Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

07/06/2018

Sự thay đổi ở Biển Đông ?

Aparna Pande & Satoru Nagao

Khi Trung Quốc tăng cường xây dựng và quân sự hóa ở Biển Đông, Hoa Kỳ và các đồng minh của cũng đẩy mạnh hoạt động của họ ở vùng biển này.

change1

Một người cầm biểu ngữ 'Biển Đông không thuộc Trung Quốc'. Ảnh : Getting Images

Tháng 6 năm 2018 có thể trở thành một tháng quan trọng đối với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Ngoài Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Bắc Triều Tiên sắp tới, tháng này đã chứng kiến ​​Đối thoại hàng năm Shangri-La tại Singapore, nơi Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis, Bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, và nhiều quan chức khác đã nhắc lại cam kết chung của họ đối với khu vực. Modi, trong bài phát biểu khai mạc của Đối thoại Shangri-La vào ngày 1 tháng 6, nói về sự cần thiết về một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do với trật tự theo quy tắc, quyền tiếp cận bình đẳng và mở đối với tài nguyên và không gian chung, và tự do hàng hải. Về phần mình, Bộ trưởng Mattis nhấn mạnh rằng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là "sân khấu ưu tiên" của Mỹ. Ông nói : Mỹ sẽ vẫn ở lại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Chỉ vài ngày trước Đối thoại Shangri-la, ông đã đổi tên Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương thành Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Bộ trưởng Mattis cũng sử dụng bài nói ở Shangri-La để chỉ trích Trung Quốc, nói rằng chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông trái ngược với sự cởi mở mà Mỹ cổ suý. Một vài ngày trước đó, ngày 28 tháng 5, ông đã thông báo với phóng viên rằng ông sẽ tiếp tục chính sách sử dụng các cuộc tập trận hải quân của mình để gửi một thông điệp tới Bắc Kinh : Hoa Kỳ và các đồng minh không đồng ý với tuyên bố lãnh thổ-lãnh hải của Trung Quốc ở Biển Đông và chống lại việc Trung Quốc quân sự hóa ở vùng nước tranh chấp này.

Những nhận xét này từ bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ được đưa ra vài ngày sau khi hai tàu chiến của Mỹ vào khu vực 12 hải lý của bốn đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã xây dựng ở quần đảo Hoàng Sa, một quần đảo nằm ngoài khơi phía đông của bờ biển Việt Nam. Sự kiện này đi liền với việc Hoa Kỳ huỷ bỏ lời mời Trung Quốc tham dự vào cuộc Tập trận RIMPAC, cuộc tập trận hải quân có quy mô lớn nhất thế giới với sự tham dự của hơn 20 quốc gia khắp Thái Bình Dương.

Chiến lược lớn của Mỹ ở Châu Á và Thái Bình Dương, kể từ khi kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ hai, đã tập trung vào việc tạo ra kiến ​​trúc ngoại giao và an ninh Châu Á dựa trên sức mạnh kinh tế và quân sự của Mỹ, kết hợp với một mạng lưới các đối tác và đồng minh trong khu vực. Sự gia tăng kinh tế và quân sự của Trung Quốc trong hai thập kỷ qua đã trở thành một thách thức ngày càng tăng đối với sự ưu việt này của nước Mỹ.

Bắt đầu với Biển Đông và Biển Hoa Đông, chiến lược của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng một cách dần dần, với việc xây dựng các căn cứ và cảng cũng như đảo nhân tạo để đưa ra một thực trạng mới. Cùng trong thời gian đó, Trung Quốc khẳng định mục tiêu của nó là hòa bình cùng với những hoạt động như giúp quốc gia khác xây dựng đường xá và hải cảng, nhưng những công trình này có thể được sử dụng trong dân sự và quân sự, được xây dựng bằng những khoản vay lãi suất cao và biến những nước được giúp đỡ này thành những con nợ của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ.

Trong vài tháng gần đâu, Washington đã liên tục chống lại chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc. Vào tháng 4 năm 2018, Trung Quốc đã tiến hành cuộc tập trận kéo dài hai ngày ở Biển Đông, do Chủ tịch nước Tập Cận Bình chủ trì. Theo báo cáo, hơn 48 tàu hải quân và 76 máy bay chiến đấu đã tham gia. Các báo cáo của Mỹ và Nhật cho rằng ngoài việc đưa nhiều máy bay chiến đấu, Trung Quốc đã triển khai các tên lửa chống tàu đến ba hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông trong các cuộc tập trận hải quân này.

Bắc Kinh đã khẳng định rằng việc triển khai "cơ sở quốc phòng cần thiết" này "không có gì liên quan đến quân sự" và là quyền của nó. Tuy nhiên, như cựu Ngoại trưởng Rex Tillerson tuyên bố vào tháng 10/2017, Trung Quốc đã liên tục làm suy yếu "trật tự quốc tế, dựa trên quy tắc" bởi "hành động khiêu khích" ở Biển Đông"và trực tiếp thách thức luật pháp và quy tắc quốc tế".

Bộ trưởng Mattis nói rằng tự do hàng hải ở Biển Đông đang bị suy giảm một cách từ từ và "chỉ có một quốc gia dường như thực hiện những hành động cho việc đó hoặc chịu trách nhiệm cho việc đó.

Chiến lược của Hoa Kỳ để chống lại việc Trung Quốc muôn biến Biển Đông làm của riêng đang được hỗ trợ bởi các đồng minh và đối tác trong khu vực. Với dân số hơn một tỷ người, Ấn Độ là quốc gia có đủ nhân lực để đối phó với Trung Quốc. Ấn Độ cũng đã nhìn thấy sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc với sự nghi ngờ.

