Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

16/02/2017

Phải đưa cuộc chiến biên giới phía Bắc vào sách giáo khoa

Vũ Dương Ninh

Cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc từng là nỗi đau của dân tộc vì hàng chục ngàn chiến sĩ, người dân đã bỏ mình khi Trung Quốc xua quân tiến đánh nước ta vào năm 1979. Có điều kể từ sau Hội nghị Thành Đô đến nay báo chí không được phép nhắc tới, sách giáo khoa cũng không dạy cho học sinh dù chỉ là một cách sơ sài. Từ nhiều năm trước dư luận đã bức xúc và yêu cầu đổi chương trình lịch sử trong sách giáo khoa cho tới thời gian gần đây thì việc này mới được Bộ giáo dục cho phép trong chương trình cải cách sách giáo khoa.

giaokhoa1

Người dân Hà Nội tưởng niệm cuộc chiến xâm lược của Trung Quốc lên vùng biên giới phía Bắc Việt Nam 17/2/1979 - 17/2/2016.  AFP photo

Mặc Lâm phỏng vấn Giáo sư Vũ Dương Ninh, người tham gia vào việc biên soạn lịch sử trong sách giáo khoa mới sẽ xuất bản vào năm 2018.

Phải khách quan chuyện lịch sử

Mặc Lâm : Thưa Giáo sư, vấn đề cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc lại âm ỉ trở lại nhất là lúc mà sách giáo khoa mới sắp xuất bản. Là người tham gia biên tập chương trình mới ông có thấy vui về kết quả này không ?

Vũ Dương Ninh : Sự kiện này tôi nhớ hồi năm trước cũng đã có bàn bạc nhiều rồi. Sách giáo khoa không đưa lên đầy đủ nội dung của sự việc trong sách giáo khoa mà đưa một một cách sơ sài cho nên người học sẽ không nắm vững được vấn đề. Theo như năm ngoái đã thảo luận thì sách giáo khoa mới sẽ được cải biên một cách đầy đủ để cho học sinh có thể hiểu được những gì đã xảy ra.

Mặc Lâm : Trong một năm chờ đợi từ đây tới năm 2018 học sinh lại vẫn tiếp tục chịu thiệt thòi về những lỗ hổng mà Bộ Giáo dục tạo ra, ngoài việc phải chờ đợi thì thầy cô giáo có cách nào nhắc nhở một cách nhẹ nhàng về cuộc chiến năm 1979 không ạ ?

Vũ Dương Ninh : Thật ra thì bây giờ sách giáo khoa đang cải cách và người ta dự tính thay và đang viết trong năm nay. Chưa có sách giáo khoa mới nhưng các địa phương họ đều soạn thêm bài một cách rõ ràng theo ý đó. Theo kế hoạch thì đến năm 2018 khi có sách giáo khoa mới thì sẽ đưa nội dung mới vào còn bây giờ thì họ có những bài giảng để bổ sung vào những chỗ đó.

Mặc Lâm : Báo chí, dư luận xã hội đã nói quá nhiều về việc né tránh không cho học sinh biết sự thật về cuộc chiến tranh này, theo Giáo sư né tránh như vậy có phải là cách hành xử đúng đắn của nền giáo dục và liệu khi học sinh tự tìm hiều và biết được sự thật qua các nguồn khác thì kết quả sẽ ra sao ?

Vũ Dương Ninh : Tôi nghĩ thế này, nó là vấn đề lịch sử thì mình phải nói một cách khách quan những chuyện đã xảy ra. Vì nói hay không nói thì chuyện cũng đã xảy ra rồi phải cần cho học sinh biết. Vấn đề là thế này, chuyện xảy ra như vậy nhưng tại sao lại như vậy cần phân tích cho học sinh hiểu. Cũng như trước đây trong cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ thì mình cũng nói lên hết nhưng nó đâu có ảnh hưởng quan hệ Việt Pháp hay Việt Mỹ đâu ? Cái này nó có khó khăn hơn tức là nó không giống như đã xảy ra nhưng tôi nghĩ thế nào thì cũng phải nói một cách rõ ràng những sự việc nó xảy ra là như vậy.

Đến lúc phải thay đổi ?

