Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

05/07/2018

Luật An ninh mạng đàn áp tự do ngôn luận, gây khó cho doanh nghiệp

Mong Palatino

Luật An ninh mạng của Việt Nam có thể mở ra một kỷ nguyên mới về kiểm duyệt trực tuyến, xâm phạm dữ liệu cá nhân, và tước quyền kết nối Internet của các tổ chức và cá nhân đăng tải nội dung "bị cấm".

anm0

Luật An ninh mạng của Việt Nam đàn áp tự do ngôn luận, gây khó cho doanh nghiệp

Các nhà phê bình nói rằng luật mới này có thể làm trầm trọng thêm đàn áp tự do ngôn luận và gây ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng kinh doanh của các công ty công nghệ.

Là văn bản do Bộ Công an soạn thảo, luật An ninh mạng đã được Quốc hội thông qua ngày 12/6/2018 bất chấp sự phản đối công khai của một số luật sư và cư dân mạng. Luật này có hiệu lực từ ngày 01/01/2019.

Luật cũng đặt ra các yêu cầu pháp lý quan trọng đối với các công ty công nghệ nước ngoài. Tương tự như Luật An ninh mạng của Trung Quốc được thông qua vào năm 2017, luật mới của Việt Nam yêu cầu các công ty Internet lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam và thành lập trụ sở hoặc văn phòng đại diện tại quốc gia này.

Điều 26 của pháp luật buộc các công ty công nghệ nước ngoài phải :

"Xác thực thông tin khi người dùng đăng ký tài khoản số ; bảo mật thông tin, tài khoản của người dùng ; 

cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an khi có yêu cầu bằng văn bản để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng ;

"Thiết lập cơ chế để xác minh thông tin khi người dùng đăng ký tài khoản số của họ" ;

Cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng đặc biệt chuyên trách về bảo vệ an ninh mạng của Bộ Công an khi nhận được yêu cầu bằng văn bản" ;

Ngăn chặn việc chia sẻ thông tin, xóa bỏ thông tin có nội dung bị cấm trong vòng 24 giờ kể từ thời điểm có yêu cầu của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Thông tin và Truyền thông...

Không cung cấp hoặc ngừng cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet và các dịch vụ gia tăng cho tổ chức, cá nhân đăng tải trên không gian mạng thông tin có nội dung cấm.".

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) cho rằng một số điều của luật này có thể được sử dụng bởi chính quyền để bắt giữ và tống giam người hoạt động và phản biện chính sách nhà nước :

Cấm sử dụng không gian mạng để đăng tải và truyền bá thông tin có nội dung tuyên truyền chống lại Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc "Xúc phạm dân tộc, quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, vĩ nhân, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc".(Điều 8 và 15) ;

Cấm sử dụng không gian mạng "Tổ chức, hoạt động, cấu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" (Điều 8) ;

Cấm tuyên truyền chống nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bao gồm "chiến tranh tâm lý", "tuyên truyền phỉ báng nhân dân", "thông tin sai nhằm gây tổn hại nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại" - nhưng không có quy định điều gì là sai.

"… Thông tin tuyên truyền, thúc giục, vận động, xúi giục, đe dọa, gây chia rẽ hoặc lôi kéo nhiều người tụ tập và gây mất trật họp và gây gián đoạn" (Điều 8 và 15).

Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, giải thích tại sao luật pháp là cần thiết cho đất nước : Có những phần tử lợi dụng Internet để kích động các cuộc biểu tình và hành vi gây rối nhằm lật đổ chính phủ. Chúng ta cần luật này để bảo vệ chế độ".

Chính phủ cũng lập luận rằng luật sẽ tạo ra nhiều việc làm trong lĩnh vực công nghệ và tăng cường nền kinh tế kỹ thuật số. Nhưng Liên minh Internet Châu Á có một quan điểm khác : "…những quy định này sẽ dẫn đến những hạn chế nghiêm trọng đối với nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam, làm giảm môi trường đầu tư nước ngoài và làm mất cơ hội cho các doanh nghiệp địa phương và doanh nghiệp nhỏ phát triển trong và ngoài Việt Nam".

Các nhà chức trách cho biết các công ty nước ngoài bao gồm Google và Facebook có ý định tuân thủ luật mới. Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) phản hồi, nhắc các công ty tôn trọng các cam kết của họ về quyền con người :

Công ty của bạn có trách nhiệm tôn trọng quyền riêng tư và tự do ngôn luận. Trách nhiệm này cao hơn các yêu cầu pháp lý của một quốc gia.

