Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

06/07/2018

Bên trong khóa huấn luyện ‘xã hội dân sự vì Việt Nam’

BBC tiếng Việt

Nhiều bạn trẻ Việt Nam đang tham gia các chương trình đào tạo xã hội dân sự để trở về xây dựng cộng đồng, dù biết con đường trước mặt sẽ chông gai.

voice1

Ngày càng có nhiều hơn các bạn trẻ Việt Nam quan tâm đến các vấn đề xã hội dân sự, nhân quyền (ảnh chỉ có tính chất minh họa)

"Tôi thấy mình trưởng thành hơn. Sau sáu tháng học, tôi bắt đầu biết chấp nhận sự khác biệt và có thể đối thoại được với những người bất đồng chính kiến", Jean, một bạn trẻ đang tham gia khóa đào tạo của huấn luyện Xã hội Dân sự của VOICE, nói với BBC.

VOICE (Vietnamese Overseas Initiative for Conscience Empowerment), còn gọi là 'Sáng kiến vì lương tâm người Việt hải ngoại', được thành lập tại Manila năm 1997 để giúp đỡ những thuyền nhân Việt Nam lúc đó chưa được quốc gia thứ ba nào nhận, đi định cư tại Canada.

Từ năm 2011, VOICE mở các khóa đào tạo Xã hội Dân sự kéo dài 6 tháng, có học bổng, cho các bạn trẻ "mong muốn đóng góp vào việc thúc đẩy một xã hội dân sự mạnh mẽ, độc lập và sôi động cho Việt Nam", theo thông tin tuyển sinh của tổ chức.

Bà Đinh Thảo, cán bộ đào tạo của VOICE, cho đến nay VOICE đã trao cơ hội trau dồi kiến thức và kinh nghiệm cho hơn 100 bạn trẻ từ khắp nước qua các chương trình huấn luyện thường được thực hiện tại khu vực Đông Á và Đông Nam Á, trong đó có Philippines, nơi đặt trụ sở chính của VOICE.

Hơn 10 học viên trong khóa học mới nhất của VOICE năm 2018 tại Bangkok có buổi trò chuyện với BBC nhân chuyến thăm văn phòng BBC tại đây vào cuối tháng Sáu.

Học hỏi về xã hội dân sự

voice2

Các bạn trẻ Việt Nam khác đang theo học chương trình huấn luyện xã hội dân sự của VOICE (Ảnh chỉ có tính chất minh họa)

Jean không phải là tên thật của cô gái trẻ từ Hà Nội hiện đang tham dự khóa huấn luyện tại VOICE.

Giống Jean, các bạn trẻ Việt Nam khác đang theo học chương trình huấn luyện xã hội dân sự của VOICE, ai cũng đều có một tên gọi riêng bằng tiếng Anh, và chỉ dùng tên này để giao tiếp.

Lý do, họ bảo là để bảo mật thông tin cá nhân vì các hoạt động liên quan đến đấu tranh về nhân quyền và bất đồng chính kiến tại Việt Nam vốn bị coi là nhạy cảm và nằm trong sự kiểm soát gắt gao của chính quyền.

"Tham gia chương trình của VOICE, các học viên có nguy cơ phải đối mặt với những rủi ro như bị cấm xuất cảnh hoặc bị bắt giam 10 đến 15 năm tù sau khi về nước. Vì vậy, VOICE đã trao đổi trực tiếp với các học viên về những rủi ro này trong các buổi phỏng vấn", bà Đinh Thảo, cán bộ đào tạo của VOICE, cho hay.

Từng làm việc 2 năm trong lĩnh vực nhân quyền cho một tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam, Jean nói nhận thấy 'cần phải bổ sung kiến thức về lĩnh vực này'.

"Tham gia khóa học, tôi có cơ hội thực hành sâu hơn về nhân quyền, được quan sát nhiều hơn và gặp gỡ các nhà hoạt động nhân quyền khác. Hiện tại, hiểu biết của tôi về bức tranh chung đã rộng ra rất nhiều", Jean nói.

Chung niềm mong mỏi trở về giúp người Việt Nam hiểu và bảo vệ quyền của mình, nhưng mỗi học viên có lý do riêng để quyết định tìm đến con đường mà họ mô tả là 'thách thức' và 'nguy hiểm' này. Mỗi người cũng có khởi đầu và chuyên môn khác nhau.

Học viên tên Clark chia sẻ : "Tôi là người ham thích tìm hiểu các vấn đề chính trị xã hội và rất thích đọc báo. Qua đó, tôi thấy nhiều vấn đề xã hội ở Việt Nam chưa đúng nên quyết định tham gia các phong trào dân sự".

"Năm 2016, thông qua mạng xã hội, tôi biết đến chương trình đào tạo của VOICE nên đăng ký tham gia vì nghĩ nó rất hữu ích cho phong trào dân sự ở Việt Nam".

"Tôi cũng biết cách khoan dung hơn khi tham gia thảo luận trên mạng xã hội về các vấn đề dân sự. Việc gặp gỡ các nhà hoạt động khác giúp tôi có góc nhìn mới, bao quát hơn, biết kiềm chề cảm xúc và phân tích vấn đề theo lý trí hơn".

Hiện Clark vừa là học viên, vừa thực tập tại VOICE. Khi còn ở Việt Nam, Clark là một nhân viên kinh doanh.

Trong khi đó John, người từng có 10 năm kinh nghiệm làm việc cho tập đoàn công nghệ thông tin FPT cho hay anh khi còn ở Việt Nam anh không chỉ quan sát không gian dân sự ở Việt Nam và tham gia các chương trình thiện nguyện thuần tuý.