VIETNAM-CHINA-WAR

Người dân dọc biên giới phía Bắc thuộc tỉnh Lạng Sơn chạy lánh nạn khi Trung Quốc đem quân xâm chiếm Việt Nam. Ảnh chụp hôm 23/2/1979. AFP photo

Mặc Lâm : Nhiều nhận xét cho rằng Trung Quốc như một quả bom nổ chậm nằm ngay trên đầu Việt Nam nên cố tránh không gây tác động tới ngòi nổ của nó là thượng sách nhất. Theo ông không nhắc tới hay né tránh sự thật lịch sử có phải là cách hay nhất để tránh chiến tranh hay không ?Và tai hại nhãn tiền cho học sinh có được thấy trước ?

Vũ Dương Ninh : Vâng, tất nhiên đã gọi là lịch sử thì nó phải khách quan, nói cho đầy đủ còn né tránh thì hậu quả sẽ rất là tai hại. Một lần người ta đã không hiểu được điều gì đã xảy ra mà khi đã không hiểu thì nhận thức về tình hình sẽ sai lầm cho nên chúng tôi thảo luận nhất quyết phải đưa sự thật lịch sử vào trong sách giáo khoa. Dĩ nhiên sách giáo khoa thì không thể nói được hết bởi vì nó có khuôn khổ một bài giảng, khuôn khổ của một cuốn sách nhưng vấn đề cốt lõi là phải nói cho đúng những sự kiện đã xảy ra. Như vậy để tránh tình trạng học sinh không hiểu về những vấn đề đang xảy ra và do đó ý thức bảo vệ tổ quốc, ý thức về gìn giữ biên giới cũng như biển đảo mình phải nâng cao ý thức đó cho học sinh trong thế hệ thanh niên mới.

Những điều đó chúng tôi đã thảo luận và nhất quyết đề cập tới vấn đề này một cách khách quan, chân thực và từ đó nhắc nhở hai điều, một là nhắc nhở tới những người đã hy sinh trong cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước hai là nhắc nhở tinh thần luôn luôn sẵn sàng bảo vệ tổ quốc. Chúng ta sống trong hòa bình thế nhưng phải luôn luôn trong tư thế bảo vệ đất nước của chúng ta. Đó là những điều chúng tôi sẽ thể hiện trong sách giáo khoa.

Mặc Lâm : Trong thời gian gần đây báo chí có vẻ được nới lỏng khi nhắc tới cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc với những bài viết gây cho người đọc nhiều cảm xúc. Có phải việc cho phép cải biên sách giáo khoa nằm trong cùng một thời điểm mà người ta thấy cần phải thay đổi hay không ạ ?

Vũ Dương Ninh : Vâng lý thuyết thì như thế. Phải nói rằng cho tới nay sau khi diễn ra cái vụ dàn khoan thì mạng xã hội bùng lên từ đó người ta mới đặt vấn đề mạnh mẽ phải đưa lịch sử chống Trung Quốc vào sách giáo khoa và từ đó đến nay năm nào cũng thảo luận về vấn đề này nhất là các tiềm năng để mà thử nghiệm về các dữ kiện họ tấn công ta ở phía Bắc cũng như ở đảo Gạc Ma. Bây giờ gần như nó đã được khẳng định nhất thiết phải đưa vào sách giáo khoa.

Điều này thì chỉ có lợi thôi, có lợi cho việc giáo dục thế hệ trẻ, thế hệ mới và như tôi vừa nói họ sẽ hiểu về nhiệm vụ trong việc bảo vệ tổ quốc đồng thời cũng vinh danh những người đã hy sinh trong cuộc đấu tranh này. Những điều đó tôi thấy là cần thiết nhưng mà cho tới nay vẫn đang biên soạn sách giáo khoa mới cho nên trong lúc chờ đợi từ năm ngoái đến năm nay tức là trong khi chưa có sách giáo khoa mới thì các sở giáo dục đã có biên soạn các tài liệu bổ sung để giảng dạy rồi. Không còn như cũ nữa đâu mà họ đã bổ sung sách mới vào rồi. Thế còn khi bộ giáo khoa mới vào năm 2018 thì chắc chắn sẽ đem chương trình lịch sử mới này vào.

Mặc Lâm : Xin cám ơn Giáo sư.

Mặc Lâm, biên tập viên RFA

Nguồn : RFA tiếng Việt, 16/02/2017

**************

Trung Quốc nói về chiến tranh biên giới 1979 (BBC, 16/02/2017)

giaokhoa3

Cuộc chiến 1979 gây tổn thất lớn cho cả hai bên

Nhân dịp 33 năm cuộc chiến biên giới Việt-Trung, mời quý vị cùng điểm qua nguồn tin Trung Quốc nói về sự kiện này.

