Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

14/06/2018

Việt Nam sẽ giảm các doanh nghiệp quốc phòng

Jon Grevatt

Quốc hội Việt Nam đã thông qua việc sửa đổi luật hiện hành vào ngày 08/6 để hạn chế số lượng doanh nghiệp điều hành bởi Bộ quốc phòng và Quân đội Nhân dân Việt Nam.

qp1

Cán bộ, nhân viên Công ty cổ phần X20 giới thiệu sản phẩm với khách hàng.

Báo chí nhà nước nói rằng luật sửa đổi nhằm giảm ảnh hưởng mạnh mẽ của các doanh nghiệp quân đội trong các quyết định ký kết quốc gia cũng như giảm số lượng doanh nghiệp - cả quốc phòng và thương mại - được sở hữu bởi Bộ quốc phòng và Quân đội nhân dân.

Theo các báo cáo, Bộ quốc phòng và Quân đội nhân dân hiện sở hữu 88 công ty và mục tiêu của việc sửa đổi luật là giảm số lượng này xuống 17 trong thời gian ngắn trước khi nỗ lực xóa bỏ quyền lợi của quân đội trong tất cả các công ty trong vài năm tới.

Võ Trọng Việt, chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, nói "Một khi tiến trình kết thúc, sẽ không có đơn vị kinh tế nào được dưới quyền điều hành của Bộ quốc phòng, và các công ty còn lại chịu sự đối xử về quy tắc và chính sách như các công ty dân sự".

Tại thời điểm năm 2000, Bộ quốc phòng và Quân đội nhân dân quản lý 305 đơn vị kinh tế nhưng đến năm 2018, số lượng giảm xuống còn 88. Những công ty này hoạt động trong nhiều lĩnh vực bao gồm các công ty sản xuất sản phẩm quốc phòng đến công ty truyền thông, vận tải, bán lẻ, xây dựng, và năng lượng.

Thu nhập của các công ty thuộc quốc phòng và quân đội tương đối lớn. Trong năm tài chính 2016, các công ty này có tổng doanh thu 345 nghìn tỷ (15.1 tỷ USD) và lãi 43 nghìn tỷ, với 180.000 nhân viên. Tổng doanh thu của các doanh nghiệp quân đội chiếm 7% GDP của quốc gia.

Hiện nay, công ty quân đội lớn nhất là Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel), hoạt động trong nhiều dự án quân sự và viễn thông thương mại. Là một công ty viễn thông lớn nhất Việt Nam, đơn vị này có doanh thu 250,8 nghìn tỷ năm 2017. Những công ty quốc phòng lớn khác là Tổng công ty Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp quốc phòng (GAET) và Công ty cổ phần Điện tử Tin học Hóa chất (ELINCO).

Đã từ lâu chính phủ Việt Nam muốn thu hẹp việc làm kinh tế của quân đội trong nỗ lực nâng cao tính chuyên nghiệp của quân đội. Nỗ lực này, với kết quả là giảm số doanh nghiệp quốc phòng từ năm 2000, được thực hiện với nhiều phương cách bao gồm sát nhập với một công ty hiện có, bán hoặc bán cổ phần ra công chúng, và đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, sự ảnh hưởng và sức mạnh kinh tế của những công ty còn lại lớn đến mức chương trình sắp xếp trở nên khó khăn và Quân đội nhân dân không muốn mất những công ty mang lại nguồn lợi khổng lồ để gia tăng ngân quỹ trong việc mua bán trang thiết bị quốc phòng. Ở Việt Nam, đâu đó vẫn còn có sự ủng hộ để Quân đội nhân dân làm kinh tế, coi đó là nhiệm vụ thứ hai của lực lượng này. Ngoài nhiệm vụ chính là bảo vệ nền độc lập của quốc gia, lực lượng quân đội cũng được xem là nhân tố đóng góp cho xây dựng đất nước, phát triển kinh tế-xã hội và giảm nghèo.

Jon Grevatt (Bangkok) 

Nguyên tác : Vietnam commits to reducing military-owned businesses, IHS Jane's Defence Weekly, 11/06/2018

Vũ Quốc Ngữ dịch

Nguồn : VNTB, 14/06/2018

Quay lại trang chủ
Read 556 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)