"Tôi từng tham gia một số vụ biểu tình như phản đối Trung Quốc mang giàn khoan vào vùng biển Việt Nam, hay vụ Formosa", John nói.

"Sau các biến cố như vậy trên đất nước, tôi nhận thấy phong trào dân sự trong nước còn hạn chế. Các tổ chức dân sự chưa thực sự liên kết chặt chẽ, thậm chí giữa các nhóm còn có xung đột".

"Do đó, tôi tham gia khóa học với mong muốn có cơ hội quan sát thế giới bên ngoài, tích luỹ kiến thức để đóng góp cho phong trào dân sự ở Việt Nam sau khi trở về".

Khẳng định việc 'tham gia khóa học là một quyết định đúng đắn', học viên tên Mark, một kỹ sư điện, cũng cho rằng hiện nay anh đã có "cái nhìn chuyên nghiệp hơn về phong trào dân sự, từ đó giúp tôi tham gia thảo luận các vấn đề xã hội một cách rõ ràng hơn".

Theo ông Nguyễn Khanh, Giám đốc của VOICE, khóa huấn luyện xã hội dân sự "giống như một xã hội thu nhỏ, có đầy đủ thành phần từ luật sư, kỹ sư, bác sĩ, nhà báo, nhà kinh doanh, nhà hoạt động nhân quyền, đến chuyên gia công nghệ thông tin".

'Đi để trở về'

voice3

Ngày càng nhiều các bạn trẻ Việt Nam quan tâm đến các vấn đề xã hội dân sự, nhân quyền

Clark cho hay khi trở về Việt Nam anh sẽ đi đến các cộng đồng, tiếp xúc với bà con, lắng nghe tiếng nói để tìm hiểu khó khăn của họ và kết nối với các tổ chức có chung chí hướng hoạt động để phát triển xã hội, nhân quyền và dân chủ.

Clark nói rằng anh chưa xác định được ngay sẽ làm cho tổ chức nào, nhưng trở về với hành trang là các kiến thức về xã hội dân sự học được, anh mong muốn có thể kết nối, mở rộng mạng lưới các nhà hoạt động.

Bà Đinh Thảo, cán bộ đào tạo của VOICE cho biết không có bất cứ ràng buộc nào đối với các học viên sau khóa học.

"Sau khi trở về Việt Nam các bạn có thể chọn tiếp tục hợp tác với VOICE hoặc đi con đường riêng của mình", bà Thảo nói.

Về việc các bạn trẻ tham gia khóa học để trở thành các 'nhà hoạt động', bà Thảo cho rằng khái niệm này còn khá mới ở Việt Nam.

"Nhà hoạt động là những người hành động vì niềm tin và lý tưởng của mình. Ví dụ, nhân viên của một công ty được thuê để làm một công việc cụ thể, được trả lương theo hợp đồng rõ ràng. Đối với các nhà hoạt động, khi phát hiện ra một vấn đề xã hội nào đó, họ có xu hướng hành động vì họ muốn giải quyết vấn đề chứ không phải vì họ được trả tiền để làm việc đó".

Bà Thảo nhìn nhận con đường trở thành nhà hoạt động, tham gia thay đổi xã hội 'là con đường dài', có thể 5, 10, 20 năm. Và các khóa đào tạo như VOICE cung cấp giúp mọi người phát triển kiến thức, khả năng, định hình, đặt nền móng.

"Đi con đường đó như thế nào thì chỉ các bạn mới có câu trả lời cho chính mình", bà Thảo nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Khanh, Giám đốc của VOICE tại Philippines phát biểu :

"Việc sẽ làm gì sau khi trở Việt Nam phụ thuộc vào từng học viên và từng trường hợp cụ thể. Có bạn chia sẻ với tôi rằng bạn muốn đi học tiếp. Nhưng bạn khác lại muốn đi về Việt Nam, gặp anh em công nhân để chia sẻ cho họ biết quyền của họ là gì".

"Nhà hoạt động không có nghĩa là ra nhà thờ Đức Bà biểu tình. Các bạn có thể trở về, làm những gì tốt nhất mà bạn có thể làm, và trong điều kiện tốt nhất mà bạn có thể có. Tất nhiên, phải đảm bảo được rằng điều kiện đó an toàn", ông Khanh nói thêm.

VOICE là ai ?

VOICE nói họ là một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận, hoạt động trong lĩnh vực thúc đẩy phát triển xã hội dân sự, vận động cho nhân quyền và pháp trị tại Việt Nam.

VOICE cho hay họ trao học bổng xã hội dân sự cho các bạn trẻ ở Việt Nam, những người có mong muốn đóng góp vào việc thúc đẩy một xã hội dân sự mạnh mẽ, độc lập và sôi động cho Việt Nam.

Thông qua các khóa học ngắn hạn và dài hạn, các học viên có cơ hội được trang bị các kiến thức, kỹ năng cần thiết cho một nhà hoạt động xã hội.

Ngoài ra, VOICE nói họ còn làm việc với các chính phủ khác như Hoa Kỳ, Canada và một số nước ở Châu Âu nhằm hỗ trợ cho người tị nạn Việt Nam có cơ hội định cư ở các nước đó.

Ngân sách hoạt động của VOICE được hỗ trợ chủ yếu bởi cộng đồng hải ngoại. Đồng thời, VOICE làm việc với các tổ chức nhân quyền khác trên thế giới nhằm xây dựng năng lực cho các nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam.

Nguồn : BBC tiếng Việt, 06/07/2018

Quay lại trang chủ
Read 658 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)