Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

24/06/2018

Công du nước ngoài và học tập kinh nghiệm... 'chơi golf'

Ánh Liên

Thanh tra Chính phủ tiết lộ mới đây trong kết luận về việc quản lý công tác đi nước ngoài của một số bộ, cơ quan ngang bộ giai đoạn 2012-2016. Theo đó, chỉ tính riêng năm 2014, cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã tham gia đi nước ngoài tới 23 đoàn ; năm 2015, cựu Bộ trưởng Hoàng đi tới 22 đoàn. Tổng thời gian ở nước ngoài của ông này lên tới 163 ngày, chiếm nửa thời gian làm việc trong năm.

golf1

Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng "đi nước ngoài như đi chợ"

Cùng với ông Vũ Huy Hoàng, Phó Bí thư tỉnh ủy Đồng Nai – Phan Thị Mỹ Thanh cũng có khoảng thời gian đi nước ngoài rất nhiều. Cụ thể, năm 2014, bà Mỹ Thanh đi nước ngoài tới 10 lần, gồm cả việc công, việc tư và thư mời của đối tác. Còn năm 2012, bà Thanh làm trưởng 8 đoàn đi công tác nước ngoài.

Và tất nhiên cả hai người này đều nằm trong danh sách đen của Thanh tra Chính phủ cũng như Ủy ban Kiểm tra trung ương.

Kết quả này mới xét trên bình diện những vị đã và đang bị 'điều tra' vì những sai phạm gây ra, chưa đề cập đến những cá nhân lãnh đạo hay tổ chức, tỉnh thành khác. Nếu khơi mào ra thêm, thì con số 163 ngày của ông cựu Bộ trưởng bộ Công thương có lẽ sẽ bị phá kỷ lục.

Thực ra, câu chuyện đi ra nước ngoài là việc phải làm nếu thực sự cần thiết cho quốc gia - dân tộc, và nó đã có từ xưa.

Ngày 5/6/1911, Nguyễn Tất Thành từng nói với người bạn : 'Tôi muốn đi ra ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta.'

Năm 1863, Phan Thanh Giản và đoàn tùy tùng cũng sang Pháp để tìm cách chuộc lại '3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ' (Biên Hòa, Gia Định, Định Tường).

Đầu thế kỷ 20, Phan Bội Châu cũng tìm đường sang nước Nhật trước là để cầu viện, sau là để mong muốn thực hiện 'Duy Tân trong nước'.

Nếu các vị quan chức Việt nam thời hiện đại học tập cái hay, cái đẹp nước ngoài để canh tân quốc gia thì tốt biết mấy. Nhưng thực tế, mục đích 'học tập' thì ít, 'mua nhà, tích lũy tài sản, du lịch' lại nhiều. Ví như, vào năm 2015, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Xổ số kiến thiết tỉnh Cà Mau đã tổ chức đoàn đi tham quan và 'trao đổi kinh nghiệm hợp tác về kinh doanh' ở các nước... không hề có hoạt động xổ số. Hay các vị ở Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc tổ chức đoàn đi nước ngoài 'nhằm mục đích học tập, trao đổi kinh nghiệm' nhưng bị Thanh tra Chính phủ phát hiện là 'không đúng quy định, không bình thường' bao gồm : không có kế hoạch được duyệt, không đúng thành phần được đi.

Còn đối với đoàn của Bộ Công thương thời ông Vũ Huy Hoàng thì tề tựu nhau chụp ảnh trước một sân golf.

golf2

Ông Vũ Huy Hoàng "tranh thủ" ra sân chơi golf nhân một chuyến đi công tác nước ngoài

Kinh điển hơn, là vụ cử cán bộ, lãnh đạo sắp nghỉ hưu đi 'nước ngoài học tập kinh nghiệm về xây dựng các công trình chống nước biển dâng, chống ngập... do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu tại Hà Lan và Nga' của UBND tỉnh Tiền Giang.

