Trong khi hàng trăm người dân ở các tỉnh, thành bị nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam bắt bớ vì biểu tình phản đối dự thảo luật Đặc khu thì ngoài biển Đông, nhà cầm quyền Trung Quốc leo thang hoạt động quân sự và đuổi tàu cá của ngư dân Việt Nam ra khỏi vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam…
Người dân biểu tình phản đối chính quyền bắt người trái phép - Ảnh minh họa
Thật vậy, con số hàng trăm người dân ở các tỉnh, thành Việt Nam bị Công an, An ninh cộng sản Việt Nam bắt bớ, đánh đập và trong số này có rất nhiều người bị khởi tố hình sự chỉ vì một lý do duy nhất là lo lắng cho hiện tình đất nước trước viễn cảnh bị mất đất vào tay Trung Quốc, lo lắng trước viễn cảnh hợp thức hóa việc di dân Trung Quốc sang sinh sống lâu dài tại Việt Nam nên phải xuống đường biểu tình nhằm phản đối những quy định nằm trong dự thảo Luật Đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc. Rõ ràng việc những người biểu tình đang bị bố ráp đã hút sự quan tâm của dư luận Việt Nam trong và ngoài nước suốt mấy ngày qua, rất ít để tâm đến tình hình Biển Đông đang có những diễn biến nhiều phức tạp, căng thẳng mà đối tượng gây ra không ai khác chính là nhà cầm quyền Trung Quốc.
Báo đài Việt Nam cho biết ngày 18/6/2018, có 20 tàu cá cùng 100 ngư dân của tỉnh Quảng Ngãi đã bị tàu của Trung Quốc xua đuổi khi đang trú tránh áp thấp nhiệt đới tại rìa nam tây nam đảo Bạch Quy thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là hai quần đảo nằm ở biển Đông thuộc chủ quyền lãnh hải của Việt Nam từ ngàn xưa. Tuy nhiên, từ khi Trung Quốc cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa vào ngày 19/1/1974 và một phần quần đảo Trường Sa vào ngày 14/3/1988 thì từ mấy chục năm qua ngư dân Việt Nam luôn gặp nhiều khó khăn và nguy hiểm mỗi khi ra khơi mưu cầu sự sống. Mặc dù nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam luôn ví ngư dân Việt Nam là những "cột mốc sống" khẳng định chủ quyền lãnh hải của Việt Nam trên Biển Đông nhưng một sự thật không thể phủ nhận và rất rõ ràng là những "cột mốc sống" này luôn bị hải quân của Trung Quốc hoặc hải quân của các nước lân cận đâm chìm, đánh đập, bắn chết hoặc giam tù mà đến nay vẫn còn tiếp diễn.
Đặc biệt, khó khăn và sự nguy hiểm của ngư dân Việt Nam trong thời gian này sẽ tăng gấp bội khi mà nhà cầm quyền Trung Quốc đang ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đồng từ tháng 5 đến giữa tháng 8 hằng năm. Cho nên việc 20 tàu cá Việt Nam vào đảo Bạch Quy tránh áp thấp nhiệt đới bị phía Trung Quốc xua đuổi có lẽ dễ hiểu. Điều đáng nói ở đây, trong khi nhà cầm quyền Trung Quốc ban hành lệnh cấm đánh bắt cá áp dụng với ngư dân của các nước chung sống quanh biển Đông thì lại cho ngư dân của mình ráo riết tiến xuống biển Đông đánh bắt hải sản đặc biệt là mực. Chính phủ Trung Quốc cho biết tàu của họ chiếm từ 50-70% số lượng tàu đánh bắt mực tại các vùng biển quốc tế chủ yếu là Hoa Đông và Biển Đông.
Một hành động quá ngang ngược của nhà cầm quyền Trung Quốc trên biển Đông và sự ngang ngược này còn được quốc tế đặc biệt quan tâm khi liên tục có những hoạt động quân sự gây phức tạp, căng thẳng tình hình biển Đông.
Mới đây nhất là vào ngày 15/6/2018, nhà cầm quyền Trung Quốc cho quân đội tiến hành các cuộc tập trận chống máy bay tại Biển Đông. Trước đó, trong tuần đầu tháng 6/2018, hãng tình báo Israel ImageSat International (ISI) đã công bố hình ảnh vệ tinh chụp tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam cho thấy Trung Quốc tái bố trí các hệ thống tên lửa đất đối không tại đảo này. Và điều mà giới phân tích quân sự quốc tế lo lắng nhiều nhất ở hiện tại là Trung Quốc đang cho thấy họ tiến gần hơn hết việc thành lậpvùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên toàn bộ biển Đông.
Về phía Việt Nam, vẫn là những phát ngôn, tuyên bố nào là lên án, nào là cực lực phản đối Trung Quốc đến từ Bộ ngoại giao Việt Nam. Còn nhớ tạiĐối thoại Shangri-La 2018 được tổ chức tại Singapore, diễn ra từ ngày 1/6 đến ngày 3/6/2018. Đây là một diễn đàn an ninh Châu Á với tham dự của nhiều quan chức Quốc phòng cấp cao đến từ nhiều quốc gia trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Dẫn đầu đoàn Quốc phòng cấp cao của Việt Nam tham dự Đối thoại Shangri-La 2018 là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ông Ngô Xuân Lịch. Như Cali Today đã thông tin, tại Đối thoại Shangri-La 2018 ông Lịch có bài phát biểu khá dài với chủ đề "Định hình trật tự an ninh đang biến đổi của châu Á", bài phát biểu cũng có dành một phần nói đến vấn đề Biển Đông nhưng hoàn toàn không có một lời nào đá động trực diện đến những hành động bá quyền của Trung Quốc, khác với bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ ông James Mattis khi lên án các hành động gia tăng quân sự của nhà cầm quyền Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định trong khu vực nói riêng và thế giới nói chung.
Từ đây cho thấy Việt Nam những ngày qua người yêu nước đang bị bách hại, giặc ngoại bang Trung Quốc đang thoả sức hoành hành.
Quê Hương
Nguồn : CaliToday, 20/06/2018