Phần 1
Ngày 30/6/2018, trong lúc tham dự một diễn đàn với Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Berlin ở Đức, Tham tán công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Đức là Nguyễn Hữu Tráng đã gây bất ngờ lớn khi trả lời không quá chung chung đối với câu hỏi của phóng viên Lê Trung Khoa từ Thoibao.de – một trang tin điện tử của cộng đồng người Việt ở Cộng hòa liên bang Đức.
Tham tán công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Đức Nguyễn Hữu Tráng (giữa) Ảnh : NguoiViet.de
Hỏi : Tôi là Trung Khoa, bên Thoibao.de, nhân dịp hôm nay có Đại sứ Nguyễn Hữu Tráng đến có một câu hỏi liên quan nhiều đến quan hệ Việt – Đức, đó là vụ án Trịnh Xuân Thanh, nơi mà hiện nay Tòa Thượng thẩm tại Berlin vẫn đang xét xử, vậy Đại sứ có thể cho biết phía Việt Nam đang có hướng nào để giải quyết vấn đề này ?
Trả lời : Cảm ơn anh Khoa, anh Khoa là người cung cấp nhiều nhất thông tin về vụ này cho cộng đồng, tôi nhiều khi phải xem chỗ anh Khoa có thông tin gì hay, chắc là thành ra anh Khoa sẽ biết nhiều hơn tôi.
Về tổng thể mà nói tôi nghĩ rằng có nhiều việc rất là đáng tiếc xẩy ra và việc đó không nằm trong chủ trương, mong muốn của các nhà nước hay của bất kỳ ai cả .
Nó xẩy ra như thế là nó xẩy ra, và bây giờ tôi có thể nói với các anh các chị là Chính phủ hai nước từ cuối năm ngoái, từ cuối tháng 12 năm ngoái (2017) đã có thỏa thuận lộ trình để xử lý vấn đề này, để đưa quan hệ hai nước trở lại bình thường.
Về cơ bản cho đến nay cả hai bên đều trao đổi rất thẳng thắn với nhau, phía Việt Nam cũng đáp ứng một số yêu cầu của Đức nêu ra, đặc biệt trong thỏa thuận tháng 12 năm ngoái (2017) với Đức đã có thỏa thuận không công khai, không nói công khai về câu chuyện này nữa.
Cho nên tôi với tư cách là người có hàm Đại sứ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng không thể nói công khai những gì chúng ta đã làm, phía Đức đã làm, hay là phía Đức nói gì với Việt Nam, Việt Nam nói gì với họ, cái đó đã nằm trong thỏa thuận giữa hai Bộ Trưởng ngoại giao từ tháng 12 năm ngoái (2017).
Các anh các chị có thể tin tưởng rằng câu chuyện đó cả phía Việt Nam và cả phía Đức đều nghiêm túc và cùng trao đổi với nhau một cách thẳng thắn nhất để có thể sớm kêt thúc chuyện đó" (1).
Đây là lần đầu tiên một quan chức Việt Nam đã xuất hiện trong một diễn đàn công khai để ‘giải trình’ về chuyên án gây chấn động Châu Âu này.
Không chỉ chấp nhận trả lời về vụ Trịnh Xuân Thanh, đây cũng là lần đầu tiên một quan chức bậc trung của ngành ngoại giao Việt Nam chịu trả lời phỏng vấn của Thoibao.de với thái độ rất… vui vẻ.
Thoibao.de lại là trang báo đầu tiên đưa tin về vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’ xảy ra vào cuối tháng Bảy năm 2017 ngay tại Berlin, kéo theo mối quan tâm đặc biệt ngay sau đó của các cơ quan cảnh sát và cả an ninh Đức, cùng nhiều tờ báo Đức như Taz, Frankfurt… và báo chí các nước khác.
Bằng vào thành tích trên, Thoibao.de đã bị chính thể độc đảng ở Việt Nam liệt vào dạng ‘phản động’ nhất, bị giới dư luận viên của đảng và công an công kích và chửi bới thậm tệ trong vô số lần. Cho tới nay, Thoibao.de là một trong những trang báo ‘phản động’ khó truy cập nhất ở việt Nam do hàng rào bức tường lửa được công an dựng lên.