Ân xá Quốc tế kêu gọi công ty công nghệ thách thức dự thảo luật và làm cho chính phủ Việt Nam hiểu sự phản đối mang tính nguyên tắc của mình trong việc bị yêu cầu thực hiện bất kỳ hành động nào vi phạm quyền con người cơ bản.

Văn phòng Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền ở Châu Á cũng bày tỏ lo ngại về luật An ninh mạng của Việt Nam, cho rằng luật này đưa nhiều quyền hơn cho lực lượng công an nhằm trấn áp phản biện. Cơ quan này kêu gọi Việt Nam đảm bảo môi trường lành mạnh cho tự do ngôn luận.

Công khai phản đối luật An ninh mạng

Vào ngày 10/6, hàng chục ngàn người Việt Nam đã biểu tình trên nhiều đường phố ở nhiều địa phương trên cả nước để phản đối hai dự luật - dự luật An ninh mạng (khi đó Quốc hội chưa thông qua luật) và luật về Đặc khu kinh tế, một đề án nhằm nới lỏng các điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài với mục đích thúc đẩy nền kinh tế.

Những người biểu tình tập trung phản đối dự luật Đặc khu kinh tế mà nhiều người tin rằng sẽ cho phép Trung Quốc khai thác các nguồn lực của đất nước.

Tuy nhiên, các nhà hoạt động cũng kêu gọi mọi người tham gia chiến dịch chống lại việc thông qua dự luật An ninh mạng.

Các nhà hoạt động ước tính có hơn một trăm người bị bắt tại các cuộc biểu tình, trong đó có một công dân Hoa Kỳ, William Nguyễn.

Vào ngày 11 tháng 6, 74 luật sư đã đệ đơn kiến ​​nghị lên Quốc hội chỉ trích những điều khoản trong luật An ninh mạng mà họ cho là vi phạm các điều khoản nhân quyền được quy định trong Hiến pháp của đất nước. Họ đính kèm một bản kiến ​​nghị trực tuyến có chữ ký của hơn 40.000 công dân kêu gọi Quốc hội không thông qua dự luật.

Mặc dù có sự phản đối công khai cho dù hiếm hoi của công chúng, Quốc hội đã bỏ phiếu cho dự luật An ninh mạng ngày 12/6 và thông qua với 423 phiếu tán thành và 15 phản đối trong khi 28 không có ý kiến.

Đại biểu quốc hội Nguyễn Lân Hiếu đề nghị chỉ định một cơ quan có thẩm quyền xác định một nội dung trực tuyến có được coi là bất hợp pháp hay không và đề nghị rằng điều này nên được quyết định bởi tòa án.

Theo trang Vietnam Right Now thì sự phản đối luật của nhiều đại biểu quốc hội chứng minh rằng luật An ninh mạng mang tính chia rẽ và gây tranh cãi.

Mục tiêu của chính phủ là kiểm soát nội dung trực tuyến.

Với yêu cầu mở văn phòng tại Việt Nam, chính phủ có thể gây áp lực lên các công ty, buộc họ phải kiểm duyệt chặt chẽ hơn, và buộc họ cung cấp danh tính của người bất đồng chính kiến.

Việc nội địa hoá dữ liệu sẽ làm mất đi tính ẩn danh của người dùng và gây ra mối đe dọa cho người chỉ trích chính phủ.

Trước khi thông qua Luật An ninh mạng, Việt Nam nổi tiếng vì sử dụng nhiều điều luật mơ hồ để bức hại nhiều người hoạt động với cáo buộc "tuyên truyền chống nhà nước".

Luật mới, một khi nó có hiệu lực vào năm tới, có thể hợp pháp hóa một cuộc đàn áp khốc liệt hơn nhằm vào các nhóm và cá nhân sử dụng Internet để thúc đẩy tự do tôn giáo, bảo vệ môi trường, cải cách dân chủ, tự do dân sự và hoạt động ôn hoà.

 

Nguyên tác : Vietnam’s new cybersecurity law could further undermine free speech, disrupt businesses, Asian Corespondent, 02/07/2018

Phương Thảo dịch

Nguồn : VNTB, 05/07/2018

Quay lại trang chủ
Read 1025 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)