Gần đây, các trang mạng kể cả chính thống của Trung Quốc đăng tải một số bài viết về cuộc chiến biên giới 1979. Nhà nghiên cứu Dương Danh Dy gửi từ Hà Nội bản dịch của ông cho bài trên mạng China.com, tựa đề "Trong cuộc đánh trả tự vệ Việt Nam năm 1979 : Vì sao không chia cắt Việt Nam, thương vong khi rút về lớn hơn khi tấn công ?".

Bài viết nhận định : "Năm 1979, trong trận đánh trả tự vệ Việt Nam, quân đội Trung Quốc với thế nhanh chóng tấn công, quân Việt từng bước tan rã, quân đội Trung Quốc nhắm thẳng Hà Nội. Sau đó Trung Quốc tuyên bố trận đánh đã đạt mục đích, tự rút quân về nước".

Tuy nhiên, bài này cũng thừa nhận : "Lâu nay chúng ta luôn tuyên truyền và miêu tả rằng chúng ta đã thắng lợi và Việt Nam đã thất bại, nhưng cùng với thời gian những văn kiện của chính quyền và tư liệu của Việt Nam cho thấy, cuộc chiến này không lạc quan như tuyên truyền trước đây, trong đó có nhiều bài học nặng nề đau đớn khiến chúng ta không thể không phản tỉnh một cách sâu sắc".

Các bài học đó là : Thứ nhất, kỷ luật quân sự nghiêm túc đã làm "quân ta" phải trả giá trầm trọng.

"Ba kỷ luật lớn, tám điều chú ý mà quân đội ta giữ nghiêm đã phát huy tác dụng lớn trong cuộc nội chiến Quốc, Cộng ; thế nhưng khi chúng ta vào Việt Nam đánh quân đội và chính quyền Việt Nam mà vẫn thực hiện ba kỷ luật lớn tám điều chú ý là tự trói chân trói tay mình lại, hy vọng dùng những cái đó để tranh thủ sự giúp đỡ và ủng hộ của nhân dân Việt Nam thì chẳng khác gì đàn gẩy tai trâu, tự chuốc lấy nhục."

"Nhân dân Việt Nam không phải là công dân Trung Quốc, làm sao họ có thể gần gũi quân đội nước ngoài đánh vào đất nước họ ?"

"Chiến tranh là chiến tranh, nhất là chiến tranh giữa các quốc gia, anh không thể hy vọng nhân dân nước khác đánh trống khua chiêng hoan nghênh anh xâm chiếm người ta, đó chẳng qua chỉ là trò bịt tai đi ăn cắp chuông, tự lừa dối mình và lừa dối người."

Bài học thứ hai, theo bài trên China.com, là "không quân phát triển trì trệ, lạc hậu không có sức công kích".

"Thứ ba, hải quân Biển Đông lúc đó còn chưa phát triển. Cuộc chiến hoàn toàn diễn ra trên lục địa Việt Nam."

Tác giả bài viết tỏ vẻ luyến tiếc về việc Trung Quốc không nhân cơ hội thu chiếm luôn các đảo ở Biển Đông.

"Đánh Việt Nam vừa để dạy bài học, vừa thu hồi lãnh thổ bị chiếm, vùng gần biên giói trên bộ bị Việt Nam chiếm giữ đã thu hồi hết cớ làm sao không thu hồi các đảo, bãi trên Biển Đông bị Việt Nam chiếm giữ ?"

"Điều giải thích duy nhất là hải quân của chúng ta chưa đủ, không chỉ chưa đủ để đánh lùi hải quân Việt Nam chiếm giữ đảo bãi của ta mà còn khó có thể đóng giữ ở đó, đánh lùi được kẻ địch tới xâm phạm. Điều khiến người ta lấy làm tiếc là các đảo bãi trên Biển Đông dưòng như đã bị các nước láng giềng xung quanh chia nhau chiếm hết rồi."

Đặc biệt, bài viết còn cho rằng tới nay hải quân Trung Quốc "vẫn chưa dùng tới sức đã có của mình để giải phòng và bảo vệ các đảo, bãi thiêng liêng đó".

Lý do thứ tư gây ra tổn thất cho quân đội Trung Quốc được cho là vì "sức ép bên ngoài".

