Cuộc chiến nổ ra ngày 17/2/1979 trên biên giới Việt - Trung thực ra đã nổ ra từ lâu trước đó, theo một sử gia từ Đại học Huế của Việt Nam.
Ông Hà Văn Thịnh cho rằng thực ra cuộc chiến 1979 trên Biên giới Việt - Trung đã khởi thủy từ năm 1974 khi Trung Quốc tấn chiếm quần đảo Hoàng Sa.
Bình luận với BBC hôm thứ Sáu nhân 38 năm đánh dấu cuộc chiến đẫm máu trên biên giới phía Bắc của Việt Nam sau khi Trung Quốc khởi binh tấn công trên toàn tuyến biên giới giữa hai nước, nhà sử học Hà Văn Thịnh nói :
"Tôi quan niệm hơi khác mọi người một chút, tôi cho rằng cuộc chiến tranh năm 1979 đã thực sự bắt đầu từ 19/01/1974 khi Trung Quốc đánh chiếm toàn bộ Hoàng Sa, đó là bắt đầu cuộc chiến tranh Việt Nam.
"Bắt đầu năm 1979 là đỉnh cao, năm 1988 nó biến thái, ngày 14/3/1988 chiếm Gạc Ma, một phần của Trường Sa, rồi tiếp đó, chúng ta biết đầu thế kỷ 21, nào là thành phố Tam Sa, nào là đường lưỡi bò (bản đồ đường chín đoạn).
"Rõ ràng là cuộc chiến tranh năm 1979 tôi nhấn mạnh là nó bắt đầu từ năm 1974, đến bây giờ nó vẫn đang tiếp diễn...
"Theo quan điểm quả tôi, chừng nào mà đất đai, biển đảo, máu thịt của Tổ quốc vẫn bị xâm lược Trung Quốc chiếm đóng, thì chừng đó chưa thể coi là bạn được".
Sử gia Hà Văn Thịnh nói về sự kiện 17/2/1979
Sử gia từ Huế chia sẻ một thống kê riêng của ông theo đó chỉ 5-10% sinh viên không thuộc ngành sử mà ông đã giảng dạy trong những dịp đánh dấu sự kiện biết được ngày 17/2/1979 là ngày gì và có ý nghĩa ra sao.
Khi được hỏi ông có tư vấn gì cho giới soạn thảo sách giáo khoa, giảng dạy, nghiên cứu và phổ biến lịch sử ở Việt Nam liên quan sự kiện trên và cuộc chiến Việt - Trung bắt nguồn từ đó, ông Hà Văn Thịnh nói :
"Trong hội đồng soạn thảo sách giáo khoa, có không ít các thầy của tôi, bây giờ bảo khuyên các thầy thì nó không đúng, nhưng với tư cách một học trò, tuy lớn tuổi rồi và cũng am hiểu đôi chút, tôi rất muốn góp ý là kính đề nghị các thầy, kính đề nghị các đồng nghiệp bằng tuổi tôi hoặc ít hơn tuổi tôi là cần phải tôn trọng lịch sử, cần phải tôn trọng sự thật.
"Chứ không thể nào chung chung, rồi mơ hồ, nửa biết, nửa không như vậy, trắng không ra trắng, đen không ra đen…", ông Hà Văn Thịnh, người có nhiều thập niên giảng dạy và nghiên cứu sử học tại Đại học Huế nêu quan điểm với BBC.
'Phải tạo áp lực'
Cũng hôm 17/2/2017, BBC đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quang Thạch, nhà chủ xướng chương trình Sách hóa Nông thôn ở Việt Nam, ông cho BBC hay, hiện tại trong sách giáo khoa phổ thông ở nhà trường Việt Nam chí có vỏn vẹn '11 dòng' nói về cuộc chiến Việt - Trung năm 1979 với sự kiện mà ông gọi đích danh là 'Trung Quốc xâm lược Việt Nam'.
