Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

17/06/2018

Luật An ninh mạng "nhằm ngăn dòng chảy cuộc sống"

Hoàng Dũng

Luật An ninh mạng vừa được Quốc hội Việt Nam thông qua ngày 12/06/2018 đã gây ra phản ứng mạnh mẽ trong và ngoài nước. Cư dân mạng đồng loạt thay đổi hình đại diện phản đối, Hoa Kỳ, Canada, RSF kêu gọi hủy bỏ đạo luật này. RFI Việt ngữ phỏng vấn phó giáo sư tiến sĩ Hoàng Dũng, trường Đại học Sư Phạm Thành phố Hồ Chí Minh về vấn đề đang gây xôn xao dư luận.

luat1

Kết quả bỏ phiếu Luật An ninh mạng tại Quốc hội Việt Nam ngày 12/06/2018.Vietnam News Agency / AFP

RFIKính chào phó giáo sư Hoàng Dũng. Thưa ông, như ông cũng thấy, vừa qua có phong trào rầm rộ hầu như khắp nơi phản đối Luật An ninh mạng. Trên mạng có những người đã than "Hôm nay, chúng ta bước vào bóng tối". Vì sao dân chúng, đặc biệt là trí thức, lại phản dữ dội như vậy ?

Hoàng Dũng : Ngay câu hỏi cũng đã cho thấy thành công của những người soạn thảo luật này. Đặt tên là Luật An ninh mạng, họ cài đặt trong đầu người đọc rằng quan tâm của luật là quyền lợi của người sử dụng, cũng như đề phòng và trừng trị trộm cướp vào nhà.

Thực ra, với mục đích như vậy, thì năm 2015 Quốc hội đã ban hành Luật An toàn thông tin mạng. Cho nên, Luật An ninh mạng có mục đích khác : tạo ra một cái camera trong ngôi nhà mạng của bất cứ người dân nào, và một cái cửa để vào cướp tài sản mạng của họ, từ đó nếu muốn sẽ ra tay trừng trị.

Nói tóm, ta có viễn cảnh hãi hùng trong cuốn 1984 của Orwell : "Big-Brother is watching you" (Anh Cả đang quan sát mày đấy). Trong thế giới của Orwell, nhân danh quyền lợi quốc gia, mọi công dân đều bị giám sát bằng màn hình từ xa (telescreens). Thế giới ấy trở thành hiện thực với Luật An ninh mạng, cũng nhân danh quyền lợi quốc gia !

RFINhưng so sánh với 1984 của Orwell thì liệu có phóng đại quá không ? Nhiều nước trên thế giới cũng có luật tương tự mà ?

Hoàng Dũng : Khi nói tới 1984, là tôi muốn nói đến tinh thần của Luật An ninh mạng, chứ chưa bàn đến kết quả thực tế của nó.

Nói cho đúng, luật nói chỉ chế tài những người nào dùng không gian mạng để "xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân". Nhưng vấn đề là cơ quan nào phán quyết công dân phạm pháp ?

Luật giao cho Công an, chứ không phải Tòa án : Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mạng phải : "Xác thực thông tin khi người dùng đăng ký tài khoản số ; bảo mật thông tin, tài khoản của người dùng ; cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an khi có yêu cầu bằng văn bản để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng".

Như thế, ngôi nhà mạng của bất kỳ ai cũng có thể bị xộc vào khám xét, phụ thuộc vào ý chí chủ quan của cơ quan an ninh. Ngôi nhà mạng rõ ràng kém an toàn hơn rất nhiều so với nhà ở : theo Luật Tố tụng Hình sự, việc khám xét nhà ở chỉ có thể tiến hành nếu được tòa án hay Viện Kiếm sát ra lệnh hay phê chuẩn.

Nói một cách hình ảnh, Luật An ninh mạng cho phép cơ quan an ninh lắp telescreens của Orwell trong nhà mạng của từng cư dân và việc bật công tắc để theo dõi hoàn toàn giao phó cho cơ quan này. Đây chính là điểm khác biệt chủ chốt giữa Luật An ninh mạng Việt Nam với luật của các quốc gia văn minh. Có người nói rằng có đến 18 quốc gia làm Luật An ninh mạng, nhưng thật ra họ làm luật về bản chất rất khác với Việt Nam, chủ yếu ở điều tôi vừa nói.