Người dân ai cũng hiểu đó là do 'tiền chùa' nên cán bộ, lãnh đạo tha hồ phung phí, mặc sức đi đây đó để mua sắm. Và khi những chuyến đi xuất ngoại càng nhiều, thì 'học tập kinh nghiệm càng ít', bởi bản thân ngay cả khi học tập về, thì với tư duy nhiệm kỳ, hay cơ chế hiện tại cũng khó lòng mà áp dụng được.

Học tập kinh nghiệm suy cho cùng là cách thức biển thủ công quỹ, là một hình thức tham nhũng ; thậm chí ở những lãnh đạo hiện tại, cơ số người thông qua 'học tập kinh nghiệm' để sắm sửa nhà cửa và đưa vợ con đi định cư. Trịnh Xuân Thanh và vợ con có nhà ở Công Hòa Liên bang Đức ; Đại biểu quốc hội Nguyễn Văn Thân có quốc tịch và tài sản tại Ba Lan - vợ con cũng đang sinh sống tại quốc gia này. Trước đó nữa, Đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Nguyệt Hường cũng là người có quốc tịch Cộng hòa Malta.

Tất cả những diễn biến nêu trên cho thấy, giới quan chức đường quyền không chỉ tìm cách vơ vét của cải thông qua quyền lực, mà còn tìm được chỗ đệm ở bên nước ngoài - nơi có cơ ngơi tài sản, vợ con được sinh sống trong môi trường pháp chế khác 'thiên đường xã hội chủ nghĩa', nơi mà họ có thể tha hồ sống mà không bị lo ngại sẽ bị tịch biên hay kê khai tài sản lúc thôi chức vụ.

Cách đây không lâu, ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người đem lại niềm tin cho không ít người liên quan đến khâu chống tham nhũng với chiến dịch 'đốt lò', nhưng gần đây nhất, việc ông thừa nhận vấn đề kê khai tài sản cán bộ là 'vấn đề rất khó, nhạy cảm bởi nó liên quan đến quyền đời tư, quyền bí mật cá nhân' đã khiến cho niềm tin bị sút giảm. 

Khi nhóm công chức, lãnh đạo tìm chỗ trú ngụ ở nước ngoài, thì tài nguyên và nguồn lực trong nước tiếp tục vơ vét mà không cần phải lo nghĩ nhiều đến đời sau. Thậm chí nếu diễn tiến ở mức độ nào đó, thì các vị lãnh đạo có thể chấp nhận một số dự án gây hiểm họa an ninh quốc gia, ô nhiễm môi trường để đổi lấy nguồn tiền... cho bản thân định cư nước khác.

Kết quả, nước Việt chỉ còn lại sự xơ xác, kiệt quệ, một nước Việt với những 'đảng viên tốt' ; những 'lực lượng vũ trang vì đảng quên mình' ; những 'dư luận viên' ngày đêm gào thét bảo vệ chủ trương - chính sách (dù sai lầm) ; và người dân nghèo...

Nhưng trách sao được, thể chế nó thế ! Thể chế không minh bạch, thể chế lạm dụng quyền lực, thể chế độc tài nên tham nhũng mới cộng sinh, vơ vét mới hoành hoành.

Tất cả để lại một nước Việt buồn !

Ánh Liên

Nguồn : VNTB, 24/06/2018

******************

Tiền mồ hôi, nước mắt của dân mà vác ra nước ngoài chơi golf

Dự án thì "trùm mền, đắp chiếu". Tiền bạc thì tham nhũng, thất thoát. Bổ nhiệm thì "thăng thiên, thần tốc". Có lẽ chưa bao giờ ngành công thương "chói lọi… điêu linh" như dưới thời ông Vũ Huy Hoàng làm Bộ trưởng. Và chợt thấy cái hình thức kỉ luật "cách cái chức nguyên" đối với ông Huy Hoàng này có vẻ như chưa thỏa đáng, phải không các bạn?

golf3

Một đoàn công tác đi nước ngoài tại châu Âu, nhưng có hôm đoàn "tranh thủ" ra sân… golf.

