Những ai đã từng đọc Tam Quốc Diễn Nghĩa hẳn đều khó quên câu chuyện rừng mơ của Tào Tháo. Thời gian Lưu Bị còn nương nhờ dưới trướng Tào Tháo, nhân một lần mời rượu Lưu Bị, Tào Tháo đã kể lại một mẩu chuyện đáng nhớ, khi ông ta dẫn quân đi đánh Trương Tú. Bấy giờ đang là mùa hè, trời nắng như đổ lửa, dọc đường đi không có nước, tướng sĩ khát cào cuống họng. Để khích lệ quân sỹ, Tào Tháo bèn nghĩ ra một kế. Ông ta cầm roi trỏ bâng quơ về phía trước và nói : "Trước mặt có rừng mơ". Quân sỹ nghe nói đến mơ thì ai nấy đều ứa nước dãi, không những phần nào giải được cơn khát cháy cổ, mà tinh thần còn phấn chấn đến độ quên hết mệt nhọc, và chẳng mấy chốc họ đã đến được nơi cần đến.
Biểu tình tại Sài Gòn. (Hình : FB Trần Tiến Dũng)
Ý nghĩa của câu chuyện nằm ở chỗ, khi người ta tin tưởng mình đang đi đúng hướng và thắng lợi đang chờ ở phía trước, niềm tin đó sẽ chuyển hoá thành năng lượng vật chất, tiếp thêm sức mạnh cho họ và giúp họ đạt được mục đích của mình.
Gần một tháng nay, người người Việt trong và ngoài nước sôi sục trước thông tin Quốc hội Việt Nam chuẩn bị thông qua Dự luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (gọi tắt là Luật Đặc khu). Trước viễn cảnh nếu dự luật được thông qua, nhà cầm quyền Việt Nam sẽ mở toang cửa cho Trung Quốc tràn vào chiếm lĩnh 3 vị trí cực kỳ xung yếu về an ninh quốc phòng trong một khoảng thời gian vô hạn định, làn sóng phản đối dự luật bán nước này đã nhanh chóng lan toả trong các tầng lớp và cộng đồng người Việt, cả trong và ngoài nước, cả bên trong lẫn bên ngoài bộ máy.
Trước cơn bão phản đối mạnh mẽ chưa từng có của công luận đối với một dự luật do Chính phủ trình ra Quốc hội theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, ngày 9/6 vừa qua, nhà cầm quyền Việt Nam đã ra thông báo lùi việc thông qua Luật Đặc khu từ kỳ họp thứ 5 sang kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV "để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện", đồng thời bỏ quy định trường hợp đặc biệt với thời hạn cho thuê đất lên tới 99 năm.
Việc Chính phủ và Quốc hội Việt Nam thống nhất tạm hoãn thông qua Dự luật Đặc khu và trong dự luật không còn thời hạn cho thuê đất 99 năm có thể được xem là một sự nhượng bộ từ phía nhà cầm quyền và là một thắng lợi của các tầng lớp nhân dân cùng những thành phần "phản tỉnh" trong hệ thống hiện hành.
Tuy nhiên, đây dù sao cũng chỉ là thắng lợi bước đầu, bởi nhà cầm quyền mới chỉ thông báo là hoãn trình Quốc hội thông qua chứ chưa huỷ bỏ dự luật, trong khi bản chất Luật Đặc khu, như nhiều chuyên gia đã chỉ ra, là một đạo luật bán nước, không phụ thuộc vào thời hạn cho thuê đất 99 năm, 70 năm hay 50 năm. Nhiều người đã bày tỏ thái độ dứt khoát là không cho kẻ thù truyền kiếp của dân tộc thuê đất đặc khu, dù chỉ một ngày.
Cơn bão phản đối Luật Đặc khu hiện nay khiến người ta không khỏi liên tưởng tới bầu không khí phản đối dự án Bauxite Tây Nguyên gần 10 năm trước.
Lần đầu phải đối mặt với phản ứng mạnh mẽ của dân chúng (đặc biệt là các nhà chuyên môn cùng giới trí thức) cũng như một số thành phần tiến bộ đã hoặc đang nằm trong hệ thống, nhà chức trách Việt Nam lúc bấy giờ đã phải chấp nhận nhượng bộ. Ban đầu, giới hữu trách thậm chí còn định cho phép Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam liên doanh với Trung Quốc để thực hiện dự án khai thác bauxite. Tuy nhiên sau đó, trước áp lực của dư luận, phương án này đã bị huỷ bỏ.
