Một bài viết trên StraitsTimes đề cập về vấn đề dân sinh thiết thực ở Việt Nam, đó là tình trạng thất nghiệp ở tuổi 30, một yếu tố được coi là mở màn cho cuộc khủng hoảng phúc lợi ở Việt Nam.
Công nhân dệt may tại một nhà máy ở Việt Nam. Ảnh : baobariavungtau
Số nhân viên thất nghiệp độ tuổi 30 đang tìm kiếm các quyền lợi nghỉ hưu, sau khi phía doanh nghiệp tìm cách tiết kiệm tiền lương và chi phí bảo hiểm xã hội.
Trưởng phòng Quan hệ lao động thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (VGCL- Vietnam General Confederation of Labour), ông Ngô Duy Hiếu, phát biểu tại một phiên họp Quốc hội tuần trước rằng một số công ty, kể cả những công ty đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đã kết thúc hợp đồng với công nhân trên 35 vì họ cảm thấy rằng một số công việc ‘không còn’ phù hợp với độ tuổi của người lao động.
Nó không còn là hiện tượng, nó đã trở thành một bản chất trong đời sống kinh tế - xã hội Việt Nam. Lý do, một số nhà tuyển dụng không muốn chi tiêu nhiều vào tiền lương và an sinh xã hội.
Sự ra đi của người lao động trong độ tuổi 30-35 được tiến hành bằng phương thức gia tăng áp lực công việc (để buộc họ rời bỏ công ty), hoặc chấm dứt hợp đồng mà không cần giải thích.
Cô Hằng, 35 tuổi, từng làm việc cho một doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà nội), nhưng đã thôi việc sau khi được chuyển sang một đơn vị khác, nơi cô cảm thấy công việc 'không còn phù hợp'.
Những hợp đồng ngắn hạn, bố trí công việc không phù hợp là hai trong số vô vàn phương thức buộc người lao động tự sa thải chính mình.
Bà Hạnh, một người lao động chia sẻ với VnExpress rằng bà hiện đang tìm kiếm một công việc tại trung tâm xúc tiến việc làm tại huyện Đông Anh (Hà Nội).
Trong một cuộc khảo sát của VGCL về lý do chấm dứt hợp đồng lao động của các công ty FDI cho thấy, 40% nhân viên rời công ty của họ do bị buộc phải làm thêm giờ, hoặc không đạt được mục tiêu. 15% khác, cho biết họ không phù hợp với công việc, trong khi 13% không muốn giải thích.
Tuy nhiên, không có số liệu thống kê đầy đủ về số nhân viên ở độ tuổi 30 bị các công ty FDI sa thải, Thứ trưởng Bộ Lao động Phạm Minh Huấn cho biết.
Trong một nền kinh tế thị trường, các doanh nghiệp sẽ mở rộng sản xuất và tuyển dụng nhân viên mới khi họ kiếm lợi nhuận, nhưng nếu họ gặp khó khăn về thị trường và phải giảm sản xuất, họ sẽ sa thải nhân viên. Đó là điều không thể tránh khỏi. Bất kể vì lý do gì, sa thải gây ảnh hưởng lớn đến hệ thống phúc lợi của Việt Nam, và thanh trả an sinh xã hội một lần tăng lên đáng kể, theo ông Lê Đình Quang, Phó trưởng phòng quan hệ lao động thuộc VGCL.
Trong những năm gần đây, trung bình 700.000 người đã nộp đơn yêu cầu thanh toán an sinh xã hội một lần (còn được biết dưới dạng bảo hiểm thất nghiệp)mỗi năm. Trong 5 tháng đầu năm nay, con số đó là 300.000, với độ tuổi lao động ở ngưỡng 35-40 tuổi.
‘Hơn 10.000 người đã đăng ký trợ cấp thất nghiệp ở Hà Nội và 90% trong số họ chỉ mới hơn 35 tuổi’, ông Quang nói.
Tình hình này nhận thấy rõ rệt hơn trong các ngành thâm dụng lao động như dệt may, giày dép và thủy sản,... Người lao động phải từ bỏ công việc vì họ không còn sức khỏe để thực hiện như ở độ tuổi 20.
Các công ty cũng đã cố gắng thuyết phục người lao động rời bỏ công việc và nhận các khoản thanh toán bảo hiểm y tế và an sinh xã hội một lần để giảm số tiền mà các công ty phải đóng góp trong vấn đề này.
Sự gia tăng số lượng người lao động tìm kiếm quỹ hưu trí sớm và rút tiền từ chương trình an sinh xã hội có thể dẫn đến mất cân bằng trong quỹ hưu trí. Và trong lúc đó, chính quyền Hà Nội đang tìm kiếm kế hoạch cải cách an sinh xã hội theo hướng điều chỉnh thời gian tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm và xuống 10 năm.
Nguyên tác : Jobless at 30 : Welfare crisis looms in Vietnam, Straitstimes.com, 28/06/2018
Ánh Liên lược dịch
Nguồn : VNTB, 01/07/2018