160 ngày và hơn 1.000 tỉ đồng. Đó là hai con số được nhà báo Mạnh Quân đưa ra trên báo Dân trí những ngày qua. Trong đó, con số thứ nhất (160 ngày) là thời gian mà ông Vũ Huy Hoàng khi còn làm Bộ trưởng Bộ Công Thương đi nước ngoài trong một năm.

Con số thứ hai, là số tiền ngân sách chi cho các bộ Tài chính, Công Thương, Ngân hàng Nhà nước… "công du" giai đoạn 2012-2016. Theo đó, các bộ, ngành này đã cử tổng số 14.677 đoàn, với gần 42.000 lượt cán bộ đi nước ngoài và đáng lưu ý, đây mới chỉ là thống kê từ một số bộ, ngành.

Về con số 160 ngày của ông Hoàng, có lẽ trước hết cũng nhìn nhận một cách khách quan, đây là thời điểm mà ngành công thương có nhiều công tác đối ngoại như mở mang thị trường, ký kết các hiệp định thương mại…

Thế nhưng, việc dành tới 160 ngày/365 ngày trong một năm để "công du" thì quả là đáng ngạc nhiên bởi thời gian làm việc trong nước quá khiêm tốn. Trong số hơn 30 tuần (205 ngày) đó có khoảng 60 ngày là thứ 7 và chủ nhật cộng với khoảng 10 ngày lễ tết rồi biết bao nhiêu những việc riêng tư khác thì số ngày trực tiếp làm việc ở cơ quan chỉ còn cỡ hơn 100 ngày.

Song, cũng trong các bài báo trên, Nhà báo Mạnh Quân còn đưa ra những con số… giật mình khác. Năm 2014, cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã tham gia đi nước ngoài tới 23 đoàn. Năm 2015, cựu Bộ trưởng Hoàng đi tới 22 đoàn.

Tuy kinh phí cho những chuyến đi có ông Hoàng tham gia là bao nhiêu không thấy nhắc đến nhưng có một con số liên quan đến bà Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa thì cho biết, tháng 1/2016, ông Vũ Huy Hoàng ký quyết định cho 5 cán bộ đi nước ngoài với khoản kinh phí lên đến gần 1,4 tỷ đồng. Trong số 5 cán bộ này có cựu thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa với khoản kinh phí gần 321 triệu đồng.

Đáng chú ý là bài báo trên, ngoài những con số đã nêu, còn có bức ảnh khá… "đắt" chụp cảnh một đoàn công tác đi nước ngoài tại châu Âu ở sân… golf.

Chao ôi! Nếu dùng tiền ngân sách, tức là tiền mồ hôi, nước mắt của dân mà vác ra nước ngoài chơi golf thì có mà núi cũng lở.

Rồi chợt nghĩ về giá cả ở Việt Nam không khỏi nao lòng. Chẳng biết hiệu quả của các chuyến mở mang thị trường ra sao, chỉ thấy giá vải quả bán tại Hà Nội có 10.000 đồng/kg, dưa hấu 8.000 đồng/kg.

10 ngàn đồng/kg tức là 10 triệu đồng/tấn. Với số tiền hơn 1.000 tỉ đồng nếu mua dưa hấu hay vải quả thì có khi chất thành núi cỡ… Tam Đảo, Ba Vì.

Dự án thì "trùm mền, đắp chiếu". Tiền bạc thì tham nhũng, thất thoát. Bổ nhiệm thì "thăng thiên, thần tốc". Có lẽ chưa bao giờ ngành công thương "chói lọi… điêu linh" như dưới thời ông Vũ Huy Hoàng làm Bộ trưởng.

Và chợt thấy cái hình thức kỉ luật "cách cái chức nguyên" đối với ông Huy Hoàng này có vẻ như chưa thỏa đáng, phải không các bạn ?

Nguồn : butdanh.net, 22/06/2018

Quay lại trang chủ
Read 682 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)