Để quý độc giả có thể hình dung, nếu Vinacomin liên doanh với Trung Quốc thực hiện dự án Bauxite Tây Nguyên thì hàng nghìn người Hán sẽ cắm chốt tại Tây Nguyên ít nhất là cho đến hết đời dự án. Trong khoảng thời gian hàng chục năm ấy, lực lượng này có thể kết hôn với người Việt rồi sinh con đẻ cái, lập xóm lập phố và sinh sống đời đời kiếp kiếp ở đây. Trong khi đó, theo các chuyên gia quân sự, ai làm chủ được Tây Nguyên, nơi được mệnh danh là "nóc nhà Đông Dương", sẽ làm chủ được cả Đông Dương. Chừng ấy đủ cho thấy phương án Vinacomin liên doanh với Trung Quốc nguy hiểm đến thế nào đối với vận mệnh dân tộc.
Mặc dù những kẻ đứng sau dự án Bauxite Tây Nguyên đã phần nào nhượng bộ, nhưng do lúc bấy giờ số người lên tiếng còn chưa thực sự đông, cũng như do các đối thủ của "nhóm lợi ích Tàu" trong bộ máy không hình dung ra đầy đủ hiểm hoạ và chưa thực sự hết lòng vì dân vì nước, nên cuối cùng dự án khai thác Bauxite Tây Nguyên vẫn được triển khai tại Nhân Cơ (Đak Nông) và Tân Rai (Lâm Đồng), theo phương án Vinacomin đầu tư 100% vốn và nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu xây dựng nhà máy. (Sau khi xây dựng xong, tổng thầu bàn giao nhà máy cho chủ đầu tư theo hình thức "chìa khoá trao tay" và rút nhân lực về nước).
Rốt cuộc, dự án Bauxite Tây Nguyên vẫn để lại những di hoạ vô cùng nặng nề cho chúng ta : môi trường bị tàn phá không thể phục hồi và đặc biệt là không biết bao giờ chúng ta mới có thể vô hiệu hoá được những quả "bom bùn đỏ" đang lơ lửng trên đầu dân tộc. (Hiện nay, cả hai nhà máy đều phải dựa vào Trung Quốc để được hỗ trợ kỹ thuật và cung cấp phụ tùng thay thế. Và nếu được kích hoạt, những quả bom nổ chậm kia có thể nhấn chìm cả Miền Đông Nam Bộ trong bùn đỏ).
Những kết quả khiêm tốn của chiến dịch phản đối dự án Bauxite Tây Nguyên cùng thắng lợi bước đầu của cao trào phản đối Dự luật Đặc khu cho chúng ta thấy những nỗ lực của chúng ta hoàn toàn không vô ích, đất nước chúng ta hoàn toàn có thể thoát khỏi hiểm hoạ Đại Hán, miễn là những người Việt Nam yêu nước thương nòi cả bên trong lẫn bên ngoài hệ thống đoàn kết vì mục tiêu chung và quyết tâm chiến đấu đến cùng với bè lũ cướp nước và bán nước.
Hơn ai hết, hậu duệ của Tào Tháo chính là những kẻ biết rút ra bài học từ câu chuyện rừng mơ của ông ta. Đám hậu bối của Tào Tháo trong Trung Nam Hải thậm chí còn thâm hiểm đến mức nhào nặn ra cái gọi là "Mật ước Thành Đô" nhằm mục đích chủ yếu là làm nản lòng những người Việt yêu nước vẫn đang âu lo cho vận mệnh nước nhà trước hiểm hoạ Đại Hán. Càng tin vào "Mật ước Thành Đô" càng khiến những người Việt yếm thế nghĩ rằng, dù mình có cố gắng đến mấy đi nữa thì rồi đến năm 2020 Việt Nam cũng sẽ "gia nhập đại gia đình các dân tộc Trung Quốc" như nội dung "Mật ước Thành Đô" (1).
Tuy "Mật ước Thành Đô" không có thật, song âm mưu cướp nước của Bắc Kinh và dã tâm bán nước của một số tên Việt gian trong ban lãnh đạo cộng sản Việt Nam lại là sự thật không thể chối cãi. Điều đó giải thích cho sự tồn tại của những Bauxite Tây Nguyên, Dự luật Đặc khu hay vô số hiểm hoạ "made in China" khác trên khắp Việt Nam suốt nhiều năm qua.
Bất luận thế nào, việc nhà cầm quyền Việt Nam mới đây tạm hoãn thông qua Dự luật Đặc khu càng củng cố thêm niềm tin cho chúng ta rằng cuộc đấu tranh của chúng ta hoàn toàn không vô vọng. Và chừng nào chúng ta còn mang trong mình niềm tin sắt đá ấy, chừng nào chúng ta còn tiếp tục đấu tranh, chừng đó tương lai đất nước còn nằm trong tay chúng ta.
Lê Anh Hùng
Nguồn : VOA, 11/06/2018
(1) Nên hiểu ‘Mật ước Thành Đô’ như thế nào ?", VOA 13/12/2017