"Khi quân đội ta đã tiến gần Hà Nội, dưói sức ép của thế lực quốc tế đứng đầu là Liên Xô, chúng ta không chỉ tuyên bố đình chỉ tấn công, mà còn công khai tuyên bố lập tức rút quân."

"Đó là một sai lầm chính trị và quân sự to lớn, trước khi rút quân đã tuyên bố rút sẽ khiến kẻ thù dễ dàng có thời gian và không gian chuẩn bị phản kích, địch có chuẩn bị còn ta thì không, địch thong dong mà chúng ta vội vã, không bị thương vong lớn mới là chuyện lạ."

Tổn thất lớn

Cho tới nay, thống kê vẫn chưa đồng nhất về con số thương vong của hai bên trong cuộc chiến biên giới Việt-Trung, mà Trung Quốc khởi xướng với động cơ mà Bắc Kinh gọi là "đánh trả tự vệ".

Phía Trung Quốc nói quân lính Việt Nam chết và bị thương vào khoảng 50.000 - 70.000, lính Trung Quốc khoảng 20.000.

Cũng trên mạng China.com từng đưa ra con số được nói là theo ghi chép từ hồ sơ mật về Trận Phản kích Tự vệ với Việt Nam, rằng Trung Quốc "tiêu diệt gần 6 vạn quân Việt Nam, trong đó hơn 42.000 đã chết và hơn 10.000 người bị thương, hơn 2.000 người bắt làm tù binh".

Phía Việt Nam thì trong một số bản tin hiếm hoi nói tiêu diệt hơn 30.000 lính Trung Quốc.

Tạp chí Time của Mỹ lại đưa ra con số khá khác biệt : ít nhất 20.000 lính Trung Quốc thiệt mạng, trong khi số bộ đội Việt Nam chết chưa tới 10.000 .

Hàng nghìn dân thường Việt Nam cũng thiệt mạng và thương vong.

******************

Ai cố tình lãng quên cuộc chiến biên giới Việt-Trung 1979 ? (RFA, 15/02/2017)

giaokhoa4

Bộ đội Việt Nam trên vùng biên giới phía bắc trong cuộc chiến biên giới với Trung Quốc hôm 1/3/1979. 600 ngàn lính Trung Quốc tấn công các tỉnh dọc biên giới của Việt Nam ngày 17 tháng 2 năm 1979. AFP photo

Chiến tranh biên giới Việt-Trung năm 1979 được truyền thông chính thống Việt Nam nhắc đến trong vài năm trở lại đây khiến dư luận thắc mắc bởi vì trước đây là sự im lặng, thậm chí bia thảm sát người Việt do lính Trung Quốc thực hiện trong cuộc chiến biên giới bị đục bỏ.

Liệu có phải tâm tư, nguyện vọng của các gia đình cựu chiến binh cùng nạn nhân trong cuộc chiến được nhà cầm quyền Hà Nội lắng nghe sau gần 4 thập niên ?

Nhà nước không tổ chức tưởng niệm

Cuộc chiến biên giới nổ ra vào sáng sớm ngày 17 tháng 2 năm 1979 khi 600 ngàn quân lính Trung Quốc tấn công các tỉnh dọc biên giới của Việt Nam ; bao gồm Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai và Lai Châu. Sau một tháng, Trung Quốc tuyên bố đã đạt mục đích và rút quân. Ghi nhận cho thấy hàng ngàn người dân Việt, đa số là phụ nữ và trẻ em bị giết hại trong thời gian quân Trung Quốc đánh sang Việt Nam. Nhiều cơ sở hạ tầng như khu dân cư, nông trường, hầm mỏ, nhà máy… bị san bằng.

Tuy vậy, cuộc chiến biên giới Việt-Trung không hoàn toàn chấm dứt vào ngày 16 tháng 3 năm 1979, thời điểm rút quân cuối cùng của Trung Quốc ; mà xung đột vũ trang giữa 2 nước còn tiếp diễn cho đến năm 1990. Đến tháng 11 năm 1991, Hà Nội và Bắc Kinh chính thức ký kết bình thường hóa quan hệ ngoại giao.

Mặc dù Việt Nam gọi tên đó là cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía bắc, đẩy lùi được âm mưu xâm lược của Trung Quốc, nhưng suốt gần 3 thập niên, nhà cầm quyền Hà Nội không chính thức tổ chức tưởng niệm ; cũng như không được các cơ quan truyền thông do Nhà nước quản lý nhắc đến dịp ngày 17 tháng 2 hàng năm.

