Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

02/07/2018

Vài giải pháp sau những cuộc biểu tình tháng 6/2018

Nguyễn Ngọc Già

1. Để các cuộc biểu tình an toàn và kiểm soát được, không chỉ sớm ban hành Luật biểu tình, mà cả Luật về Hội phải ban hành song song.

vai1

Người biểu tình phản đối dự luật Đặc khu và An ninh mạng ở Sài Gòn hôm 10/6/2018 - AFP

Vì nhờ có Luật về Hội, các Hội sẽ dễ dàng quản lý, quán xuyến và chịu trách nhiệm về những người trong hội mình thông qua những logo, trang phục và các dấu hiệu khác dễ nhận biết. Điều này sẽ góp phần làm nhẹ gánh trách nhiệm cho lực lượng công an.

Nếu chỉ riêng ban hành Luật biểu tình, tình trạng mất kiểm soát và bạo động vẫn dễ xảy ra. Bên cạnh đó, có Hội hoạt động theo pháp luật càng đúng tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế, nó đáp ứng cho các hiệp định EVFTA, CPTPP và có thể là hiệp định thương mại song phương Việt - Mỹ (sau này) sẽ có căn cứ dễ đàm phán và khả năng thành công cao hơn.

Cũng nhờ có Luật về Hội mà xã hội dân sự sẽ phát triển lành mạnh vì "có chỗ" để cho các giai tầng theo đó mà thực hiện quyền công dân và đòi hỏi các yêu cầu một cách hợp pháp, bảo đảm cả an toàn trật tự xã hội, văn minh đô thị (không còn cảnh người dân lếch thếch hàng chục năm trời bao quanh các cơ quan công quyền, rồi bị gán cho là làm xấu thủ đô v.v...).

Cũng nhờ vậy mà không còn cần đến "lực lượng thường phục", vốn dĩ làm cho tình hình rối ren càng thêm rối ren (trang facebook của võ sư Đoàn Bảo Châu cho biết có một người cũng nhận là võ sư mà tham gia đàn áp người dân Hà Nội biểu tình vừa qua. Võ sư Châu và người này hình như có ý định thách đấu với nhau - rất nguy hiểm, nó dễ làm người ta hình dung thời "Máu nhuộm bến Thượng Hải" với việc "ký giấy - đánh chết bỏ, không khiếu nại", tức là làm xã hội quay đầu thụt lùi ghê gớm hơn).

2. Đối với những điều luật trong BLHS không rõ ràng (như 109, 117, 331 v.v...) cần phải giải thích và chỉnh sửa cho rõ, nếu không thì hủy bỏ. Bởi vì nó "hình sự hóa" quyền con người, quyền công dân và mâu thuẫn với điếu 163, 167 cũng trong BLHS.

3. Có kế hoạch cụ thể với lộ trình rõ ràng về việc trả tự do cho tất cả các tù nhân (về chính trị, tôn giáo, nhân quyền). Điều này hoàn toàn đủ căn cứ theo Cương lĩnh Đảng Cộng sản Việt Nam là "tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia dân tộc" và Hiến pháp đã quy định tại điều 14 cũng như các điều khác.

4. Ban hành sắc lệnh nghiên cấm trả thù từ mọi phía dưới mọi hình thức. Đây là việc vô cùng quan trọng và phải cấp thiết làm trong tình hình hiện nay. Chính sắc lệnh này mới cần ghi rõ câu "Nghiêm trị bất cứ ai vi phạm".

5. Vào tháng 5/2017, ông Võ Văn Thưởng cho biết "...Ban Tuyên giáo trung ương đang chờ Ban Bí thư thông qua một văn bản hướng dẫn về việc tổ chức trao đổi và đối thoại với những cá nhân có ý kiến và quan điểm khác với đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng và pháp luật của Nhà nước...". Điều này nghĩa là ông Thưởng cũng lấy Cương lĩnh Đảng cộng sản Việt Nam làm căn cứ, chứ không phải phát biểu ngẫu nhiên.

Tuy vậy, đối thoại với "những cá nhân" là không cần thiết, dù đó là "những cá nhân" rất nổi tiếng đi chăng nữa. Bởi "đối thoại" ở đây phải hiểu đó là một "quốc đề" lớn lao mang tính "đối thoại chính trị", không phải "giải đáp thắc mắc" hay "đả thông tư tưởng" như lâu nay. Do đó, phải cần đối thoại với các tổ chức (ở đây là đại diện của các Hội), điều đó mới giải quyết được vấn đề.