Sử gia Hà Văn Thịnh nói về cuộc chiến Việt - Trung 1979
Về ý nghĩa của việc người dân, nhất là giới trẻ, cần nắm được sự kiện 17/2/1979 nói riêng và những trang sử của quốc gia, kể cả những thăng trầm của dân tộc, nhà vận động văn hóa sách ở nông thôn Việt Nam nói :
"Những năm tháng, giai đoạn, những tấm thảm sử của đất nước, nếu người dân không biết, chúng ta phải luôn luôn nhắc nhở chính mình là một đất nước đánh lại, chống lại được ngoại xâm, trước hết chúng ta phải tự cường, tự lực, phải có sức mạnh và phải biết đến những tấm thảm sử của dân tộc để chúng ta cùng nhau lao động, học tập, cùng nhau đặt nền tảng cho sự phát triển của quốc gia, để chúng ta có một sức mạnh...
"Bản thân sức mạnh là sự tự kháng đối với những thế lực mà muốn bành trướng, xâm chiếm quốc gia, thành ra việc chúng ta phải nhắc lại những câu chuyện của lịch sử là nghiễm nhiên và mỗi chúng ta phải nỗ lực.
"Nếu trường hợp sách giáo khoa thời gian tới người ta chưa làm, thì chúng ta phải tạo áp lực xã hội, tạo dư luận để buộc người ta phải đưa vào. Đấy là chuyện đương nhiên.
"Còn một mặt nữa, với tư cách công dân, những người hiểu biết... phải biết phổ biến nó, nói với những người xung quanh mình, nói với những đứa trẻ, với đồng nghiệp, với bạn bè của mình để sự nhận biết về lịch sử được lan truyền trong dân chúng là việc nghiễm nhiên", ông Nguyễn Quang Thạch nói với BBC hôm thứ Sáu.
Quốc Phương
*************************
Cuộc chiến biên giới 1979 chưa được đề cập ‘tương xứng’ (VOA, 17/02/2017)
Sử gia Dương Trung Quốc, cũng là một đại biểu quốc hội Việt Nam, thừa nhận gần đây có sự gia tăng thông tin về chiến tranh biên giới Việt – Trung năm 1979 trên các phương tiện thông tin chính thống của Việt Nam. Nhưng theo ông, mức độ đề cập vẫn "chưa tương xứng" với lịch sử vì những yếu tố phức tạp trong mối quan hệ Việt – Trung, nhất là trong bối cảnh hiện nay.
Nghĩa trang các chiến sĩ Việt Nam hy sinh trong trận chiến ngày 17/2/1979 với Trung Quốc.
Nhân dịp kỷ niệm 38 năm cuộc chiến 1979, hầu hết các cơ quan báo chí chính thống Việt Nam hôm 16/2 đều đăng một nội dung khá chi tiết về diễn tiến cuộc chiến mà từ trước tới nay chỉ được nói đến trong khoảng 10 dòng chữ trong sách giáo khoa.
Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng sự kiện truyền thông bắt đầu đề cập ngày càng nhiều về cuộc chiến biên giới phía Bắc là do nhu cầu xã hội đòi hỏi phải có sự công bằng và trung thực với lịch sử.
Ông nói :
"Đúng là có một thời gian phải chăng là vì mối quan hệ giữa hai nước, nhất là hai đảng, có sự cam kết với nhau là tránh nêu những vấn đề đó lên, nên mức độ thể hiện rõ ràng là không tương xứng với sự thật lịch sử. Giờ đây, tôi nghĩ là có thể có nhiều người nêu lên hơn cái nhu cầu, nhất là độ lùi thời gian nó đòi hỏi phải làm cho không những là công bằng, mà còn phải làm cho nó trung thực với lịch sử hơn".