Một năm sau khi cuộc khủng hoảng Đức – Việt nổ ra từ vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’, trong bối cảnh chính quyền Việt Nam bị Chính phủ Đức và sau đó là hầu hết các tờ báo quốc tế quan tâm đến vụ Trịnh Xuân Thanh cáo buộc rằng Thanh đã bị bắt cóc chứ không phải ‘tự nguyện về Việt Nam đầu thú’ mà sau đó đã phải nhận đến hai cái án chung thân, hiện tượng rất đỗi lạ lùng là cho Hà Nội lại không hề phản ứng quyết liệt theo cách ‘đập tan những luận điệu xuyên tạc của các thế lực phản động’, hoặc theo cái cách mà họ hay ‘nhảy dựng lên’ để phản ứng với các báo cáo của Hoa Kỳ và những tổ chức nhân quyền quốc tế về việc Việt Nam vi phạm nhân quyền trầm trọng, mà cho đến nay vẫn tuyệt đối ‘cấm khẩu’ trong tất cả các kênh ngoại giao, tuyên giáo và báo chí nhà nước.
Thông thường, hành động của một quốc gia nhằm trả đũa quốc gia khác trục xuất nhân viên ngoại giao của mình là trục xuất lại nhân viên của quốc gia đối phương. Nhưng kể từ tháng Tám năm 2017 khi Đức tố cáo mật vụ Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh và trục xuất ít nhất hai nhân viên ngoại giao của Đại sứ quán Việt Nam tại Đức, cho tới nay phía Việt Nam vẫn chỉ một mực ‘Trịnh Xuân Thanh tự nguyện về nước đầu thú’ nhưng lại chẳng dám có bất kỳ phản ứng công khai hay trục xuất trả đũa nào đối với các nhân viên ngoại giao của Đại sứ quán Đức tại Hà Nội.
Không chỉ trục xuất vài cán bộ ngoại giao của Đại sứ quán Việt Nam tại Đức về nước, Nhà nước Đức còn thẳng tay tuyên bố tạm thời đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam vào tháng 10/2017, và một tháng sau đó đã thông báo ngừng luôn hiệp định về miễn trừ visa đối với quan chức Việt Nam đi công tác ở Đức.
*****************
Phần 2
Vì sao Việt Nam ‘cấm khẩu’ trước Đức ?
Trong buổi họp báo thường kỳ diễn ra ở Hà Nội vào ngày 3/8/2017, một ngày sau khi Bộ Ngoại giao Đức ra tuyên bố phản đối hành động mật vụ Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, Bộ Ngoại giao Việt Nam tuy "lấy làm tiếc", nhưng đã không có lấy một câu hay từ ngữ nào phủ nhận cáo buộc của phía Đức về việc Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc.
Cho tới nay phía Việt Nam vẫn chỉ một mực ‘Trịnh Xuân Thanh tự nguyện về nước đầu thú’ nhưng lại chẳng dám có bất kỳ phản ứng công khai hay trục xuất trả đũa nào đối với các nhân viên ngoại giao của Đại sứ quán Đức tại Hà Nội. Ảnh : VOA
Vào tháng Năm năm 2018, trước áp lực quyết liệt của Bộ Ngoại giao Slovakia về vụ ‘Tô Lâm làm bình phong’, Đại sứ Việt Nam tại Slovakia là Dương Trọng Minh, chứ không phải là Bộ Ngoại giao Việt Nam, đã buộc phải lên tiếng ‘Trịnh Xuân Thanh chưa bao giờ có mặt ở Slovakia’, nhưng lại không hề thanh minh cho việc ‘Việt Nam không bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’.
Cần nhắc lại, trong cuộc gặp ngày 2/5/2018 giữa Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Slovakia Pellegrini tại dinh Thủ tướng ở Berlin, ông Pellegrini đã phải đối mặt với một câu hỏi khó chịu từ phía Đức : Chính phủ Slovakia đã đóng vai trò gì trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh từ Berlin đưa về nước hồi mùa hè năm ngoái ?
Theo truyền thông Đức, vào ngày 26/7/2017 – tức 3 ngày sau khi Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc – Bộ trưởng Công an Việt Nam, tướng Tô Lâm đã đến thăm Slovakia và có cuộc làm việc ngắn với Bộ trưởng Nội vụ nước này. Cũng theo báo chí Đức, trong đoàn của ông Tô Lâm có những nghi phạm đã tham gia vào vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Sau đó phía Việt Nam đã mượn Slovakia một chiếc máy bay để di chuyển. Truyền thông Đức cho rằng rất có thể Trịnh Xuân Thanh đã ở trên chiếc máy bay đó.
