Trong ngày 10/07, diễn ra phiên tòa xét xử phúc thẩm sinh viên Trần Hoàng Phúc ; ông Vũ Quang Thuận và ông Nguyễn Văn Điển với tội danh Tuyên truyền chống nhà nước theo Điều 88 Bộ Luật hình sự 1999, sửa đổi 2009.
Cũng như các phiên tòa xử những tù nhân về chính trị khác, nhiều người không kỳ vọng sự thay đổi lớn lao về mặt bản án so với phiên tòa sơ thẩm. Cái chính vẫn là mong ngóng sức khỏe của tù nhân và lời nói sau cùng trước phiên tòa.
Dĩ nhiên, cả hai phản ảnh tâm thế cũng như tinh thần của những người tù nhân lương tâm. Và điều này càng quan trọng, khi mà những người muốn dành lấy quyền tự do – dân chủ cơ bản phổ quát ra tòa trong bối cảnh, người đỡ đầu nhân quyền – dân chủ trên thế giới là Hoa Kỳ vẫn đang mải mê với thương mại, đến mức, trên trang Facebook của Ngài đại sứ quán Hoa Kỳ chỉ hân hoan nhắc về thương mại, và mãi đến ngày 10/07, thì mới thấy đề cập đến 2 chữ 'nhân quyền'.
‘Đấu tranh – ra tòa - ở tù’ là điệp khúc thường thấy, và nó cũng biểu hiện rõ nét cho cái gọi là kịch bản ‘hốt và giam’ của chính quyền.
‘Đánh thức lương tri’ vẫn là điều cần thiết, nhưng câu chuyện lương tri nằm ở đâu trong phiên tòa vẫn là điều tranh cãi. Là ‘lương tri’ của những người phán quyết, không, có lẽ những người cầm cân nảy mực không quá đau đầu hay tự vấn lương tri trong phiên xử tù chính trị - ít nhất là khi nó là án bỏ túi. Nhưng lương tri của những người bên ngoài phiên tòa, những người vẫn còn im lặng mới là điều hướng tới, họ sẽ nghĩ như thế nào, và sẽ làm gì trước những bản án bất công dành cho chàng sinh viên Trần Hoàng Phúc, hay một doanh nhân như ông Vũ Quang Thuận, hay một công dân luôn nghĩ về sự tự do được bảo hiến - Nguyễn Văn Điển ?
Đó có phải là sự tiếp tục im lặng… để cái bất công tiếp tục được trải dài và tung hoành trên Việt nam ; để tiếng nói yêu tự do và quyền cơ bản phổ quát tiếp tục là món hàng thương mại ; hay để giá trị làm người tiếp tục bị bẻ quặt bởi chính những con người ?
Câu hỏi tiếp theo sẽ là sự lựa chọn của ba người sau phiên tòa hôm nay là sao ? Là chấp nhận tỵ nạn hay ngồi cho trọn vẹn các năm tù ? Dù lựa chọn như thế nào đi chăng nữa, thì suy cho cùng nước Việt hay thậm chí cả phía chính quyền đã thua khi phán quyết bất công được vang lên. Bởi những người bị bắt giam trước hết họ đã là những công dân trung thực nhất và dũng cảm nhất ; sự dũng cảm và trung thực đã tạo hình từ chính lương tri con người nhất bên trong họ,… Và chính tính lương tri này đã tạo nên những con người thực sự hành động về mặt tư tưởng và hành vi. Cũng như chính yếu tố đó là cơ sở để xây dựng một quốc gia thực sự giàu mạnh trên tâm thế đứng thẳng - chẳng phải, Hoa Kỳ hùng mạnh như ngày hôm nay chính từ những con người dũng cảm đó sao ?
Điều mâu thuẫn và đau lòng là người tù chính trị ‘tỵ nạn’ hay bị ‘giam cầm’ ; thì cũng chính là góp phần khiến cho việc xây dựng sự giàu mạnh đứng thẳng đó tiếp tục bị ‘treo giò’. Và điều này càng khiến cho công cuộc xây dựng quốc dân trong quốc gia đó theo hướng ‘thẳng tính người và lương tri’ trở nên bế tắc. Khi ‘bế tắc’, thì đồng nghĩa với việc còn lại lớp quốc dân ươn hèn và sống mòn ngày qua ngày. Trong khi những quốc gia tiếp nhận người tỵ nạn chính trị vì đấu tranh nhân quyền lại ngày càng giàu mạnh bởi họ tiếp nhận được tinh hoa của chính quốc gia độc tài đã tìm cách đẩy đi. Và như thế, ‘chất xám’ nhân quyền tiếp tục chảy máu, trong sự thiếu nhận thức của thuộc tính quốc dân và giới cầm quyền. Để lại một đất nước, mà ngay cả giới trẻ cũng chỉ là 'những người trẻ ẻo lả' (theo ý Ls Luân Lê) với sự rỗng tếch về 'tri thức, yếu đuối khí chất và cạn nông tinh thần'.
Phiên tòa ngày 10/07, tiếp tục sẽ là phiên tòa bất công như hàng trăm phiên tòa trước đó ứng xử với người đấu tranh nhân quyền. Nhưng từ tận sâu trong giá trị cốt lõi tìm kiếm ánh sáng trong cuối đường hầm đen tối của dân tộc, người viết vẫn còn mong sự đánh thức lương tri sau phán quyết phiên tòa, ở những người đang sợ hãi, ở những người còn im lặng và bàng quan với thời cuộc. Rằng, giá trị ‘nặng nề’ của bản án phiên tòa trở thành bài học để tự bẻ ngoặt quốc tính bên trong mình, rằng cuộc phán xét ngày 10/07 là phán xét về tính lương tri con người và những người đứng trước phiên tòa không phải là tội phạm, mà là tù nhân lương tâm.
Ánh Liên
Nguồn : VNTB, 10/07/2018
Bạn trẻ Trần Hoàng Phúc là người nhiệt huyết và tích cực trong nhận thức chính trị, bày tỏ lòng yêu nước như một người chính trực và có tri thức, ôn hòa và có trách nhiệm với xã hội cũng như tương lai đất nước. Bạn trẻ ấy đang phải đối diện với mức án 6 năm tù giam, nhưng trong một trạng thái tinh thần lạc quan và nhẹ nhàng. Đó là điều đáng quý và cũng là đáng trọng đối với một công dân đã trưởng thành, nhất là với vị thế một người thuộc thế hệ trẻ của quốc gia.
FB Ls Luân Lê