Trong khi đó, tác giả của rất nhiều bài viết nghiêm cứu về cuộc chiến tranh Việt – Trung năm 1979, giáo sư Ngô Vĩnh Long tại đại học Maine, Hoa Kỳ, nhận xét về động thái "mở cửa" thông tin về cuộc chiến biên giới :
"Có rất nhiều người đã hy sinh trong cuộc chiến 1979. Thành ra họ rất bất mãn vì Trung Quốc đã phá hoại 6 tỉnh miền Bắc và giết rất nhiều người dân Việt Nam. Cho nên tôi nghĩ chính phủ cũng phải mở ra một chút cho dân chúng khỏi phẫn uất quá, đặc biệt là hiện nay Trung Quốc đang có rất nhiều ảnh hưởng và đã gây nhiều xáo trộn ở Việt Nam trong mọi lãnh vực".
Tuy thừa nhận gần đây Việt Nam có sự gia tăng đề cập trên truyền thông hay nỗ lực tìm kiếm các di tích, nhưng sử gia Dương Trung Quốc vẫn cho rằng cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 vẫn chưa được nói đến một cách tương xứng với thực tế lịch sử.
Ông phân tích :
"Dẫu sao đi nữa, quan hệ Việt Nam với Trung Quốc cũng có yếu tố tương đối đặc biệt, là hai quốc gia dính liền nhau, hai quốc gia đã từng cùng một [hệ thống] chính trị, kể cả đến ngay bây giờ, bên cạnh quan hệ nhà nước còn quan hệ đảng. Chính vì thế phải ứng xử như thế nào thì đây là một vấn đề thực tiễn đặt ra. Còn ứng xử đã đáp ứng được nhu cầu của người dân, là điều quan trọng nhất, hay chưa thì tôi cho đó vẫn là một câu hỏi, để mà tìm ra một tiếng nói chung, một cách ứng xử chung để vừa bảo đảm được là trung thực với lịch sử, vừa bảo đảm là không tạo ra môi trường không thuận lợi cho việc duy trì mối quan hệ tích cực này".
Về phía người dân, gần đây, một số cá nhân và tổ chức xã hội dân đã tự tổ chức các hoạt động tưởng niệm công khai. Trong khi một số khác có ý kiến phải đưa cuộc chiến biên giới 1979 vào sách giáo khoa một cách đầy đủ, trung thực với lịch sử. Sử gia Dương Trung Quốc cho rằng việc này không dễ thực hiện ngay tức thời mà đòi hỏi một quy trình, trong đó không chỉ cuộc chiến biên giới phía Bắc mà cả những vấn đề lịch sử khác như hải đảo, cũng phải được nêu lên một cách tương xứng hơn.
Ông nói thêm :
"Lẽ ra là chính các nhà sử học Trung Quốc và Việt Nam phải ngồi với nhau nếu thực sự muốn nghiêm túc rút ra những bài học để tránh đổ máu, tránh gây lại những chuyện cũ. Nó cũng giống như câu chuyện Việt Nam với Mỹ, Việt Nam với Pháp… Thế nhưng rất tiếc là điều đó chưa thực hiện được. Tôi cho rằng ở đây chính là vấn đề cần đặt nó ra để nghiên cứu một cách hết sức khách quan và trung thực. Thế nhưng mà điều đó phải nói là không đơn giản, nhất là trong bối cảnh hiện nay, kể cả trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc".
Ngày 17/2/1979, Trung Quốc đã đưa quân tấn công 6 tỉnh biên giới phía bắc Việt Nam. Báo chí trong nước đưa tin Bắc Kinh đã "huy động cả hải quân và không quân", với 60 vạn quân và hàng trăm xe tăng, xe bọc thép và hàng ngàn khẩu pháo mở đầu cuộc tấn công. Ngày 5 tháng 3 năm 1979, Việt Nam ra lệnh tổng động viên. Trong cùng ngày, Trung Quốc tuyên bố đã hoàn thành mục tiêu chiến tranh, chiến thắng và bắt đầu rút quân.