Nhưng cho tới nay, vẫn tuyệt nhiên vẫn không thấy Bộ trưởng công an Tô Lâm hiện ra để ‘phản bác những luận điệu sai trái’ mới đây của phía Slovakia và Đức về vụ ‘Tô Lâm làm bình phong’. Hiện tượng quá trống vắng này càng khiến dư luận quốc tế tin rằng đã có một mối liên đới nào đấy giữa tướng Tô Lâm và Trịnh Xuân Thanh trong vùng lãnh thổ Slovakia.
Thông thường, hành động của một quốc gia nhằm trả đũa quốc gia khác trục xuất nhân viên ngoại giao của mình là trục xuất lại nhân viên của quốc gia đối phương. Nhưng kể từ tháng Tám năm 2017 khi Đức tố cáo mật vụ Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh và trục xuất ít nhất hai nhân viên ngoại giao của Đại sứ quán Việt Nam tại Đức, cho tới nay phía Việt Nam vẫn chỉ một mực ‘Trịnh Xuân Thanh tự nguyện về nước đầu thú’ nhưng lại chẳng dám có bất kỳ phản ứng công khai hay trục xuất trả đũa nào đối với các nhân viên ngoại giao của Đại sứ quán Đức tại Hà Nội.
Không chỉ trục xuất vài cán bộ ngoại giao của Đại sứ quán Việt Nam tại Đức về nước, Nhà nước Đức còn thẳng tay tuyên bố tạm thời đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam vào tháng 10/2017, và một tháng sau đó đã thông báo ngừng luôn hiệp định về miễn trừ visa đối với quan chức Việt Nam đi công tác ở Đức.
Lần đầu tiên thừa nhận bắt cóc ?
Cách nói ‘phía Việt Nam cũng đáp ứng một số yêu cầu của Đức nêu ra’ của Tham tán công sứ Nguyễn Hữu Tráng trong nội dung trả lời với Thoibao.de đã dẫn tới một suy luận trong người nghe : nếu quả thực giới chóp bu Việt Nam không chỉ đạo mật vụ nước này thực hiện chiến dịch bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, tại sao Việt Nam lại phải đáp ứng một số yêu cầu của Đức nêu ra ? Tại sao trước động thái Đức thẳng tay hạ cấp quan hệ ngoại giao với Việt Nam theo cái cách mà chỉ có thể hiểu rằng ‘bản lĩnh Việt Nam’ bị sỉ nhục như tát vào mặt, giới chóp bu và Bộ Ngoại giao Việt Nam lại không dám có bất kỳ phản ứng (công khai) nào ?
Khó có thể hiểu khác hơn, cách trả lời trên của Tham tán công sứ Nguyễn Hữu Tráng giống như lần đầu tiên Việt Nam gián tiếp thừa nhận vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’.
Vậy còn nội dung trả lời ‘từ cuối tháng 12 năm ngoái ( 2017) đã có thỏa thuận lộ trình để xử lý vấn đề này, để đưa quan hệ hai nước trở lại bình thường’ của ông Nguyễn Hữu Tráng cho thấy điều gì ?
Cần điểm lại dĩ vãng gần
Vào tháng Mười Một năm 2017, một nguồn tin không muốn nêu tên trong Bộ Ngoại giao Đức trả lời VOA tiếng Việt rằng chính quyền Berlin "hiện vẫn trao đổi với chính phủ Việt Nam" về vụ ông Thanh. Khi được hỏi phía Hà Nội đã hồi đáp như thế nào trước các đề nghị Berlin đưa ra hồi tháng Chín, trong đó có yêu cầu Việt Nam xin lỗi và cam kết không lặp lại việc vi phạm pháp luật của Đức, nguồn tin ngoại giao này nói : "Việt Nam biết cần phải làm gì để sửa chữa thiệt hại đã gây ra và để từng bước đưa mối bang giao song phương trở lại quan hệ đối tác chiến lược"…
Kể từ tháng Mười năm 2017 khi tạo nên cơn động đất khi đột ngột tuyên bố tạm thời đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam, đó là lần đầu tiên người Đức – dù chỉ là gián tiếp mà chưa có một thông báo chính thức nào – hé ra ý có thể phục hồi mối quan hệ này, do đó cũng mang lại một tia hy vọng cho giới chóp bu Việt Nam bị cáo buộc đã dùng lực lượng mật vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ngay tại Berlin vào cuối tháng 7/2017.