Việc Quốc hội vội vã thông qua Luật An ninh mạng có lẽ một phần do tác động của các cuộc biểu tình với quy mô lớn nhất từ trước đến nay, xét về địa bàn và số lượng người tham gia biểu tình. Người ta dễ quy nguyên nhân là do mạng xã hội.

Nhận định như thế là nguy hiểm vì nó đổ tội cho người dân và che giấu nguyên nhân đích thực : các cuộc biểu tình là do lòng yêu nước trước viễn cảnh nhượng địa, sự phẫn nộ trước sự dối trá thô bạo. Như ông Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói dự thảo Luật Đặc khu Kinh tế không có một từ "Trung Quốc" nào, nhưng dân mạng nhanh chóng tìm ra luật đặc biệt ưu đãi cho "nước láng giềng có chung biên giới với Quảng Ninh". Và cả những uất ức khác, như nạn ô nhiễm trầm trọng ở Bình Thuận v.v…

RFI : Như vậy thay vì nhắm vào tin tặc, Luật An ninh mạng nhằm đối phó với với dư luận phản kháng nhiều hơn phải không ạ. Nhưng thưa ôngdù sao trong 466 đại biểu, cũng đã có 15 đại biểu Quốc hội bỏ phiếu không tán thành, 28 đại biểu không biểu quyết. Sự kiện này có lẽ phải có một ý nghĩa nào đó chứ ?

Hoàng Dũng : Tất nhiên là có. Nhưng không ít người đã hy vọng số đại biểu không tán thành nhiều hơn, dầu họ vẫn nghĩ chắc chắn dự thảo sẽ được thông qua. Nhà văn Nguyễn Quang Lập, vì thế, đã viết trong một status : "423/466- Không thể tin nổi ! Dù đoan chắc một tỉ lệ áp đảo nhưng khó có thể tin con số này. Kinh hoàng !"

Tôi cũng kinh hoàng nhưng là khi Thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, đọc Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ông đọc Facebook thành Pê-tê-bóc, lại tưởng điện toán đám mây cũng như mây bay trên trời, có thể dịch chuyển đi nơi này nơi nọ.

Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội là cơ quan chịu trách nhiệm thẩm tra luật An ninh mạng, mà người đứng đầu lại như thế. Nói cho đúng, không ai hiểu được mọi chuyện. Không hiểu thì học. Mà khởi đầu học là hỏi. Chẳng lẽ ông Võ Trọng Việt không hỏi bất cứ chuyên gia nào về vấn đề tối quan trọng của đất nước mà ông có nhiệm vụ thẩm tra hay sao ?

Còn kinh hoàng hơn nữa là tiết lộ của giáo sư tiến sĩ Nguyễn Minh Thuyết (trên Facebook của ông), nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, là đại biểu Quốc hội nhiều khóa. Ông nói rằng lỗi của ông Võ Trọng Việt chỉ là đọc sai tên Facebook. Còn những chuyện khác là lỗi tập thể : đây là ông Võ Trọng Việt đọc một báo cáo đã được duyệt qua nhiều cấp, nhiều lần !

Cho nên, chắc chắn có một tỉ lệ lớn các đại biểu Quốc hội không đủ năng lực bàn và quyết những vấn đề đại sự quốc gia. Một Quốc hội như thế thì không thể kỳ vọng gì nhiều.

RFI Người ta nói nhiều đến việc có sự giống nhau khó hiểu giữa Luật An ninh mạng Việt Nam với Luật An ninh mạng của Trung Quốc. Xin ông cho biết ý kiến về việc này.

Hoàng Dũng : Có một trang mạng đã đối chiếu dự luật của hai bên : có đến bảy điểm giống nhau giữa luật An ninh mạng của hai nước. Muốn hiểu điều đó cần phải đặt trong một bối cảnh rộng hơn.