"Những cá nhân" theo ông Thưởng nói, nhất định sẽ đứng trong các Hội cụ thể một khi Luật về Hội có hiệu lực.

Như vậy mới là cách giải quyết tận cùng vấn đề "đối thoại". Bởi đối thoại là để tìm ra tiếng nói chung giữa nhà cầm quyền và người dân (thông qua Hội) rồi giải quyết, không phải "đối thoại" chỉ lắng nghe, giải thích một chiều rồi... để đó.

6. Về "Luật đặc khu" tôi nghĩ nhà cầm quyền Việt Nam nên dừng lại vô thời hạn. Hãy để nó trôi vào dĩ vãng lặng lẽ và không đề cập tới nữa. Cách này cũng giữ được hình ảnh của nhà cầm quyền. Riêng "Luật an ninh mạng" thì hoãn lại để chỉnh sửa. Bộ Luật hình sự và Luật bảo hiểm xã hội cũng đã từng như vậy, do vậy "Luật an minh mạng" cũng hoàn toàn có thể theo cách này.

Tuy nhiên, nên nghiên cứu và ghép một phần nào đó trong "Luật an ninh mạng" vào trong "Luật an toàn thông tin mạng". Không cần thiết ban hành một luật riêng như vậy, bởi đã có nhiều phân tích chỉ ra những hậu quả nặng nề về kinh tế - xã hội- chính trị - ngoại giao - quốc phòng mà Việt Nam có thể gánh lấy trong tương lai gần.

7. Tuy nhiên, điều đáng băn khoăn nhất là vấn đề "thượng tôn pháp luật". Nếu nói về luật, có lẽ Việt Nam không thiếu luật nào cả. Nhiều người nói chỉ cần áp dụng đúng và nghiêm túc luật hiện hành là Việt Nam ổn định ngay. Nhưng làm sao được như vậy khi mà ông Nguyễn Phú Trọng nói rằng "nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế" mà "cơ chế một đảng" hiện nay thì nhốt bằng cách nào, nếu không có "cơ chế tam quyền phân lập" ? Phải nói đây là một nan đề !

baihoa1

Người biểu tình phản đối dự luật Đặc khu tại Sài Gòn Photo by Nguyễn Peng

8. Về phần đối ngoại, cũng cho thấy nhà cầm quyền đang đối mặt với nhiều vấn đề rất nghiêm trọng. Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh là một trong số đó. Những biện pháp hiện nay như nhiều người biết (ví dụ : thả Luật sư Nguyễn Văn Đài đi lưu vong tại Đức hay chuẩn bị cho Trịnh Xuân Thanh sang Đức đoàn tụ gia đình v.v...) chỉ là một góc rất nhỏ, chưa giải quyết tận gốc vấn đề.

Tôi không nghĩ EVFTA có thể thành công với vài động thái như vậy. Nhà cầm quyền cần tìm ra giải pháp trọn vẹn, khả tín hơn và nên hiểu về văn hóa phương Tây trong hành xử chính trị - ngoại giao.

9. Việc Hoa Kỳ rút khỏi UNHRC sau khi đã quyết định rút khỏi UNESCO, có nhiều ý kiến ngược chiều nhau.

Về bề nổi, Hoa Kỳ có vẻ bảo vệ Israel, nhưng ở góc độ khác, dường như Hoa Kỳ muốn chuyển thông điệp đến toàn thế giới rằng : cơ chế hợp tác và đối thoại đa phương không còn hiệu quả. Hoa Kỳ không tin vào cơ chế này nữa. Do đó, rất có thể Hoa Kỳ sẽ hành động đơn phương về vấn đề nhân quyền theo phong cách "American first" - thông điệp của Tổng thống Trump.

Nhà cầm quyền Việt Nam nên suy xét vấn đề Hoa Kỳ rút khỏi UNHRC theo cách khác với "vui mừng" như một số nhà quan sát cho rằng như vậy.

Tóm lại, hiện trạng Việt Nam đang lâm vào bế tắc. Nhà cầm quyền Việt Nam mà cụ thể là Bộ Chính trị và Ban chấp hành trung ương Đảng nên ngồi lại và bàn thảo cho ra những hành động cụ thể và khả thi, điều đó tốt hơn là duy trì những biện pháp đàn áp, bởi nó mang tính chất đối phó. Điều này chỉ làm tình hình căng thẳng và mệt mỏi thêm cho cả những người thi hành công vụ và người dân. Tôi e ngại đến một lúc nào đó "có ai biết trong tro còn lửa..." từ trong dân chúng.

Nguyễn Ngọc Già

Nguồn : RFA, 02/07/2018

Quay lại trang chủ
Read 697 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)