Cũng khi đó đã phát ra một tín hiệu mơ hồ về một khả năng : nhằm vớt vát thể diện trước người Đức, phục hồi quan hệ đối tác chiến lược với nước này và quan trọng không kém là nhằm vận động quốc hội ở các nước Châu Âu bỏ phiếu thông qua EVFTA, Tổng bí thư Trọng đã tìm cách "cam kết" trả Trịnh Xuân Thanh cho Đức sau khi hoàn thành mục tiêu xử có án nặng đối với Thanh như một ý nghĩa ‘rửa mặt’.
Tuy nhiên, sau đó đã chẳng có thêm tín hiệu nào mới. Trong khi những cuộc đàm phán Đức – Việt vẫn giậm chân tại chỗ, Trịnh Xuân Thanh đã phải nhận hai án chung thân mà chẳng có hy vọng gì được ‘đoàn tụ với gia đình’ theo nguyện vọng của đại gia tham nhũng này.
Thậm chí vào tháng Mười Hai năm 2017, kết cục đàm phán Đức – Việt đã bế tắc đến mức cơ quan công tố Đức đã phải phát lệnh truy nã toàn Châu Âu đối với một nhân vật đặc biệt mà cơ quan cảnh sát Đức đã có cả hình ảnh chứng minh người này phụ trách chiến dịch bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Berlin : Trung tướng Đường Minh Hưng – Phó tổng cục trưởng Tổng cục An ninh thuộc Bộ Công an Việt Nam.
**********************
Phần 3
Vì sao Trịnh Xuân Thanh vẫn… chơi golf ở Đức ?
Vào năm 2018, thách thức đối ngoại mà đảng cầm quyền của Nguyễn Phú Trọng phải đối mặt còn khó khăn hơn so với năm 2017. Nếu không chịu nhượng bộ trong việc ‘trả Trịnh Xuân Thanh cho Đức’, ông Trọng có thể sẽ phải nhận thêm hậu quả về một cuộc khủng hoảng ngoại giao lan rộng giữa các nước Châu Âu với Việt Nam, không những tuyệt vọng về EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt nam- EU) mà còn có thể tuyệt giao về quan hệ ngoại giao, để khi đó số phận của chính thể độc đảng ở Việt Nam sẽ biến thành… Bắc Triều Tiên.
Sau vụ "bắt cóc Trịnh Xuân Thanh" đến nay, phần lớn trong số 28 nước Châu Âu đã dừng kế hoạch xem xét thông qua EVFTA. Ảnh : VOA Vietnamese
Cũng bởi thế, vào tháng Năm năm 2018 đã xuất hiện một số suy đoán cho rằng để xử lý khủng hoảng đối ngoại trên, ông Trọng đã chỉ đạo các cơ quan tư pháp ‘vận động Trịnh Xuân Thanh rút đơn kháng cáo’ ngay trước phiên xử phúc thẩm Trịnh Xuân Thanh, mà theo đó sau khi ông Thanh đã ‘yên tâm ở tù chung thân’, phía Việt Nam sẽ đàm phán với Đức để âm thầm trả Trịnh Xuân Thanh cho Đức theo hình thức ‘áp dụng luật đặc xá trong trường hợp đặc biệt để đáp ứng yêu cầu về đối nội, đối ngoại của Nhà nước’.
Luồng suy đoán trên cũng nêu ra cơ sở là với các nhà lãnh đạo Việt Nam, sau khi đã xử Trịnh Xuân Thanh, đặc biệt ‘ông anh’ của Trịnh Xuân Thanh là Đinh La Thăng, đã phần nào đáp ứng nguyện vọng "trừng trị những kẻ tham nhũng" trong một bộ phận dân chúng, cũng thể hiện được uy quyền "đốt lò" của mình. Con bài Trịnh Xuân Thanh đã hết hạn sử dụng, không nên là vật cản cho quan hệ hai nước Việt – Đức, đặc biệt quan hệ Việt Nam – EU. Hiệp định thương mai tự do Việt nam – EU phải được ký kết sớm, và cần giải toả con bài Trịnh Xuân Thanh càng sớm càng tốt.