Lãnh đạo đất nước là Đảng Cộng Sản, chứ không còn cái tên Đảng Lao Động xưa kia. Một khi đã khăng khăng giữ bằng được chủ nghĩa Cộng Sản, thì mặc nhiên lãnh đạo Việt Nam đã gắn vận mệnh của đất nước với Trung Quốc. Phương châm cuối cùng trong bốn phương châm tổng cộng 16 chữ (Thập lục tự phương châm) do Hồ Cẩm Đào đề xướng và được Việt Nam vui mừng chấp nhận, khẳng định hai nước có chung một vận mệnh (vận mệnh tương quan). Đảng Cộng sản Trung Quốc đi đời thì Đảng Cộng Sản Việt Nam làm sao đứng vững ?

Vì thế, chiến lược, sách lược của Việt Nam ở nhiều mặt rất giống Trung Quốc, thậm chí là hàng viện trợ của Trung Quốc là điều không có gì khó hiểu.

Không chỉ Luật An ninh mạng. Lực lượng 47 chuyên đấu tranh trên mạng gồm đến 10.000 người được thành lập trong quân đội dễ nghĩ tới mô hình "Ngũ mao đảng" (Đảng 50 xu, tổ chức của các dư luận viên).

Ngay lời lẽ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cũng có bóng dáng lãnh tụ Trung Quốc : ngày 22/1/2013, phát biểu trước Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Tập Cận Bình đòi "nhốt quyền lực vào lồng chế độ" (Bả quyền lực quan tiến chế độ đích lung tử lý) thì ngày 14/4/2016, nói chuyện với cán bộ chủ chốt của tỉnh Quảng Ninh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập đến chuyện "nhốt quyền lực vào trong cơ chế, thể chế".

Cao hơn nữa, nghị quyết, văn kiện của Trung ương Đảng Cộng sản và Chính phủ nói đến "thế lực thù địch", "kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa". Đó là sản phẩm dịch từ "Địch đối thế lực", "xã hội chủ nghĩa thị trường kinh tế" của Trung Quốc.

Đã "vận mệnh tương quan" thì tất yếu dẫn đến việc nhận viện trợ vũ khí tư tưởng từ Đảng "bạn" !

RFIDù sao luật này cũng đã được Quốc hội thông qua. Theo ông, hậu quả của việc này như thế nào ?

Hoàng Dũng : Câu hỏi này thật ra rất khó. Tôi cho rằng để trả lời một cách tử tế, cần có nghiên cứu định lượng chứ không dừng ở định tính, tức là phải chỉ ra bằng những con số cụ thể.

Tôi không đủ hiểu biết để nói về tất cả hậu quả của Luật An ninh mạng, tuy tôi tin chắc là rất nghiêm trọng. Riêng về kinh tế, theo Hiệp hội Điện toán Đám mây Châu Á, việc hạn chế dòng dữ liệu xuyên biên giới có thể làm Việt Nam tổn thất 1,7% GDP, 3,1% đầu tư trong nước và tổn thất 1,5 tỉ đô la Mỹ giá trị phúc lợi tiêu dùng.

Ngay ngày 12/6, ngày Quốc hội Việt Nam thông qua luật An ninh mạng, thị trường chứng khoán phản ứng tức khắc : các sàn chứng khoán đỏ rực, lao dốc rất nhanh do các nhà đầu tư nước ngoài bán tháo cổ phiếu, thiệt hại đến 3,6 tỉ đô la Mỹ. Nhưng như thế có lẽ còn xa mới lay tỉnh được những đầu óc chủ trương Luật An ninh mạng.

Luật An ninh mạng chỉ như một cố gắng tuyệt vọng be bờ để ngăn dòng chảy cuộc sống. Tất nhiên, nước sẽ chậm lại. Nhưng cuối cùng cuộc sống vẫn cứ lừng lững, làm sao ngăn được !

RFIChúng tôi xin chân thành cảm ơn Phó giáo sư tiến sĩ Hoàng Dũng, trường Đại học Sư Phạm Thành phố Hồ Chí Minh, đã vui lòng dành thì giờ trả lời phỏng vấn của RFI Việt ngữ.

Thụy My thực hiện

Nguồn : RFI, 16/06/2018

Quay lại trang chủ
Read 642 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)