người ta có những cách giải quyết khác căn cơ hơn. Đó là làm thế nào để tạo cho người dân hay người sản xuất có lợi nhuận cao hơn, thu nhập cao hơn, để trên cơ sở đó nhà nước có thu thuế, như thế nó phù hợp với quy luật phát triển của sự vật".

Ông nhấn mạnh, đây mới chính là con đường đi của vấn đề làm cho thu nhập của nhà nước tăng trưởng lên, mở rộng ra lợi nhuận. Và quan trọng là trên cơ sở đó, người dân sẽ tự nguyện đóng thuế cho nhà nước.

"Họ không đóng thuế nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, tức những loại nhập khẩu về để làm ra sản phẩm để nuôi sống doanh nghiệp, phát triển sản xuất. Họ giảm thu thuế đó để họ nuôi dưỡng sức sản xuất của người dân. Khi nền sản xuất phát triển ra, khi cái bánh nở thì người ta mới bắt đầu thu thuế. Như thế cái thu nó hiệu quả hơn, đỡ khó khăn cho dân hơn, cho doanh nghiệp và đỡ khó khăn cho sản xuất hơn.

Chính nhờ đó mới có thu nhập và bền vững được".

Thái Lan, quốc gia láng giềng với Việt Nam trong vùng Đông Nam Á được ông Lê Văn Triết cho rằng là quốc gia đã và đang thực hiện con đường đi như thế.

"Thuế nhập khẩu đánh vào các mặt hàng phục vụ cho sản xuất các ngành tiểu thủ công nghiệp và công nghiệp ở Thái Lan đánh thuế rất thấp. Chính nhờ đó sản xuất trong nước phát triển được. Và chính vì phát triển được mà họ nộp thuế tốt hơn. Từ thời ông Shirawatra làm chuyện đó rất mạnh tay và ổng nói nếu nhà nhập khẩu nào hay cơ quan nhà nước nào phạm đến chuyện đó thì họ sẽ có biện pháp".

Theo lời chia sẻ của vị Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, con đường này lẽ nên được suy nghĩ, nghiên cứu thực hiện từ rất lâu, đừng nên "ngắt ngọn ăn ngay" ở khâu nhập khẩu vật tư hàng hoá. Hãy tạo điều kiện "2 bên cùng có lợi" ở mặt vĩ mô, vừa có lợi nhuận cho người dân, vừa tăng ngân sách cho nhà nước. Đây mới chính là giải pháp giàu mạnh cho quốc khố, chứ không phải truy thu thuế từ một ly trà đá.

Cát Linh

Nguồn : RFA, 24/05/2018

Quay lại trang chủ
Read 700 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)