Trịnh Xuân Thanh quan chức tham nhũng nhưng được ‘ăn theo’ nhân quyền Ảnh : Youtube
Như vậy, chỉ cần Chính phủ đề nghị, với lý do cần đáp ứng yêu cầu của nước Đức để sớm ký kết hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU, Chủ tịch nước sẽ ra lệnh đặc xá trong trường hợp đặc biệt đối với Trịnh Xuân Thanh. Bù lại, Trịnh Xuân Thanh cũng phải "xuống nước" rút kháng cáo kêu oan và chấp nhận mất một số tài sản khủng đứng tên con trai để thi hành án…
Tuy nhiên, đó chỉ là một suy đoán và mang tính giả thiết nhiều hơn. Trong thực tế, Hà Nội khá thường nuốt lời với quốc tế về vấn đề cải thiện nhân quyền, và càng chẳng có gì chắc chắn trong lời hứa của chính quyền này với đối tượng quan chức tham nhũng phải đi tù. Toàn bộ vụ Trịnh Xuân Thanh với kết quả đàm phán Đức – Việt gần như bế tắc cho tới tháng Năm năm 2018 là một minh chứng quá rõ để khiến giới chính khách Châu Âu hiểu thế nào là ‘lời hứa Việt Nam’.
Đến đầu tháng Sáu năm 2018 thì sự việc trở nên rõ hơn nhiều. Tờ Nhật báo Frankfurt Phổ thông (Frankfurter Allgemeine Zeitung – FAZ) của Đức cho biết Trịnh Xuân Thanh sẽ được trả tự do "trong thời gian tới đây". Dựa trên nhiều nguồn tin, tờ nhật báo này nói rằng chính phủ Hà Hội đã cam kết với nước Đức sẽ cho phép Trịnh Xuân Thanh xuất cảnh sang nước Cộng Hòa Liên bang Đức sau khi vụ xét xử một người giúp đỡ bắt cóc ở Berlin đi đến kết thúc.
Cũng theo thông tin của nhật báo này, một phần của sự nhượng bộ từ phía Việt Nam cũng là việc trả tự do cho luật sư Nguyễn Văn Đài.
Với những vụ trả tự do như thế, Hà Nội hy vọng sẽ cải thiện được quan hệ kinh tế với nước Đức và EU, báo FAZ tường thuật. Đại diện EU cũng nói với Hà Nội rằng việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do với Việt Nam vào đầu năm 2019 sẽ phụ thuộc vào sự chấp thuận của Đức trong Hội đồng Châu Âu. Thuộc vào trong số những nhượng bộ về ngoại giao của Việt Nam cũng là việc cải thiện những điều kiện giam giữ cho các tù nhân chính trị khác.
Từ giữa năm 2016, bàn cờ đối thoại và đàm phán về nhân quyền đã dần chuyển từ tay người Mỹ sang Liên minh Châu Âu. Còn sau vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’, có vẻ như người Đức duy lý, rất nguyên tắc và theo phương châm cứng rắn đang cầm chịch và cầm đằng chuôi trong phần lớn hoạt động và nội dung đàm phán nhân quyền, thậm chí đàm phán chi tiết ‘một đổi một’ với giới con buôn Hà Nội.
Có thể cho rằng nếu yêu cầu kiêm điều kiện của Đức về việc phải thả Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Thu Hà không được thỏa mãn, với tư cách là đầu tàu kinh tế và cũng là một trong những đầu tàu chính trị trong khối EU, Đức sẽ thẳng tay phủ quyết EVFTA và còn thể đưa vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh’ theo hướng quốc tế hóa và tạo ra thế triệt buộc đối với chính thể và một số quan chức cao cấp của Việt Nam.
Hai cái tên – một Trịnh Xuân Thanh quan chức tham nhũng nhưng được ‘ăn theo’ nhân quyền, và một Nguyễn Văn Đài nhà hoạt động nhân quyền – rõ ràng là những bằng chứng đầu tiên cho thấy chính thể độc trị ở Việt Nam bắt đầu phải nhượng bộ Chính phủ Đức nói riêng và EU nói chung về pháp quyền và nhân quyền.
Trước khi bị bắt cóc tại Berlin, Trịnh Xuân Thanh đã có một trải nghiệm ung dung nhàn nhã của giới thượng lưu : với một số ngoại tệ lớn đã tích góp được gửi trong ngân hàng Đức, hàng ngày ông ta rong chơi các nơi, uống bia và đánh golf cùng với vài người bạn Việt. Chỉ là nếu không dính dáng với cô bồ cũ, Thanh sẽ không tạo ra gót chân Asin khiến các mật vụ chuyên ngành bắt cóc của Việt Nam lần ra dấu vết và tóm gọn cả cặp.
Thiền Lâm
Nguồn : CaliToday, 05/07/2018