Dẫu thế không vì vậy mà ký ức về đồng bào bị thảm sát, dân lành và quân nhân bị thương vong bởi quân đội Trung Quốc tàn bạo gây nên bị lu mờ trong tâm tưởng của các nạn nhân còn sống sót và trong lòng của nhiều người dân Việt Nam. Họ đặt ra câu hỏi vì sao cuộc chiến biên giới Việt-Trung năm 1979, một trang sử hào hùng của dân tộc lại bị đảng và nhà cầm quyền lãng quên trong nhiều năm trời như thế ?

Đáp câu hỏi vừa nêu với RFA nhân dịp kỷ niệm 38 năm cuộc chiến biên giới Việt-Trung, một số nhân sĩ trí thức trong nước cho biết kể từ khi Liên Xô và khối Đông Âu tan rã, Hà Nội đã quyết định "bắt tay" với Trung Quốc như một cách để duy trì chế độ và thực hiện chủ trương cũng như chỉ đạo bộ máy hành chính Việt Nam không được nhắc lại chuyện cũ, những xích mích hay rạn nứt với Trung Quốc trước đó.

Được lên tiếng nhỏ giọt

VIETNAM-CHINA-WAR

Một lính biên phòng Việt Nam bị thương trong cuộc xâm lược của Trung Quốc lên các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam hôm 17/2/1979. AFP photo

Thế nhưng, Đài Á Châu Tự Do ghi nhận vài năm trở lại đây, truyền thông chính thống nhắc đến cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 một cách nhỏ giọt và ngày càng chuyển tải ý nguyện của nhiều người dân rằng lãng quên là có tội ; cũng như cần phải cho con cháu đời sau nhận thức rõ bản chất xâm lược của Trung Quốc qua cuộc chiến đó. Nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng, ông Kha Lương Ngãi lên tiếng về lập luận của ông vì sao có hiện tượng Hà Nội cho phép cơ quan báo đài trong nước đưa tin liên quan cuộc chiến biên giới sau nhiều năm cấm đoán :

"Tôi không có đầy đủ thông tin để phát biểu chuyện này nhưng theo tôi đoán họ bị mang tiếng là ôm chân Bắc Kinh, chịu lệ thuộc Bắc Kinh để được bảo hộ đảng và chế độ cầm quyền. Họ bị mang tiếng quá rồi cho nên họ nới lỏng ra. Chắc cõ lẽ là như vậy."

Từ Nha Trang, nhà báo độc lập Võ Văn Tạo cho biết theo ghi nhận của ông chiến tranh biên giới năm 1979 bắt đầu được truyền thông lề phải nhắc đến từ việc không đề cập ai đã khơi mào cuộc chiến cách nay vài năm và dần dần phổ biến thông tin đầy đủ hơn về cuộc chiến cũng như các hệ lụy sau cuộc chiến. Nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng đây là minh chứng cho dấu hiệu nới lỏng của Ban Tuyên giáo trong chỉ đạo đăng tải thông tin về chiến tranh biên giới năm 1979 nhưng không có nghĩa là được tự do trong việc đưa tin. Qua đồng nghiệp cũ và bạn bè trong giới báo chí, nhà báo Võ Văn Tạo được cho biết :

"Ban Tuyên giáo có chỉ đạo, ví dụ sắp tới đây là ngày bao nhiêu đó thì bắt đầu được đăng ; báo A, báo B đăng nhưng báo C, báo D thì chưa đăng rồi cách đấy một hai ngày thì báo C, báo D mới đăng… Đại khái là có những điều tiết nên không hoàn toàn là thống nhất, nhất quán đâu. Việc chỉ đạo báo chí thì cũng trồi sụt tùy theo ‘nóng lạnh’ giữa Ba Đình với Bắc Kinh."

Về phía dân chúng trong nước, những người quan tâm đến cuộc chiến tranh biên giới bi hùng năm 1979 chia sẻ với RFA việc tìm kiếm thông tin trong thời đại internet là đều không khó nhưng đối với họ đã đến lúc Chính phủ Việt Nam cần nhìn nhận cuộc chiến một cách đúng đắn và những người lính hy sinh để bảo vệ tổ quốc cần được vinh danh, cũng như tưởng nhớ nạn nhân bị sát hại trong cuộc chiến đó.

Hòa Ái, phóng viên RFA

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Vũ Dương Ninh
Read 4658 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)