Trong khi khu vực Ấn Độ Dương là quan trọng đối với Ấn Độ, lãnh đạo của đất nước ngày càng tập trung vào Thái Bình Dương. Vào cuối tháng Năm, Indonesia và Ấn Độ đã ký một thỏa thuận theo đó Indonesia đã cho phép Ấn Độ tiếp cận đảo Sabang, một đảo có vị trí chiến lược ở phía bắc]của Sumatra và cách eo biển Malacca chưa đến 300 dặm. Ấn Độ muốn đầu tư vào cảng kép và khu kinh tế của Sabang và xây dựng một bệnh viện ở đó. Tàu hải quân và tàu ngầm của Ấn Độ sẽ ghé thăm cảng nước sâu này.

Vào đầu tháng năm 2018, lần đầu tiên kể từ Thế chiến II, Ấn Độ đã quyết định đưachiếc máy bay chiến đấu đến đậu ở quần đảo Andaman & Nicobar với mục đích để tăng cường quân sự trong khu vực quan trọng Malacca, Sunda, và dải Lumbok và Eo biển Ombai Wetar và khu vực phía đông Ấn Độ Dương. Hải quân Ấn Độ đã đưa tàu chiến vào khu vực và triển khai hai bến tàu nổi để sửa chữa và tân trang tàu chiến.

Nhật Bản và Vương quốc Anh đã tăng cường sự hiện diện quân sự của họ ở Biển Đông. Vào tháng 6 năm 2017, lần đầu tiên sau Thế chiến 2, tàu Izumo lớn nhất của Nhật Bản, thực hiện chuyến đi nước ngoài đầu tiên và tiến vào Biển Đông để tham dự một sự kiện hải quân ở Singapore. Chuyến đi dài 3 tháng trên Biển Đông của Izumo là một phần trong nỗ lực quân sự và ngoại giao của Thủ tướng Shinzo Abe chống lại sự hung hãn của Trung Quốc.

Vương quốc Anh có kế hoạch triển khai hai tàu sân bay mới, HMS Queen Elizabeth và HMS Prince of Wales, đến Biển Đông để bảo đảm tự do hàng hải ở đây. Theo Ngoại trưởng Boris Johnson, nhiệm vụ đầu tiên của hai hàng không mẫu hạm này "khẳng định niềm tin của chúng tôi vào hệ thống quốc tế dựa trên luật lệ và trong tự do hàng hải trêncác tuyến đường thủy có vị trí cực kỳ quan trọng đối với thương mại thế giới".

Australia, Canada, Pháp, Philippines và Việt Nam cũng lên án những động thái của Trung Quốc và gần đây đã triển khai lực lượng hải quân của họ ở Biển Đông. Vào ngày 29, Tổng thống PhilippinesRodrigo Duterte khẳng định Philippines có giới hạn của riêng mình đối lập với giới hạn của Bắc Kinh, cảnh báo chống lại bất kỳ nỗ lực đơn phương của Trung Quốc để khai thác tài nguyên trên biển này. Nếu "bất cứ quốc gia nào khai thác tài nguyên thiên nhiên ở Biển Tây Philippines (là tên mà quốc gia này gọi Biển Đông) thì Duterte sẽ sẵn sàng để "đi đến chiến tranh", theo Ngoại trưởng Alan Peter Cayetano. Kể từ khi Tổng thống Duterte lên nắm quyền vào tháng 6 năm 2016, Manila đã bị chỉ trích nặng nề vì thái độ mềm mỏng thậm chí nhu nhược vớiTrung Quốc. Nhưng với sự gia tăng căng thẳng ở Biển Đông và việc Trung Quốc tăng cường quân sự ở đây, không có gì đáng ngạc nhiên khiManila đang thay đổi thái độ của nó.

Vào tháng Tư năm 2018, Trung Quốc công bố một tượng đài trên đảo Đá Chữ Thập trên quần đảo Trường Sa như là một "thông điệp về quyết tâm của Trung Quốc để bảo vệ lãnh thổ của mình và quyền hàng hải". Trong vài năm qua Trung Quốc đã xây dựng nhiều đảo nhân tạo, cố gắng thiết lập một khu vực cấm bay và các tên lửa phòng không được triển khai tới Biển Đông. Người Trung Quốc dường như đang vận dụng nguyên tắc nổi tiếng từ Đối thoại Melian : "Đúng vậy, khi thế giới vận động, chỉ là sự đối đầu giữa những cường quốc, trong khi kẻ mạnh làm những gì họ có thể và kẻ yếu phải chịu đựng những gì họ phải chịu".

Nếu Hoa Kỳ và các đối tác trên thế giới muốn gửi một thông điệp, nó cần phải bằng một ngôn ngữ mà Bắc Kinh muốn hiểu. Triển khai tàu chiến, tàu sân bay, tập trận hải quân là quan trọng để cân bằng quân sự với Trung Quốc trong khu vực. Cần phải có những cơ chế để không cho Trung Quốc triển khai các máy bay trang bị bom mang đầu đạn hạt nhân, tàu ngầm với tên lửa đạn đạo và tên lửa hạt nhân. Việc gây sức ép gần đây là cần thiết nhưng cần phải có các hành động mạnh mẽ hơn nữa để đối phó với các hành động của Trung Quốc, trước khi quá muộn.

Aparna Pande & Satoru Nagao

Nguyên tác : A South China Sea Change ?, The American Interest, 04/06/2018

Nguồn : VNTB, 07/05/2018

Ghi thêm về tác giả :

- Aparna Pande là giám đốc của Sáng kiến về Tương lai của Ấn Độ và Nam Á tại Viện Hudson ở Washington.

- Satoru Nagao là một giảng viên thỉnh giảng tại Học viện Hudson và là một chuyên gia về hợp tác an ninh Ấn Độ-Hoa Kỳ.

 

Quay lại trang chủ
Read 554 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)